Ấn Độ, luật quốc tịch mới, và mâu thuẫn tôn giáo

SÁNG ÁNH 01/04/2024 10:09 GMT+7

TTCT - Năm 2019, Quốc hội Ấn Độ thông qua Đạo luật bổ sung về quốc tịch (Citizenship Amendment Act, tức CAA) gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là với cộng đồng Hồi giáo đông đảo ở nước này.

Ảnh: The Print

Ảnh: The Print

CAA cho phép người vào Ấn Độ dù có phép hay trái phép trước 2014 đều được nhanh chóng vào quốc tịch trên căn bản tôn giáo: Người được phép nhập tịch muốn theo đạo gì cũng được, trừ đạo Hồi.

Ấn Độ theo hiến pháp 1947 là quốc gia thế tục và đa tôn giáo, không phân biệt. CAA như vậy vi phạm nguyên tắc lập quốc. Dù được chính quyền trình bày là một đạo luật nhân đạo giúp hợp thức hóa thành phần tị nạn và sống chui, CAA lại bị người Hồi tại Ấn Độ coi là kỳ thị tôn giáo của họ. 

Nó gặp phải sự chống đối dữ dội và biểu tình gây hỗn loạn khiến cả ngàn người bị bắt và trên 50 người thiệt mạng. Chính quyền bèn tạm thời không áp dụng đạo luật này và treo nó, không ban hành tức khắc.

Một thực trạng và lịch sử rối rắm

Năm 2021, thống kê tôn giáo ở Ấn Độ như sau: Ấn giáo 79,8%, Hồi 14,2%, Kitô 2,3%, Sikh 1,7%, các tôn giáo khác dưới 2%. Vì dân số Ấn là 1,4 tỉ người, nên với 200 triệu người theo đạo Hồi, Ấn Độ là quốc gia nhiều người Hồi thứ ba trên thế giới, chỉ sau Indonesia (230 triệu) và Pakistan (210 triệu).

Biểu tình chống CAA ở New Delhi. Ảnh: Getty Images

Biểu tình chống CAA ở New Delhi. Ảnh: Getty Images

Ngoài chuyện tôn giáo, về mặt sắc tộc, Ấn Độ còn có 120 triệu người được xếp vào thành phần dân tộc thiểu số. Trong số này, 104 triệu được coi là Ấn giáo, tuy phần nhiều họ không theo chế độ đẳng cấp và thờ cúng theo tập tục truyền thống riêng. Bức tranh dân tộc và tôn giáo đã rối rắm càng thêm phức tạp về mặt chính trị.

Nhắc lại, trước độc lập thì cả tiểu lục địa Ấn Độ thuộc đế quốc Anh. Sau 1947, nó bị chia thành hai phần: Pakistan đa số Hồi giáo và Ấn Độ đa số Ấn giáo. Cuộc chia cắt này đẫm máu, khiến 1 triệu người thiệt mạng, 10-20 triệu người phải bỏ nhà ra đi, từ Đông sang Tây hay từ Tây sang Đông tùy theo tôn giáo.

Pakistan lúc đó còn lâm vào hoàn cảnh địa lý trái khoáy: một quốc gia chia làm hai phần tách rời, Tây Pakistan và Đông Pakistan cách nhau 2.000km, như một cặp vợ chồng có ông Ấn nằm trên giường ở giữa, nên rồi phải chia tay nhau thôi. 

Năm 1971, phần Đông Pakistan độc lập với phần Tây sau một cuộc chiến tranh ly khai để trở thành Bangladesh.

Bangladesh độc lập ngày 25-3-1971, cũng là ngày chí ít có 4 triệu người "vô quốc gia" phải nhớ. Bang Assam ở đông bắc Ấn Độ là bang sắc tộc thiểu số (32 triệu người). Trước độc lập thì tại đây ngoài sắc tộc địa phương Assam, còn có nhiều người dân tộc Bengali sinh sống và thành phần ngụ cư này thuộc cả Ấn giáo lẫn Hồi giáo. 

Đây là chuyện bình thường vì dưới thời thực dân thì đâu cũng thuộc quản lý và cai trị của Anh quốc cả, và người Bengali miền xuôi kiếm sống ở chân các rặng núi của người sắc tộc miền ngược.

Tình trạng này tiếp tục sau độc lập 1947 và cả sau khi Bangladesh tách khỏi Pakistan. Đến 2016, bang Assam ra lệnh cập nhật sổ quốc tịch (National Registry of Citizens, NRC): Ai không chứng minh được là đã có mặt tại bang này trước ngày 25-3-1971 sẽ bị trục xuất. 

Họ về đâu? Bangladesh không chịu nhận vì tuy đó là dân tộc Bengali, nhưng sinh sống ở Ấn và không có quốc tịch Bangladesh.

Không phải Ấn cũng không phải Bangladesh, số 4 triệu người ở bang Assam này trở thành vô quốc gia. Tất nhiên, nhiều người họ không chứng minh được hộ tịch hay điền thổ trước 1971, cả đời chỉ có gằm mặt cày cuốc đất mà ăn thì có giấy tờ chứng minh gì? 

Chính quyền liên bang của Đảng BJP và Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi dọa sẽ cập nhật NRC (được lập năm 1951) và kiểm kê lại quốc tịch trên toàn quốc. Đây là để chiều thành phần quốc gia chủ nghĩa ở Ấn.

Người tị nạn rời Bangladesh để về Ấn Độ năm 1971. Ảnh: awazthevoice.in

Người tị nạn rời Bangladesh để về Ấn Độ năm 1971. Ảnh: awazthevoice.in

Đạo luật nhiều tranh cãi

CAA gặp chống đối trước tiên không phải từ người Hồi, mà là từ các sắc tộc miền núi của các bang như Assam. Họ mới định đuổi người dân tộc Bengali ra khỏi bang thì chính quyền liên bang lại ra luật cứu vớt. 

Vì chính quyền muốn đuổi người "nước ngoài", nhưng giữ lại thành phần Ấn giáo! Trong trường hợp này, ta thấy thành phần dân tộc Bengali đến Assam định cư sau 1971 nhưng trước 2014 và đang vô quốc gia sẽ được vào quốc tịch nếu không phải đạo Hồi. 

Chỉ có người đạo Hồi sẽ vô quốc gia thôi. Cho nên người Hồi tại Ấn cũng chống đối CAA. Tóm tắt: các bang sắc tộc miền núi chống CAA vì vớt người họ đang muốn đuổi, còn người Hồi bất bình vì bị phân biệt đối xử. Trước các phản ứng này, CAA hoãn được ban hành.

Thế tại sao đã hoãn, ngày 11-3 vừa qua lại mang ra áp dụng? Đó là vì từ 19-4 trở đi sẽ có bầu cử Quốc hội Ấn. Đảng BJP cầm quyền như vậy vuốt má cử tri Ấn giáo của họ, bằng cách gây mâu thuẫn với thành phần Hồi trong nước. 

Trong 10 năm cầm quyền qua hai nhiệm kỳ Quốc hội, chính quyền Modi đã có những hành động bài Hồi có tính cách biểu tượng như dựng chùa Ấn trên nền đền Hồi hay dung túng bạo lực của quần chúng Ấn giáo chủ nghĩa như các biệt đội bảo vệ bò (bị Hồi ăn thịt) hay giải cứu thiếu nữ Ấn (bị trai Hồi hớp hồn).

Ngày 22-1 vừa qua, ông Modi khai trương đền thờ thần Ram tại bang Uttar Pradesh, được xây trên nền cũ của một đền Hồi bị những người cực đoan Ấn giáo phá năm 1992. Sự việc rầm rộ này được thủ tướng nâng lên hàng "kỷ nguyên mới". 

Ông là người Ấn giáo chủ nghĩa (Hindutva) và Đảng BJP từ 117 đại biểu (nhiệm kỳ Quốc hội 2009) lên 282 (đa số là 272) năm 2014 và 290 năm 2019. Đảng đối lập Quốc đại truyền thống trong hai nhiệm kỳ qua chỉ có 46 và 44 đại biểu và thấy khó nhúc nhích gì trong tình trạng thế này.

Tâm lý bài Hồi tại Ấn Độ một phần thể hiện qua tranh chấp và chia cắt bang Kashmir giữa Pakistan và Ấn Độ. Đây trước là vương quốc dân chúng đa số Hồi nhưng vương tộc lại là Ấn giáo, nên khi độc lập đã chọn theo về với Ấn, thay vì với Pakistan. 

Chiến tranh tại Kashmir vẫn âm ỉ từ đó khiến có lúc quân đội Ấn có mặt ở đây lên đến 350.000 - 700.000 người, trong khi dân số địa phương chỉ có 7 triệu. Vấn đề Kashmir này đã khiến hai nước Nam Á xung đột ba lần trong các chiến tranh 1947, 1965 và 1999.

Ảnh: The New Arab

Ảnh: The New Arab

Mâu thuẫn tôn giáo

Về mặt xã hội, việc bảo vệ bò chẳng hạn, từng gây rất nhiều chuyện nghiêm trọng. Từ lúc BJP cầm quyền, đã có 79 sự cố đếm được về chuyện này, tức là hô hoán hay bắt được người Hồi giết bò, ăn thịt bò, chuyên chở xương bò, xác bò... Các sự cố xô xát, biểu tình, bạo lực đã khiến 43 người thiệt mạng, nhà cửa hay nhà hàng đây kia bị đốt phá chứ chẳng đùa.

Nhưng tâm lý bài Hồi được phổ biến nhiều nhất qua hiện tượng "Thánh chiến tình yêu" (Love Jihad hay Romeo Jihad) trong dư luận. Phía người Ấn giáo cực đoan có dư luận cho rằng đang tồn tại chiến dịch dụ dỗ thiếu nữ Ấn giáo lấy chồng Hồi và cải đạo, và ngoài cô vợ biết múa ra, anh Romeo Hồi còn được tiền thưởng lên đến 12.000 USD! 

Có bang còn toan ra luật cấm hay hạn chế hôn nhân dị giáo. Một đại biểu Quốc hội từng đòi cấm các thiếu nữ sử dụng điện thoại di động vì cho đó là công cụ để họ thầm thì khi trời tối và lúc trăng lên với trai Hồi. Có tổ chức Ấn giáo cho rằng 30.000 thiếu nữ Ấn bị sa lưới tình lừa gạt. 

Đây là bối cảnh khiến đạo luật CAA bị người Hồi phản đối. Nói qua, Hồi giáo có mặt tại miền nam Ấn Độ ngay từ thế kỷ 7 qua đường buôn hàng hải, huyền thoại còn cho rằng đã có người Ấn theo đạo ngay từ thời thiên sứ đạo Hồi còn sống, tức Hồi giáo gắn liền với tiểu lục địa từ ngày đầu qua con đường trao đổi gió nồm đã có từ ngàn xưa.

Đế chế cuối cùng ở Ấn Độ trước thực dân Anh là đế chế Hồi giáo Moghul. Người Hồi tại Ấn cho rằng đó là đất nước họ và lăng Taj Mahal chẳng hạn là công trình "Hồi giáo". Về mặt chủng tộc, người Hồi không khác người Ấn giáo. 

Thí dụ, một xét nghiệm ADN trên 1.000 mẫu lấy từ người Hồi Shia, Sunni và Ấn giáo cho thấy chỉ có 14 trường hợp (1,4%) mang chút gốc Ba Tư, Ả Rập hay Trung Á.

Nhưng CAA chính thức hóa sự kỳ thị của một xã hội đang muốn tuyệt đối Ấn giáo từ 10 năm qua và loại trừ người đạo Hồi khỏi quốc gia. Nó đặt ra để đi chung với chủ nghĩa bài ngoại và chống thành phần nhập cư trái phép. Nếu áp dụng CAA thành công và bầu cử thắng lợi, hẳn sẽ có luật cấm lấy chồng Hồi như đã dự tính ở vài bang. Người Hồi ở Ấn Độ sẽ ngột ngạt hơn. ■

Năm 2022, một đại biểu và chủ tịch Đảng BJP tại Uttar Pradesh từng đòi điều tra lăng (Hồi) Taj Mahal. Điều tra cái gì? Để có thể đòi bồi thường? Bồi thường ai? Lăng Taj Mahal là tài sản quốc gia mà?

Bà đòi vậy mù mờ vì theo bà Taj Mahal được vương Hồi xây dựng trên miếng đất trước đó của một vị chúa Ấn giáo. Đòi hỏi này vô nghĩa nhưng nó thỏa mãn nhu cầu bài Hồi của quần chúng Hindutva. Di tích lịch sử nổi tiếng nhất của Ấn Độ (theo bà nọ là "ai cũng biết") lại được xây dựng trên đất, hình như là "chưa bồi thường thỏa đáng".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận