Ấn Độ - Thái Bình Dương 2021: Những chuyển động dồn dập

DANH ĐỨC 10/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Năm 2021 đã qua giữa đại dịch COVID hoành hành Đông Nam Á. Song, không vì thế mà tình hình Biển Đông nói riêng và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung bớt phức tạp.

Một động thái lớn của năm qua từ Trung Quốc làm leo thang căng thẳng là ban hành Luật an toàn giao thông hàng hải của nước này, dẫn tới việc một số nước liên đới buộc lòng phải phản ứng hòng cân bằng lại đôi chút tình hình.

Ví dụ về một hợp tác trên biển

Tất nhiên, các nước khác trong khu vực phải có sự đáp trả của mình, tuy có thể chưa tương ứng vì vấn đề nguồn lực và tiềm lực, nhưng chắc chắn cho thấy rõ là họ không hề im lặng. 

Một ví dụ là khóa học nâng cao nhận thức biển thuộc khuôn khổ Trung tâm Ngoại giao biển (MDC) từ ngày 6 tới 10-12-2021, do Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao cùng Đại sứ quán Anh và Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đồng tổ chức. 

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã tới hoạt động dài ngày ở Đông Nam Á trong năm 2021. Ảnh: AP

Việc thành lập MDC là nhằm nâng cao năng lực biển cho các nhà nghiên cứu, hoạch định và triển khai chính sách biển; tăng cường hợp tác quốc tế của Việt Nam về an ninh biển; và góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam.

MDC không chỉ là một trung tâm đào tạo, mà theo đại diện Đại sứ quán Anh Steve Taylor, còn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác về an ninh biển của Việt Nam với Anh và các đối tác quốc tế. 

Đại sứ quán Anh cũng nói sẽ tiếp tục ủng hộ các hoạt động của trung tâm trên tinh thần thỏa thuận Đối tác an ninh biển Anh - Việt ký kết hồi tháng 7-2021. Thỏa thuận này là một sự đào sâu quan hệ đối tác chiến lược hai nước được thiết lập từ năm 2010.

Trong 10 năm qua, quan hệ giữa Anh và Việt Nam ngày càng phát triển. 

Nhiều cuộc trao đổi cấp bộ trưởng đã diễn ra, gần đây nhất là ông Dominic Raab - ngoại trưởng phụ trách các vấn đề đối ngoại và khối Thịnh vượng chung (đã lên làm phó thủ tướng từ tháng 9-2021), và ông Ben Wallace - bộ trưởng quốc phòng - lần lượt thăm Việt Nam vào tháng 6 và tháng 7-2021. 

Cần nhắc, Anh quốc có tiềm lực của một siêu cường trên biển từng thống trị các đại dương suốt một thế kỷ.

Sự nhấn mạnh mối quan tâm tới Việt Nam thể hiện qua việc hai chuyến thăm của các ông Raab và Wallace chỉ cách nhau một tháng, trong đó cả hai đều khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Anh tại khu vực, cũng như bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác song phương toàn diện cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng… 

Cần nhắc tiếp, Anh hiện đã Brexit và có những điều chỉnh chính sách “hướng ngoại” hơn ra khỏi châu Âu, cụ thể là đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Về sự đào sâu quan hệ đối tác này, tổ chức Hội đồng Địa chiến lược (Council on Geostrategy, COS) của Anh nhận xét: 

“Với sự việc Vương quốc Anh “nghiêng mình” qua Ấn Độ - Thái Bình Dương, hai nước chia sẻ nhiều lợi ích liên quan đến khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là trong việc duy trì một trật tự quốc tế ổn định và cởi mở”. Phân tích của COS có đoạn cho thấy Anh quan tâm gì và đến đâu với Việt Nam: 

“Trong khi hoạt động kinh tế là tối quan trọng trong mối quan hệ, không thể bỏ qua bối cảnh chiến lược và quốc phòng đang phát triển". 

"Cả hai nước đều phụ thuộc vào khả năng tiếp cận mở với các tuyến hàng hải. Vương quốc Anh chia sẻ nhiều mối quan tâm của Việt Nam về hành động của CHND Trung Hoa ở Biển Đông”.

Phân tích của COS viết tiếp về Việt Nam: “Với tư cách một “cường quốc hạng trung” bên cạnh một láng giềng lớn và tham vọng hơn nhiều, Việt Nam tiếp tục đề phòng những căng thẳng trong khu vực bằng cách tìm kiếm sự quân bình và cân bằng trong mạng lưới các đối tác hữu nghị của mình trên toàn hệ thống quốc tế”. 

Nhận xét này ăn khớp với đường lối “ngoại giao cây tre” đã được quán triệt ở Hội nghị Đối ngoại toàn quốc của Việt Nam diễn ra ở Hà Nội hôm 14-12-2021.

Có thể bổ sung: Việt Nam đã lập quan hệ đối tác chiến lược với Anh từ năm 2010, như từng thiết lập quan hệ tương tự với Nhật Bản, Hàn Quốc, và Tây Ban Nha trước đó một năm, với Đức và Ý năm 2011, và với Pháp năm 2013, trong giai đoạn mà quan hệ với Trung Quốc chưa gặp nhiều khúc mắc như sau này, giai đoạn mà từ ngữ “đối tác chiến lược” dễ bị dòm ngó và suy diễn. 

Tương tự, quan hệ đối tác chiến lược Úc - Việt đã được khẳng định vào năm 2018.

Những điểm mới của 2021

Sự vận động trong khu vực tất nhiên không chỉ có một mình Việt Nam. Philippines năm qua, năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Rodrigo Duterte, cũng đã nhận ra rằng chính sách “xoay trục” sang cải thiện quan hệ với Trung Quốc không mang lại mấy kết quả thực tế. 

 
 Một tàu hải cảnh của Trung Quốc (trên) và tàu tiếp tế của Philippines đụng độ ở gần bãi cạn Thomas. Ảnh: AFP

Tờ Philstar vào cuối năm đã tổng kết chỉ trong năm 2021, Manila đã phải đối phó với ít nhất 183 sự cố trên biển liên quan tới Trung Quốc, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao nước này Teodoro Locsin Jr nói việc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiện “chẳng đi tới đâu”.

Chính trong bối cảnh đó mà vào cuối năm, giới chuyên gia khu vực đã nói tới một tiểu nhóm liên minh của các nước ASEAN hiện có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông: Philippines, Malaysia, Brunei, và Việt Nam. 

Indonesia cũng có thể sẽ cân nhắc tham gia vì những quan ngại của họ với quần đảo Natuna, nơi cũng thường xuyên bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu. 

“Tôi thấy hay nhất là các nước đó có thể hành động độc lập với ASEAN. Chủ nghĩa đa phương mini là con đường duy nhất”, Rappler ngày 29-12 dẫn lời Zachary Abuza - chuyên gia về Đông Nam Á ở Đại học Chiến tranh quốc gia Mỹ, Washington.

Antonio Carpio - cựu thẩm phán Tòa tối cao Philippines - đồng ý: “Năm nước ven biển ASEAN bị ảnh hưởng bởi đường chín đoạn của Trung Quốc cần hình thành một liên minh chống lại thế bá chủ và sự bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông". 

"Quan ngại khẩn thiết nhất với ASEAN là yêu cầu Trung Quốc tôn trọng lãnh hải của 5 nước ASEAN ven biển theo quy định của UNCLOS, mà Trung Quốc và tất cả các nước ASEAN ven biển đều là thành viên”.

Trong khi thế áp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông là một thực tế, thì việc vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa là một thực tế khác cũng không thể phủ nhận. 

Năm 2021 lại chứng kiến hàng loạt các chuyến thực thi tự do hàng hải của tàu bè và máy bay quân sự nhiều nước trên vùng biển này, dẫn đầu là Mỹ, và cả những cường quốc hàng hải quen thuộc như Anh, Pháp, Nhật Bản.

Nhưng năm 2021 chứng kiến hai sự kiện “đầu tiên” khác, đều diễn ra vào cuối năm, cho thấy Biển Đông nhận được sự quan tâm ra sao và đã trở thành một vấn đề đa phương thế nào. 

Đầu tiên, hạ tuần tháng 12, tàu khu trục của Đức Bayern đã cập cảng Singapore trong một nhiệm vụ kéo dài 6 tháng ở châu Á - Thái Bình Dương. Tàu sẽ đi qua Biển Đông, lần đầu tiên một tàu chiến Đức được triển khai ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong gần 20 năm.

Trước đó chỉ hai tuần lễ, Nga có cuộc tập trận hải quân đầu tiên với ASEAN kéo dài ba ngày. Cuộc tập trận diễn ra ngoài khơi Bắc Sumatra, Indonesia, có sự tham gia của 8 tàu chiến và 4 máy bay của Nga, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, và Brunei. 

Giới phân tích nhanh chóng diễn giải động thái này là lời khẳng định của Nga rằng họ cũng là một bên có liên quan ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung, và Biển Đông nói riêng. Cần nhắc, vào tháng 4-2021, Nga đã xác nhận sẽ xây một căn cứ không quân cũng như hỗ trợ huấn luyện quân sự cho Lào.

“Nga chắc chắn không muốn thấy nước nào, dù là Mỹ hay Trung Quốc, nắm được ưu thế áp đảo ở các tuyến hàng hải huyết mạch Đông Nam Á”, Manila Times dẫn lời một nhà phân tích nói sau cuộc tập trận. Báo này cũng nhận định: 

“Nếu hành động khôn ngoan, ASEAN có thể trở thành một cực lớn thứ tư trong cuộc chơi quyền lực đang định hình vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Khối 10 nước này tạo thành một nhóm sẽ hưởng lợi hoặc chịu thiệt hại bởi cuộc giành giật giữa những người khổng lồ chính trị xung quanh họ”. 

Bởi bối cảnh đó, “trung lập là từ khóa và là điều ASEAN phải khẳng định. Trong quá khứ, ASEAN từng tổ chức tập trận hàng hải riêng với Trung Quốc và Mỹ. Cuộc tập trận gần đây với Nga gửi đi tín hiệu mạnh mẽ rằng ASEAN sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào tôn trọng sự trung lập của họ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận