Ẩn sau những bông lơn

TRẦN QUỐC TÂN 06/11/2013 08:11 GMT+7

TTCT - Để viết ra tác phẩm bằng giọng bông đùa cố ý không chỉ cần cái nhìn xách mé và vài thủ đoạn đẩy tình tiết lên cao trào rồi xô nhân vật xuống vực thẳm, mà trên cả là sự thông hiểu những mối rung cảm sâu xa, nỗi buồn, bi kịch và nước mắt.

Phóng to

Đã từ rất lâu văn học Việt Nam thiếu vắng một giọng bông đùa. Có lẽ phải tính từ Phạm Thị Hoài với những truyện ngắn trong tập Man nương (như Thuế biển), hay Nguyễn Việt Hà với tiểu thuyết Cơ hội của Chúa.

Đó là cái cười nhạo tươi trẻ, bật ra từ những đứt gãy thẳm sâu của một thế hệ sống trong không gian bí bách, dẫu rằng để cảm được chất cười của họ, người đọc cần chút trải nghiệm hay hồi tưởng về cái thời quan niệm một tình yêu đẹp là cái nắm tay bên hồ Bảy Mẫu, hay dư vị trà chiều hậu bao cấp chông chênh nhưng nhiều kỷ niệm.

“Những giọng viết bông đùa, châm biếm đang thổi một sự “đùa nhẹ” vào không gian xơ cứng, gồng mình và quá nhiều chỉ bảo về đạo đức của văn học”

Giờ đây, vượt qua khó khăn về vật chất, người ta trở lại với cách nghĩ văn chương là cái gì ghê gớm lắm, phải “ưu thời mẫn thế”, gồng gánh cõi đa mang, phải ngân vang và điệu đàng. Thế là văn học trở nên cũ, giống như chiếc bánh phồng tôm rán rồi để quá lâu mà trở nên dai nhách.

Mấy tuần qua, thật trùng hợp là vài tác phẩm văn học dịch với giọng bông đùa và châm biếm bỗng nhiên xuất hiện cùng lúc. Người đọc có thể gán cho chúng nhiều tính từ: ba hoa mà duyên dáng, lảm nhảm nhưng không se sua, từ nhắng đến siêu nhắng... nhưng có điểm chung là chúng thổi một sự “đùa nhẹ” vào không gian xơ cứng, gồng mình và quá nhiều chỉ bảo về đạo đức (dẫu cho đạo đức cũng phải thật đẹp!) của văn học nước nhà.

Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất của nhà văn Thụy Điển Jonas Jonasson (Phạm Hải Anh dịch, NXB Trẻ) mở đầu bằng hình ảnh bất ngờ: ông cụ Allan Karlsson vào đúng sinh nhật thứ 100 mở cửa sổ phòng mình ở tầng trệt nhà già thị trấn và bước ra ngoài luống hoa, trốn biệt.

Ông kết bạn với tên siêu trộm không ai muốn dây, chủ nhân quầy bánh kẹp, một phụ nữ tóc đỏ chửi thề luôn miệng và chú voi đồng cảnh ngộ. Họ trải qua những tình tiết ly kì, bí hiểm và không thể nhảm nhí hơn, như khiến một tên sát thủ nhóm Never Again chết thảm trong đống phân voi.

Ở mạch truyện thứ hai, độc giả gặp lại Allan Karlsson từ thời trai trẻ vô lo đến những năm tháng thăng hoa chính trị, phần lớn nhờ tình cờ. Câu chuyện gợi nhớ đến Vi Tiểu Bảo trong Lộc đỉnh ký của Kim Dung, chỉ khác ở chỗ ông Allan hồn nhiên và nói dối như cuội, thậm chí còn chẳng biết tư tưởng hay chính trị là gì.

Nếu như cuộc phiêu lưu của Vi Tiểu Bảo xoay quanh con đường “phản Thanh phục Minh” của Thiên Địa Hội và những cô gái bạo yêu cậu gặp trên đường, chuyến chu du của ông Allan trăm tuổi kéo dài gần hết thế kỷ 20, từ hai cuộc thế chiến đến chiến tranh Triều Tiên và xung đột hạt nhân, nhưng không gặp phụ nữ nào đáng nhớ, trừ xơ Alice trông nom nhà già và Tống Mỹ Linh mà ông có dịp đôi co ngày trẻ.

Tuổi già là sự tích lũy của một thái độ sống. Đến khi cuối đời, Allan mới bộc bạch hai điều ông làm tốt hơn tất thảy người khác: làm vodka bằng sữa dê và lắp một quả bom nguyên tử.

Phóng to

Với Vĩnh biệt các gangster của Genichiro Takahashi (Mộc Miên dịch, Nhã Nam & NXB Thời Đại), từng gây xôn xao văn đàn Nhật khi ra mắt năm 1982 nhưng đến nay mới có bản dịch tiếng Việt, chất bông đùa thể hiện trước tiên ở sự phá cách về thể loại: sự pha trộn một chút truyện tranh manga, siêu tưởng, rồi chick-lit. Bằng thứ ngôn ngữ bình dân, nhắng nhít, tác giả đem ra đàm tiếu chuyện người ta xem đời sống kỳ dị của những nhà thơ là thoái hóa.

Kỳ dị nhưng có tư chất, nhân vật chính, một giáo viên Trường Thơ, làm bài thơ đầu tiên năm 3 tuổi ca ngợi cái bô nhựa hình con vịt. Người duy nhất chấp nhận và cảm được thơ anh ta là mẹ: “Đọc bất kỳ bài thơ nào của tôi, mẹ cũng nghĩ là tôi đang xin tiền” (tr.49).

Bè lũ gangster không được miêu tả sắc nét mà chỉ là cái bóng lướt qua, đôi khi xuất hiện trên báo hay qua âm thanh nhặng xị trên tivi, “nơi các diễn viên la hét, tụt quần, tranh cãi về trách nhiệm chiến tranh với bọn xã hội đen” (tr.25). Đứng đối diện với nhà thơ vô danh, chúng hóa thành những kẻ nhạt nhòa, ngờ nghệch. Vĩnh biệt các gangster là vĩnh biệt đặc quyền xen vào các giấc mơ phi lý, vĩnh biệt sự tùy tiện bản năng, vĩnh biệt trái tim trốn chạy.

Phóng to

Trái với trò đùa xóa nhòa chi tiết của Genichiro Takahashi, Frédéric Beigbeder thổi vào Kẻ ích kỷ lãng mạn (Phùng Hồng Minh dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học) giọng hài hước tự tin của một tay chơi đầy sĩ diện, không giấu giếm bất cứ trò thô lậu hay sở thích quái đản nào.

Có thể đọc cuốn sách ở bất kỳ trang nào, vì đây không phải tác phẩm tự truyện hay tiểu thuyết mà là những trang nhật ký của một kẻ ăn chơi, không phải “tên vô lại, không phải đồ rác rưởi hay bất lương”, chỉ là đôi khi gian ngoan và giảo hoạt.

Tiêu chuẩn trở thành kẻ ích kỷ lãng mạn rõ ràng là khắc nghiệt, bởi tư chất của hắn ta nằm ở gu thẩm mỹ độc tôn, từ sách, nhạc, họa, phụ nữ đến cả những món ăn vặt. Chẳng hạn, hắn gọi món gà rưới Coca-Cola nướng là “món ăn vừa ngon, vừa ngu ngốc”.

Ba cuốn sách với giọng văn cợt nhả đào sâu vào ba giai đoạn gàn dở của đàn ông. Nhân vật chính trong Vĩnh biệt các gangster không có tên và sống với dòng hồi tưởng về những năm tháng ngụp lặn trong thơ: “Viết bằng trí tưởng tượng, là sẵn sàng giơ đầu hứng đạn” (tr.41). Thời điểm ý nghĩa nhất trong đời anh ta là được phong “thánh thơ” ngoài hành lang cửa lớp năm 17 tuổi.

Còn trong Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất, Allan Karlsson từ bé được dạy rằng phải nghi ngờ những ai không uống rượu, cảm thấy mình càng già càng ngây thơ và không thể chết như cách người khác muốn, đành chọn cách chuồn ra ngoài với mục đích đầu tiên là lẻn đến cửa hàng rượu quốc doanh. Nghĩ là làm ngay tắp lự.

Hoặc gàn dở như Frédéric Beigbeder ở lứa tuổi trung niên phù phiếm và nghiệt ngã. Đôi khi chỉ là sự bông đùa, nhưng gã đã mong manh thật sự khi thú nhận mình không chịu nổi cảnh mọi người cứ nghe mãi nhạc nền phim Amélie Poulain hay các phóng viên nước ngoài cứ nhầm gã với Éric-Emmanuel Schmitt, một nhà văn Pháp đình đám khác.

Cả ba tác giả nam giới đều dành những tình cảm gần như tôn thờ với người phụ nữ. Đàn ông có thể hóa thành kẻ thua cuộc nhưng phụ nữ thì không. Họ được Chúa ban cho phẩm tính tạo ra thế giới, cứu vớt đàn ông khỏi những tranh cãi vô bổ, giống như Người Đẹp chửi thề luôn miệng nhưng lại làm mẹ toàn thời gian cho một con chó và một con voi trong Ông trăm tuổi...

Ý tứ ấy cũng xuất hiện trong lời tên chủ quầy bánh kẹp Benny khi khuyên chánh thanh tra Aronsson đọc Phúc Âm John trong Kinh thánh. Đó là đoạn về một ả phạm tội ngoại tình bị xử ném đá, Chúa khuyên giải rằng ai vô tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước.

Còn trong Kẻ ích kỷ lãng mạn, sự tự tin của gã ăn chơi thể hiện ở chỗ dù gọi những ả ghen tuông cau có của mình là “cục dồi hung hãn” hay cô nàng điên rồ nhiều mặc cảm, nhưng sau rốt gã vẫn coi phụ nữ sinh ra là sinh vật thượng đẳng, chỉ có bọn đàn ông trơ lì, lỗ mãng mới kiến giải theo cách khác đi. Tác giả cay đắng thừa nhận: “Một phụ nữ không chịu nổi tôi là một phụ nữ rất cân bằng” (tr.329).

Để viết ra tác phẩm bằng giọng bông đùa cố ý không chỉ cần cái nhìn xách mé và vài thủ đoạn đẩy tình tiết lên cao trào rồi xô nhân vật xuống vực thẳm, mà trên cả là sự thông hiểu những mối rung cảm sâu xa, nỗi buồn, bi kịch và nước mắt. Việc vẽ ra những chuyện bông lơn có thể trở thành vô vị nếu người viết không có lòng vị tha trong sáng, khiến người đọc thấy mình bị trấn áp bởi sự khôn vặt.

Một cú đùa bông lơn có thể khiến nhiều người khác thấy “chối” (như Genichiro nhắm vào nhà thơ hay Beigbeder nhắm vào giới phê bình), nhưng dẫu sao hãy tự vỗ về rằng đó chỉ là sự đùa nhẹ - một sự đùa nhẹ đáng yêu dành cho độc giả.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận