TTCT - Một vài quyển sách, diễn văn hoặc bài viết đôi khi có sức mạnh thúc đẩy sự thay đổi. Liệu ảnh báo chí có được khả năng tương tự? Phóng viên Việt Nam tác nghiệp tại Hoàng Sa, cách chỉ vài chục mét phía sau là tàu Trung Quốc quần thảo hăm dọa - Ảnh: Minh Quang“Nhiếp ảnh luôn tác động mạnh đến dư luận và đôi khi một vài chính phủ” - Aidan Sullivan, phó chủ tịch Hãng Getty Images ở London, khẳng định. Có thể kể đến “Cô gái Napalm” của Nick Út chụp ngày 8-6-1972 trong cuộc chiến ở Việt Nam giúp làm thay đổi chiến sự, những bức ảnh của nhà nhiếp ảnh Don McCullin người Anh trong cuộc chiến Biafra (1967-1970) ở Nigeria dẫn đến việc ra đời Hiệp hội Bác sĩ không biên giới.Khó còn cú sốc đạo đứcRobert Hariman và John Louis Lucaites, hai blogger và tác giả quyểny No Caption Needed: Iconic Photographs, Public Culture, and Liberal Democracy, khẳng định: “Việc đăng ảnh báo chí về cuộc chiến ở Syria là cực kỳ quan trọng trong việc giúp bạn đọc hiểu được cuộc xung đột và lợi ích của nó cùng những nỗi khổ đau kèm theo”.Tuy nhiên, dù có phát hiện 55.000 bức ảnh hành hình kinh hoàng do cảnh sát của chính quyền Syria thực hiện với hơn 11.000 tù nhân rồi chụp lại, dù có những bằng chứng thấy được về việc sử dụng vũ khí hóa học (trong đó có đóng góp của nhà nhiếp ảnh Laurent Van der Stock làm việc cho tờ Le Monde), cuộc chiến vẫn kéo dài. Từ lâu, người ta gán cho ảnh chiến sự vai trò thuyết phục của nó, khi hình ảnh kinh khủng tạo ra cú sốc về mặt đạo đức và dẫn đến hiệu ứng mang tính quyết định. Tuy nhiên, ảnh chiến sự ở Syria không thật sự tạo ra cú sốc về mặt đạo đức. Phải thừa nhận rằng xung đột ở Syria đặc biệt khó thu thập tư liệu vì nhiều lý do.Khác với các cuộc cách mạng ở những quốc gia Hồi giáo khác như Ai Cập, Tunisia hoặc Lybia được thông tin rộng rãi, tình hình hiện nay ở Syria đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà báo vì họ không thể đến đó do bị chính quyền hạn chế cấp visa. Hơn nữa, các nước phương Tây nhận ra rằng theo thời gian chiến sự, tình hình ở Syria không đơn giản như họ từng nghĩ.“Ở Syria, thật khó biết ai đúng ai sai” - Fred Ritchin, tác giả quyển Au delà de la photographie: le nouvel âge và viết xã luận cho tạp chí Time, nhận xét. Vì vậy người ta không thể tóm lược rằng một bên là người tốt và bên kia là kẻ xấu.Quá nhiều ảnh giết chết ảnh“Ở Mỹ có 4.000 bức ảnh được đăng tải mỗi giây. Người ta không còn biết phải xem gì. Trong chiến tranh Việt Nam, một bức ảnh có thể xuất hiện trên trang bìa và “sống” được cả ngày, mọi người đều bàn tán về nó. Ngày nay, trên các trang web, các bức ảnh chỉ xuất hiện được vài phút là bị thay ngay” - Fred Ritchin dẫn chứng.Trong bối cảnh công nghệ mới phát triển thật nhanh và việc thiếu các nhà báo tác nghiệp tại chỗ, các nhà báo - công dân tha hồ xuất hiện. Lợi thế của họ là chẳng phải theo một cách làm việc nào cả. Họ không tìm cách được đăng ảnh trên tạp chí nào đó và được tự do chụp ảnh theo ý muốn.Nhiều hãng thông tấn bắt đầu công bố ảnh nghiệp dư, thậm chí ảnh chụp trên các mạng xã hội. Chỉ có điều, chụp ảnh nghiệp dư đặt ra vấn đề khó kiểm chứng thông tin kèm theo và hầu hết đều xuất phát từ những người đã có chính kiến.Ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi về tính xác thực của các bức ảnh do nhà nhiếp ảnh tự do cung cấp. Độc giả có thể dễ dàng bị dẫn dắt bằng quan điểm của tác giả ảnh, hoặc bằng những thao tác kỹ thuật số mà tác giả ảnh muốn tạo ra. Giữa người chụp ảnh và công chúng không còn một “khế ước xã hội” để tôn trọng, theo nghĩa bức ảnh phải tác động đến sự kiện.Trong một cuộc chiến hình ảnh mà từng bức ảnh có thể gây nghi ngờ, “khế ước” này bị phá vỡ. Aidan Sullivan nhấn mạnh: “Chính vì vậy chúng ta phải duy trì các tiêu chuẩn thật cao để không còn mối nghi ngờ về tính xác thực của những gì mà các phóng viên ảnh trưng ra. Hiện trên mạng có hàng tỉ bức ảnh, nhưng những bức ảnh chất lượng kể lại được một câu chuyện và có ý nghĩa phải tiếp tục thoát ra khỏi dòng thác ảnh này”.Sở dĩ ảnh chiến tranh khó làm thay đổi chiến sự là vì khó đạt được sự đồng thuận của công chúng về một vấn đề nào đó. Cho dù bức ảnh có tính thuyết phục, nhưng phải còn tính đến sự đa dạng của hiệu ứng, nhất là trong những xã hội đa nguyên. Rõ ràng, ảnh báo chí cần phải tự sáng tạo lại, như phim ảnh và tiểu thuyết đã làm được.Trách nhiệm tạo hiệu ứng của một bức ảnh không thuộc về người chụp mà thuộc về báo chí, công chúng, và quan trọng hơn là các định chế chính trị, theo Robert Hariman và John Louis Lucaites. Người phóng viên ảnh chỉ cần cho thấy những gì đang diễn ra, việc cung cấp câu trả lời thuộc về chính phủ.Ở một điểm tác nghiệp đặc biệt như khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, những bức ảnh từ hiện trường khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép do các phóng viên Tuổi Trẻ truyền trực tiếp về cho thấy cận cảnh những hành động chủ ý gây hấn của Trung Quốc, gây nên một làn sóng phẫn nộ của độc giả trong nước, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.Báo chí công dân dù cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề này song khó lòng có thể đến tác nghiệp tại một nơi như vậy. Các nhà báo chuyên nghiệp một lần nữa cho thấy bên cạnh sự kiên trì, nhẫn nại chờ đợi cơ hội “1%” được ra tận nơi, khả năng tác nghiệp “nóng” mà vẫn giữ vững các chuẩn mực nghề nghiệp nghiêm túc vẫn sẽ giúp họ có cơ hội mang lại những tác phẩm báo chí có sức nặng. Tags: Nhà báoẢnh chiến sựNick UtCô bé NapalVùng chiến sự
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.