Ánh lửa đêm giao thừa

NGÔ PHAN LƯU 09/02/2013 09:02 GMT+7

TTCT - Ánh lửa đêm giao thừa. Khi nghĩ như thế, khi thốt ra như thế, tâm tưởng tôi rớt ngay vào những đêm giao thừa của tuổi ấu thơ.

Những hoài niệm nhỏ nhoi, thân thương mà bền vững bỗng vụt dậy chạy ngoằn ngoèo và vui vui như pháo chuột nổ giòn.

Phóng to

Tôi vẫn nhớ bố tôi loay hoay bày biện thức cúng nơi bàn thờ tổ tiên. Lúc ấy, đêm giao thừa nhà tôi lửa nhiều lắm. Nào lửa nấu bánh tét của mẹ, lửa đèn cầy, lửa đốt vàng mã của bố, lửa khấn hương của bà nội, lửa pháo chuột của tôi... Và “lửa” trong lòng mọi người. Ấm cúng lạ thường. Xán lạn lạ thường. Yêu thương lạ thường. Sau này lớn lên mới biết như Rabelais đã nói: “Lửa là vị đại sư của nghệ thuật”. Nghệ thuật gì? Bất cứ nghệ thuật gì lửa cũng là đại sư, đặc biệt lửa đêm giao thừa là một vị đại sư tuyệt diệu.

Đêm giao thừa gồm hai thái cực kỳ lạ xảy ra: Trước 12 giờ đêm, ai cũng công việc tất bật không ngơi tay. Nhưng sau 12 giờ đêm không còn áp lực công việc khẩn trương nữa, đó là một khoảng trống đặc biệt sẵn sàng chờ đón bao hi vọng của năm mới. Thời điểm nối giữa hai thái cực - thời điểm 0 giờ - đó là giao thừa. Thằng trẻ con tôi hồi ấy, chưa thuộc hết 24 chữ cái, vẫn biết hăng hái mặc quần áo mới, tay xách phong pháo chuột, mặt nghếch lên trời đen nồng nhiệt chờ đón ông Giao Thừa. Lúc ấy, mẹ tôi nấu bánh tét đã xong, ngồi cạnh bà nội đang têm trầu.

“Mẹ ơi mẹ. Ông Giao Thừa mặc áo, mang giày mà quên mặc quần phải không mẹ?”.

Bố tôi đang sắp xếp bánh trái nơi bàn thờ tổ tiên, nghe thế liền quát:

“Cái thằng nhỏ nói tào lao”.

Nghe thế, bà nội tôi vội nói:

“Mày tào lao thì có. Cháu nó nhỏ, đã lẫn lộn sang ông Táo. Đúng là ông Táo không mặc quần cháu à. Ông ta quen như thế rồi. Nếu mặc quần vào trông lại khó coi. Nhưng ông Giao Thừa thì quần áo sang trọng lắm. Cháu phải đốt pháo mừng đón. Ai được ông ta thương... là người ấy giỏi lắm, giàu lắm”.

Nghe thế tôi chạy vù ra sân, sụp bậc thềm té sấp. Té sấp, giập mặt xuống sân, nhưng tôi can đảm không thèm khóc một tiếng nhỏ. Mẹ hốt hoảng chạy đến đỡ dậy:

“Nó bị chảy máu mũi. Ông chạy ra mau lên”.

Bố tôi chạy ra dòm sơ rồi coi đồng hồ kỹ hơn là coi máu mũi của tôi chảy. Ông nói to:

“Quá tốt. Quá hay. Chưa tới giao thừa. Không sao. Nó té vào năm cũ. Nó chảy máu mũi vào năm cũ. Bà lau máu mũi nó nhanh lên. Tôi còn công việc”.

Nói xong ông liền vào nhà, tiếp tục thắp đèn, thắp hương nơi bàn thờ tổ tiên.

Tôi đứng ngoài sân nhìn vào trong nhà đèn nến sáng choang, khói hương nghi ngút. Tôi nhìn rộng ra làng xóm xung quanh, nhà nào cũng mở toang cửa, ánh đèn hắt ra sáng trưng. Có lẽ những nhà ấy, trẻ nhỏ cũng đứng ngoài sân chờ đốt pháo chuột. Đồng hồ báo thức đặt nơi bàn đã đổ chuông. Nghe thế, tôi lật đật chích đóm lửa nhang vào ngòi pháo chuột. Một tràng âm thanh nổ lẹt đẹt, những tia lửa nhấp nháy xoẹt theo tiếng nổ rối rắm vui tai.

Tuyệt thật. Tiếng nổ pháo chuột nghe giống tiếng cười giòn tan của ông Giao Thừa quá chừng. Dường như tôi vừa thấy ông ta bay vút vào nhà, đập vai chào hỏi bố tôi đang khấn vái. Ông ta lại véo tai bà nội, chúc bà trường thọ, rồi bay vút ngang qua thả chuỗi cười rớt vào tay tôi, đó là tiếng pháo chuột đang nổ hăng say liên hồi. Chân tôi nhịp phình phịch xuống nền sân theo một điệu nhạc vô hình vang vọng thúc giục trong tai. Ông Giao Thừa vừa nhóm một ngọn lửa trong tim tôi. Và, ông Giao Thừa đã bay sang nhà khác.

Pháo chuột nổ xong - ông Giao Thừa cười giòn tan xong - tôi vào nhà trông thấy mọi người có vẻ như mới lại. Khuôn mặt ai cũng giãn ra, mềm mại và hiền dịu. Tôi lơ mơ hiểu rằng được như thế cũng là nhờ ông Giao Thừa cả đấy.

Bà nội bảo tôi:

- Cháu bà hãy đi ngủ đi. Ngủ dưỡng sức ngày mai còn đi chơi - đoạn bà quay sang bố tôi - Đèn lửa các con cứ để cháy sáng tới sáng. Không được tắt.

Nghe lời bà, tôi vào giường ngủ nhưng không ngủ được. Đằng đẵng một năm chỉ có một đêm giao thừa, ngủ thì uổng quá, thức lại không biết chơi đâu. Một đêm thật khó xử vô cùng. Chính vì thế nên mình phải tự xử lấy. Vậy, thức cũng nằm đấy, ngủ cũng nằm đấy, vừa thức vừa ngủ cũng nằm đấy. Nằm chờ một ngày mới tinh khôi, một ngày chất chứa bao hi vọng. Một ngày có tên... mùng - một - tết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận