​Anh Tóc Xù

PHẠM VĂN TRUNG (CẦN THƠ) 24/09/2014 09:09 GMT+7

TTCT - Anh Tóc Xù lớn hơn tôi hai tuổi, nghe đâu từ dưới Sóc Trăng phiêu bạt lên đây.

Sa Lem
Sa Lem

​Anh không nhớ cụ thể nhà mình ở chỗ nào, chỉ mang máng là mình đã ra đi từ một ngôi nhà không có mẹ cha khi còn rất nhỏ. 

Lần đầu tôi gặp anh ở quán cà phê Y, đầu hẻm tôi ở trọ. Tôi và anh đều là “mối ruột” hằng đêm của quán, nhưng tôi ngồi trên ghế dựa, còn anh thì ngồi dưới gốc cây me nhìn vào. Tôi làm việc đầu óc căng thẳng, cần chút không gian tìm ý tưởng nên ra quán. Anh thì chẳng có việc gì để làm vào ban đêm. Anh đã 30 tuổi mà vẫn không có tiền để uống một ly cà phê.

Thấy anh, tôi nhớ hồi cấp I hay đến cái quán nước dưới chợ coi phim ké vì không có tiền. Tôi gọi nhân viên mang cho anh ly cà phê, anh không nhận. Hồi anh mới đến, chủ quán thấy khó chịu vì bộ dạng lếch thếch của anh, cứ thấy anh thì đuổi đi vì sợ khách không dám bước vô quán.

Sau này quán đổi chủ thì anh thoải mái hơn chuyện chỗ ngồi. Ngày nào cũng vậy, anh coi hết hai bộ phim mới về...

H. - cậu sinh viên giữ xe của quán, có lần tôi hỏi về anh đã kể thế này: Anh ấy lên đây sống bằng nghề lượm ve chai. Đi loanh quanh mấy quận trung tâm của thành phố chỉ đủ kiếm ngày hai bữa cơm. Buổi tối, anh ra quán cà phê ngồi nhưng không có tiền uống nước vì thu nhập chỉ chừng 20.000-30.000 đồng/ngày.

Anh có một thân hình lực lưỡng, hàm râu quai nón và mái tóc xù rất lạ. Anh ít cạo râu và hớt tóc nên nhìn vẻ lôi thôi ai cũng nghĩ anh điên. Nhưng anh chưa cắn ai bao giờ, chưa ngửa tay xin ai thứ gì, chưa bao giờ nói về cuộc đời mình bằng những lời đau thương.

Nhiều lần người ta thấy anh quẩy cái bao đi trên đường nên tưởng anh là ăn xin gọi lại cho thức ăn, tiền. Anh từ chối, trả lời chỉ nhận với điều kiện cho anh làm phụ giúp chút việc nhà.

Mấy ngày thành phố mưa dầm, anh đi tìm những nhà có một việc gì đó - dù thật nhỏ - xin cho làm để đổi lấy chén cơm. Những gia đình biết anh đều giúp đỡ nhưng cũng có nhà xua đuổi anh vì “bọn xấu bây giờ có đủ trò đánh vào lòng thương hại hòng kiếm chác”.

Thỉnh thoảng tôi muốn mời anh uống ly nước, ăn hộp cơm nhưng không dám nói trực tiếp với anh. Tôi sợ anh từ chối, sợ anh nổi giận như người nghèo dễ bị tổn thương. Mọi thông tin về anh tôi biết đều nhờ H. chia sẻ.

Hằng đêm, tôi và anh chỉ ngồi cách nhau chưa tới 10m vậy mà chưa bao giờ tôi dám bước đến để ngồi bên anh nói chuyện. Có lần, tôi nghe H. nói bộ đồ “coi được được” của anh vừa bị gió cuốn xuống sông, tôi “bắn” tiếng qua H. muốn cho anh bộ đồ của mình.

Sáng hôm sau, H. nhắn tin: “Anh ơi, anh Tóc Xù nói không lấy đồ đâu. Ảnh sợ đồ lại rớt xuống sông. Hồi đó tới giờ ảnh chỉ mặc đồ lượm trong thùng rác thôi”. Tôi rơm rớm nước mắt, chẳng biết nói gì. 

Cuối năm rồi H. ra trường thì về quê. Hai tháng sau, quán Y đổi chủ, cái tivi không còn quay mặt ra đường nữa nên anh mất chỗ coi phim miễn phí. Tôi ghét cái không gian thay đổi, khó ngồi nên cũng bỏ quán đi. 

Chiều tối qua tôi thấy anh trên phố, ở phía bên kia đường. Vẫn bộ đồ cũ mèm, cái bao đựng rác quẩy trên vai màu xám. Tôi gọi lớn như quán tính: “Anh ơi! Anh ơi!”. Phố ồn ào. Xe đông quá. Kẹt đường.

Tôi chẳng đủ kiên trì chạy lên phía bên kia gặp anh sau khi mỏi mòn lướt qua được vòng xoay. Mà gặp anh để làm gì? Chẳng lẽ hỏi thăm anh lượm ve chai đỡ không? Còn coi phim ké không?... Điên... 

Sực nhớ mình chưa bao giờ hỏi để biết tên thật của anh ngoài cái tên do H. tự đặt: anh Tóc Xù. Rồi tự hỏi: Năm rồi, ban đêm anh không có làm gì nên phải ra quán ngồi “giết” thời gian. Còn bây giờ sao tối rồi mà anh vẫn còn đi?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận