TTCT - 120.000 chiếc bẫy đã bị loại bỏ trong vòng 10 năm qua ở vùng giáp ranh Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Bẫy giá rẻ là cơn ác mộng đối với các loài thú nếu không kịp thời được gỡ bỏ. Theo tập san Conservation Letters, chi phí trung bình để mỗi lần gỡ bỏ bẫy là 20,5 USD, đắt hơn rất nhiều so với chi phí đặt một cái bẫy (1,13 USD).Nạn đặt bẫy tại dãy Trường Sơn là một trong những nguyên nhân chính khiến quần thể động vật hoang dã suy giảm ở các khu rừng nhiệt đới.Công sức và chi phí đặt bẫy thấp nên rất nhiều bẫy đã được giăng ra. Bẫy dây không chọn loài, mọi loài vật sống trên cạn đều có thể mắc bẫy dù chúng có phải là mục tiêu của kẻ đặt bẫy hay không. Một chiếc bẫy có thể duy trì hoạt động trong nhiều tháng.Theo báo cáo của WWF Việt Nam, một cuộc khảo sát khoa học gần đây đã phát hiện rằng bẫy dây đe dọa đến hệ động vật ở Đông Nam Á trực tiếp và nghiêm trọng hơn tình trạng suy thoái rừng ở một số khu vực, và có thể tạo thành rừng rỗng.Những chiếc bẫy ám ảnhMỗi tháng, Trần Văn Nhật (27 tuổi), nhân viên Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn (KBT) Sao La, phối hợp với lực lượng Ban quản lý KBT Sao La Thừa Thiên Huế đi tuần tra rừng.Trên đường đi, Nhật nhiều lần tận mắt thấy những chiếc bẫy thú do người dân đặt. Có những chuyến, chỉ mới đi được 1 ngày, Nhật cùng anh em đã gỡ hơn 20 chiếc bẫy. Đa số trong đó là những chiếc bẫy rút được làm từ dây phanh (thắng) bỏ đi."Ám ảnh thật sự với những chiếc bẫy anh ạ. Nhiều lúc em tự hỏi, nếu mình không bắt gặp để gỡ thì các con thú sẽ bị nguy hiểm như thế nào nếu dính phải" - Nhật trầm tư. Tình trạng này cho thấy việc người dân vào rừng để đặt bẫy vẫn xảy ra thường xuyên, thậm chí chỉ cần đi trên các con đường mòn đã phát hiện. "Nếu đàn thú nào đi ngang qua thì khả năng số thú bị dính bẫy sẽ rất lớn" - Nhật nói.WWF Việt Nam thông tin: tăng cường tháo gỡ bẫy có thể làm giảm đáng kể mối đe dọa của bẫy dây đối với động vật hoang dã. Đây là kết luận từ phân tích dữ liệu tuần tra trong 11 năm của một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Viện nghiên cứu vườn thú và động thực vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW); WWF-Việt Nam; WWF châu Á - Thái Bình Dương; cùng Đại học Exeter (Anh) và Đại học Montpellier (Pháp).Trong vòng 11 năm, số lượng bẫy ở hai khu bảo tồn đã giảm 37%. Hiệu quả này thể hiện rõ rệt hơn ở những khu vực dễ tiếp cận, có lẽ do hoạt động tuần tra diễn ra thường xuyên hơn ở những khu vực này.Những chiếc bẫy rút được làm từ dây phanh bỏ đi là mối đe dọa cực kỳ lớn đối với động vật hoang dã. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành"Chúng tôi nhận thấy khu vực sau khi được tuần tra thì số lượng bẫy có thể giảm đi. Việc tuần tra có tác dụng ngăn chặn nạn đặt bẫy trong tương lai. Vì vậy, đây là một phương pháp quan trọng để chống lại cuộc khủng hoảng bẫy dây ở Đông Nam Á" - ông Jürgen Niedballa, chuyên gia dữ liệu tại Leibniz-IZW, cho biết.Nhưng mức độ đặt bẫy vẫn tương đối cao ở những khu vực rừng xa xôi, hẻo lánh. Ông Lương Viết Hùng, quản lý hợp phần các khu bảo tồn dự án CarBi II thuộc WWF Việt Nam, cho biết: "Việc phân tích dữ liệu không gian để quản lý khu vực giám sát rất quan trọng. Các bản đồ thể hiện sự phân bố của bẫy trong các khu bảo tồn giúp giám đốc các khu bảo tồn điều phối hoạt động tuần tra tới những khu vực cần được lưu ý nhất".Các chuyên gia cũng phát hiện mức độ đặt bẫy giảm chủ yếu trong vòng 6 năm đầu tuần tra. Sau đó, tần suất bẫy không giảm, dù nỗ lực tuần tra vẫn tiếp tục.Nguồn lợi nhuận từ đặt bẫyLàm ra một chiếc bẫy rút từ dây phanh vừa nhanh vừa rẻ, nên người dân không mất quá nhiều công sức. Chưa kể vật liệu nhẹ, dễ kiếm từ các cửa hàng sửa xe, vựa phế liệu. Vì vậy, mỗi chuyến đi rừng, một người có thể mang theo hàng chục thậm chí hàng trăm sợi dây phanh để đặt bẫy.Báo cáo của USAID khẳng định săn bắn và buôn bán trái phép động vật hoang dã đang là mối đe dọa chính đối với khu hệ thú nhỏ trong các khu vực khảo sát. Những hoạt động này diễn ra nhiều hơn trong dịp trước Tết cổ truyền. Nguyên nhân chính là do tập quán của cộng đồng địa phương, coi thịt thú rừng là một loại thực phẩm không thể thiếu (dùng để mời khách) trong ngày Tết hoặc bán lấy tiền.Để dẫn dụ được thú, người dân tìm hiểu đặc tính từng loài, thả trái cây dọc đường cho chúng ăn, sau đó một thời gian sẽ tiến hành đặt bẫy. Thông thường, khi bắt được động vật, họ trực tiếp xử lý ngay trong rừng hoặc mang về nhà.Theo lực lượng tuần tra rừng, thời gian người dân vào rừng đặt bẫy là từ tháng 12 đến tháng 2 của năm sau. Đối tượng săn bắt thường là các loài thú nhỏ, đặc biệt là các loài chuột để sử dụng thực phẩm trong dịp Tết.Trong quá trình khảo sát, lực lượng tuần tra rừng không ghi nhận được tiếng súng, nhưng qua phỏng vấn, họ khẳng định vẫn còn tình trạng săn bắn động vật bằng súng.Không thể cứ đi gỡ bẫy mãi đượcÔng Nguyễn Văn Trí Tín, quản lý chương trình Bảo tồn động vật hoang dã của WWF Việt Nam, cho biết: "Chỉ dựa vào việc loại bỏ bẫy sẽ không đủ để giải quyết mối đe dọa trên quy mô lớn. Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác bảo tồn để thực hiện các sáng kiến bảo tồn toàn diện, bổ trợ cho việc tháo gỡ bẫy bằng các giải pháp ngăn chặn việc đặt bẫy ngay từ đầu, như hợp tác xuyên biên giới trong việc giải quyết nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp; các chương trình cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi".Ông Tín hy vọng việc gia tăng những nỗ lực này có thể giúp giải quyết được gốc rễ của vấn đề, giúp các khu rừng tại trung Trường Sơn trở thành nơi cư trú an toàn cho các loài động vật hoang dã.Một trong những sáng kiến đó là dự án Dự trữ carbon và đa dạng sinh học giai đoạn II (CarBi II) do WWF Việt Nam và WWF Lào thực hiện trong hơn 5 năm (2019 - 2024), thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), và là một phần của Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI).Ông Andrew Tilker, chuyên gia tại Leibniz-IZW và điều phối viên chương trình Bảo tồn loài của Tổ chức Re:wild, nhận xét: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có thể giải pháp tháo gỡ bẫy không đủ để bảo vệ động vật hoang dã tại các khu bảo tồn ở khu vực Đông Nam Á. Điều này đặc biệt đúng đối với các loài quý hiếm hoặc dễ mắc bẫy, nhiều loài trong số đó hiện đang trên bờ vực tuyệt chủng ở Việt Nam".Các phát hiện cho thấy điều quan trọng là phải xem việc loại bỏ bẫy như một phần của công tác bảo tồn bao quát, đa khía cạnh nhằm giải quyết các động lực tiềm ẩn.Lực lượng tuần tra của Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế phá bỏ những chiếc bẫy thú bắt gặp được trên đường đi. Ảnh: Nguyễn Đắc ThànhTrong một báo cáo, WWF Việt Nam nhận định: gỡ bỏ bẫy mất nhiều công sức và tốn kém vì các kiểm lâm viên phải đi bộ xuyên rừng dài ngày, vượt địa hình đồi núi cao và hiểm trở, song đây lại là một chiến lược thường được áp dụng vì nó đơn giản và không gây tranh cãi so với các giải pháp khác như bắt giữ và truy tố.Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu đánh giá tác động của việc tháo gỡ bẫy đối với mức độ bẫy được cài đặt trong thời gian dài. Theo Conservation Letters, ở những nơi khác trên thế giới, cảnh báo bắt giữ hoặc phạt tiền cũng có thể đóng vai trò răn đe.Tuy nhiên, tại các cơ sở bảo tồn ở miền Trung Việt Nam, việc bắt giữ vì đặt bẫy rất hiếm khi xảy ra, một phần do các lỗ hổng pháp lý không trừng phạt người dân vì mang vật liệu dây bên trong các khu bảo tồn, một phần bởi vì việc đặt bẫy hiếm khi được coi là một tội phạm nghiêm trọng về rừng.Hoạt động săn bắt bằng bẫy vẫn đang là mối đe dọa lớn, có lẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học. Công tác tháo gỡ bẫy trước đây thông qua mô hình kiểm lâm cộng đồng đã thành công khi được triển khai bởi dự án CarBi và nên được tiếp tục. Tuy nhiên, việc tháo gỡ bẫy là không đủ để kiểm soát nạn săn bắn bất hợp pháp.USAID đưa ra đề xuất là cần sự kết hợp giữa nỗ lực thực thi bổ sung cùng việc tập trung bắt giữ và truy tố đối với các đối tượng săn bắn, đặc biệt là mua bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, việc này cần được tiến hành phối hợp với những sự chủ động khác, gồm sự tham gia của cộng đồng trong việc giảm tội phạm rừng, giảm nhu cầu tiếp cận xung quanh khu vực bảo tồn và cảnh quan nói chung để có thể khắc phục các thói quen phong tục với sản phẩm thịt rừng.Các hoạt động truyền thông và giáo dục về việc bảo vệ rừng nên được tiếp tục cập nhật và phổ biến rộng rãi đến với người dân địa phương, chủ các nhà hàng và chủ buôn động vật hoang dã tại các địa bàn. Ngoài giá trị thực phẩm, người dân địa phương còn săn bắt, bẫy thú để bán cho những người buôn bán động vật hoang dã, thương lái hoặc người quen. Giá chuột có thể dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/con có trọng lượng lên đến 400gr; sóc 100.000 đồng/con, dúi 250.000 - 300.000 đồng/kg, theo khảo sát của USAID.Bên cạnh các loài gặm nhấm, một số loài thú lớn cũng bị săn bắt và buôn bán ở đâu đó gần các khu bảo tồn. Giá có thể là 180.000 đồng/kg đối với lợn rừng; sơn dương 110.000 đồng/kg; mang 100.000 đồng/kg; sóc bay lớn 400.000 - 500.000 đồng/con; thỏ vằn khoảng 300.000 đồng/con. Tags: Động vật hoang dãKhu bảo tồnBẫy thú rừngThừa thiên HuếRừng nhiệt đới
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Hạ Thái Lan, tuyển futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á ĐỨC KHUÊ 21/11/2024 Tối 21-11, tuyển futsal nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan trong trận chung kết Giải futsal nữ Đông Nam Á để giành chức vô địch.
TP.HCM đề xuất miễn phí đi metro số 1 cho 5 nhóm đối tượng THẢO LÊ 21/11/2024 TP.HCM kiến nghị miễn phí vé cho người có công cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, người đi các tuyến xe buýt kết nối với metro số 1 và người đi metro trong 30 ngày.