Biển Đông: Từ nắn gân đến hạ nhiệt

DANH ĐỨC 26/04/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Căng thẳng trên Biển Đông với những vụ dàn hàng trăm “tàu cá” ở bãi Ba Đầu dẫn đến phản kháng từ các nước liên quan, điều động lực lượng phòng vệ, rồi những vụ đeo bám giữa các nhóm tàu sân bay Mỹ - Trung, những phi vụ đông đến hai tá máy bay hướng về Đài Loan…

Liệu đó có phải là một màn nắn gân tân Tổng thống Mỹ Joe Biden? Và nó cũng sắp hạ màn?

Ai ép ai?

Ngay khi chính quyền Biden còn chưa yên vị, hôm 9-2, Reuters đưa tin hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz của Mỹ đã bắt đầu tập trận chung ở Biển Đông. 

Từ trái sang: các tàu sân bay USS Nimitz, USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan ở Tây Thái Bình Dương. Mỹ là quốc gia duy nhất có năng lực triển khai cùng lúc nhiều nhóm tàu sân bay. -Ảnh: Wikimedia Commons

 

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 7-2020, hải quân Mỹ triển khai cùng lúc một cặp tàu sân bay ở Biển Đông và thực hiện “đủ loại bài tập nhằm mục đích tăng tính phối hợp hoạt động giữa hai đơn vị này, cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát”, theo hải quân Mỹ. 

Nếu tính vụ xuất quân diễn tập kép này vào thành tích biểu của ông Biden, thì có thể ghi nhận đó là vụ điều động tàu sân bay đầu tiên dưới thời chính quyền mới. 

Từ Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân kịch liệt phản đối: “Các động thái thường xuyên của tàu chiến và máy bay Hoa Kỳ vào Nam Hải để “phô trương vũ lực” không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực”. 

Bắc Kinh càng bực dọc khi cuộc tập trận diễn ra chỉ vài ngày sau khi tàu khu trục USS John S. McCain đến gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc kiểm soát. Đây là sứ mệnh tự do hàng hải đầu tiên của hải quân Mỹ thời Biden. 

Trên bề nổi, màn “chào sân” này của chính quyền mới ở Mỹ khá “nặng ký”. Có thể hiểu ngầm rằng giữa lúc ông Biden còn chưa yên vị thì các lệnh xuất quân đó đã được đặt lên mặt bàn trong phòng Bầu Dục. 

Phía Trung Quốc cũng ứng đối ở cấp độ mới. Reuters cho biết hôm 29-1, máy bay Trung Quốc đã đeo bám chiếc USS Theodore Roosevelt theo kiểu “gây mất ổn định và gây hấn”, tuy “không gây ra mối đe dọa nào”. Có thể suy đoán từ “ngọn lửa” hôm 29-1 đó, mới “có khói” hôm 9-2 của cặp tàu USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz.

Một thế cục mới

Trong bối cảnh nước Mỹ còn chưa xong hẳn cuộc chuyển giao hậu bầu cử, Trung Quốc đã vận động theo nhiều mũi khác nhau.

Vụ đeo bám lẫn nhau giữa các nhóm tàu sân bay Mỹ - Trung ban đầu chưa ầm ĩ lắm, bị che khuất bởi vụ “tàu cá” của Trung Quốc thả neo ở khu vực bãi Ba Đầu từ tháng 12-2020, rồi tràn ngập ở đó khiến Philippines cuối cùng phải “la làng” với cả thế giới hôm 21-3 bằng một thông báo của Bộ Quốc phòng và một kháng thư của Bộ Ngoại giao gửi Trung Quốc. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã phản đối, khẳng định hoạt động của tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông là xâm phạm chủ quyền Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế.

Lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam đang thực hiện nghĩa vụ được quy định theo luật pháp Việt Nam và quốc tế, người phát ngôn cho hay. 

VTV hôm 4-4 đưa thêm tin tàu hộ vệ Quang Trung của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tổ chức diễn tập các tình huống chiến đấu, phối hợp với trực thăng săn ngầm tại quần đảo Trường Sa.

Cùng thời gian căng thẳng ở khu vực bãi Ba Đầu, Trung Quốc còn chĩa một mũi dùi sang hướng khác. Tàu sân bay Liêu Ninh tuy có xuất hiện trên Biển Đông, còn nhắm vào Đài Loan nữa. 

Global Times 5-4 cho biết tàu này, cùng một tàu khu trục cỡ lớn Type 055 và một số tàu hộ tống khác đã lần đầu tiên đi qua eo biển Miyako vào Thái Bình Dương, bắt đầu các cuộc tập trận thường xuyên gần đảo Đài Loan.

Tin này chỉ được phía Trung Quốc đưa sau khi lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản cho hay đã ghi nhận một hải đội Trung Quốc sáu chiếc gồm Liêu Ninh, tàu khu trục lớn Type 055 Nanchang (Nam Xương), hai tàu khu trục Type 052D Chengdu (Thành Đô) và Taiyuan (Thái Nguyên), tàu khu trục Type 054A Huanggang (Hoàng Cương) và tàu tiếp liệu Type 901 Hulunhu (Hô Luân Hồ), đi qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako trên đường về phía nam hướng Thái Bình Dương.

Sức ép lên đảo Đài Loan ngày càng tăng. Gao Xiucheng (Cao Tú Thành), người phát ngôn của hải quân Trung Quốc, tuy giải thích rằng cuộc tập trận của tàu Liêu Ninh là hoạt động thường xuyên nhằm tăng cường toàn diện khả năng tác chiến, cũng đã nói thẳng có mục đích “chống lại Đài Loan ly khai, chớ không phải bất kỳ quốc gia cụ thể nào” (Global Times 12-4). 

Có thể thấy tình hình rất hung hiểm, chỉ cần một tính toán sai, một động tác nôn nóng, một chút sơ suất cũng có thể gây ra đụng độ lớn.

Nếu đụng độ thì sao? Bắc Kinh thừa hiểu vẫn còn bị hải quân Mỹ bỏ xa. Trong khi hải quân Trung Quốc đang ở giai đoạn biểu diễn cất và hạ cánh với tàu sân bay Liêu Ninh, như các đoạn clip lan truyền trên mạng cho thấy, thì Mỹ công bố một bức ảnh đầy chủ ý trong đó chỉ huy khu trục hạm USS Mustin ngồi gác chân trên boong quan sát tàu sân bay Liêu Ninh rõ mồn một trong tầm mắt, viên hạm phó ngồi kế bên. 

Ảnh hạm trưởng Mỹ ngồi gác chân ngắm tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ

 

Một cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan bình luận bức ảnh như “muốn cho thấy họ xem đối phương khá nhẹ ký”.

Republicworld.com của Ấn Độ hôm 12-4 thì nhận định “hải quân Hoa Kỳ đang triển khai “chiến tranh nhận thức” trên Biển Đông”. “Chiến tranh nhận thức” là gì? 

Về chiến thuật mà nói, hai tàu USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đâu chỉ tập cất hạ cánh như Liêu Ninh, mà còn thực hành phân bổ số lượng máy bay để luôn có đủ máy bay sẵn sàng xuất kích, rồi trang bị vũ khí gì, nhắm mục tiêu nào, trong khi một số đang xung trận, và một số khác hạ cánh bơm dầu và tiếp đạn…

Ngày nay, với việc sử dụng tên lửa cả trong tấn công lẫn phòng thủ, tác chiến tàu sân bay cũng thay đổi theo. Hiện trên thế giới, chỉ mình hải quân Mỹ có khả năng huy động cùng lúc hai hoặc ba tàu sân bay. 

Như để đáp trả, Trung Quốc đưa ra một thông điệp trên tờ Global Times: tấm hình tàu sân bay thứ nhì của họ, Sơn Đông, được đưa vào biên chế cuối năm 2019, trong một căn cứ ở Tam Á trên đảo Hải Nam, kèm nhận xét nay Trung Quốc là một trong số hiếm hoi các nước có nhiều tàu sân bay. Tuy nhiên, từ có trong biên chế tới khả dụng thực chiến là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, Sơn Đông, đang đậu ở một căn cứ tại Tam Á, Hải Nam. Ảnh: Economic Times

 

Cuộc cờ vây của ông Biden

Đó là về mặt quân sự. Còn về mặt chính trị, ông Biden đang cho thấy những nỗ lực gầy dựng lại thế trận đồng minh liên thủ mà ông Trump đã phá vỡ. Mỹ vẫn có cụm từ chiến lược trong chính sách đối ngoại là “hợp tác với các đồng minh và đối tác”. 

Hiện ông Biden chưa chú trọng đến vế đối tác, song rất để ý phần đồng minh, mà ở Thái Bình Dương, liên quan nhiều đến cục diện Biển Đông là Nhật Bản và Philippines.

Trong vụ bãi Ba Đầu, Mỹ tỏ thái độ bằng một cuộc tập trận với quân đội Philippines. Hôm 11-4, Reuters loan tin Mỹ - Phi khởi sự hai tuần tập trận, sau khi đạo luật lực lượng nước ngoài thăm viếng (VFA) rốt cuộc cũng đã được Manila gia hạn. 

Tin này được loan sau tin cho biết một tàu hải cảnh và hai tàu tên lửa tấn công nhanh Type 22 của Trung Quốc đã rượt đuổi tàu chở nhóm phóng viên Philippines ra bãi Cỏ Mây.

Nhật Bản là đồng minh còn quan trọng hơn Philippines với Mỹ. 

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga hôm 16-4 là quốc khách đầu tiên viếng Nhà Trắng và gặp trực tiếp tân tổng thống Mỹ để, theo lời ông Biden, “cam kết hợp tác xử lý những thách thức từ Trung Quốc và các vấn đề như biển Hoa Đông, biển Nam Hải [tức Biển Đông], cũng như Triều Tiên, để đảm bảo một tương lai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Thủ tướng Suga thì nói hai bên “nhất trí chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bách ở biển Hoa Đông và Hoa Nam, cũng như đe dọa các nước khác trong khu vực”.

 
 Thủ tướng Nhật Suga là quốc khách đầu tiên ở Nhà Trắng. Ảnh: CNN

Tín hiệu giảm nhiệt

Trong bối cảnh nổi sóng từ Biển Đông tới Đài Loan, vẫn có một điểm chung cho hai phe ngồi với nhau. Thông tấn xã Mỹ AP 18-4 loan tin đặc phái viên Mỹ về khí hậu John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua (Giải Chấn Hoa) đã đạt được thỏa thuận khẩn cấp hợp tác về khủng hoảng khí hậu sau hai ngày hội đàm tại Thượng Hải tuần trước.

AP cũng cho biết thỏa thuận này đạt được chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Biden chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của 40 nhà lãnh đạo thế giới về biến đổi khí hậu, bao gồm cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, diễn ra trong hai ngày 22 và 23-4. 

Việc hai ông Tập và Putin sẵn lòng dự hội nghị do ông Biden chủ xướng cho thấy một thiện chí “nói chuyện” bước đầu giữa ba ông lớn, mà biến đổi khí hậu là một cái cớ hay ho. Hi vọng từ đó, sóng gió ở Biển Đông sẽ lặng bớt.

Có thể thấy từ nay trở đi với Mỹ, đối thoại với Trung Quốc đã có thể nối lại, song song là những nỗ lực kiềm chế. Cũng xin dẫn lời ông Suga trong họp báo với ông Biden: “Chúng tôi nhất trí về sự cần thiết với mỗi nước chúng ta trong việc đối thoại thẳng thắn với Trung Quốc”.■

Thỏa thuận Kerry - Xie mới là bày tỏ thiện chí. Không dễ gì Trung Quốc, nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới, sẽ sẵn lòng tự cắt giảm khí thải. AP cho biết ngay trong khi đặc sứ Mỹ còn ở Thượng Hải, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng (Lạc Ngọc Thành) đã phát biểu: “Với một đất nước 1,4 tỉ dân, những mục tiêu này không dễ thực hiện… Một số nước đang yêu cầu Trung Quốc đạt được các mục tiêu sớm hơn. Tôi e rằng điều này không thực tế lắm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận