TTCT - Vượt qua cơn bão dịch bệnh trước thềm giải đấu, oằn lưng thi đấu lăn xả dưới cái nắng gắt giữa trưa và làm nên lịch sử với tấm vé World Cup đầu tiên cho bóng đá Việt Nam, các cô gái đá bóng đã viết nên một câu chuyện đẹp trong những ngày đầu xuân. Nhưng cảm giác hạnh phúc của người hâm mộ VN có lẽ cũng chỉ nên dừng ở mức câu chuyện đẹp, nhất là nếu đặt đội tuyển nữ trong so sánh với bóng đá nam - tập thể mà đến giờ World Cup chỉ là một giấc mơ xa vời. Niềm vui giành vé dự World Cup của các cô gái Việt. Ảnh: AFC Tấm vé muộn màng8 năm trước, bóng đá nữ VN đã tiến rất gần tấm vé dự World Cup. Cũng với thể thức gần như tương tự - kết hợp vòng loại World Cup 2015 và VCK châu Á 2014, VN nắm lợi thế lớn khi đăng cai giải đấu ở TP.HCM. Năm đó, châu Á được FIFA phân bổ 5 vé dự World Cup và cơ hội rộng mở nhờ Triều Tiên - đội tuyển nằm trong tốp 5 của bóng đá nữ châu Á bị loại khỏi giải vì doping.Đúng như hoạch định, tuyển VN lọt vào trận play-off gặp Thái Lan với nhiều lợi thế về sân bãi và lực lượng. Nhưng rồi chung cuộc các cô gái của chúng ta thua 1-2. Trong buổi họp báo sau trận, HLV người Trung Quốc Trần Vân Phát đổ thừa rằng các học trò của ông bị cóng vì sân… quá nhiều khán giả. Nhưng ông Phát không phải nói chơi. Suốt nhiều năm trời, các tuyển thủ nữ đã quen với việc chơi bóng bên những khán đài trống vắng, buồn tẻ và chỉ nhận được sự chú ý khi tấm vé World Cup gần đến tay.4 năm sau, Thái Lan tiếp tục giành vé dự World Cup nữ 2019 một cách thuận lợi nhờ rơi vào bảng đấu nhẹ nhàng, còn VN chẳng may chung bảng với Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đến đợt vòng loại này, chúng ta cuối cùng cũng đánh bại người Thái nhưng vẫn chậm chân hơn Philippines - đội đường hoàng vào bán kết VCK châu Á 2022 và giành vé từ sớm.Không thể chê bai các cô gái VN chẳng bằng Thái Lan hay Philippines. Vì đặc thù quá ít đội bóng của bóng đá nữ, các giải đấu thường xuyên rơi vào tình trạng “thiên lệch” trong việc bốc thăm. Như ở giải năm nay, VN vẫn kém may mắn khi rơi vào bảng đấu có Hàn Quốc và Nhật Bản.Nhưng nhìn rộng ra thế giới, các chị em VN vẫn còn may mắn vì nằm ở châu lục có nhiều quốc gia Hồi giáo - nơi phụ nữ không được khuyến khích chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá. Nếu ở bóng đá nam, các cầu thủ VN chưa bao giờ với đến trình độ của Saudi Arabia, Iran, Iraq và cũng khó lòng bằng được Uzbekistan, Qatar, UAE, Bahrain, Jordan…, thì ở bóng đá nữ, chúng ta mặc nhiên xếp trên các nền bóng đá này.Trên bảng xếp hạng FIFA, bóng đá nữ VN thường xuyên giữ một vị trí trong top 30, khi sa sút nhất vẫn nằm trong top 50. Vậy nên khi FIFA quyết định tăng số lượng đội bóng tham dự từ 24 lên 32 ở kỳ World Cup 2023, mục tiêu giành vé là hoàn toàn trong tầm tay.Bình đẳng không nằm ở tiềnỞ nhiều môn thể thao, các nội dung nữ ít được chú ý bằng so với nam giới. Nhưng khoảng cách này đặc biệt rộng trong bóng đá. Cuối năm 2019, Đài DW (Đức) thống kê rằng chỉ có 34 quốc gia có nền bóng đá nữ chuyên nghiệp. Cơ sở nhận định là hệ thống giải vô địch và việc cầu thủ có thể thực sự kiếm sống được bằng nghề hay không. Cần biết rằng ở cả một số nền bóng đá nữ mạnh mẽ như Úc (từng 7 lần dự World Cup), các nữ cầu thủ cũng chỉ xem bóng đá là nghề tay trái.Chứng kiến các cô gái phải chơi bóng dưới cái nắng gắt cùng những điều kiện thi đấu tồi tệ khác, nhiều người hâm mộ xuýt xoa và lên tiếng đòi công bằng cho bóng đá nữ. Ở cả nhiều nền bóng đá phát triển khác, đây cũng là vấn đề gây tranh cãi, điển hình như Mỹ - cường quốc thể thao số 1. Từ khoảng 10 năm trước, dư luận Mỹ đã tranh cãi nhiều về việc các cầu thủ bóng đá nam - chỉ ở vào trình độ đủ sức tham dự World Cup - luôn di chuyển bằng vé máy bay hạng thương gia. Trong khi đó, đội bóng đá nữ của Mỹ vốn được xem là mạnh nhất thế giới lại thường xuyên ngồi máy bay khoang phổ thông.Suốt nhiều năm trời, các nữ cầu thủ hàng đầu của Mỹ đấu tranh không ngừng nghỉ để đòi công bằng. Đội trưởng tuyển Mỹ Megan Rapinoe từng được mời đến Nhà Trắng để phát biểu về vấn đề này. “Tôi bị xem thường vì là phụ nữ. Chúng tôi luôn bị trả lương thấp hơn các đồng nghiệp nam. Với mỗi danh hiệu, tiền thưởng của chúng tôi cũng ít hơn”, Rapinoe nói.Nhưng phát biểu của Rapinoe ngay lập tức vấp phải phản đối. Các trận đấu bóng đá nữ bị coi là nhàm chán hơn so với bóng đá nam, dẫn đến việc kém thu hút truyền thông và tài trợ hơn. Đòi hỏi mức lương tương đương cầu thủ nam là điều phi lý với các CLB và liên đoàn bóng đá quốc gia - những tổ chức hoạt động trên cơ sở tự thu tự chi.“Việc trả lương bình đẳng cho cầu thủ nam và nữ là hoàn toàn không khả thi, do sự khác nhau rõ rệt về doanh thu từ tiếp thị, bản quyền truyền hình… Các cầu thủ nhận thức được điều này. Nhu cầu bình đẳng không phải nằm ở chuyện thu nhập” - Tim Schumacher, người phụ trách quản lý mảng bóng đá nữ của CLB Wolfsburg, Đức, nói. Nhiều CLB giàu truyền thống khác ở Đức như Bayern Munich, Bayer Leverkusen, Werder Bremen khẳng định họ luôn nỗ lực cung cấp điều kiện, trang thiết bị tập luyện cho cầu thủ nữ tương đương với đồng nghiệp nam.Michael Rudolph, giám đốc truyền thông của CLB Bremen, không tin bóng đá nữ có thể chạm đến mức thu nhập tương đương nam giới, nhưng tin rằng mỗi người có thể góp phần giảm đi sự phân biệt giới tính trong bóng đá.Ở Olympic Tokyo 2020, hai đội Thụy Điển và Canada từng đệ đơn phản bác ban tổ chức vì sắp lịch thi đấu trận chung kết bóng đá nữ diễn ra vào buổi trưa, trong hoàn cảnh trời nắng gắt nhiều ngày trời mà mục đích là để dành “giờ vàng” cho những sự kiện khác. Đáng nói hơn, trận chung kết bóng đá nam diễn ra vào buổi tối như truyền thống. Đó là sự phân biệt đối xử quá trắng trợn, cuối cùng ban tổ chức Olympic phải dời giờ thi đấu.Bóng đá nữ sẽ còn phải đi một hành trình dài để đấu tranh cho sự bình đẳng. Trên hành trình đó, cần phân biệt giữa sự phân biệt đối xử giới tính và quy luật của thị trường. Nhưng ngoài chuyện tiền nong, rõ ràng còn vô khối điều mà giới quản lý thể thao có thể làm cho các môn thể thao nữ, với ý thức luôn dựng xây và tiệm cận sự bình đẳng hết mức có thể.■Chưa bằng 1/10 lương nam giớiThống kê vào năm 2019 cho thấy các cầu thủ nữ chơi bóng ở Pháp có mức lương trung bình cao nhất thế giới - gần 50.000 USD/năm với hạng đấu cao nhất. Kế đến là Đức 43.000 USD/năm và Mỹ 40.000 USD/năm.Trong khi đó, các đồng nghiệp nam của họ ở Premier League (Anh) nhận lương trung bình 3,6 triệu USD/năm, Ligue 1 (Pháp) là 1,3 triệu USD/năm, Bundesliga (Đức) là 1,8 triệu USD và MLS (Mỹ) là 400.000 USD/năm. Tags: Bình đẳng giớiBóng đá nữBình đẳng giới trong thể thaoĐội tuyển nữ Việt Nam
Ra thế giới với Việt Nam trong tim TUỔI TRẺ ONLINE 28/01/2025 20 năm trước, 'công dân toàn cầu' còn là một khái niệm mới được giới trẻ Việt Nam tìm hiểu và lấy làm ước mơ, khát vọng phấn đấu để đi xa tiến xa. Nhưng hiện nay, với thế hệ gen Z, công dân toàn cầu đã là một điều tất yếu của cuộc đời.
Làng Nủ hồi sinh sau lũ quét, nụ cười đã tìm về, dịu lại những gương mặt khổ đau 28/01/2025 Sau hơn một tháng dọn vào khu tái định cư, cuộc sống của những hộ dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang dần ổn định. Họ đang chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên trong ngôi làng mới.
Tin tức thế giới 28-1: Nvidia mất gần 600 tỉ USD; Colombia điều máy bay nhận người bị Mỹ trục xuất DUY LINH 28/01/2025 Loạt dự án nhân đạo tại Ukraine điêu đứng khi Mỹ dừng viện trợ; Ấn Độ và Trung Quốc nối lại đường bay sau 5 năm cắt đứt.
Hà Nội dừng trình diễn drone mang theo pháo hỏa thuật trong đêm giao thừa PHẠM TUẤN 28/01/2025 Phần trình diễn ánh sáng bằng drone trong chương trình nghệ thuật "Rực rỡ Thăng Long" bị dừng để đảm bảo sự thành công của chương trình.