TTCT - Đâu là con đường Thiên lý từ thành Gia Định ra bắc? Các nghiên cứu trước giờ chỉ nói vắn tắt, chung chung và nói sai cũng nhiều. Đường Bình Qưới ngày nay. Ảnh: Cương Trần Đã có nhiều bài viết vắn dài nói về đường Thiên lý hay còn gọi đường quan, đường cái quan, xuyên Việt nói chung và ở thành Gia Định nói riêng. Tổng thể và đại khái thì thành Gia Định thời Nguyễn ứng với cả miền Nam, nên ba con đường huyết mạch thuộc khu vực trung tâm đầu não Sài Gòn - Gia Định này tỏa đi gồm: Đường đi theo hướng bắc đến Biên Hòa, Bà Rịa để nối đường trạm ra Huế; đường theo hướng nam đến Định Tường; và đường theo hướng tây đến Quang Hóa sang Cao Miên.Khi khảo cứu tư liệu lịch sử để vẽ lại con đường Thiên lý từ thành Gia Định ra bắc, các nghiên cứu trước giờ chỉ nói vắn tắt, nói chung chung và nói sai. Khởi từ năm 1987 khi xuất bản lần đầu công trình Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, thì 3 con đường Thiên lý đã được nói đến, trong ấy có đoạn viết: “Một đường về phía bắc, qua cầu Sơn, bến đò Bình Đồng, núi Châu Thới, bến Sông Cát, xuống Đồng Môn (Long Thành) đến Hưng Phước (Bà Rịa) rồi ven đường chạy trạm ra bắc”.Về sau, thêm nhiều bài viết mang tính chuyên khảo, khi mô tả đoạn đường khởi điểm thấy có hai dạng.Một dạng là nêu ý chung chung, như: “Đường Thiên lý từ Sài Gòn ra Bắc (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Xô Viết Nghệ Tĩnh) khởi đầu từ cầu Thị Nghè, qua cầu Sơn (quận Bình Thạnh), đến núi Châu Thới (Biên Hòa) rồi đổ về Mô Xoài (Bà Rịa)”.Còn một dạng diễn tả chi tiết, như: “Đường Thiên lý phía bắc, khởi đầu từ cầu Thị Nghè, qua Hàng Xanh, qua cầu Sơn, qua bến đò chỗ cầu Bình Triệu 1 đến ngã tư quốc lộ 13...”.Những bài viết như trên vốn tóm lược một số sử liệu trong các sách Gia Định thành thông chí (GĐTTC) hay Đại Nam nhứt thống chí, với hai đoạn sử liệu tiêu biểu có thể kể là:“Đường Thiên lý phía bắc. Hồi mới mở mang, từ phía bắc cầu Sơn đến Bình Giang ruộng ao sình lầy, đường bộ chưa đắp, hành khách muốn qua Biên Hòa hoặc lên Băng Bột [sông Thị Tính] đều phải đi đò dọc. Đến năm Mậu Thìn (1748), nhân có việc Cao Miên cảnh báo, quan Điều khiển Nguyễn Hữu Doãn mới đo đạc giăng dây làm đường thẳng, gặp chỗ có kinh ngòi thì bắc cầu, chỗ bùn lầy thì đắp đất và cây gỗ. Từ cửa Cấn Chỉ trước thành đến bến đò Bình Đồng dài 17 dặm, bờ phía bắc là địa giới Biên Hòa có đặt trạm Bình Đồng, đi về phía bắc qua núi Châu Thới đến bến đò Bình Tiên rồi qua bến Sa Giang [Rạch Cát] do đường sứ Đồng Tràm xuống Đồng Môn, đến Mô Xoài, gọi là đường Thiên lý. Trên đường chỗ nào gặp sông lớn theo lệ đặt đò qua, người chèo đò được miễn sưu dịch”.Và một đoạn khác: “Bên ngoài thành, đường sá, chợ phố ngang dọc theo hàng lối, đều có thứ tự. Đường quan lộ tuyến bên trái, từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hòa Mỹ đến sông Bình Đồng tới trấn Biên Hòa”. (GĐTTC 1820, Q.6, Thành trì chí).Hơn ba chục năm qua, những khảo sát, những bài nói về đường cái quan khi mô tả thì hoặc trích dẫn tư tiệu từ mấy bản dịch sách địa chí thời Nguyễn, hoặc dẫn theo đúc kết trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, điểm then chốt cần tra cứu tính toán kỹ thì lại bị bỏ qua, cho nên khúc đường khởi điểm khi ra khỏi nội thành bị hiểu sai. Người dân qua phà, vào đường Bình Quới để tới bán đảo Thanh Đa buôn bán. Ảnh: Cương Trần Đọc lại 2 đoạn văn trích từ GĐTTC đã dẫn, có thể tóm lại cho gọn là “từ cửa thành (Cấn Chỉ), qua cầu Hòa Mỹ, qua cầu Sơn, đi 17 dặm [~8,5km], gặp bến đò Bình Đồng, bên bờ sông Bình Giang (sông này là ranh giới trấn Phiên An với trấn Biên Hòa), qua sông gặp trạm Bình Đồng, rồi đi tiếp về hướng Biên Hòa”.Trong đoạn tóm lược này, điều buộc phải biết là: cầu Hòa Mỹ ở đâu, đoạn đường 17 dặm là đường nào, địa danh “Bình Giang” chỉ sông nào, địa điểm “bến đò Bình Đồng” và “trạm Bình Đồng” ứng với chỗ nào hiện nay.Đã từng có chuyện địa danh Bình Đồng do bản chép/dịch/in sai gì đó mà thành ra Bình Đông, khiến người ta đi đường Thiên lý ra bắc mà phải quay ngược vô miệt Chợ Lớn trước khi ra Biên Hòa.GĐTTC 1820 trong mục viết về sông Tân Bình (s.Sài Gòn) có nói “Bình Đồng giang (平仝江), tục gọi sông Đồng Cháy (滝仝ई?)”.Sách Hoàng Việt nhứt thống dư địa chí 1806 (HVNTDĐC 1806) thì chép kỹ hơn, mục đường thủy thì nói “từ vàm rạch Đồng Nhiên (Rạch Chiết) đi 647 tầm [~1,5km] đến bến đò Đồng Cháy” (216 tầm = 1 dặm, ~ 500m), phần về đường bộ cũng chép riêng mục “Từ trạm Mô Xoài [Bà Rịa] đến bến đò Đồng Cháy” và “Từ đầu địa giới bến sông Đồng Cháy theo đường quan đến cửa Cấn Chỉ thành Gia Định”, cũng trong mục đường bộ này, chép “từ bến sông Đồng Cháy đi 2.465 tầm đến cầu Sơn, đi 227 tầm đến cầu Lầu, đi 545 tầm đến cầu Mụ Nghi, đi 40 tầm đến ngã tư, đi 225 tầm đến ngã tư ngoài thành, đi 155 tầm đến cửa Cấn Chỉ, cửa hướng đông bắc”.HVNTDĐC 1806 kể thêm cầu Lầu cách cầu Sơn hơn 1 dặm (hơn 500m), còn cầu Mụ Nghi tức cầu Thị Nghè ứng với cầu Hòa Mỹ. Đại Nam nhứt thống chí soạn thời Tự Đức, trong phần tỉnh Gia Định, mục Nhà trạm cũng chép lại đoạn viết về đường thiên lý trong GĐTTC 1820, ở mục Cầu và đò thì chép thêm “Bến đò Bình Quới, ở huyện Bình Long, phía bắc giáp bến đò Bình Đồng tỉnh Biên Hòa, rộng 75 trượng”.Phối hợp ghi chép từ 2 sách, có thể viết lại đoạn văn mô tả khúc đường Thiên lý ra bắc thuộc địa bàn trấn Phiên An như sau: “Từ cửa đông bắc thành cổ đã mất, khoảng khu vực Đài truyền hình, theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đi qua cầu Thị Nghè, qua cầu Sơn, qua cầu Kinh, theo đường Bình Quới, đến cuối đường gặp bờ sông Sài Gòn, qua phà Bình Quới, đi tiếp...”.Cầu Lầu bắc qua rạch Cầu Lầu thấy trên bản đồ Sài Gòn 1885 nhưng nay rạch đã lấp, cầu đã không còn nên không kể. Thời đắp đường Thiên lý chưa đào kinh Thanh Đa nên chưa có cầu Kinh nhưng phải kể thêm cho hợp hiện trạng ngày nay. Người dân nay vẫn đi phà từ quận 2 qua Bình Qưới mỗi ngày. Ảnh: Cương Trần Khúc đường 17 dặm, HVNTDĐC 1806 chép là 3.702 tầm (~17 dặm lẻ 30 tầm) tức hơn 8 cây số rưỡi, ứng với độ dài đường Bình Quới cộng với đoạn Xô Viết Nghệ Tĩnh gần thành, tức từ bến đò Đồng Cháy đến cầu Thị Nghè. Sông Bình Giang tức gọi tắt tên sông Bình Đồng, được GĐTTC 1820 nói đến gián tiếp trong mục viết về sông Tân Bình (s.Sài Gòn), chỉ khúc sông Sài Gòn đoạn ôm vòng bán đảo Thanh Đa. Bến đò Bình Đồng, còn gọi bến đò Đồng Cháy, bến đò bên bờ tây ở vào khoảng cuối đường Bình Quới, sau dời lên phía bắc một đỗi, tức nơi bến đò Quán hiện nay; bến đò bên bờ đông, HVNTDĐC 1806 chép là “cách vàm rạch Chiết hơn 1,5km” tức ở vào khu vực nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, về sau dời lên phía bắc một đỗi, tức chỗ bến phà Bình Quới hiện nay. Trạm Bình Đồng ở bên bờ đông, nơi HVNTDĐC 1806 chép là “Ngã ba Quán”, hay “điếm Đồng Cháy”, nơi có bán đồ ăn có chỗ ngủ, cách bến đò chỉ chừng hơn nửa cây số, nhà điếm này, như ngày nay thì gọi là nhà hàng khách sạn Bờ đông sông Bình Đồng, trước 1870 thuộc Biên Hòa, sau thì thuộc Sài Gòn.Bình Đồng là tên thôn, thay đổi nhiều lần, vài chục năm thì sách chép với tên khác, như Đại Nam nhứt thống chí, tỉnh Biên Hòa, mục Cầu và đò chép: “Bến đò Bình Thọ, ở địa phận huyện Ngãi An, giáp đường quan, thông với tỉnh Gia Định”, mục Chợ quán chép: “Quán Bình Thọ ở thôn Bình Thọ, huyện Ngãi An, tục gọi quán Bình Đồng”, rồi năm 1870 phần đất bên bờ đông sông Sài Gòn nhập vào hạt Thanh tra Sài Gòn, nơi này lại đổi tên là làng Phú Thọ, và ngày nay thì là phường Trường Thọ. Nhưng cái tên nôm Đồng Cháy không đổi, Đại Nam quấc âm tự vị 1895 viết: (mục từ Cháy (ई?): “Đồng Cháy. Tên đồng ở gần Thủ Đức, huyện Ngãi An”).Bản đồ Sài Gòn 1885 không ghi địa danh Đồng Cháy, khu vực bến đò chỉ ghi tên làng Phú Thọ, chỗ bến đò Đồng Cháy ghi chữ “Bac” (Bắc, nghĩa là bến đò), và một bến gần đó ghi là “Ben Đo Moi” (Bến Đò Mới). Bản đồ Sài Gòn 1885. Bình Quới Tây, Phú Thọ, R. Đông Nhien dit R. Chiết (Rạch Đồng Nhiên còn gọi Rạch Chiết), Bac (Bắc, tức bến đò Đồng Cháy cũ), Bến Đò Mới. Nhiều bản đồ Sài Gòn thời Pháp vẫn ghi tên “Đong Chay” ở khoảng đất bên kia bến đò Bình Quới, như Bản đồ Sài Gòn 1904 đã ghi địa danh “Đồng Cháy” bên bờ đông, còn bên bờ tây dưới đường thiên lý thì ghi: “Guérite da Cabie Télégraphique” (đường trạm quan báo). Sài Gòn 1904, Đồng Cháy, Bến đò mới, Cầu Bình Lợi (Kinh Thanh Đa đào xong năm 1898, cầu Bình Lợi bắc 1902). Và bản đồ Việt Nam Cộng hòa 1964-1974 (loại L701 và L7014, tỉ lệ 1/50.000) đều vẫn còn lưu tên cũ “Xóm Đồng Cháy”.Bản đồ VNCH 1964, còn lưu tên Xóm Đông Chay [Đồng Cháy], đường lộ và bến đò [ký hiệu: phà] Chỉ vẽ con đường Thiên lý từ thành Gia Định vắt qua thôn Bình Quới Tây mà không ghi địa danh bến đò thì thấy trên rất nhiều bản đồ xưa, của Tây của ta có đủ, trong đó có cả bản vẽ “Gia Định tỉnh 1815” của Trần Văn Học.Điểm đầu đường Thiên lý ở chỗ cầu Sơn, điểm cuối đường xác định được là nơi bến đò Bình Quới, tức đường Bình Quới là đoạn khởi đầu con đường Thiên lý bắc nam thuộc trấn Phiên An. Tính ra thì đường Bình Quới xưa thiệt là xưa, có thể nói nó là di tích giao thông số 1 của Sài Gòn, từ năm 1748 cho đến khi người Pháp bắc cầu Bình Lợi (1902), người ngựa, công văn, hàng hóa qua lại trên đường này biết bao nhiêu mà kể. Ảnh: Cương Trần Phục dựng di sản, giữa chỗ nhộn nhịp chật chội như Sài Gòn, một Lũy Bán Bích, một Giếng An Điềm coi ra rất khó, nhưng con đường Thiên lý lại có vẻ vừa hợp vừa hay, trên đường thì xe cộ vẫn cứ lại qua không phí phạm mắc mớ gì, chỉnh tu chút đỉnh cho ra đường nét cổ, quá dễ, đổi tên đường là đường Thiên lý hoặc đường Cái quan gì đó càng hay.Nếu không nếu chưa đổi được, thì cũng nên kiếm hai phiến đá xưa xưa, dựng ở đầu đường và ở bến đò, trên thì viết khắc năm ba câu gì đó, kiểu như: “Đường này, sử gọi là Quan lộ, dân gian gọi là Đường cái quan. Hồi năm 1748, quan Điều khiển thành Gia Định Nguyễn Hữu Doãn đốc suất quân dân đào đắp, để việc công nhanh chóng và nhơn dân tiện bề đi lại”, và “Bến đò này, sử gọi bến Bình Đồng, dân gian gọi bến đò Đồng Cháy, mở từ năm 1748, nối đường Thiên lý Bắc Nam”, đại khái vậy đi. Tags: Bình QuớiThanh ĐaĐường Thiên lýThành Gia ĐịnhĐường ra BắcĐường thiên lý Bắc - Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.