Bỏ đảo mà đi...

ĐĂNG NAM - ĐOÀN CƯỜNG 06/05/2008 20:05 GMT+7

TTCT - Nằm lẻ loi giữa biển khơi bao la, đảo Bé (xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) càng trở nên nhỏ bé hơn, nhất là vào mùa biển động. Không một thứ gì có thể trụ nổi, ngay cả những cư dân đã từng sống, gắn bó một đời với đảo giờ đây cũng dần “teo” lại trước sự dữ dội của thiên nhiên. Nhiều hộ dân đã bỏ đảo mà đi.

Phóng to
TTCT - Nằm lẻ loi giữa biển khơi bao la, đảo Bé (xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) càng trở nên nhỏ bé hơn, nhất là vào mùa biển động. Không một thứ gì có thể trụ nổi, ngay cả những cư dân đã từng sống, gắn bó một đời với đảo giờ đây cũng dần “teo” lại trước sự dữ dội của thiên nhiên. Nhiều hộ dân đã bỏ đảo mà đi.

Nhìn từ xa, đảo Bé nhỏ như một ngón tay nổi trên mặt biển. Càng đến gần, hòn đảo hiện lên một màu trắng bạt ngàn của cát trông đến nhức mắt. Chỉ sau một tuần biển động, dừa - loại cây ăn quả duy nhất có mặt trên đảo - giờ đây cũng bị gió biển “táp” đến tơi tả.

Ngoài dừa ra, thứ cây có thể chịu nắng, gió được là phi lao, nhưng xem ra ở đảo Bé này nó cũng trở nên èo uột. “Hai năm trước, sau hơn một tháng bị cô lập do biển động, nhiều hộ dân quanh đảo đã vớt được khá nhiều trái phong ba trôi dạt từ Trường Sa vào. Nhiều cây phong ba cũng đã bắt đầu nảy mầm từ dạo đó. Nhưng trồng mãi mà cây không thấy lớn. Cũng phải thôi! Ở đây cát nhiều, gió nhiều, nắng cũng nhiều. Chỉ tội đất và nước để cho cây sống thì không” - ông Nguyễn Lai, năm nay đã qua tuổi “thất thập”, thở dài nói với chúng tôi như thế.

Đang vào mùa tháng tư, cái nắng như thiêu đốt hòn đảo vốn chỉ rộng chưa đầy 18ha này đã làm chùn chân nhiều du khách lần đầu đến với đảo. Dẫn chúng tôi đi dọc những ruộng hành, ruộng tỏi cháy sém vì thiếu nước tưới mà giọng bà Nguyễn Thị Đay mếu máo như khóc: “Năm nay hành mất mùa trắng. Ai đời trồng cả tháng trời mà không có một đợt mưa ướt lá”. Vốn được mệnh danh “vương quốc” hành, tỏi, vậy mà suốt hai năm qua, người dân Lý Sơn mà nhất là đảo Bé phải sống trong cảnh lượm lặt từng tép hành, tép tỏi lẫn trong trảng cát nóng.

Nhìn những phụ nữ còng lưng dò tìm những bụi hành còn sót lại trong cát mà xót lòng. Đã thế giá cả cũng bèo lắm. Mỗi ký hành chỉ có 300 đồng. Mất mùa, mất luôn giá, cuộc sống của người dân trên đảo càng thêm điêu đứng. “Mà đâu phải chỉ năm nay, năm nào ở đây thời tiết cũng vậy. Khắc nghiệt... muôn đời” - ông Lai đúc kết, rồi chỉ lên những ngọn dừa xác xơ: “Từ xa xưa, các vị tiền hiền khi ra gây dựng cơ đồ trên hoang đảo này cũng đã tiên liệu sự khốc liệt của thiên nhiên rồi. Vì thế mỗi vị mang theo bốn cây dừa con. Chỉ có chúng mới hợp với cái đất đầy nắng gió này thôi”.

Bão tố, nắng hạn triền miên đã khiến những cư dân trên đảo Bé trở nên chai lì. Trên con đường cát dẫn vào những ngôi nhà thấp lè tè và thưa thớt, quá khứ của ông già vốn trọn cuộc đời gắn bó với đảo Bé này dần dần tái hiện. Đó chính là những trận bão và cuồng phong. Sóng biển, bão tố đã lướt qua đảo nhiều lần.

Thiên tai, bão tố rồi cũng qua nhưng nỗi ám ảnh đáng sợ nhất với cư dân nơi đây có lẽ là chuyện nước ngọt. Có năm biển động suốt tháng, nhưng trời không mưa lấy một giọt. Đói và khát đã biến cuộc sống trên đảo trở nên lay lắt. Không đào được giếng để lấy nước ngọt thì người dân xây bể, đào hầm để hứng nước mưa. Nhưng nhiều năm qua, mấy trăm chiếc bể hứng nước mưa là nơi dân đảo trốn... bão.

“Cả xã đảo An Bình giờ chỉ còn hơn 80 hộ dân. Nhiều gia đình đã bỏ đảo đi suốt mấy năm nay chưa thấy về” - chủ tịch xã An Bình Phan Đình Phương nói. Đi dọc đảo Bé, hình ảnh được thấy nhiều nhất có lẽ là những chiếc thúng chai được người dân sửa sang chờ ngày biển yên đi thả lưới. Những “chiếc lá” mỏng manh của những ngư dân này không dám vượt ra khơi xa, chỉ quẩn quanh gần bờ mong kiếm đủ con cá, con tôm đắp đổi qua ngày.

Cuộc mưu sinh quá vất vả đã “mở đường” cho những đợt ly hương của cư dân trên đảo. Gia đình ông Thông, có đứa con gái là Võ Thị Diễm vừa tròn 16 tuổi, đã tìm đường vào đất liền. “Nó đi ở đợ cho một gia đình trong thành phố Quảng Ngãi mỗi tháng cũng được 700.000 đồng. Chỉ mong nó lo liệu được bản thân. Còn bọn tui xem như an phận một đời trên đảo này rồi” - miệng nói mà đôi mắt ông Thông đỏ hoe.

Làn sóng di dân ở hòn đảo này đã bắt đầu từ mấy năm nay. Rất nhiều người dân ở đây bảo rằng nhà nào khá giả một tí thì lập tức sang đảo Lớn (đảo Lý Sơn) hùn vốn với người bên đó đóng tàu cưỡi sóng ra khơi làm ăn. Rồi dần dần họ cũng bỏ đảo Bé mà sang bên đó sinh sống. Nhưng số hộ dân bỏ đảo Bé đi nhiều nhất vẫn là số dân vào đất liền, một ít còn lại theo sóng vào tận vùng biển Ninh Thuận, Khánh Hòa làm ăn. “Vào trong ấy thì cũng trồng củ hành, củ tỏi mà sống thôi. Nhưng thời tiết, khí hậu trong đó ôn hòa, nước ngọt dồi dào nên hành tỏi được mùa lắm. Khấm khá lắm” - ông Lai bảo.

...Hoàng hôn buông dần xuống đảo. Không điện, không đài. Quanh quẩn chỉ nghe tiếng sóng vỗ ì oạp giữa trùng khơi. Theo chân ông Lai, chúng tôi tìm đến điểm “xanh” nhất của đảo là ngôi nhà của ông bà Võ Đôi (80 tuổi). Trong ngôi nhà ẩm thấp, chỉ còn lại hai thân già cô quạnh. Bà Thơ (vợ ông Đôi) vừa lụi cụi nấu ăn vừa than thở: “Năm ni lại thiếu nước, một khối mà mua đến 130.000 đồng lận”.

Vợ chồng bà Thơ ra đảo lập nghiệp từ thuở trai tráng, nhờ siêng năng chăm bẵm nên vườn dừa nhà bà thuộc vào diện tốt tươi, xanh nhất đảo. Ăn ở với nhau được bảy mặt con, nhưng rồi tất cả chúng đều bỏ đảo, bỏ lại cha già mẹ yếu. “Mấy đứa con tui không chịu được cái đói nghèo đã bỏ xứ vào tận Ninh Thuận cả rồi. Thân già này sống chết cũng ở đây thôi”. Trên những con đường nhỏ dẫn vào đảo Bé, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà “ma” (nhà bỏ hoang) do những người bỏ xứ để lại. Ông Lai nhẩm tính có không dưới 30 hộ dân (trong tổng số 110 hộ) với hơn 100 người đã quyết định ly hương đi tìm cuộc sống mới.

Sau một ngày tiếp xúc cử tri tại đảo Bé, ngồi trên tàu cá quay trở lại đất liền, ông Võ Tuấn Nhân - phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi - ngậm ngùi nghe câu nói của ông chủ tịch xã An Bình Phan Đình Phương khi chia tay mọi người ở chân cầu cảng: “Tình hình này rồi sẽ còn nhiều hộ rời đảo nữa. Làm sao giữ dân ở lại với đảo?”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận