TTCT - Bối cảnh là đại dịch Covid-19 đã xa, hồi phục toàn cầu và khu vực tốt, nhưng ASEAN không hẳn đang có "phong độ" tốt nhất. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Ảnh: Bernama Năm 2025 này, Malaysia trong vai trò chủ tịch luân phiên được trông đợi sẽ lấy lại khí thế cho tổ chức khu vực, như hy vọng của báo chí nước này.Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã gặp nhau thật sớm năm nay (AMM Retreat) hôm 15-1 tại Langkawi (Malaysia) để "thảo luận thẳng thắn và sâu sắc về các ưu tiên của ASEAN trong năm 2025 và các hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 44 và 45 cùng các hội nghị thượng đỉnh khác", thông cáo của AMM Retreat 2025 cho biết.Tính trung tâm của ASEANNhững ưu tiên của ASEAN là gì trong năm nay bên cạnh các đề mục cố hữu vẫn nêu ra hằng năm? Có thể thấy các tài liệu pháp lý nền tảng đã được dẫn ra trong tuyên bố là Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố năm 2011 về các nguyên tắc cho quan hệ cùng có lợi và triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).Còn nhớ Hiến chương ASEAN, ký kết tháng 11-2007, trong điều 2, mục (i) đã nêu rõ "vai trò trung tâm của ASEAN như yếu tố then chốt trong an ninh khu vực và hợp tác đa phương của châu Á, có thể được triển khai để đảm bảo rằng tương lai châu Á không bị chi phối chủ yếu bởi lợi ích của các cường quốc". Hiến chương ASEAN tỏ rõ sự tự tin về "vai trò cân bằng của ASEAN và cách tiếp cận bao trùm đặt ASEAN vào vị thế độc nhất trong việc xử lý cạnh tranh chính sách giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc". Không dừng ở đó, hiến chương bày tỏ khát vọng "đồng thời bảo vệ lợi ích toàn cầu của các thành viên và đối tác khu vực, tạo ra các cơ hội phát triển thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với các cường quốc".Vấn đề là những hứa hẹn hoặc kêu gọi như trên trong thực tế có sức nặng" bao nhiêu với "bàn dân thiên hạ"? ASEAN có thực sự là "trung tâm"? Trong nhiều thập kỷ, vị thế của ASEAN như một tác nhân trung tâm ở Đông Á đã là chủ đề của các phân tích chính trị và kinh tế và diễn ngôn của các chính phủ. Nhiều tác giả đã nhắc đến ASEAN như một tác nhân trung tâm, dẫn dắt và chỉ đạo các cuộc đàm phán.Lukas Maximilian Mueller, khoa chính trị Đại học Freiburg (Đức), không chỉ nhấn mạnh vị thế trung tâm của ASEAN trong kiến trúc thể chế Đông Á, mà còn đặc biệt ca ngợi thành công của tổ chức này trong việc "sống chung với những người khổng lồ". Việc ASEAN "quản lý" tốt các tác nhân bên ngoài hùng mạnh, chủ yếu là Trung Quốc và Hoa Kỳ, và cả Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) được coi là thành tựu lớn của tổ chức. Bằng cớ là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), diễn đàn khu vực thoạt đầu được tổ chức hằng năm với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 16 quốc gia ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á và châu Đại Dương, dựa trên cơ chế ASEAN+6. EAS được tổ chức sau các cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo ASEAN và đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc khu vực của châu Á - Thái Bình Dương.Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) năm 2005. Đến EAS lần thứ sáu năm 2011, số thành viên đã mở rộng lên 18 quốc gia, bao gồm Nga và Hoa Kỳ. Mueller giải thích rằng ASEAN có khả năng thu hút đối tác bên ngoài bằng cơ chế vừa cho họ tiếp cận các diễn đàn do ASEAN tổ chức vừa cho họ tiến hành đối thoại song phương. Cơ chế này là duy nhất đối với một tổ chức khu vực ở "bán cầu Nam".Đáng chú ý nhất trong số này chắc chắn là các diễn đàn lồng với nhau như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tập trung vào ASEAN. Các cuộc đối thoại được bổ sung bởi nhiều hợp tác an ninh song phương giữa từng quốc gia ASEAN riêng lẻ và Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ, tạo ra một mạng lưới an ninh phức tạp.Cũng theo Mueller, ASEAN rất thành công trong thiết lập các hiệp định tự do thương mại (FTA) cùng từng nước đối tác, nên các diễn đàn khu vực ở Đông Á đều theo khuôn ASEAN+, với ASEAN là trung tâm, tạo ra các vòng tròn đồng tâm của chủ nghĩa khu vực ở Đông Á.Tuy nhiên theo Mueller, dù có những thành công không thể phủ nhận đó, tính trung tâm của ASEAN nhìn chung đang suy giảm, đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực thương mại và kết nối. Trong thương mại, ASEAN đã chứng kiến vị thế trung tâm của mình bị các diễn biến hiện tại vượt qua. Các FTA ASEAN+1 ít được sử dụng, thay vào đó là một số FTA song phương, không bao gồm ASEAN.Để ứng phó với các xu hướng này, ASEAN đã nhắm đến đàm phán một FTA khu vực vĩ mô, có tên là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tuy nhiên, cũng theo tác giả, không hẳn RCEP sẽ dẫn đến việc củng cố vị thế trung tâm của ASEAN. Thay vào đó, RCEP dường như củng cố trạng thái có bản chất đa cực hơn và ít phụ thuộc vào ASEAN hơn. Mueller kết luận: các quan hệ với bên ngoài này thường được đánh giá là quan trọng hơn tiến trình nội bộ của tổ chức này. Nói cách khác, ASEAN quan hệ với bên ngoài tốt hơn là trong nội bộ.Malaysia sẽ làm được gì?Trước hiện tình "quan hệ bên ngoài tốt hơn là trong nội bộ" đó, từ phía Malaysia cũng đã có nhiều tiếng nói. Yusmadi Yusoff, cựu thượng nghị sĩ, người sáng lập và chủ tịch Quỹ RIGHTS và là thành viên Hiệp hội Đối thoại châu Á (ADS), lên tiếng trên Malay Mail 9-2 về cơ hội của Malaysia trong cương vị chủ tịch ASEAN:"ASEAN đang đứng trước ngã ba đường. Trật tự kinh tế toàn cầu đang thay đổi, tội phạm xuyên quốc gia đang gia tăng, các mối đe dọa mạng đang gia tăng và an ninh khu vực đang bị thử thách bởi những áp lực bên ngoài, bao gồm căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và tình hình đang diễn biến ở Myanmar. Trong bối cảnh này, nhiệm kỳ chủ tịch của Malaysia dưới thời Anwar Ibrahim không chỉ là một nhiệm kỳ thường lệ mà còn là thời điểm quyết định cho việc hiệu chỉnh lại chiến lược của ASEAN. Không giống như các nhiệm kỳ chủ tịch trước đây mà phần lớn là duy trì nguyên trạng, Malaysia nay có cơ hội định hướng lại các ưu tiên của ASEAN".Điều mà nghị sĩ Yusoff nói về tập quán "giữ nguyên trạng" của ASEAN là có thực. Có một dạo, một nhà ngoại giao năng lực của một nước thành viên ASEAN giữ chức tổng thư ký tổ chức này, làm dậy lên ít nhiều hy vọng. Sau đó, công luận buồn thảm đánh giá rằng ông tổng thư ký này đã điều hành công việc một cách rất ư là công chức.Một vấn đề khác cũng được đặt ra đã khá lâu, từ thực tế là trong ASEAN một vài nước giàu hơn các nước còn lại, nên cũng cần xem lại sự đóng góp tài chính của các nước. Ngay từ năm 2017, Tờ The Jakarta Post đã nêu vấn đề. Đó là, theo Hiến chương ASEAN được ban hành năm 2007, các quốc gia thành viên có quyền và nghĩa vụ bình đẳng. Ngân sách hoạt động của Ban thư ký ASEAN sẽ được các quốc gia thành viên đáp ứng thông qua khoản đóng góp hằng năm bình đẳng, được chuyển giao kịp thời.Sau này, có những ý kiến cho rằng khi ASEAN được thành lập vào năm 1967, tinh thần bình đẳng như vậy là tối quan trọng; nhưng giờ đây, sau 50 năm, ASEAN cần xem xét lại điều đó. The Jakarta Post kết luận: "Thật vô lý khi các quốc gia nhỏ hơn và nghèo hơn phải gánh chịu cùng gánh nặng như những người hàng xóm thịnh vượng hơn của họ". Một thực tế là ASEAN năm 2025 khác hẳn ASEAN năm 1967.Mới nhất, hôm 10-2 Bộ trưởng Đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia, ông Tengku Zafrul Aziz, nêu ra thực tế mới trong nội bộ ASEAN là việc một số thành viên ASEAN nay có ý định tham gia BRICS, thành ra vấn đề là "ASEAN không chỉ hoạt động trên bình diện chính trị / địa chính trị, mà cả qua việc đa dạng hóa các quan hệ kinh tế " (The Edge 10-2). Song ngay trước mắt, ASEAN phải tự đặt ra một phương hướng trước Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump "bất khả đoán".Trong khi chờ đợi những họp hành chung, có thể tạm đoán hướng khả dĩ của ASEAN qua phân tích các tuyên bố của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, hôm 4-2 tuần rồi được tờ Malay Mail thuật lại: Ông Anwar cho biết Malaysia sẽ có "lập trường trung tâm" trong cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cùng các nước láng giềng Mexico và Canada. Ông cho biết Malaysia có thể vượt qua mọi biến động kinh tế toàn cầu bằng cách có mạng lưới quan hệ thương mại đa dạng với các quốc gia khác.Ông phát biểu trong một phiên chất vấn tại Hạ viện nước này: "Chính sách của Malaysia, theo thỏa thuận của ASEAN, là trung tâm. Điều này có nghĩa là áp dụng cách tiếp cận tự do và trung lập trong khi thiết lập mạng lưới với tất cả các quốc gia. Mặc dù chúng tôi có vẻ gần gũi hơn với Trung Quốc, Brazil và Nam Phi, cũng như Canada và Mexico, nhưng mối quan hệ và sự tham gia của chúng tôi với Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay". ■ Tờ Malay Mail 9-2 tô đậm khả năng của Thủ tướng Anwar trong vai trò chủ tịch ASEAN, theo đó, trong sự chủ trì của Malaysia, ASEAN có thể:(1) Tự khẳng định mình là một nền tảng hòa giải toàn cầu, nổi lên như một diễn đàn trung lập cho các cuộc thảo luận toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như ổn định địa chính trị, quản trị mạng và hợp tác kinh tế(2) Tăng cường sức mạnh mềm của ASEAN qua việc Malaysia có thể định vị ASEAN là người điều phối các vấn đề toàn cầu, đưa ra con đường trung dung giữa các khối quyền lực cạnh tranh.(3) Tăng cường vai trò của ASEAN trong thế giới Hồi giáo, nhờ mối quan hệ chặt chẽ của ông Anwar với cả Trung Đông và phương Tây, Malaysia có thể thúc đẩy vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy tính ôn hòa của Hồi giáo, đối thoại giữa các nền văn minh và hợp tác về các vấn đề nhân đạo toàn cầu(4) Thay vì coi ASEAN là một khối khu vực thụ động, giới lãnh đạo Malaysia có thể biến ASEAN thành một cường quốc trí tuệ và ngoại giao, nơi được coi là địa điểm đáng tin cậy cho các cuộc thảo luận toàn cầu về hòa bình, an ninh và quản trị. Bạn đang đọc trong chuyên đề "ASEAN Tiếp theo Tags: AseanMalayxiaHiến chương ASEANThủ tướng Malaysia Anwar IbrahimMalaysia
Thế lưỡng nan của Ukraine khi quan hệ Trump - Zelensky căng thẳng TRỌNG TẤN 20/02/2025 Ukraine đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan về cách ứng xử trước Mỹ sau những lời chỉ trích bất ngờ của Tổng thống Trump đối với ông Zelensky.
Ông Nguyễn Văn Được làm Chủ tịch UBND TP.HCM TIẾN LONG 20/02/2025 Ông Nguyễn Văn Được - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy TP.HCM - được HĐND TP.HCM bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Giá vàng vọt lên 92,3 triệu đồng/lượng, cao nhất mọi thời đại ÁNH HỒNG 20/02/2025 Giá vàng miếng SJC cuối ngày hôm nay 20-2 vọt lên 92,3 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Đến phiên Nga khẩu chiến với Ukraine, về phe ông Trump TRẦN PHƯƠNG 20/02/2025 Điện Kremlin chỉ trích tổng thống Ukraine vẫn thường phát biểu 'không thể chấp nhận được' về các nhà lãnh đạo thế giới khác.