TTCT - "Lý thuyết khai cuộc đã giết chết cờ vua. Mọi kỳ thủ giờ đây chỉ việc ngồi trước máy tính và ghi nhớ từng nước đi". Đó là tuyên bố nổi tiếng trong làng cờ của thiên tài cờ vua Bobby Fischer trong những năm thập niên 1990. Có lẽ chính Fischer cũng không ngờ rằng gần 30 năm sau câu nói đó, và 17 năm sau khi qua đời, ông lại trở thành cụ tổ khai sinh một xu hướng chơi cờ mới.Tiên đoán của FischerCờ ngẫu nhiên, hay còn gọi cờ 960 (Chess960), hay cờ Fischer, là một biến thể của cờ vua cổ điển được Bobby Fischer nghĩ ra 20 năm trước. Lúc đó, hầu như chẳng ai quan tâm đến kiểu chơi cờ có phần lạ lùng này. Cờ ngẫu nhiên chỉ khác một điểm so với cờ vua truyền thống, đó là xáo trộn vị trí quân khi bắt đầu ván đấu. Vì có 960 cách xáo trộn như vậy, cờ ngẫu nhiên thường được gọi là cờ 960.Các kỳ thủ dự giải của Carlsen cùng ngồi bàn luận thế cờ bên lề. Ảnh: chess.comĐúng như phát biểu của Fischer, cờ ngẫu nhiên do ông đặt ra đã xóa bỏ lý thuyết khai cuộc cổ điển, khi kỳ thủ không thể lường trước họ sẽ bắt đầu ván đấu như thế nào, và không thể chuẩn bị theo cách thông thường.Vào thời của Fischer, cờ ngẫu nhiên gặp nhiều vấn đề rõ ràng, khiến nó bị coi thường, thậm chí là cười nhạo. Cựu vô địch thế giới Anatoly Karpov chế giễu sáng kiến của Fischer, cho rằng cờ 960 chỉ là "loại cờ của những người lười học lý thuyết khai cuộc". Còn Vladimir Kramnik, một nhà cựu vô địch thế giới người Nga khác, quan ngại rằng cờ ngẫu nhiên sẽ chỉ mang đến cảm giác tức tối. "Một số thế cờ khởi đầu của cờ 960 gây bất lợi cho một trong hai kỳ thủ, và đó không phải lỗi của họ", Kramnik nói. Ông tin rằng cờ ngẫu nhiên sẽ chỉ là một hình thức giải trí trong lúc buồn chán của các kỳ thủ nghiêm túc.Nhưng cả Karpov lẫn Kramnik chẳng thể ngờ nhiều thập niên sau đó, vua cờ kế nhiệm họ là Magnus Carlsen lại cực kỳ hứng thú với sáng kiến của Fischer. Kỳ thủ người Na Uy tuyên bố: "Cờ 960 là một thể thức tuyệt vời, vì nó đòi hỏi sự sáng tạo ngay từ đầu. Nếu phải chọn một thể loại cờ để chơi suốt đời, tôi sẽ chọn cờ ngẫu nhiên".Năm 2019, khi cờ ngẫu nhiên lần đầu tiên được tổ chức giải vô địch thế giới, Carlsen đã vô địch. Chiến thắng đó của anh là lời phản bác với Kramnik, khi người giỏi nhất ở bàn cờ truyền thống cũng là người giỏi nhất ở cờ 960. Nhiều kỳ thủ hàng đầu thế giới khác như Nakamura, Caruana, Firouzja, Dommaraju… cũng hưởng ứng Carlsen.Và sau ba thập niên, Fischer đã phải khiến làng cờ ngả mũ trước tầm nhìn của ông. Khi kỳ thủ người Mỹ sáng tạo ra cờ 960, hệ thống siêu máy tính đánh cờ khi đó mới là Deep Blue - một cỗ máy cồng kềnh và không có gì chắc chắn là thắng nổi một đại kiện tướng con người. 30 năm sau, chẳng còn ai nghi ngờ nhận định của Fischer và sức mạnh của các siêu máy tính nữa, điều cũng dần biến làng cờ thành một cuộc so tài… trí nhớ.Chính Carlsen đã nhiều lần bày tỏ sự chán ngán khi phải tham gia các trận đấu cờ đỉnh cao. Năm 2021, kỳ thủ người Nga Ian Nepomniachtchi hùng hổ tuyên bố sẽ đánh bại Carlsen với siêu máy tính đời mới. Carlsen chung cuộc đã thắng, với phong cách được truyền thông ca ngợi là "kỳ thủ hiếm hoi còn giữ được nét sáng tạo trong những nước đi". Nhưng bản thân Carlsen cũng không thể rời xa chiếc máy tính, khi nhận sự hỗ trợ từ phần mềm siêu mạnh Stockfish. Năm 2022, người ta nhận ra Carlsen đã đi những nước cờ giống hệt Stockfish - phần mềm từng khuất phục anh chỉ trong vòng chưa đầy… 30 nước.Tương lai trong tay CarlsenNhưng làng cờ đỉnh cao đang đứng trước một cuộc cách mạng lớn, khi Carlsen quyết tâm theo đuổi niềm vui của mình. Năm 2023, kỳ thủ người Na Uy từ chối tham gia trận chung kết vô địch thế giới sau 5 lần chiến thắng liên tiếp, nhưng mặt khác, anh vẫn chơi cờ đều đặn và giữ vững vị trí số một trên bảng xếp hạng.Một năm sau, Carlsen gây sốt khi bắt tay với doanh nhân Jay Henric Buettner thành lập giải Freestyle Chess GOAT Challenge, một giải cờ ngẫu nhiên tách biệt với Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE). Người vô địch nhận khoản tiền thưởng 60.000 USD, cao hơn 12.000 USD so với Giải cờ tuyển chọn (Candidates Tournament), tức giải chọn ra người thách đấu của trận chung kết thế giới kiểu truyền thống.Quá nhiều yếu tố hấp dẫn cùng hội tụ, từ tiền thưởng, truyền thông, biến thể cờ thú vị, và chính tên tuổi của vua cờ, khiến Freestyle Chess nhanh chóng nổi lên. Sang năm 2025, Carlsen nâng cấp giải đấu thành hệ thống với cái tên mới - Freestyle Chess Grand Slam Tour, gồm 5 giải đấu trải dài cả năm, diễn ra ở nhiều quốc gia khác nhau và có số tiền thưởng cao kỷ lục. Chỉ riêng giải đầu tiên diễn ra tại Đức vào tháng 2 đã có tổng tiền thưởng khoảng 700.000 USD.Nhưng đồng thời, giải đấu của Carlsen cũng khiến mối quan hệ giữa anh và FIDE đổ vỡ hoàn toàn. Hai bên vốn đã hục hặc từ khi kỳ thủ Na Uy từ chối tham gia trận chung kết cờ thế giới, và bắt đầu chỉ trích công khai lẫn nhau khi Carlsen thành lập giải đấu của riêng anh. Kỳ thủ người Na Uy tuyên bố: "FIDE cần tôi hơn là tôi cần FIDE", một phát biểu khá ngông nghênh, nhưng không phải không có lý, và lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người hâm mộ. Carlsen cùng Nakamura còn tố FIDE tìm cách cưỡng ép các kỳ thủ, không cho phép họ tham dự Freestyle Chess Grand Slam Tour.Một lần nữa, xung đột giữa FIDE và Carlsen càng gợi nhớ đến Fischer. Huyền thoại người Mỹ cũng từng từ chối trận đấu bảo vệ ngôi vua cờ vào năm 1975 (với Karpov) vì xung đột với FIDE. Nhưng mọi lời nói, cử chỉ, quyết định của Fischer chỉ khiến ông bị thế giới đánh giá là gàn dở (Fischer xung đột với tất cả, bao gồm quê hương Mỹ). Còn giờ đây, Carlsen ở vào một vị thế hoàn toàn khác.Sau nhiều thập niên, làng cờ - cũng như làng thể thao - đã đi theo guồng máy chuyên nghiệp, thương mại và truyền thông hóa đến chân tơ kẽ tóc. Chỉ bằng sức của một người, Carlsen có thể kêu gọi tài trợ, khai sinh một chuỗi giải đấu, và tạo ra cuộc thay đổi lớn lao với cách thế giới chơi cờ. Cờ 960 có thể không bao giờ thay thế được cờ truyền thống, nhưng nó rõ ràng hấp dẫn, khó lường, và do đó đáp ứng hơn nhu cầu giải trí của người hâm mộ.Ở Freestyle Chess Grand Slam Tour, Carlsen tạo được hình ảnh thú vị hiếm khi thấy ở các giải cờ đỉnh cao. Đó là khi các kỳ thủ hay nhất thế giới cùng quây quần bên bàn cờ, bàn luận về các thế cờ lạ lẫm do cờ 960 tạo nên. Hình ảnh đó hoàn toàn đối lập với chiếc máy tính khô khan, ngồi cạnh là các kỳ thủ chìm đắm trong mệt mỏi.■ Giới thể thao đỉnh cao không thiếu những xung đột tương tự Carlsen - FIDE, khi những cá thể giàu uy tín luôn sẵn sàng thách thức các cơ quan đầu não.Tiêu biểu có thể kể đến dự án Super League do Real Madrid khởi xướng, và đã thắng kiện UEFA khi họ muốn cấm tiệt dự án này vào năm 2021. Một năm sau đó, tổ chức LIV Golf - được Saudi Arabia hậu thuẫn, đã đối đầu với tổ chức chính thống PGA Tour, trước khi bắt tay hợp tác vào năm 2023.Trước đó nhiều năm, bóng rổ đi tiên phong khi liên minh các CLB hàng đầu châu Âu tách ra khỏi FIBA (Liên đoàn Bóng rổ thế giới) để thành lập hệ thống giải riêng. Và dù luôn bị FIBA công kích, giải đấu này vẫn đứng vững hơn 20 năm qua. Tags: Chơi cờ Cờ vuaMagnus CarlsenCờ 960FIDE
Hôm nay, HĐND TP.HCM họp bầu ông Nguyễn Văn Được làm chủ tịch UBND thành phố THẢO LÊ 20/02/2025 Chiều nay, HĐND TP.HCM họp bầu chủ tịch UBND TP.HCM với ông Nguyễn Văn Được và miễn nhiệm chức vụ này với ông Phan Văn Mãi để nhận công tác khác.
Cộng đồng 'Pi thủ' hồi hộp chờ Pi Network lên sàn, giá Pi 'chợ đen' sốt theo CÔNG TRIỆU 20/02/2025 Việc đội ngũ đồng tiền ảo Pi Network thông báo mở mạng vào khoảng 15h ngày 20-2 (giờ Việt Nam) cùng thông báo Binance mở cổng bình chọn để quyết định có niêm yết tiền ảo Pi Network đang làm dấy lên niềm vui mừng trong cộng đồng các "Pi thủ" Việt Nam.
Cú bắt tay trăm tỉ của ‘em gái mưa’ và cựu trưởng Công an Phú Quốc BỬU ĐẤU 20/02/2025 Dù biết đất rừng không làm giấy được nhưng đại tá Lê Văn Mót, cựu trưởng Công an TP Phú Quốc vẫn bắt tay với Nguyễn Thị Hằng, người được xem như 'em gái mưa' của ông Mót để lừa đảo gần cả trăm tỉ đồng của nhiều người.
Ông Medvedev: Tổng thống Trump đúng 200% khi gọi ông Zelensky là 'kẻ độc tài' THANH BÌNH 20/02/2025 Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Tổng thống Trump hoàn toàn đúng khi gọi ông Zelensky là 'kẻ độc tài không thông qua bầu cử'.