TTCT - Sông Hậu miên man đưa nước về cửa Đại chảy ra biển Đông. Giữa chỗ đất trời giao nhau, làng xóm nhà cửa như thoắt ẩn, thoắt hiện, vườn dừa, vườn tre xanh rì. Phóng to Minh họa: Hoàng TườngTTCT - Sông Hậu miên man đưa nước về cửa Đại chảy ra biển Đông. Giữa chỗ đất trời giao nhau, làng xóm nhà cửa như thoắt ẩn, thoắt hiện, vườn dừa, vườn tre xanh rì. Bao nhiêu năm sống cách biệt, gần mà như ở đâu xa với thế giới bên ngoài, cuối cùng Trà Cú heo hút rồi cũng có đường xe chạy khắp hang cùng ngõ hẻm, điện dang tay nối xóm làng. Ngày xã có điện, thằng Út con lão Thạch Soul ngồi trân mình chăm chú nhìn bóng đèn. Nào giờ Út có học hành gì, cả ngày ở ngoài đồng lùa bò, vô chùa tu ít năm trở ra lại tiếp tục cầm roi chăn bò, có đi tới đâu. Ao Bà Om ngoài Trà Vinh ngồi xe hút vài điếu thuốc là tới nơi, Út còn chưa biết. Ngộ quá hé, điện là gì, dầu châm vô đâu, sợi tim đèn nhỏ xíu sao lại sáng rực. Bờ sông, hoa bắp lay: thoạt đầu cứ nghĩ cái nhan đề chẳng ăn nhập gì với câu chuyện về những thay đổi ở rẻo đất heo hút miệt Trà Cú này. Bắt đầu là điện, rồi đến điện thoại, tivi, phim ảnh, karaoke… Nhà máy mọc lên, chợ búa tấp nập, đường sá mở ra, thế giới như gần lại. Đời sống đổi thì con người đổi. Lão Thạch Soul ít nói bỗng trở nên nhiều lời. Thằng con “trung sĩ sữa” của lão “như con chim sổ lồng” đã đành, mà thằng Út quanh quẩn giữa xóm làng cũng đang “ngơ ngác trước bản thân mình”. Thì ra người ta không thể sống hoài một kiểu, cũng không thể yêu hoài một kiểu, nếu không muốn biến thành một “con gà mờ”! Trước sự “lột xác” của nông thôn ngày nay trên đà đô thị hóa, đây đó trong văn chương xuất hiện nỗi lo pha chút hốt hoảng. Ngô Khắc Tài thì không, lòng anh điềm tĩnh mà giọng văn thì đùa cợt nhẹ nhàng. Vì dù cuộc sống có thay đổi đến đâu, đến mùa hoa bắp vẫn lay lay theo gió dọc bờ sông và sông Hậu vẫn miên man đưa nước về cửa Đại. HUỲNH NHƯ PHƯƠNGTay chân Út táy máy, không dằn được tò mò Út tháo bóng đèn ra tìm hiểu điện nó ở đâu. “Chây me!” - Út kêu lên rồi buông tay ra. May đụng nhằm bóng đèn cà na cường độ nhẹ không mấy nguy hiểm cho người. Nhưng đến khi hiểu ra, đầu óc của Út như theo dòng điện sáng lên. Ngoài hai ngọn đèn nêông trong nhà, Út còn mua thêm bóng đèn ở trước cổng, ở vườn sau cho sáng sủa chuồng gà, chuồng bò. Nhưng khi Út gắn phích cắm vô ổ điện y như là lão Thạch Soul chạy tới rút ra. - Mày không phải là công tử Bạc Liêu nghe. Bò ngủ mà để đèn là chỉ đường cho ăn trộm. Lão la con lại quên chính đêm tối tăm mới dễ sinh trộm đạo rối rắm, mà hồi nào tới giờ tuy là quê mùa xứ này có trộm đạo gì đâu. Hai cha con cãi nhau luôn. Tất nhiên lão phải thắng, dân Khơme luôn tôn trọng nguyên tắc nhà có kẻ lớn người nhỏ. Chuyện phải có đầu có đuôi trừ khi nó lỏng le. Thành ra Út ôm bụng ấm ức, đêm xuống nó đánh quần áo tụ tập ở mấy nhà có tivi hay quán cà phê. Đôi lúc Út buồn ngủ ngồi gục lên gục xuống không muốn về... Mà về nhà làm gì. Trừ những ngày tết Chon-nam-thơ-mây, tết Óc-om-booc lão Thạch Soul mới cho bật đèn sáng lên. Ngay cả quạt máy lão cũng không chịu sắm, mùa hè trời nóng nung, bức bối, đã vậy lão có tật đêm xuống đốt cái bếp un vỏ cam, vỏ bưởi phơi khô khói cay sè. Nhưng từ lâu Thạch Soul có biết một thứ để gọi nói chuyện khắp nơi. Lác đác nhiều nhà trong xóm lão đã gắn điện thoại, nhất là những người có bà con ở nước ngoài. Lão tò mò quan sát người hàng xóm đưa ống nghe lên miệng: “Alô, ai kêu tui đó?”. Lão Thạch Soul nhớ lại, ngày lão còn nhỏ mấy đứa cùng tuổi nối sợi dây vô hai lon sữa bò kéo ra xa nói chuyện. Thì ra điện thoại cũng như thế, tiếng nói được truyền qua sợi dây. Đến lúc cán bộ trên tỉnh xuống móc điện thoại di động từ túi quần ra, nó gọn ghẽ đâu có dây nhợ gì, lão đâm ra lúng túng, chịu, không thể hiểu hết mọi việc. Thế giới tiến bộ vượt bậc. Tuy không hiểu nhưng lão kịp nhận thấy điện thoại là một nhu cầu. Trung sĩ Thạch Son, thằng con trai thứ tư của lão, đi bộ đội biên phòng đóng ở Bảy Núi, An Giang đã năm năm rồi. Trước đó ba năm xứ Trà Cú còn nghèo lắm, đường sá, điện nước, thủy lợi coi như ba không, người ta lũ lượt kéo đi Bù Đăng, Bù Đốp ngoài Bình Phước lập nghiệp, có cả gia đình hai đứa con gái đầu lòng lão Thạch Soul chèo chống đi theo. Đứa ở đầu non, đứa ở cuối rừng, tất nhiên mấy đứa nhỏ nhớ nhà nhưng nỗi nhớ ấy chưa chắc gì hơn tình cha nhớ con của lão. Thỉnh thoảng hàng xóm chạy qua kêu lão có điện của con gái, mừng quá lão nhấc máy lên alô. Rồi lão hét tướng lên hả, hả. Thành ra nhờ vả lối xóm tốt bụng mà việc nhà mình người ta ai cũng biết hết. Nhà lão nghèo, món nào sắm trước, món nào sau từ từ tính, không phải đùng lên là có mọi thứ. Cái cảnh đêm xuống hai mẹ con thằng Út mẹ một nơi, con một nẻo tìm chỗ coi ké tivi; gặp khúc trích đoạn cải lương mùi thấu xương thì chủ nhà lại khoái tấu hài để cười, hai đùi rung rinh dang ra. So với nhu cầu nhà cần có một máy điện thoại thì tivi cũng đâu có kém... Lần đó, chẳng những thằng Út mà vợ của lão ít khi nói gì cũng lên tiếng phản đối. Trong khi vẫn còn nợ ngân hàng, vụ bắp đầu tiên thay vì dành tiền trả nợ, lão lại rinh về nhà cái máy điện thoại. Rồi mụ làm thinh khi nghe lão trả lời: “Để gọi các con được không?”. Như muốn cho vợ mình hiểu thêm, lão bấm số tít tít gọi: “Alô, Thạch Son”. “Trung sĩ ơi, có một ông già ổng điện” - từ phía sau doanh trại Thạch Son vội vã chạy lên, vừa ngạc nhiên vừa vui. Vui vì đang ở nơi xa lại gặp được người thân dù chỉ chuyện trò qua đường dây. “Alô, tao đây, mày khỏe hả?”. Thạch Son hỏi: “Ba cũng mạnh?”. Bên kia lão trả lời ừ, rồi lão đâm ra nói lấp vấp, dường như còn đang suy nghĩ sắp xếp ý nghĩ cho có lớp lang. Những cú điện thoại đầu tiên lão chỉ thăm hỏi sức khỏe con, rồi để Thạch Son đem chuyện lính tráng của mình, nhất là chuyện ở Bảy Núi, ra kể cho lão nghe. Xung quanh đồn biên phòng núi cao núi thấp chập chùng, bên kia Campuchia cũng là núi chạy xếp hàng. Vùng Bảy Núi tập trung dân Khơme, Thạch Son những lúc rảnh rỗi thả bộ dạo chơi với anh em trong phum sóc cũng vui. Tuy nhiên tết Chon-nam-thơ-mây, tết Oc-om-booc ở Bảy Núi có khác Trà Vinh. Tự nhiên lão Thạch Soul hiểu ra. Khác vì xứ núi cao ráo nên ngày tết dân Khơme Bảy Núi mở hội đua bò. Còn Trà Vinh nhiều sông rạch, ở sát mé biển nhiều gió nên ngày tết hay tổ chức đua ghe ngo, đêm xuống thả đèn gió vậy thôi. Trò chuyện qua vài lần lão Thạch Soul như tiến bộ. Còn trung sĩ Thạch Son vừa ngạc nhiên, vừa thích thú. Cha của mình có tiếng ít nói, nghe nhiều hơn nói. Dường như bấy lâu chỉ nghe con nói, giờ lão bắt đầu phát. Năm năm đi lính, đôi ba lần về phép vội vã, đôi lúc Thạch Son cảm thấy mình là con chim sổ lồng, có khoảng trời mới khác khoảng trời cửa sông xuôi ra biển buồn thiu. Đã xa ngày một xa hơn, Thạch Son không được can dự việc nhà, việc xóm làng đang thay đổi từng ngày nhưng vẫn biết hết nhờ việc gì ở quê lão Thạch Soul cũng đem nói hết cho con nghe. Đám lính mới nhập ngũ chưa quen xa nhà như thể ghen tị. Ông trung sĩ lớn rồi mà cứ cách đôi ba ngày lại được cha gọi điện một lần. Họ ghen với anh vì ở Bảy Núi mà những gì xảy ra dưới Trà Vinh anh hiểu hết. Từ lúc thị xã Trà Vinh được tách ra thành tỉnh riêng, mọi cái như lột xác. Những huyện xa xôi hẻo lánh, đường sá, chợ búa, trường học, các cơ sở hạ tầng bấy lâu ngủ gật bỗng được đánh thức, kéo theo kinh tế phát triển. Nhà máy đường, nhà máy thủy sản tìm đến xây cơ sở, tạo cho địa phương nhiều công ăn việc làm. Người Khơme quen sống với đồng ruộng, ít chịu gò bó giờ giấc thì đã có chương trình trồng bắp lai, nuôi bò lai. Lác đác có những người trước đây vì nghèo đói kéo nhau lên rừng Bù Đăng, Bù Đốp lập nghiệp nay khăn gói quay về. Trước đây muốn mua một cây đèn pin, lão Thạch Soul phải chờ dịp quá giang ra chợ huyện, nay thì xã nào chợ búa cũng có đầy đủ các món. Bấy lâu Thạch Son cứ canh cánh trong lòng đi xa không giúp ích gì gia đình, chỉ thỉnh thoảng gởi về món quà nho nhỏ có lệ để chứng tỏ vẫn không quên mọi người. Giờ đây những gì đang thay đổi ở vàm Cửa Đại quanh năm sóng vỗ đó lão Thạch Soul đem kể hết cho con nghe. Nhà mình có hơn trước, rồi đây nó sẽ khá hơn. Thạch Son cảm thấy yên tâm lo công tác. Vui nhất là Thạch Son được biết thằng Út em của mình đêm nào cũng đi chơi đến khuya lơ khuya lắc mới về, lão Thạch Soul không chờ được nên để chìa khóa dưới ngạch cửa cho Út. Nhờ đi vậy mà Út biết hát karaoke... Rồi chuyện mấy tháng xảy ra dịch cúm gà, Út đem giấu mấy con gà trống ở đâu đó. Sau khi hết dịch Út đem bán cho mấy tay chơi gà được mấy trăm ngàn, Út sắm bộ quần áo, mua chiếc đồng hồ. Nó bắt đầu lớn. Nhưng chuyện vui nhất là Thạch Son. Đi lính năm năm mang lon trung sĩ, chuẩn bị lên thượng sĩ tự nhiên anh có biệt danh “trung sĩ sữa”. Thấy Thạch Son lộ vẻ khó chịu với biệt danh đó, anh em trong đồn biên phòng càng chọc ghẹo. Chuyện là một hôm Thạch Son cùng với anh em trong đồn vô sóc dự đám cúng, có chút rượu lâng lâng trong người Thạch Son trở về, đúng lúc lão Thạch Soul gọi điện. “Mày uống rượu hả?”, qua giọng nói của Son lão Thạch Soul phát hiện hỏi ngay. Nhân đó lão khuyên nhủ: “Con ơi chớ có rượu chè be bét mà bê trễ nhiệm vụ, rồi bị khiển trách”. Tưởng câu chuyện có vậy, ít ngày sau nhằm lúc Thạch Son đi đâu đó, lão lại gọi điện. Lính trực ban trả lời Thạch Son đi vắng, lão Thạch Soul chưa chịu lại hỏi vặn: “Bộ nó đi uống rượu hả? - Rồi lão hồn nhiên tiếp tục - Bộ cữ này nó chơi bời rượu chè lắm hả?”. Về tới đồn, Thạch Son nghe chuyện bực mình. Thay vì gọi cho cha nói lão đừng nên như vậy bởi dù sao anh cũng có vai vế, là trung sĩ gần lên thượng sĩ rồi, Thạch Son làm thinh chịu đựng. Ai dè ngày hôm sau lão Thạch Soul gọi lên cũng nhằm lúc Thạch Son lại có chuyện đi vắng, lão được gặp thiếu tá trưởng đồn biên phòng đang ngồi bên máy. “Gặp Thạch Son có chuyện gì không bác, tôi là thủ trưởng của nó đây” - nghe đám lính kể lão hay gọi điện xin gặp con, thiếu tá trưởng đồn vui vẻ giới thiệu. Lão Thạch Soul chào lại lịch sự rồi hỏi thăm ngay: “Độ rày Thạch Son có thường rượu chè?” - giọng lão hơi gay gắt nhưng vẫn còn giữ tế nhị ban đầu. Thiếu tá trưởng đồn tiếp tục vui vẻ: “Thì lính tráng cũng phải có chút ít cho vui”. Bất ngờ lão Thạch Soul đổi giọng lên lớp người mà lão chưa hề biết mặt: “Đám lính nhậu nhẹt lỡ say sưa bỏ bê canh gác rồi sao”. Thiếu tá đồn trưởng chưa từng gặp một lão già nghĩ gì cứ nói chẳng e dè nên ông vòng vo, chưa kịp trả lời thì lão Thạch Soul thiệt thà tuôn ra một hơi những gì còn ấm ức. Lão nói ban đầu khi cho Thạch Son đi lính, lão cũng sợ con trở nên kẻ say sưa nhậu nhẹt. Bởi lão thấy nhiều đứa lúc còn ở nhà, ai mời rượu chúng đều đưa ly lên môi ngậm sau đó lén day mặt chỗ khác phun ra. Chúng hiền làm sao vậy mà đi làm việc nhà nước vài năm đứa nào cũng thành hũ chìm, lại còn quậy nữa. “Bác có thấy người lính nào quậy chưa. Đứa nào có cái máu đó cho uống sữa nó cũng quậy. Thạch Son đâu còn nhỏ nữa...”. Nghe thiếu tá đồn trưởng trả lời lão Thạch Soul, cả đồn có dịp cười lăn ra, còn Thạch Son bắt đầu mang danh là “trung sĩ sữa”. Hồi Thạch Son còn ở nhà, lão Thạch Soul là người có tiếng ít nói, gặp cán bộ lão như tránh đi chỗ khác, nay lão sinh tật nói nhiều cũng bởi cái điện thoại. Thạch Son cố giấu sự bực mình, chờ lúc đồn vắng người anh gọi về Trà Vinh. Hai cha con cự nự nhau. “Tao muốn cho mày đàng hoàng. Một hai mùa bắp nữa hết nợ ngân hàng, bán bắp, bán bò lo cho mày. Sao mày lại giận tao”. Lão xuống giọng nhỏ nhẹ. Hóa ra lão Thạch Soul dự định hỏi vợ cho Thạch Son. Chắc lão đang ngấp nghé ai đó cho Thạch Son nên mới dặn dò con sắp sửa cưới vợ chớ bê tha. Thạch Son đổ quạu: “Ông lo cho thằng Út ở nhà với ông kìa”. Cửa Đại miên man đưa nước xuôi ra biển, phù sa theo dòng nước làm nên những bãi bờ, những rẫy bắp lai vươn cao khỏi đầu người. Chưa bao giờ sông thôi cuộn chảy, bờ sông thôi gió, lá bắp thôi lay lay. Thạch Son giận cha nói cho đã như vậy mà trúng. Mọi thứ ở xóm vàm cửa sông heo hút đang thay đổi. Thằng Út đang ngơ ngác. Đầu máy chiếu phim, karaoke thứ nào cũng hấp dẫn từng khiến Út ngơ ngác, giờ Út đang ngơ ngác trước bản thân mình. Lão Thạch Soul vẫn chưa hay. Đêm đêm Út dạo chơi lão chưa biết con mình đi đâu. Cho đến lúc đoàn ca múa đầu tiên về phục vụ bà con người Khơme. Mọi người tập trung đứng chật ních xóm chùa. Sara, cô bạn gái bên kia sông Út quen trong dịp tết Chon-nam-thơ-mây vừa qua, đang đứng coi văn nghệ với Út nửa chừng đòi về. Út đành chiều theo cô bạn... Sương đêm bắt đầu xuống, đường về nhà Sara không xa lắm, hút vài điếu thuốc là tới. Nhưng Sara lại đòi đi đường tắt băng qua những rẫy bắp. “Hai đứa giống như đi ăn trộm” - Sara cười hinh hích. Rẫy bắp này nối rẫy bắp kia bạt ngàn, có ăn trộm cũng không hết, Út vui vẻ cười theo. Trời tối đen. Trong khung cảnh yên lặng nổi lên tiếng dế kêu, tiếng gió đùa lá bắp xào xạc. Gió ngoài vàm sông thổi mát rười rượi. - Em sợ ma lắm - Sara nắm chặt lấy tay Út. - Ừ khúc này có ma. Ba anh nói lúc còn Mỹ bỏ bom, xóm tập trung trốn ở đây chết gần hết - Út hồn nhiên làm Sara càng sợ níu chặt lấy tay Út - Sợ gì, ba anh nói mỗi khi qua đường vắng, cứ đưa hai tay ra bắt ấn, niệm chú “án ma ni bát nị hồng” là ma quỉ dạt ra. - Nói chuyện ma không hè. Bắp lai giống mạnh ghê. Còn giống nào lai được nữa không anh? - Có chứ, như lúa lai vừa ít phân vừa kháng sâu rầy. Từ một đứa tò mò không biết điện là gì, chút xíu nữa lại bị điện giật nay thằng Út mở mang lên mặt Tám Tàng cắt nghĩa một hơi. Út quên mất Sara đang nhìn Út chăm chú. Bàn tay của Sara đi ngoài sương gió thay vì lạnh lại nóng bỏng. Rồi bỗng nhiên Sara “hứ” một tiếng bỏ chạy. Út ngơ ngác nhìn theo hồn nhiên ngộ ra. Vì sao Sara lại “hứ”. Hóa ra lúc trước thanh niên thiếu nữ rụt rè bao nhiêu nay mạnh dạn bấy nhiêu. Út đã nhìn thấy từng cặp ôm nhau khi xem phim, hát karaoke. Còn Út sao lại rụt rè. Sara “hứ” ngụ ý Út là con gà mờ. Út chạy theo nắm tay kéo Sara vào lòng. Ban đầu là nụ hôn vụng dại, sau đó cả hai ngã lăn ra rẫy bắp. Lần đầu tiên cả hai đứa chưa biết gì, rồi việc gì tới đã tới. Thạch Son giận nói cho đã nư mà trúng y như kinh. Lo cho thằng ở xa mà như quên đứa ở nhà, cho tới khi cha của Sara mời lão Thạch Soul qua nhà. Lão dắt thằng Út xuống xuồng bơi qua bên kia bờ sông. Hoa bắp trổ cờ theo gió lay lay. Cửa Đại miên man nước trôi xuôi ra biển, chưa bao giờ sông thôi chảy.
Cận cảnh điện Thái Hòa dát 300 lạng vàng sau 3 năm đại trùng tu, mở cửa đón khách NHẬT LINH 23/11/2024 Điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng cung Huế - đã mở cửa trở lại đón khách sau 3 năm đại trùng tu.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Thêm một vụ đất ông bà để lại ở hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng TRƯỜNG TRUNG 23/11/2024 Thêm một vụ giành quyền sử dụng đường chung tại chính hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng.
Cứu 7 người kẹt trong căn nhà bốc cháy, cảnh sát nhường mặt nạ dưỡng khí cho cô gái mang bầu HỒNG QUANG 23/11/2024 Căn nhà bốc cháy trên phố Trúc Bạch (Hà Nội). Cảnh sát đã đưa 7 người mắc kẹt trên tầng cao ra ngoài.