Bóng đá trở lại, có còn hơn không!

HUY ĐĂNG 08/06/2020 00:06 GMT+7

TTCT - Trong tháng này, lần lượt toàn bộ 4 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, cùng Champions League và Europa League, đều sẽ trở lại.

Cuối tháng 4, nhiều người lo sợ về một hiệu ứng domino sẽ xảy ra khi Ligue 1 (Giải vô địch Pháp) phải hủy bỏ phần còn lại của mùa giải vì đại dịch. Tuy nhiên, nỗi lo giờ đã tạm lắng khi các giải khác không theo bước Ligue 1.

Cây to không thể đổ

Trước đó không lâu, Eridivisie (Giải vô địch bóng đá Hà Lan) thậm chí chọn cách kết thúc mùa giải theo kiểu không ai muốn nhất: hủy bỏ luôn cuộc đua vô địch, chỉ chọn ra những đội dự cúp châu Âu mùa tới dựa trên bảng xếp hạng gần nhất.

Ligue 1 khá hơn một chút, dùng cách tính điểm trung bình để trao chức vô địch cho PSG và tính toán ra một bảng xếp hạng chung cuộc cho mùa giải. Cách nào cũng gây ra vô số tranh cãi, và cả sự hụt hẫng cho cổ động viên.

Nhưng Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha), Bundesliga (Đức) và Serie A (Ý) không “cùng mâm” với Ligue 1 hay Eridivisie, dù là xét theo bất kỳ tiêu chí nào. Trên bảng xếp hạng chỉ số giải đấu của UEFA, 4 hệ thống giải bóng đá Tây Ban Nha, Anh, Đức và Ý thuộc top 4 - mang đến cho họ đặc quyền có 4 suất dự thẳng vòng bảng Champions League mỗi mùa. Pháp chỉ xếp hạng năm, và vì vậy chỉ có 3 suất.

Trong khi Ligue 1 ngừng mùa giải sớm đã gây ra vô số tranh cãi, nếu điều tương tự xảy ra với Premier League hay La Liga, hai giải hàng đầu châu Âu, thì có thể tưởng tượng cuộc cãi cọ còn lớn tới mức nào.

Ngoài việc đền đáp người hâm mộ, tiền bạc có lẽ mới là yếu tố quan trọng nhất. Premier League là giải đấu thể thao đắt giá thứ ba hành tinh với doanh thu mỗi năm ước tính khoảng 6 tỉ euro (con số mùa 2018 - 2019).

Nếu xét riêng trong thế giới bóng đá, họ dĩ nhiên đứng đầu (hai sự kiện kia là giải bóng bầu dục và bóng rổ nhà nghề Mỹ, NFL và NBA). La Liga cũng kiếm được khoảng 4,5 tỉ euro/năm, rồi Bundesliga - 4 tỉ, Serie A - 2,3 tỉ, xong mới đến Ligue 1 - 1,7 tỉ.

Còn những giải loại hai ở châu Âu thì hiếm khi đạt tới số tỉ euro, như giải của Hà Lan là khoảng 550 triệu euro/năm. Con số này thậm chí kém cả các giải vô địch quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và giải hạng nhất Anh hay Đức.

Kiếm càng nhiều tiền thì trách nhiệm càng cao và quyết tâm ra sân trở lại càng lớn. CLB Barca suýt trải qua một cuộc “binh biến” trước khi dàn xếp được vấn đề giảm lương (giảm đến 70%) với cầu thủ, và công lớn thuộc về sự chủ động của những siêu sao đứng đầu như Lionel Messi. Khoản tiền lương bị cắt giảm của Messi thậm chí đủ nuôi sống một CLB làng nhàng ở La Liga.

Nếu tình trạng không thi đấu kéo dài, làng bóng đá châu Âu sẽ sớm đối mặt nguy cơ sụp đổ tài chính. Không có các trận đấu thì không có tiền bản quyền truyền hình, không có doanh thu bán vé, cũng như không các hình thức thương mại khác. Với Premier League, giá trị 1/4 mùa giải đã gác lại vì dịch bệnh của họ vừa qua ước tính là hơn 800 triệu euro.

Thương tổn dài hạn

Giống như nhiều thứ khác của đời sống, những thay đổi với bóng đá hậu COVID-19 là không thể tránh khỏi. Premier League, La Liga cùng Serie A gần như đều thống nhất đi theo Bundesliga - giải đấu đầu tiên trở lại (và cho đến lúc này đang khá thành công). Không khán giả, không ôm nhau ăn mừng, không những nghi thức bắt tay và hạn chế tối đa tiếp xúc trên sân cỏ. Trước khi Bundesliga lăn bóng, nhiều người than vãn: đó không phải là bóng đá.

Nhưng cơn khát bóng đá kéo dài 2 tháng khiến người hâm mộ không thể đòi hỏi gì hơn. Các cầu thủ cũng ý thức được tầm quan trọng của những thay đổi nhằm đảm bảo sức khỏe cho họ. Nhiều cầu thủ thậm chí phản đối việc trở lại, như đội trưởng Troy Deeney của Watford kiên quyết từ chối đến sân tập. May mắn cho Premier League, chỉ có một nhóm nhỏ những cầu thủ như vậy.

Các chuyên gia của Bundesliga khẳng định tình trạng không khán giả có thể kéo dài đến hết năm nay, trong khi Premier League cảnh báo các khán đài trống vắng có thể sẽ là cảnh quen thuộc tới tận hết mùa giải tới.

Không khán giả, đại chiến Dortmund - Bayern Munich vẫn nóng bỏng. Ảnh: AFP
Không khán giả, đại chiến Dortmund - Bayern Munich vẫn nóng bỏng. Ảnh: AFP

Thay vì than vãn, các đội bóng và giải đấu giờ buộc phải tìm cách thích nghi. CLB Monchengladbach của Đức đã in ảnh CĐV lên những tấm bìa và đặt trên khán đài trong trận đấu để cầu thủ đỡ buồn. Họ thậm chí thu lợi từ cách này, bởi mỗi CĐV có thể gửi hình đến cho CLB để in ra đặt trên khán đài với chi phí 19 euro/hình.

Monchengladbach in hình cổ động viên đặt trên khán đài

Trong khi đó, ban tổ chức Serie A đưa cho khán giả xem truyền hình hai lựa chọn - hoặc xem hệ thống chân thật phản ánh từ sân bóng hoặc xem bản được lồng ghép âm thanh cổ vũ vào cho sôi động.

Ở Nhật, một hãng công nghệ còn tìm cách phát triển ứng dụng giúp CĐV có thể ngồi nhà cổ vũ, và phần âm thanh đó của họ được chuyển tải đến sân bóng. CĐV thậm chí có thể chọn sẽ cổ vũ trên phần khán đài nào.

Về chuyên môn trên sân cỏ, FIFA, UEFA và ban tổ chức các giải đấu hàng đầu cũng nỗ lực đưa ra nhiều cải cách. Đáng chú ý là việc tăng số quyền thay người trong trận từ 3 lên 5, nhằm đảm bảo thể lực, sức khỏe cho các cầu thủ trong mùa dịch bệnh.

Ban tổ chức Premier League cũng khuyến cáo các cầu thủ hạn chế tiếp xúc, đối mặt nhau trong những tình huống phải truy cản trên sân.

Nhưng lời khuyên này gần như bị phớt lờ vì tính khả thi cũng như sự thiết thực của nó. Một nghiên cứu cho thấy trung bình một cầu thủ bóng đá chỉ tiếp xúc gần (từ 2 m trở xuống, khoảng cách tiêu chuẩn của việc giãn cách xã hội) với những cầu thủ khác tất cả khoảng 88 giây trong một trận đấu.

Một thế giới bóng đá mới đang mở ra và người ta chưa rõ liệu nó sẽ còn kéo dài đến bao lâu, và còn những thay đổi gì phía trước nữa… ■

Champions League vẫn xem xét phương án sân trung lập

Về cơ bản, các giải đấu hàng đầu châu Âu không có khác biệt đáng kể nào cho kế hoạch trở lại trừ lịch thi đấu. Sau Bundesliga, La Liga là giải trở lại sớm nhất, vào ngày 11-6. Kế đến là Premier League vào ngày 17-6 và Serie A ngày 20-6.

Phương án thi đấu tập trung tại sân trung lập không được bất kỳ giải nào lựa chọn vì sự phản đối của các CLB. Điều này khiến tình hình phức tạp và khó kiểm soát hơn nhưng lại giúp các CLB dễ xây dựng hình ảnh thương mại hơn. Chưa kể mỗi đội bóng còn có thể tùy nghi đưa ra những “sáng kiến” trong việc giúp CĐV tương tác với cầu thủ dù không thể đến sân.

Về phần Champions League và Europa League, UEFA khẳng định các giải tầm châu lục này sẽ trở lại sau khi các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu kết thúc, dự kiến vào tháng 8. UEFA hiện vẫn xem xét phương án đá sân trung lập cũng như sử dụng thể thức một lượt đấu (không còn lượt đi, lượt về) cho tất cả các vòng đấu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận