Bóng không lăn, cầu thủ làm gì?

HUY ĐĂNG 11/04/2020 16:04 GMT+7

TTCT - Hơn ba tuần kể từ ngày thế giới bóng đá ngừng hẳn vì đại dịch COVID-19, các CLB, cầu thủ và những người làm việc trong ngành bóng đá, họ làm gì thời gian qua?

Cuối tuần rồi, ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh (Premier League) và các CLB thống nhất nhiều điểm quan trọng về tương lai mùa giải trong một cuộc họp quan trọng. Đó cũng là cuộc họp trực tuyến thứ ba của họ kể từ khi giải đấu bị tạm hoãn.

Không thể… không họp

Chính thức hoãn vô thời hạn là quyết định được tất cả thống nhất trong cuộc họp lần thứ ba. Trước đó, ban tổ chức giải lần lượt ra thông báo hoãn giải đến ngày 3-4, rồi 30-4 và bây giờ là vô thời hạn. Vì sao phải mất nhiều thời gian đến thế cho một quyết định mà hầu như ai cũng đoán trước được?

Thật ra nên thông cảm cho sự khó xử của những người điều hành Premier League. Ngay từ khi giải đấu bắt đầu tạm hoãn, truyền thông nước Anh đã tính toán những thiệt hại khổng lồ mà các đội bóng sẽ phải chịu. Trong đó nặng nề nhất là tiền bản quyền truyền hình. Nếu mùa giải ngừng hẳn lúc này, 1/4 giải xem như bị mất và họ sẽ phải bồi thường khoản tiền lên đến 860 triệu đôla cho các nhà đài.

Chuyện tương tự cũng sẽ xảy đến với La Liga, Bundesliga, Serie A… Nhưng Premier League là nơi có nguồn thu lớn nhất, gấp nhiều lần so với các giải đấu khác và hiển nhiên cũng chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu mùa giải bị hủy bỏ.

Từ giữa tháng 3, phó chủ tịch Karren Brady đã phát pháo đòi hủy phần còn lại của mùa giải. Cụm từ “null and void” (vô hiệu) được bà sử dụng sau đó tràn lan trên các mặt báo, khiến ban tổ chức Premier League hoảng hồn ra một quyết định kỳ lạ: yêu cầu các lãnh đạo CLB sau đó không được nhắc đến cụm từ này nữa. Thay vào đó, nếu ai muốn đề nghị ngừng mùa giải nên dùng từ “curtail” (rút ngắn).

Suy tính của các nhà điều hành Premier League nằm ở việc đền bù hợp đồng truyền hình. Họ muốn giải thích với các nhà đài rằng nếu phải ngừng hẳn mùa giải, đó là trường hợp bất khả kháng, chứ không phải vì ý muốn của các đội bóng. Trong trường hợp đó, chuyện bồi thường có thể dễ thương thảo hơn.

Đó là một ví dụ nhỏ cho thấy ban lãnh đạo các CLB cũng như các giải đấu “đầu tắt mặt tối” đến thế nào trong thời điểm hiện tại. Cuộc họp thứ ba của Premier League chồng chất hàng loạt vấn đề quan trọng, từ chuyện giảm lương các cầu thủ, hỗ trợ giúp những đội bóng hạng thấp tồn tại đến các hoạt động vì cộng đồng…

Cầu thủ giảm lương và ở nhà

Những người thu hút sự quan tâm nhất hiển nhiên vẫn là các cầu thủ ngôi sao. Trong tuần đầu hoãn bóng đá, một số đội bóng ở Anh như Tottenham vẫn mở cửa sân tập. Còn Chelsea và Arsenal - hai đội phải cách ly các thành viên hai tuần vì có người bị nhiễm virus (tiền đạo Callum Hudson-Odoi của Chelsea và HLV Mikel Arteta của Arsenal) - ấn định ngày tập luyện trở lại vào đầu tháng 4. Ở La Liga, việc tập luyện hay không cũng do mỗi đội bóng tự quyết.

Nhưng đến cuối tháng 3 - khi đại dịch bùng phát đến mức mất kiểm soát ở châu Âu, toàn bộ các đội bóng buộc phải đình chỉ vô thời hạn ngày tập luyện trở lại. Điều đó nêu ra một bài toán khó cho các đội bóng, họ chỉ có thể xây dựng các bài tập ở nhà cho cầu thủ và hi vọng vào sự tự giác của mỗi người.

Hậu vệ ngôi sao Trent Alexander-Arnold của Liverpool tập gym tại nhà. Ảnh: Independent
Hậu vệ ngôi sao Trent Alexander-Arnold của Liverpool tập gym tại nhà. Ảnh: Independent

Một số cầu thủ còn dùng thiết bị công nghệ thực tế ảo (VR) để tăng cảm giác thật cho việc tập luyện tại nhà. Dù vậy, hình thức tập luyện ở nhà này chỉ đủ để đảm bảo thể lực phần nào. Các chuyên gia bóng đá Anh tin rằng cầu thủ cần phải tập luyện bình thường trên sân cỏ ít nhất ba tuần để lấy lại các kỹ năng chơi bóng khi mùa giải trở lại.

Không tập luyện, các cầu thủ trở thành những đại sứ quan trọng cho việc tuyên truyền chống dịch bệnh của các quốc gia châu Âu. Nhiều ngôi sao của Liverpool tham gia chương trình từ thiện North Liverpool Foodbank gây quỹ giúp đỡ người dân nghèo ở Anh có đủ thức ăn. Nhiều cầu thủ ngôi sao khác như Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Neymar, tập thể đội tuyển Đức hay các ngôi sao quần vợt như Rafael Nadal, Novak Djokovic cũng đóng góp hàng triệu euro cho các quỹ từ thiện.

Nổi bật nhất là câu chuyện của cầu thủ bóng bầu dục người Ý Maxime Mbanda - người xung phong làm tài xế xe cứu thương cho Hội Chữ thập vàng - một tổ chức cung cấp dịch vụ y tế, thuốc men cho bệnh nhân trong mùa đại dịch. Nhưng không phải ngôi sao nào cũng trở thành tấm gương tốt cho cộng đồng. Luka Jovic - tiền đạo người Serbia của Real Madrid - thậm chí bị tổng thống Serbia dọa bắt giam vì anh chống lại lệnh cách ly tại nhà. Hai ngôi sao người Anh Wayne Rooney và Kyle Walker cũng bị phát hiện tụ tập tiệc tùng trong khi nhiều đồng đội của họ lên tiếng kêu gọi mọi người ở nhà.

Đau đầu chuyện lương bổng

Các cầu thủ ngôi sao đóng góp khá nhiều cho cộng đồng, nhưng những CLB sở hữu họ còn hi vọng nhiều hơn thế. Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất hai tuần qua là chuyện giảm lương của các ngôi sao. Serie A là nơi phát pháo đầu tiên - vì họ cũng là giải đầu tiên phải hoãn. Nhà vô địch Juventus đi tiên phong khi đàm phán thành công với các cầu thủ để họ không nhận lương trong 4 tháng (tương đương cắt 1/3 lương), riêng Cristiano Ronaldo giảm 4,24 triệu đôla trong khoản tiền lương khổng lồ lên đến 35 triệu đôla mỗi năm của anh.

Gây xôn xao hơn cả, Barcelona, đội bóng có quỹ lương lớn nhất thế giới bóng đá (khoảng 572 triệu đôla/năm), đề nghị các cầu thủ giảm đến 70% lương. Ban đầu các cầu thủ không đồng ý với con số quá lớn này, nhưng rồi Messi thống nhất là tất cả mọi người sẽ làm theo yêu cầu của đội bóng.

Không chỉ vậy, một số ngôi sao còn chấp nhận giảm lương hơn nữa để đội bóng duy trì mức lương 100% cho các nhân viên bình thường khác trong đội. Trong trường hợp Messi, lương sau thuế của anh hiện vào khoảng 40 triệu đôla. Nếu chấp nhận giảm 70%, Messi sẽ mất 28 triệu đôla một năm.

So với La Liga, Serie A và Bundesliga, Premier League chuyên nghiệp hơn khi thống nhất vấn đề giảm lương trong cuộc họp với toàn bộ các đội bóng. Sẽ không có tình trạng mỗi đội tự đàm phán với cầu thủ mà thay vào đó, ban tổ chức Premier League đề nghị toàn bộ các cầu thủ chấp nhận giảm 30% lương. Chi tiết này chỉ mới được nêu lên trong cuộc họp thứ ba của họ và có lẽ cần thêm một thời gian nữa trước khi được thống nhất.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận