Brazil: từ con nợ thành chủ nợ

HỮU NGHỊ 04/10/2011 04:10 GMT+7

TTCT - Trong số các quốc gia thuộc nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Brazil có tham vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Nhưng làm thế nào Brazil từ chỗ sắp vỡ nợ cách nay gần hai thập niên lại có thể trở thành chủ nợ?

Phóng to

Sân vận động Minarao đang được tu sửa để phục vụ World Cup bóng đá 2014 do Brazil đăng cai - Ảnh: Reuters

Nếu gọi đây là một phép lạ kinh tế thì phép lạ này không do Thượng đế mà từ chính nỗ lực của con người. Trong thập niên 1990, Brazil cùng với Mexico và các nước Mỹ Latin khác từng trải qua một tai ách gọi là “thập niên suy vong” (La Década Perdida).

Kỷ lục siêu lạm phát 5.000%

Brazil bắt đầu gặp khủng hoảng từ 1974-1985 do cán cân xuất nhập khẩu cứ liên tục mất cân đối. Từ 3,5 tỉ USD trong giai đoạn 1974-1976, sang đến giai đoạn 1983-1985 nhập siêu lên đến 10,7 tỉ USD. Cho đến năm 1985, Brazil vẫn chủ trương phát triển kinh tế hướng đến xuất khẩu: hàng công nghiệp chế biến và gia công chiếm đến 66% tổng sản lượng hàng xuất khẩu.

Từ năm 1985 trở đi, Brazil mới nhận ra rằng nên giành lại thị trường nội địa để bớt nhập siêu. Song các cố gắng này cũng đã muộn màng, lạm phát từ 100% đầu thập niên 1980 sang đến năm 1993 đạt kỷ lục xấp xỉ 5.000% (1).

Trong số những nguyên nhân khiến Brazil điêu đứng phải kể đến cuộc khủng hoảng dầu hỏa lần thứ nhì năm 1979 khiến giá dầu nhập khẩu tăng gần gấp đôi, đội giá thành sản phẩm, cán cân thương mại của Brazil càng mất cân đối. Họa vô đơn chí, lãi suất trên thị trường tài chính thế giới tăng khiến Brazil càng gặp khó khăn. Thế là chính phủ đành phải vay thêm nợ để tồn tại và trả nợ. Chính vì nợ ngập đầu nên trong các thập niên 1980 và 1990, các chính phủ Brazil lúc đó cứ thế mà in tiền, lạm phát là chuyện đương nhiên.

Bước ngoặt xảy ra vào tháng 5-1993 khi ông Fernando Henrique Cardoso được bổ nhiệm giữ chức bộ trưởng tài chính. Sau vài vụ giải thể một số công ty nhà nước và tư nhân hóa, ông được dân chúng tin cậy và bầu vào ghế tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 3-10-1994.

Trong luận án tiến sĩ (2) mới trình tháng 6 năm nay, Lauren Gramza đã mô tả lá phiếu bầu ông Cardoso như sau: “Lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, công dân của nền dân chủ đang trưởng thành này có được niềm tin rằng tờ giấy bạc 1 real trong túi họ ngày mai vẫn sẽ còn mua được sữa cho gia đình họ. Sau nhiều thập niên lạm phát kinh niên cao đến 2.000%, nay họ tin rằng người mà họ vừa bỏ phiếu bầu làm tổng thống đã đặt dấu chấm hết cho cái vòng luẩn quẩn lạm phát”.

Là tiến sĩ xã hội học nổi tiếng từng sang Pháp và Mỹ giảng bài về dân chủ ở Pháp quốc học viện (Collège de France) và ở Viện Đại học Columbia, ông Cardoso không tùy tiện hành động vượt trên luật pháp. Ông bắt đầu bằng việc yêu cầu quốc hội sửa đổi hiến pháp nhằm cho phép chính phủ tạm thời toàn quyền tỉ như tập trung chi tiêu cho các lợi ích kinh tế và xã hội lớn; cải cách công vụ và an sinh xã hội; giải tư nhiều công ty nhà nước, phá bỏ thế độc quyền của hãng dầu nhà nước Petrobras...

Vào thời điểm đó, gánh nặng công ty quốc doanh là rất lớn: Nhà nước Brazil còn “ôm” khoảng 100 công ty, trong số đó Bộ Viễn thông “quản” đến 29%, ngành điện Electrobras 5%, ngành dầu hỏa Petrobras 13%... Chiến dịch tư nhân hóa của ông Cardoso được giao cho Hội đồng giải tư quốc gia (CND) thực hiện. Các thành viên của CND đều ở cấp quốc vụ khanh nên các quyết định được xem là thay mặt chính phủ ở cấp cao nhất. CND đề ra mục tiêu chiến lược đầu tiên là “tháo gỡ” một loạt 14 công ty hóa dầu, chậm nhất là tháng 12-1995. Mục tiêu kế tiếp là Ngân hàng quốc doanh Banco Meridional trong nửa đầu năm 1996.

Cứ thế mà tháo gỡ theo tinh thần “luật nhượng quyền”. Theo đạo luật này, chính phủ được quyền đưa cả các cảng biển, xa lộ, lĩnh vực điện (vốn đang độc quyền) vào chương trình tư nhân hóa do CND đề xuất. Vấn đề đặt ra cho CND không chỉ là đem bán các công ty phá sản đó cho bằng được, mà là làm sao việc bán đó trong khuôn khổ luật pháp. Nhất là sau khi bán xong, các công ty tư nhân mới mẻ này sẽ đảm đương phần việc trước kia do các công ty nhà nước đảm trách ra sao.

Tái cấu trúc nền kinh tế

Có thể thấy quy trình tái cấu trúc cỗ máy kinh tế nhà nước Brazil theo hướng tư nhân hóa như sau:

1. Bắt đầu là một đạo luật ấn định mọi quy cách cho việc giải tư. Điều này tránh bất trắc việc nhượng bán các công ty nhà nước có thể lệ thuộc vào sự thao túng của bất cứ một thế lực chính trị nào cho dù là cá nhân tổng thống chăng nữa, do lẽ trong một chế độ chính trị dân cử, không ai có thể đứng trên pháp luật mà không sợ sẽ bị dân chúng tẩy chay ở nhiệm kỳ sau.

2. Trong khuôn khổ luật định không cho phép mọi nhũng lạm “lèo lái”, các mục tiêu được giải tư do CND ấn định, tức các nhà kỹ trị được phong chức quốc vụ khanh để có thực quyền, chứ không do “sáng kiến” của bất cứ một đảng phái hay định chế chính trị nào khác.

3. Các mục tiêu chiến lược cần nhổ bỏ đó không là những đơn vị riêng lẻ mà là một loạt công ty thuộc ngành này hay ngành kia, vừa tránh tình trạng co cụm “cố thủ”, vừa tạo điều kiện cho sự thông thoáng trong cả lĩnh vực đó một khi các công ty tư nhân thoát thai từ các vụ giải tư đó bắt đầu hoạt động. Nhờ đó các công ty này sẽ tránh khỏi tình trạng bị một vài công ty nhà nước cùng ngành còn sót lại ngáng chân hay thọc gậy bánh xe.

Ở Nga cũng vào thời gian đó, kế hoạch tư nhân hóa của tổng thống Boris Yeltsin đã khiến tài sản quốc gia nhanh chóng lọt vào tay một dúm “ông trùm” mới. Nhưng chiến dịch tư nhân hóa của ông Cardoso đã không bị “sang đoạt” bởi bọn tư bản mới. Một nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đánh giá kết quả chiến dịch giải tư của ông Cardoso như sau: “Việc bán các xí nghiệp nhà nước cho tư nhân, cả trong nước lẫn nước ngoài, chính là một biện pháp nhằm giảm sức ép tài khóa.

Trước tiên, bán đi một xí nghiệp quốc doanh sẽ đem lại ngay một khoản tiền cho nhà nước. Kế đến, sau khi xí nghiệp đó trở thành tư nhân, gánh nặng ngân sách sẽ chấm dứt, kể cả trong trường hợp công ty này sau đó có thua lỗ, nhà nước cũng sẽ chẳng hề hấn gì. Cuối cùng, việc cải tạo một xí nghiệp quốc doanh thành một công ty lợi nhuận tư nhân sẽ gia tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước” (3).

Lên danh sách mục tiêu

Thật ra, việc chọn lựa các mục tiêu giải tư không hề dễ dàng. Có ý kiến gợi ý cần thu ngân sách ngay qua việc bán các xí nghiệp có khả năng sinh lãi nhất như CVRD (tập đoàn khai thác mỏ sắt). Có ý kiến cho rằng cần bán đi những xí nghiệp từng có tiền sử thua lỗ dài hạn như RFFSA (công ty đường sắt). CND quyết định tập trung vào những xí nghiệp có liên quan đến cơ sở hạ tầng, tỉ như các ngành năng lượng, vận tải, thông tin liên lạc... Vụ giải tư đình đám đầu tiên dưới trào ông Cardoso là Tập đoàn điện lực Escelsa vào tháng 7-1995, kế đó là Công ty hóa dầu Copene.

Không chỉ bán hai công ty này, ông còn đồng thời “sang” luôn món nợ 342,6 triệu USD cho các chủ tư nhân mới mua lại các công ty này. Trong năm 1995, ông cho giải tư luôn một lúc 14 công ty hóa dầu, kế đó là Ngân hàng Banco Meridional và RFFSA... Từ đó, các nhà đầu tư nước ngoài hăng hái nhảy vào bỏ vốn giúp hàng hóa từ Brazil thêm sức cạnh tranh (4).

Trong khoảng thời gian từ 1980-1990, các chính phủ tiền nhiệm của ông Cardoso cũng đã giải tư được 38 xí nghiệp, song chỉ thu về cho ngân sách 723 triệu USD. Một tổng thống tiền nhiệm ông Cardoso là ông Fernando Collor de Mello, nhậm chức năm 1990, đã giải tư được 15 xí nghiệp nhà nước, trong đó có các đại xí nghiệp mỏ, luyện kim..., đem về công quỹ được 3,5 tỉ USD. Song chỉ trong vòng hai năm, ông này đã phải từ chức vào ngày 29-12-1992 để tránh bị thượng viện truất phế vì những cáo buộc tham ô.

Thành ra, cũng cùng một biện pháp, một chính sách, một chủ trương, song với hai tổng thống khác nhau, một người bị tố cáo tham ô, một người được tiếng là “sạch”, khi thấy ngân sách thôi bị chảy máu và lại thu hồi được vốn của nhà nước, niềm tin của dân chúng được khôi phục, họ ủng hộ đồng tiền mới phát hành.

Khủng hoảng nợ Brazil năm 1983

Tình hình Brazil xấu đi đáng kể từ tháng rồi (5-1983) khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trì hoãn một khoản giải cứu trị giá 5,8 tỉ USD vốn đã từng đồng ý cấp hồi tháng 2. IMF đình chỉ giải ngân 411 triệu USD do lẽ Brazil đã không làm chậm lại lạm phát nay đang phi mã với tỉ lệ 180%/năm, đồng thời nước này cũng không thắt lưng buộc bụng thêm nữa.

Quyết định của IMF dẫn đến việc các ngân hàng tư cũng ngưng tháo khoán 633 triệu USD tín dụng mới vốn dĩ nằm trong thỏa thuận với IMF đầu tháng 2.

Những vụ đình chỉ giải ngân tín dụng này diễn ra vào lúc mà Brazil đang “đói” tiền mặt. Brazil vừa trễ hạn trả nợ gần 1 tỉ USD cho các ngân hàng, hãng hàng không, hãng dầu cùng các hãng nước ngoài khác. Hậu quả là các ngân hàng nước ngoài lo ngại cho sự an toàn đồng vốn của họ, đã rần rần thoái vốn ký quỹ ra khỏi các ngân hàng của Brazil với tốc độ khoảng 300 triệu USD/tháng.

__________

(1) Economic history of Brazil, from Wikipedia
(2) 8 Failure as a Precondition for Success? Brazils Battle with Inflation, Lauren Gramza, Northwestern University, June 6, 2011
(3)
http://countrystudies.us/brazil/78.htm
(4) The Real Plan, http://www.v-brazil.com/business/Real-Plan.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận