TTCT - Anh quốc rốt cuộc đã rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-1. Trong buổi họp cuối cùng tại Nghị viện EU, ông Nigel Farage - đại biểu Anh và là chính trị gia lãnh đạo cốt cán của phe Brexit - đọc một diễn văn máu lửa ăn mừng việc thoát khỏi “ách thống trị độc tài và hà hiếp” của EU, rồi cùng các bạn đại biểu Anh của ông đứng dậy phất lá cờ Union Jack. Chủ tọa lúc đó là bà Mairead McGuinness, phó chủ tịch Nghị viện EU và tình cờ là người… Ireland, đã cắt ngang câu phát biểu cuối của ông Farage và nói: “Đề nghị quý vị cất cờ lại và mang theo ra đi… Tạm biệt”. Ảnh: Redbubble Hoạt cảnh này giống như tại một phiên tòa ly dị. Trong cuộc chia tay Brexit, Ireland có lẽ lại là quốc gia có nhiều vấn đề nhất với Anh vì là nước duy nhất có biên giới chung trên bộ, thông thương và trao đổi thường xuyên. Đây còn là một vấn đề chính trị: phần Bắc Ireland thuộc Anh tách ra khỏi miền nam, là nước Cộng hòa Ireland độc lập từ năm 1920. Nội chiến và hỗn loạn diễn ra suốt một thời gian dài tại Bắc Ireland từ cuối thập niên 1960 đến 1998, và việc thông thương trong khuôn khổ EU từng là động lực giảm đi hiềm khích. Phần lãnh thổ khác của Anh có biên giới đường bộ với EU là mỏm Gibraltar tại Tây Ban Nha, vẫn bị nước này đòi chủ quyền, có lúc vây hãm ngặt nghèo. Trước đây, EU tìm cách hòa giải, sao thì cũng là nhà EU cả, nhưng giờ họ có thể quay ra ủng hộ lập trường quốc gia của Tây Ban Nha khi Anh đã thành “người ngoài”. Cũng cần nói cho rõ, cái ta gọi là “Anh quốc” thực ra là “Vương quốc Thống nhất” (United Kingdom - UK) gồm bốn thực thể chính trị riêng biệt England, Wales, Scotland và Bắc Ireland (ai xem bóng đá châu Âu đều biết mỗi xứ này lại có một đội tuyển riêng). Trong bốn thành phần này, chỉ ở Wales và England là quần chúng thể hiện rõ ý muốn chia tay EU. Dư luận Bắc Ireland thì ủng hộ ở lại, vì nếu không Nam - Bắc một nhà Ireland thì cũng Nam - Bắc một nhà EU. Scotland thậm chí đang đòi ra khỏi UK, giờ có thêm cớ vì muốn ở lại EU. EU về cơ bản không ủng hộ việc vùng này vùng nọ ở các quốc gia thành viên đòi độc lập (như Catalonia - Tây Ban Nha), nhưng sau Brexit đã phát đi tín hiệu tích cực với Scotland, như qua tuyên bố của cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. Như mọi gia đình tan vỡ, trước thì khuyên “con nên nghe lời mẹ”, nhưng sau thì lại “con về ở với bố nhé”. Trong cuộc chia tay này, trước hết phải thấy là mâu thuẫn gia tăng trong nội bộ “gia đình” UK, chỉ có một “con” Wales “theo mẹ”, Bắc Ireland thì bất bình và Scotland lăm le đòi “theo bố”. Cũng dễ hiểu vì việc ra riêng là ý của thành phần quốc gia chủ nghĩa England, từng là siêu cường số một thế giới 100 năm trước có lẻ. Trong cuộc trưng cầu ý kiến (“UK có nên ra khỏi EU?” - tức không bắt buộc) năm 2016, có 51,89% trả lời “đồng ý” ở cả UK, nhưng tại Bắc Ireland chỉ là 44,22% và Scotland còn thấp hơn: 38%. Trong vài năm tới, việc Scotland độc lập với UK và gia nhập EU là hoàn toàn khả dĩ. Đây là câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi “Rời EU sẽ làm UK hùng mạnh hơn hay là suy yếu đi?”, vốn là then chốt của cuộc tranh luận đi - ở. UK giờ có nguy cơ mất đi 32% lãnh thổ và 8% dân số đã gắn bó từ hơn 300 năm nay (năm 1707). Chuyện đó có thể gần hơn người Anh vẫn tưởng. Ngày 29-1-2020, Quốc hội tự trị Scotland vừa biểu quyết sẽ tổ chức trưng cầu độc lập, đồng thời biểu quyết tiếp tục treo cờ EU tại Scotland, bất chấp UK đã ra đi. Ông Farage và các nghị sĩ đại diện nước Anh vẫy cờ Union Jack trong phiên họp cuối cùng của họ ở Nghị viện châu Âu. Ảnh: The Irish Times Trong cuộc trưng cầu năm 2014 về độc lập của Scotland với UK, tỉ lệ muốn ở lại là áp đảo: 55% so với 45% muốn tách ra. Tuy nhiên, Brexit đã làm thay đổi quan điểm của cử tri: Ở nhà với mẹ khi bố mẹ còn sống chung là một chuyện, còn khi bố mẹ đã chia tay lại là chuyện khác hẳn. Thăm dò dư luận gần đây cho thấy thành phần đòi độc lập ở Scotland giờ là đa số, dù nó sẽ còn dao động phụ thuộc vào cuộc thương thuyết Brexit, nghĩa là việc bố mẹ đối xử với nhau sau ly thân ra sao. Vì ngày 31-1-2020 không phải là đã xong mọi chuyện. Còn chuyện bàn ghế giường tủ, nồi niêu xoong chảo, tiền điện tiền nước, tiền “bà hốt hụi chứ đâu có phải tôi”, tiền “ông đánh đề nợ chưa trả bà Tám tại sao giờ tôi lại phải chịu?”, mấy cây vàng chôn dưới gốc ổi trong vườn giờ phải đào lên chia lại nữa. UK và EU còn 11 tháng nữa, đến 31-12-2020, để giải quyết những chuyện nhức đầu này. Lập tức đã có cãi nhau về chuyện biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland có phải qua những thủ tục nhập quan nào, mỗi đằng nói lý một nẻo. Bên EU bảo bắt buộc là phải khóa rồi, phía UK nói vẫn mở như cũ đâu có sao. Nếu biên giới khóa lại, bế tắc và rùm beng, hẳn Bắc Ireland sẽ đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi có nên đi theo chị Scotland không. Trong cuộc ly dị này, như mọi chuyện ly dị, có bóng dáng của người thứ ba. Bạn này thầm thì em cứ bỏ hắn đi, “dù khi gió kép mưa đơn, có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì!”. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dấm dúi bảo đảm Hiệp ước thương mại Hoa Kỳ - UK sau Brexit sẽ xong xuôi trước tháng 7-2020 và mang lại tương lai tốt đẹp chưa từng thấy trên đời. Nhưng mà EU là một khối thương mại và thị trường 510 triệu người. Nếu trong các hiệp ước trao đổi với Hoa Kỳ còn trầy da và không đạt được đòi hỏi, ví dụ như về canh nông, thì số phận nông dân của UK 65 triệu người sẽ ra sao trong những cuộc thương lượng mới? “Nghe lời nàng có sinh nghi?”. Vương quốc và đảo quốc Anh trước giờ vẫn đong đưa, cả về địa lý và các toan tính chính trị, giữa lục địa láng giềng gần và bà con xa ở bên kia Đại Tây Dương. Đã phải mất bao nhiêu rụt rè, nước Anh mới trao thân gửi phận cho EU, có cái đường hầm tàu hỏa từ Pháp sang mà cũng phải đắn đo mãi. Tất nhiên, trong EU, Anh có vai trò quan trọng trong “tam ca” Anh - Pháp - Đức dẫn đầu hợp xướng. Nhưng giờ lại ghen tuông với giọng hát của hai cô kia, nhớ về huy hoàng của thời “live show” thuở nào. Những khó khăn gần đây của đất nước, từ bé đến lớn, giờ đã có thủ phạm đáng ghét và chịu hết còn nổi EU. Tâm lý đó dựa trên quốc gia chủ nghĩa, chủ yếu là tinh thần bài ngoại, nỗi lo sợ của nông dân chăn cừu bị công nhân xây dựng người Ba Lan công khai xâm lăng và đến tận từng thôn để chữa ống nước. Nhân viên tài chính tại City of London thì không có nỗi lo đó, và biết là vị thế trung tâm tài chính thế giới của London sẽ giảm sút khi ra khỏi EU và tự cô lập. Nhưng cô lập và nhìn vào cái rốn cùng quá khứ vĩ đại là một chiều hướng hiện không phải chỉ có ở Anh.■ Sáng 31-1, tại một chung cư bình dân 15 tầng ở Norwich bỗng nhiên thấy niêm yết trên mọi cửa thoát hiểm hành lang “Chúc mừng ngày Brexit”, sau khi lên án “những kẻ nói tiếng nước ngoài từng làm ô nhiễm đất nước một thời vĩ đại này”, đề nghị họ từ giờ trở đi sẽ chỉ được dùng tiếng Anh, nếu không sẽ bị trục xuất. Đây chỉ là một ví dụ đơn cử, nhưng nói lên tâm tình của thành phần tự nhận thực sự yêu nước Anh và nữ hoàng. Cuộc hôn nhân Anh - EU vốn đã trục trặc ngay từ đầu: Khó khăn lắm và rất trễ, hôn sự mới thành, sau đó thì “bà vợ” Anh than phiền suốt, lúc nào cũng mặt cau mày có, nào là chính sách nhập cư, nào là khoản chi phí đóng góp cho liên minh, nào là sự tự tung tự tác của Đức, thôi thì đủ thứ chuyện. Thủ tướng Anh đương nhiệm Boris Johnson, vốn là một trong những thủ lĩnh phe đòi ly dị, dễ hiểu là đã nhanh chóng lớn tiếng khẳng định “nước Anh chắc chắn thịnh vượng” sau Brexit. Những người ở phía kia của cuộc ly dị và chia gia tài tất nhiên là nghĩ khác. Cựu chủ tịch EC Donald Tusk bỉ bai: “Brexit sẽ là kết thúc thực sự của đế quốc Anh”. Tusk là một trong những người đã níu kéo và hi vọng cứu vãn cuộc hôn nhân tới phút chót. Một tháng trước, ông còn nói về sự thay đổi tình thế: “Trong trận đấu này, chúng ta có hiệp phụ, có phút bù giờ và có lẽ thậm chí có cả loạt luân lưu”. Nhưng giờ tình hình có vẻ không chỉ là một cuộc chia tay, mà còn là “chia tay vẫn nói lời cay đắng”. “Sau khi ra đi, nước Anh sẽ trở thành kẻ ngoài cuộc thực sự, một đất nước loại hai trong một thế giới do Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU ngự trị”, cũng theo lời ông Tusk. Tags: Liên minh châu ÂuBrexitAnh rời EUCuộc ly hôn
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.