Vì nông nỗi nào mà nước Anh từ siêu cường số 1 hành tinh của không đầy một thế kỷ trước nay đã trở thành một quốc gia chia rẽ, đầy lo lắng và có thể là cả hỗn loạn nữa sau biến cố Brexit đang đến gần? Brexit gây rất nhiều chia rẽ ở Anh. Ảnh: Financial Times Cảnh sát Anh bắt được tên gián điệp kinh tế trước khi hắn kịp lên tàu chuồn về nước. Lục soát hành lý của hắn, họ có tang chứng rành rành: các sơ đồ kỹ thuật và mẫu mã một số máy móc hiện đại nhất của kỹ nghệ quốc gia. Tên này hoạt động theo chỉ thị của chính quyền nước hắn, chính xác là theo lệnh của bộ trưởng kinh tế tài chánh: phải bằng đủ cách ăn cắp được các bí mật kỹ nghệ và thương mại của Anh. Điệp viên này nói tiếng Anh rất giỏi và tên là Andrew Mitchell. Bộ trưởng nói trên là bộ trưởng Hoa Kỳ, khai quốc công thần Alexander Hamilton, người có chân dung trên tờ tiền giấy 10 USD từ năm 1929 đến nay. Chuyện ăn cắp bí mật thương mại này nằm trong âm mưu lâu dài của Hamilton để phát triển kỹ nghệ tại nước nhà. Vào năm sự cố trên xảy ra, 1787, nước Anh là siêu cường nhất nhì thế giới, còn Hoa Kỳ đang chật vật xây dựng một quốc gia non trẻ. Từ đế quốc mặt trời không bao giờ lặn Một chuyện cũ khác: năm 1896, quân Ethiopia tại trận Adwa đại thắng quân Ý. Trong số 17.000 quân Ý tham chiến, 6.000 người bị giết và 3.000 người bị bắt. Trong 4 tướng lãnh Ý chỉ huy, 2 người tử trận và 1 người bị bắt sống. Khi tin bại trận này về đến châu Âu, người Ý đầu tiên là sửng sốt vì nhục nhã. Sau đó, họ xuống phố lùng sục người da đen đánh để trả thù tại... London! Tại sao người Ý không đánh người da đen ở Ý? Vì nước Ý lúc đó hầu như không có người da đen. Cuộc phiêu lưu thuộc địa của họ tại Phi châu vừa mới bắt đầu, nước Ý là nước thực dân muộn so với các cường quốc lâu đời khác. Tại London, thủ đô của đế quốc lúc đó đã toàn cầu, có nhiều người da đen sinh sống. Nhưng tại sao lại cũng có nhiều người Ý tại London? Theo sử gia kinh tế Angus Ferguson, vào năm 1870, GDP ngang giá sức mua (PPP) tại Ý là 1.499 USD (tính theo giá USD năm 1990). Trong khi đó, con số này tại Anh quốc là 3.190 USD, hơn gần gấp đôi. Vì khác biệt thu nhập này cũng như vì nước Anh có công ăn việc làm, nhiều người Ý sang đó làm các nghề thu nhập thấp, phổ biến là nhà hàng, quán ăn. Một chuyện nữa là việc London đột nhiên thiếu tài xế taxi vào năm 1914. Một lượng lớn tài xế tại London là người Đức. Khi chiến tranh xảy ra giữa hai nước (Thế chiến I 1914-1918), họ buộc phải rời Anh. Cũng năm 1870, GDP bình quân tại Đức là 1.839 USD, trong khi tại Anh cao hơn 73% (Ferguson). Như vậy, trong các thế kỷ 18 và 19, nước Anh dẫn đầu thế giới và là nguồn hút lao động nhập cư nước ngoài, chủ yếu từ các nước châu Âu khác. Lịch sử lặp lại chính nó, lao động và nhập cư là một trong những vấn đề then chốt của công cuộc nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) hiện nay. Ở Anh lúc này, hiện diện đông đảo là lao động người Ba Lan, với mức cách biệt GDP hơn 43.000 USD và hơn 29.000 USD (IMF 2017). Hiện có khoảng 1 triệu người Ba Lan sinh sống tại Anh (1,8% dân số) trong tổng số công dân Âu châu tại đây là 3,7 triệu (hơn 6% dân số), một hiện tượng đã có truyền thống nhiều thế kỷ. Trong các thế kỷ 18, 19 và đầu 20, “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”. Châu Phi từ Cape đến Cairo, Bắc và Trung Mỹ từ Caribê tới Canada, Trung Đông và Nam Á, rồi Úc châu, Mã Lai... Trong đó “trân châu của vương miện” Anh quốc là tiểu lục địa Ấn Độ. Khi người Anh mon men đến đây, đế quốc Moghul và vùng phụ cận đang là quốc gia giàu nhất thế giới. Năm 1700, GDP của Ấn Độ gấp 9 lần của Anh, vốn chỉ bằng một nửa của Pháp. Cuộc cách mạng công nghiệp Tây phương đưa cả khu vực vào một thời đại mới, nhưng trường hợp Anh quốc là thành công sáng chói nhất, là điển hình tiên tiến. Đấy là thiên thời. Địa lợi cũng góp phần quyết định. Anh quốc là một hòn đảo ở bắc Đại Tây Dương. Họ không bành trướng được ở châu Âu lục địa như Pháp hay Đức, nhưng tiến bộ kỹ thuật và hàng hải đã giúp họ đi xa hơn về những vùng đất còn “bỏ trống” nhưng cực kỳ giàu có, châu Phi, châu Mỹ, châu Á. Về mặt nhân hòa, để bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, trước hết phải có một cuộc cách mạng nông nghiệp: đảm bảo dân chúng đủ ăn và dân số tăng đều đặn - nguồn nhân lực của các nhà máy tương lai. Thế là cách mạng nổ ra. Ở Pháp, cách mạng tư sản 1789 chặt đầu cả đám quý tộc. Đến mãi năm 1871, nước Đức và nước Ý phân chia bởi chế độ phong kiến mới thống nhất, vẫn dưới quyền nhà quân chủ. Nga phải đợi đến đầu thế kỷ 20. Nói cách khác, ở châu Âu lục địa, cách mạng diễn ra khá muộn màng. Anh quốc thì đi trước: giai cấp quý tộc ở đây “tự diễn biến”, trở thành chế độ lập hiến để cho giai cấp mới tư sản hoàn thành vai trò lịch sử. Chế độ quân chủ và giai cấp quý tộc vẫn tiếp tục tồn tại tới ngày nay nhờ biết nhường nhịn, giữ được ổn định để kinh tế phát triển. Về mặt chính trị, đó là điều kiện nhân hòa để cách mạng công nghiệp phát triển. Nhưng 3 điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa vẫn chưa đủ. Sản xuất công nghiệp đòi hỏi không chỉ về số lượng lao động, mà chất lượng nguồn nhân lực nữa. Cách mạng công nghiệp bắt đầu trong nghề dệt. Về kỹ thuật, người Anh không đi trước: họ phải sao chép các phát minh trong lãnh vực này của Hà Lan và Pháp. Trong ngành dệt vải, vào năm 1700 thì siêu cường thế giới là Ấn Độ. Âu châu lúc đó chưa có vải gòn (vải bông), hè cũng như đông, phần lớn mặc áo len (còn quý tộc mặc đồ lụa hoặc nhung). Năm 1700, Anh quốc cấm vải gòn để bảo vệ sản xuất trong nước. Luật chỉ được hủy bỏ năm 1747, khi Anh quốc đã chiếm thế thượng phong trên thị trường thế giới và tiêu diệt xong cả ngành công nghệ này tại Ấn Độ. Diễn biến đó cho thấy chuyện chiến tranh thương mại không có gì mới, và một trong những bài toán đau đầu nhất của kế hoạch Brexit là vấn đề thương mại quốc tế hậu - Brexit. Khó có đáp số Danh xưng “trân châu trên vương miện” dành cho thuộc địa Ấn Độ thật là xứng đáng. Khoảng cách tổng sản lượng giữa Anh và Ấn Độ năm 1600 là Ấn Độ gấp Anh 12 lần. Năm 1700 là Ấn Độ gấp 9 lần. Đến tận năm 1820, tổng sản lượng của Anh cũng chỉ bằng 31% của Ấn Độ, rồi đến năm 1913, khi nền bảo hộ chính thức thiết lập được hơn nửa thế kỷ, sản lượng của Anh đã cao hơn Ấn Độ 10%. Theo nhà kinh tế Utsa Patnaik, trong giai đoạn 1765-1938, Anh quốc đã cướp đi của Ấn Độ 45.000 tỉ USD (cao gấp 17 lần tổng sản lượng Anh hiện nay - World Bank 2017). Tuy thống kê, nhất là thống kê quá khứ, có thể xê xích, điều chắc chắn là 300 năm qua Ấn Độ suy sụp thảm hại và Anh quốc phát triển huy hoàng. Có thể nói thêm là 100 năm sau khi Anh quốc ra đi, theo dự đoán (PriceWaterCooperhouse) thì năm 2050 Ấn Độ sẽ trở về vị trí kinh tế cũ toàn cầu, nghĩa là nhất nhì ngang ngửa với Trung Quốc, như trong phần lớn của 20 thế kỷ vừa qua. Anh quốc, vì hoàn cảnh cách biệt với Âu châu lục địa về địa lý, đã đi xa làm giàu vào thời đại kỹ nghệ, trong khi các thế lực đất liền Pháp, Đức, Áo-Hung, Nga mải lo xung đột với nhau. Hoàn cảnh địa lý biệt lập này cũng khiến Anh quốc chỉ bị xâm lược có hai bận trong lịch sử gần hai nghìn năm, bởi đế quốc La Mã và bởi Pháp. Bốn bề là biển, Anh quốc đã làm vua trên biển trong thời kỳ hàng hải phát triển. Hải quân hoàng gia Anh (từ 1664-1896) - Ảnh: wikipedia. Chế độ quân chủ và phong kiến tại đây nhờ mềm dẻo nên vẫn còn tồn tại đến giờ. Thí dụ, ngoài những chuyện hoàng tử lấy vợ sinh con và quần chúng trầm trồ, một số nhà đất tại Anh không được mua đứt bán đoạn, mà chỉ được thuê 99 năm vì phần hồn của nó, tức chủ quyền, vẫn thuộc hoàng gia hay vị công hầu bá tử nào đó. Bởi nhiều lẽ đó, câu hỏi muôn thuở là Anh quốc thuộc Âu châu hay không thuộc Âu châu. Chuyện Anh quốc (United Kingdom, Vương quốc Thống Nhất) lừng lẫy cai trị thế giới làm người ta quên mâu thuẫn “nội bộ”, vốn chỉ được nhớ đến khi có những giải bóng đá hay bóng bầu dục. Vương quốc Thống Nhất này là Anh (England), Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland, sau khi Ireland tách ra thành công trong chiến tranh độc lập 1921 và trở thành Cộng hòa Ireland. Trong vấn đề Brexit hiện nay, Bắc Ireland và Scotland là thành phần muốn ở trong Liên minh châu Âu, England và Xứ Wales lại muốn ra đi, khiến Scotland dọa sẽ đòi lại độc lập (hai nước hợp nhất theo Đạo luật liên hợp 1707, tới nay vẫn còn hiệu lực). Người viết này, trong thập niên 1970, có bận ngồi trong một quán miền quê Anh quốc. Một ông thấy khách lạ, lại gần hỏi han và mời uống bia (tất nhiên là bia đen không ướp lạnh Guiness). Ông nói (lớn giọng) là nước chúng tôi thân thiện và hiếu khách, nhưng đã sang đây thì phải đề phòng bọn Scotland nham hiểm. Một người trong quán bèn đứng dậy: “Mày nói người Scotland thế nào?”, vậy là hai bạn Vương quốc Thống Nhất này choảng nhau!■ Áp lực từ châu Âu Sau nhiều lần dời hoãn, hạn chót mới để nước Anh quyết định có “ân đoạn nghĩa tuyệt” với Liên minh châu Âu (EU) hay không là tháng 10-2019. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Anh The Financial Times ngày 10-4, cho rằng thời hạn này khá là ngặt nghèo với Anh, đối tác lớn của Đức ở EU, nhưng Pháp không nghĩ thế. Chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron tin rằng nước Anh chỉ có thể quyết định dứt khoát nếu họ phải đối mặt với một thời hạn chót “cứng”, rõ ràng và cụ thể. Tags: Liên minh châu ÂuNhập cưScotlandNước AnhBrexitĐế quốc mặt trời không bao giờ lặn
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Toàn cảnh con đường nghìn tỉ chuẩn bị khánh thành ở quận Long Biên, Hà Nội HỒNG QUANG 15/09/2024 Tuyến đường nối từ Nguyễn Văn Cừ đến đê Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) đang hoàn thiện những công đoạn cuối, chuẩn bị khánh thành dịp 70 năm Giải phóng thủ đô (10-10).
Mua ròng ở Indonesia, Malaysia, sao khối ngoại vẫn bán ròng chứng khoán ở Việt Nam? BÌNH KHÁNH 15/09/2024 Tỉ giá đã giảm hơn kỳ vọng do đồng USD suy yếu, lộ trình nâng hạng tích cực, Fed sắp hạ lãi suất... Dù vậy, khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bị xử phạt, người bị tố 'chặt chém' IshowSpeed trả lại tiền, xin lỗi nam streamer ĐAN THUẦN 15/09/2024 Sau khi làm việc với công an, người đàn ông bị tố "chặt chém" streamer IshowSpeed ở phố đi bộ Nguyễn Huệ đã nhận thức được hành vi của mình là sai và đến xin lỗi, trả lại tiền cho IshowSpeed.
Bão Bebinca với sức gió 180km/giờ hướng về phía đông Trung Quốc TRẦN PHƯƠNG 15/09/2024 Bão Bebinca di chuyển ra khỏi vùng đảo Amami phía tây nam Nhật Bản vào sáng sớm 15-9 và hướng về khu vực phía đông Trung Quốc.