TTCT - Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) từ ngày 22-10 tại Kazan (Nga) sẽ là cơ hội cho nước Nga, chủ tịch luân phiên năm nay, thể hiện vai trò lãnh đạo một tập hợp chính trị và kinh tế mới. Ảnh: intpolicydigest.org Còn nhớ Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Nam Phi tháng 8-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vắng mặt vì cuộc chiến Ukraine, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thì bực tức không chịu xuống máy bay vì cho rằng Nam Phi không đón tiếp trọng thị, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đến song không đọc diễn văn mà ủy nhiệm một bộ trưởng đọc thay. Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tổ chức tại Nga dự kiến sẽ rất khác.Mở rộng BRICSTrong thông điệp đầu năm 2024 về việc Nga nay giữ chức chủ tịch luân phiên BRICS, Tổng thống Putin đã nêu rõ ý muốn của mình: (1) tập hợp thêm "các quốc gia có cùng chí hướng chia sẻ các nguyên tắc cơ bản, cụ thể là bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng con đường phát triển đã chọn"; (2) "hình thành trật tự quốc tế đa cực và hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu công bằng"; (3) "theo đuổi các giải pháp tập thể cho những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta".Về khoản tập hợp thêm "các quốc gia có cùng chí hướng", cần biết rằng trước ngày 1-1-2024, BRICS chỉ gồm 5 nước thành viên tiên khởi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhưng từ 1-1 đến nay, đã tăng thêm được 5 thành viên là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE, từ lời mời của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, chủ tịch luân phiên BRICS lúc đó.Tổng thống Ramaphosa giải thích về quá trình mở rộng này ở Johannesburg: "BRICS đã bắt đầu chương mới trong nỗ lực xây dựng một thế giới công bằng, dung nạp và thịnh vượng" (Reuters 24-8-2023). Định hướng này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bổ sung: "Việc mở rộng thành viên này mang tính lịch sử... cho thấy quyết tâm của các nước BRICS đối với sự thống nhất và hợp tác với các nước đang phát triển rộng lớn hơn", cũng theo Reuters.Một nhóm tác giả của Taihe Institute, một "think tank" của Trung Quốc, đã lượng giá sức nặng của BRICS Plus (tức BRICS 10 nước hiện nay): "Vai trò của BRICS Plus trong kế hoạch lớn hơn của chính trị toàn cầu, đặc biệt là khi xem xét đến sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ngày càng trở nên nổi bật". "BRICS Plus đang tạo ra vị trí đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu, đưa ra mô hình thay thế cho mô hình kinh tế do Hoa Kỳ thống trị. Lập trường chính trị của BRICS Plus ủng hộ thế giới đa cực và mặc dù không phải là một khối quân sự, nhưng sức mạnh quân sự của các thành viên đã bổ sung một lớp phức tạp vào câu chuyện về an ninh toàn cầu".Phát biểu "hình thành trật tự quốc tế đa cực và hệ thống tài chính, thương mại toàn cầu công bằng" của ông Putin thực sự "hòa âm" với ý chính trong diễn văn của ông Tập năm ngoái: "Các nước BRICS nên thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự... Chúng ta cần tận dụng đầy đủ vai trò của Ngân hàng Phát triển mới (NDB), thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, tăng cường đại diện và tiếng nói của các quốc gia đang phát triển". Chính những hứa hẹn kinh tế tài chánh này, trong đó NDB, cùng triển vọng thế giới đa cực, đã kích thích hơn 40 quốc gia, trong đó có Iran, Saudi Arabia, UAE, Argentina, Algeria, Bolivia, Indonesia, Ai Cập, Ethiopia, Cuba, Cộng hòa dân chủ Congo, Comoros, Gabon, Kazakhstan... bày tỏ quan tâm đến gia nhập BRICS.Tất nhiên, mỗi nước, mỗi quan tâm, mỗi nhu cầu. Đáng chú là Iran, nơi đang làm chủ khoảng 1/4 trữ lượng dầu của Trung Đông, và Saudi Arabia. Nga và Iran đã tìm thấy mục tiêu chung trong cuộc đấu tranh chống các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ dẫn đầu và sự cô lập về ngoại giao, với mối quan hệ kinh tế của hai nước ngày càng sâu sắc hơn khi nổ ra cuộc chiến Ukraine. Còn Saudi Arabia và UAE thì muốn "giữ khoảng cách" với quỹ đạo Mỹ và tham vọng trở thành những thế lực toàn cầu. Họ được Nga và Brazil ủng hộ gia nhập BRICS."Đầu máy" và "toa xe"Ngay từ khi ra đời năm 2009, Nga và Trung Quốc đã đóng vai trò "đầu máy", có thể ví von hai nước này là hai động cơ ở đầu và đuôi đoàn tàu lửa BRICS. Phân tích mới nhất của tổ chức Carnegie Endowment For International Peace về BRICS hôm 9-10 cho thấy điều đó: "Trung Quốc là nước chiếm ưu thế trong nhóm này, với GDP chiếm gần 70% của cả liên minh". Phân tích này so sánh quan hệ giữa Trung Quốc và các nước còn lại với hình ảnh trục bánh xe và các nan hoa, khi GDP bình quân đầu người của Ấn Độ (2.389 đô la) không bằng 1/5 của Trung Quốc (12.720 đô la) và 1/6 của Nga (15.345 đô la).Tính "lưỡng đầu" thể hiện trong phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tại lễ khai mạc triển lãm kỷ niệm 75 năm quan hệ Nga - Trung tại Matxcơva: "Tôi vui mừng nhận thấy trong thực tế địa chính trị hiện nay, quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc thể hiện sự ổn định và trưởng thành tuyệt đối". Ông nói thêm rằng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại, kinh tế và nhân đạo đang được tăng cường và chính sách đối ngoại của Nga và Trung Quốc "giúp duy trì sự ổn định trên hành tinh và hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng hơn".Như mọi tập hợp quốc gia khác trong thời bình, trụ cột hợp tác quyến rũ nhất chính là hợp tác kinh tế, tài chính. Đây chính là điều mà ông Putin trong thông điệp đầu năm gọi là "các giải pháp tập thể cho những thách thức của thời đại". Tổng thể mà nói, BRICS đại diện cho khoảng 45% dân số, 25% thương mại, 40% sản lượng dầu và 28% GDP toàn cầu, theo Taihe Institute. Sự hiện diện ngày càng lớn của BRICS trên các thị trường toàn cầu, từ hàng hóa đến công nghệ và cả dự án thể chế như NDB, khẳng định cam kết của khối này với tiến trình kinh tế toàn diện. Tiếng nói thống nhất của liên minh về các vấn đề toàn cầu cấp bách cũng tạo ra đối trọng rõ rệt với quan điểm của phương Tây, củng cố ảnh hưởng ngoại giao tập thể của liên minh.Đến đây phải nói qua về NDB. Được cấu trúc theo kiểu các thể chế tài chính đa phương phương Tây như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhưng NDB không có một quốc gia áp đảo như Mỹ, mà phần vốn góp ban đầu và đi kèm là quyền bỏ phiếu được chia đều cho 5 "cổ đông sáng lập", cũng là 5 nước thành viên BRICS tiên khởi. Gần đây, một cuộc họp thường niên của NDB đã diễn ra ở Cape Town, Nam Phi, từ 29 đến 31-8 với chủ đề "Đầu tư vào tương lai bền vững".Cuộc họp tập trung thảo luận về cách NDB có thể tài trợ cho hạ tầng và các dự án bền vững tại các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển hiệu quả hơn, trong đó phải tính đến các vấn đề xã hội và môi trường cấp bách và các thông lệ tốt nhất trong việc nuôi dưỡng động lực mới cho tăng trưởng bền vững. Theo NDB, tổng số tiền tài trợ được chấp thuận hiện là 32,8 tỉ USD cho 96 dự án.Có thể cảm nhận rằng NDB đang vận hành theo kiểu WB hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong việc cho các quốc gia thành viên vay các dự án thuộc Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc. Tỉ như chương trình cung cấp nước và vệ sinh đô thị tại Nam Phi, được hội đồng quản trị NDB phê duyệt khoản vay lên tới 1 tỉ đô la. Chương trình này gắn kết với SDG ở chỗ nó giúp đảm bảo tiếp cận rộng rãi và công bằng nước uống an toàn và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người; đồng thời góp phần hạn chế và thích ứng với biến đổi khí hậu qua cung cấp nguồn nước sạch và vệ sinh cho người dân.Đây là một trong những lý do giải thích tính hấp dẫn của BRICS với các nước mới nổi.■ Việt Nam tham dự phiên đối thoại BRICSSáng 11-6, phiên đối thoại "BRICS và các nước đang phát triển" đã diễn ra tại thành phố Nizhny Novgorod, Liên bang Nga... Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự.Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đã đề xuất BRICS tiếp tục phối hợp với các nước đang phát triển thúc đẩy ba trọng tâm: (1) tăng cường hợp tác đa phương, trong đó cần tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của LHQ trong điều phối các nỗ lực toàn cầu thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững; (2) xây dựng lòng tin và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; và (3) nâng cao vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị và thực hiện các chương trình nghị sự về phát triển toàn cầu qua hợp tác chặt chẽ về các vấn đề khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, phòng chống, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.(theo trang web Đảng Cộng sản Việt Nam 11-6-2024) Tags: Tổng thống Nga Vladimir PutinKinh tếNước NgaHội nghị thượng đỉnh BRICS
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".