Bừng sáng khát vọng từ những quân cờ

NỮ KỲ THỦ THÚY KHUYÊN 02/12/2011 21:12 GMT+7

TTCT - Hãy bịt mắt để đặt mình vào vị trí những người khiếm thị. Khi đó bạn hãy tưởng tượng trước mặt mình là một bàn cờ vua với tám hàng dọc, tám hàng ngang cùng 32 quân cờ được chia hai màu đen trắng.

Cứ thử cùng bạn bè đánh một ván cờ trong bóng tối, bạn sẽ cảm nhận và khâm phục những người khiếm thị chơi cờ.

Phóng to
Các kỳ thủ thi đấu tại giải cờ dành cho người khiếm thị - Ảnh: Tấn Phúc

Xưa nay, chúng ta từng biết đến nhiều người khiếm thị vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Họ có thể chơi đàn rất hay, hát giỏi và làm nhiều việc đơn giản như đan lát, làm hàng thủ công mỹ nghệ, matxa... Nhưng người khiếm thị đánh cờ lại là một câu chuyện thu hút sự tò mò của nhiều người.

Đi xem người khiếm thị chơi cờ

“Với tôi, chuyện thắng thua không quan trọng, bởi mỗi khi ngồi vào bàn cờ là tôi biết mình đã chiến thắng chính bản thân”

Đến Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu vào một buổi tối cuối tháng 11, chúng tôi may mắn được chứng kiến loạt đấu chung kết Giải cờ vua dành cho người khiếm thị. Giải do Quỹ từ thiện Sách nói cho người mù và Thư viện Sách nói dành cho người mù phối hợp tổ chức với sự tham dự của 39 kỳ thủ đến từ các trường, mái ấm nuôi dạy trẻ khiếm thị: Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Trường Thanh thiếu niên khiếm thị và mồ côi, Trung tâm bảo trợ người khiếm thị Nhật Hồng...

Người khiếm thị đánh cờ không có những cái vò đầu, xoa trán suy tư như trong những ván cờ bình thường. Ở đây, hai kỳ thủ liên tục dùng bàn tay mò khắp bàn cờ, xoa từng quân cờ để cảm nhận thế trận mà có đối sách. Theo luật thi đấu cờ vua của người khiếm thị, mỗi kỳ thủ có thời gian 45 phút mỗi ván. Nếu ván cờ vẫn chưa phân thắng bại thì người nào hết giờ trước sẽ thua cuộc. Trước khi đi một nước cờ, họ phải dùng tay mò khắp bàn cờ để cảm nhận thế trận, tương quan lực lượng và vị trí từng quân cờ của mình cũng như đối phương. Từ đó, họ hình dung một bàn cờ trong đầu và suy nghĩ phương án tấn công.

Để giúp người khiếm thị phân biệt được quân mình hay quân địch, người ta đã làm những ký hiệu ngay trên các quân cờ. Ví dụ đối với quân trắng, đầu quân cờ sẽ được làm bằng hoặc tròn phẳng. Trong khi đó, trên đầu quân đen sẽ có một gờ nhỏ để người chơi chạm vào phân biệt. Dưới chân mỗi quân cờ được gắn một cây đinh dài dùng để ghim vào lỗ khoét sẵn ở trung tâm mỗi ô trên bàn cờ. Mục đích là để quân cờ không bị đổ khi các kỳ thủ dùng tay cảm nhận bàn cờ.

Về luật thi đấu, các kỳ thủ phải biết quân cờ nào của mình, nằm ở đâu và đi thế nào cho đúng luật. Nếu kỳ thủ đi nhầm nước (ví dụ quân xe mà đi chéo hay quân mã đi thẳng...) hoặc bị chiếu mà không biết sẽ bị bắt lỗi kỹ thuật, mỗi lần bị bắt lỗi thì đối phương sẽ được cộng hai phút thời gian và ba lần như vậy sẽ bị xử thua.

Cứ thế, một trận đấu cờ của người khiếm thị diễn ra rất im lặng. Đi xem đánh cờ thường phải im lặng, nhưng xem người khiếm thị đánh cờ càng phải im lặng tuyệt đối. Bởi đơn giản đối với những kỳ thủ đặc biệt này thì đôi tai chính là con mắt thứ hai của họ. Mỗi khi xong nước đi của mình, các kỳ thủ thường ngồi im lặng để “cảm nhận” nước đi của đối thủ. Dù không nhìn thấy nhưng họ luôn biết được vị trí đi cờ của đối thủ hoặc con cờ nào của mình bị ăn bởi âm thanh phát ra.

Anh Lê Bá Thành, trọng tài cờ của người khiếm thị nhiều năm kinh nghiệm, nói: “Người khiếm thị được trời ban cho một xúc giác và thính giác rất tốt. Họ cảm nhận rất nhanh và chính xác bất kỳ vật gì mình chạm tới. Thế nên ít khi họ mắc sai lầm trong thi đấu”.

Ngọn đèn cháy sáng trên đầu

Từ những nước cờ sâu sắc, khí thế mạnh mẽ, chúng ta có thể cảm nhận được ý chí vươn lên trong cuộc sống của những kỳ thủ khiếm thị. Chắc cũng vì ý nghĩa đó mà biểu tượng của giải cờ vua dành cho người khiếm thị là quân cờ vua với ngọn đèn cháy sáng trên đầu!

Anh Nguyễn Mạnh Hùng là một trong số ít kỳ thủ khiếm thị hiện nay có thể tranh tài ở những giải cờ vua hạng A2 TP.HCM dành cho người bình thường. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn Hiến ngành tâm lý học, anh Hùng hiện là chuyên viên tư vấn của Trung tâm bảo trợ người khiếm thị Nhật Hồng.

Anh Hùng cho biết: “Chúng tôi phải nỗ lực gấp năm lần người thường để chơi cờ và phải kết hợp được các yếu tố: trí nhớ, cảm giác, tư duy logic, sự quyết đoán... Với tôi, chơi cờ không đơn thuần là thể thao mà còn là một nghệ thuật, nơi bày tỏ rõ nhất khát vọng vươn lên trong cuộc sống”.

Anh Hùng là một trong những tấm gương vượt khó. Anh hiện theo học cao học ngành tâm lý học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Bàn cờ dành cho người khiếm thị được sử dụng tại giải chính là phát minh của anh với giá chỉ gần nửa bàn cờ do nước ngoài sản xuất nhưng lại có tính ưu việt cao hơn.

Không chỉ vậy, cờ chính là ông tơ đã xe duyên cho anh cùng người vợ khiếm thị Đoàn Thị Lệ Xuân. Bàn cờ là nơi hai người quen nhau. Họ mến rồi yêu nhau không chỉ bởi đồng cảnh ngộ mà còn chung niềm đam mê chơi cờ. Lệ Xuân cũng chính là nhà vô địch đơn nữ của giải này dù đang mang bầu hơn sáu tháng.

Cái hay của các kỳ thủ khiếm thị là đã thi đấu thì phải hết sức, thắng thua không quan trọng. Nữ kỳ thủ Lê Minh Thúy Khuyên cho biết: “Tôi thắng ba và thua hai trận, nhưng không biết mình xếp hạng mấy nữa”. Họ chơi cờ với tất cả sự vô tư, đam mê và luôn nói chuyện rất vui vẻ sau trận đấu, bất chấp là người thua hay kẻ thắng.

Thúy Khuyên hiện là nhân viên một trung tâm matxa của người khiếm thị. Trước đó cô từng chơi môn bơi lội, nhưng nay đã chuyển hẳn sang luyện cờ. Thúy Khuyên nói: “Cờ vua giúp tôi có được niềm vui để làm tốt hơn công việc matxa của mình. Tôi đã chơi cờ hơn ba năm nay, nhưng phải mất hai năm mới tập nhớ được vị trí quân cờ trên bàn. Với tôi, chuyện thắng thua không quan trọng, bởi mỗi khi ngồi vào bàn cờ là tôi biết mình đã chiến thắng chính bản thân”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận