Buôn xương bán cốt thời mạng xã hội

XUÂN TÙNG 31/10/2022 06:25 GMT+7

TTCT - Những mảnh xương chậu, hộp sọ, đầu lâu, thậm chí nguyên bộ hài cốt của người trưởng thành - những vật phẩm tưởng chừng bị cấm kỵ lại đang được bày bán công khai trên mạng xã hội.

Đây liệu chỉ đơn thuần là thú chơi của một nhóm dị biệt - hay là phản ảnh của lịch sử thuộc địa với nhiều mảng tối vẫn còn hiển hiện trong xã hội phương Tây?

Trong khi nhiều mặt hàng "nhạy cảm" khác như động vật hoang dã, đồ cổ bị đánh cắp, hay vũ khí - thường bị cấm mua bán trên diện rộng, việc mua bán xương cốt người lại được thực hiện công khai và hợp pháp ở nhiều nơi.

Buôn xương bán cốt thời mạng xã hội - Ảnh 1.

Chân dung một nhà buôn

Ngoài đời thực, Jon Pichaya Ferry, 21 tuổi, là sinh viên ngành thiết kế tại Viện Parsons ở New York (Mỹ); trên TikTok, anh là JonsBones, chủ doanh nghiệp cùng tên đang làm ăn hết sức phát đạt nhờ phân phối xương người và hài cốt.

Ferry có hơn 500.000 người theo dõi và 22,6 triệu lượt thích trên TikTok, chủ yếu nhờ các clip khoe các vật phẩm hiếm trong bộ sưu tập của mình, từ xương hài nhi đến đầu lâu chạm khắc cổ đã có hàng trăm năm tuổi. Anh cũng dành thời gian giới thiệu công việc có một không hai của mình cho khán giả; nếu muốn, họ có thể đặt mua luôn sản phẩm vừa thấy chỉ bằng vài cú click.

Dù ít nhiều giúp cho công việc kinh doanh, danh tiếng mà Ferry có được nhờ TikTok cũng đã kéo theo hàng loạt chỉ trích xoay quanh vấn đề đạo đức của việc mua bán xương người, theo The Washington Post.

Không ít người dùng TikTok đã lên video đặt câu hỏi về nguồn gốc, độ hợp pháp cũng như các cân nhắc đạo đức của JonsBones, dù Ferry nhiều lần khẳng định việc kinh doanh của mình chỉ phục vụ mục đích giáo dục.

Buôn xương bán cốt thời mạng xã hội - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình một số video trên TikTok của JonsBones.

Phần nổi của tảng băng chìm

Theo Damien Huffer, nhà sử học và khảo cổ học thuộc Đại học Queensland (Úc), bộ sưu tập của JonsBones với hàng ngàn mẫu vật chỉ là một mảnh nổi trong tảng băng chìm khổng lồ của ngành mua bán hài cốt vốn đã có tuổi đời nhiều thế kỷ tại các nước phương Tây. 

Các nhà sưu tập tư nhân trên khắp thế giới đang lưu trữ nhiều bộ sưu tập còn lớn hơn, đó là chưa kể các mẫu vật xương, bào thai và bộ phận cơ thể đang được giữ gìn cho mục đích y học.

Theo tạp chí Wired, tại Vương quốc Anh, xương người được xếp vào hạng mục "vô tài sản" (no property rule), tức bất cứ ai đang sở hữu đồ vật sẽ có quyền tài sản tương ứng mà không cần phải chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tại Mỹ, dù một số bang cấm tuyệt đối việc tàng trữ và mua bán bộ phận cơ thể người, hầu hết các bang đều thả nổi, hoặc ra quy định rất lỏng lẻo.

Huffer nói với The Washington Post rằng các tay buôn đã tận dụng các lỗ hổng trong luật địa phương đề hình thành các đường dây mua bán xương người hợp pháp, với các đầu mối chính thuộc Mỹ, Anh, Canada và một số nước châu Âu.

Với các tay buôn này, việc tìm nguồn hàng cũng không quá khó. Một báo cáo năm 2009 của tạp chí y khoa BMJ Global Health ước tính đang có hàng ngàn bộ xương người hoàn chỉnh nằm rải rác trong các gia đình nước Anh, đồng thời chỉ ra rằng các sinh viên ngành y phương Tây đã được khuyến khích mua riêng một bộ xương cho mình trong suốt thế kỷ 20. JonsBones cũng nhập hàng theo cách tương tự. "Rất nhiều đầu lâu tôi có đến từ các buổi thanh lý hàng của gia đình hoặc doanh nghiệp" - anh tiết lộ.

Việc kiếm đầu ra với các đơn vị "buôn xương bán cốt" ngày càng dễ, khi mạng xã hội giúp họ vươn đến vô số tập khách hàng mới. Dù một số nền tảng kinh doanh online như Etsy hay eBay đã ra lệnh cấm mọi hoạt động mua bán bộ phận cơ thể người, các nhà phân phối vẫn luôn tìm ra cách kiếm khách bằng cách đăng hình những bộ xương bóng loáng lên các nền tảng mới, nổi bật là Instagram.

Huffer cùng cộng sự Shawn Graham của mình đã theo dõi thị trường mua bán xương cốt qua Instagram gần một thập niên, nghiên cứu hàng ngàn mẩu quảng cáo sản phẩm lạ kỳ trên nền tảng này. Họ nhận thấy một ngành công nghiệp đang tăng trưởng mạnh: So với tổng doanh thu 5.200 USD năm 2013, thị trường sản phẩm xương người năm 2016 đã tăng trưởng 11 lần, đạt 57.000 USD (đó là chưa tính nhiều sản phẩm không công khai giá, chỉ được "ngã giá" qua tin nhắn riêng).

Buôn xương bán cốt thời mạng xã hội - Ảnh 3.

Một hộp sọ được biến thành chụp đèn trang trí.

Ai mua? Mua để làm gì?

Theo trang web chính thức của JonsBones, một chiếc xương sườn có giá 18 USD, trong khi các vật phẩm hiếm như đầu lâu "phát nổ" - với nhiều mảnh vỡ vẫn còn gắn liền với hộp sọ - có thể có giá lên tới 6.000 USD. 

"Rất nhiều người mua [hài cốt] hiện nay sẽ không bao giờ có thể tiếp cận được các sản phẩm này trước kia" - Huffer cho biết.

Những người mua này làm trong nhiều ngành nghề; Ferry tiết lộ rằng doanh nghiệp của mình từng giao dịch với các trường đại học, phòng nghiên cứu, viện bảo tàng, các cơ quan công an đang cần mẫu vật thực tế để huấn luyện chó nghiệp vụ... 

Và các doanh nghiệp như của Ferry cũng đang kiếm bộn từ một tập khách hàng ngách: Những người đam mê sưu tập, trang trí, thậm chí "độ" hài cốt thành tác phẩm nghệ thuật.

Việc sử dụng xương người để trang trí vốn không mấy xa lạ trong xã hội phương Tây: tranh ảnh Phục hưng và tư liệu xưa đã cho thấy nhiều nhân vật trong giới quý tộc trưng đầu lâu trong nhà như một biểu tượng của "Memento Mori" (Hãy nhớ, ta sẽ chết) - thành ngữ phổ biến nhắc nhở về sự vô thường của cuộc sống.

Buôn xương bán cốt thời mạng xã hội - Ảnh 4.

Human bones used in an anatomy lesson for sport teachers at the Westminster hospital school in London in 1929. (Image credit- brandstaetter images Contributor via Getty Images

Đầy rẫy vấn đề

Ngành mua bán xương người được cho là hợp pháp ở thời điểm hiện tại, nhưng ta cũng thấy một loạt vấn đề liên quan. Lịch sử của ngành công nghiệp này bắt đầu từ - và gắn liền với - lịch sử khai thác thuộc địa của các nước thực dân.

Theo các chuyên gia sử học, nguồn mẫu vật xương người tại các nước phương Tây ngày nay phần lớn đến từ các dân tộc bản địa Bắc Mỹ, nô lệ da đen cũng như các thuộc địa lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. 

Tại Ấn Độ, thực dân Anh đã gây sức ép lên các gia đình nghèo không có tiền mai táng người thân hòng thu thập hài cốt đem về chính quốc (các tàu chở xương từ Ấn sang Anh vẫn còn hoạt động đến năm 1985, khi Ấn Độ cấm mọi hoạt động xuất khẩu do lo ngại trình trạng giết người lấy xương cốt).

Trả lời Wired, Samuel Redman, giáo sư lịch sử tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), cho biết bằng chứng của thực hành bóc lột thuộc địa này vẫn đang tồn tại trong nhiều bảo tàng châu Âu và Bắc Mỹ. 

Phần lớn xương người được vận chuyển từ thuộc địa sang phương Tây vào cuối thế kỷ 19, không chỉ để phục vụ đám đông hiếu kỳ và nghiên cứu y khoa, mà còn trở thành tài nguyên cho các nghiên cứu ngụy khoa học như "khoa học chủng tộc" (race science) và thuyết ưu sinh.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều bảo tàng và các nước cựu thuộc địa đã có nhiều động thái công nhận quá khứ bi thảm gắn liền với những bộ xương trưng bày. 

Năm 2019, Đức trao trả 53 bộ xương người cho các dân tộc bản địa châu Úc, trong khi nhiều bảo tàng phương Tây cũng phải lên tiếng công nhận nguồn gốc lịch sử của các hài cốt trong bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, theo Redman, làn sóng mua bán xương và đầu lâu trên mạng xã hội dường như đang đẩy lùi các biến chuyển tiến bộ này.

Ngay cả khi các chủ doanh nghiệp như Ferry liên tục khẳng định lợi ích "giáo dục" trong hoạt động mua bán xương cốt người của mình, các nhà nghiên cứu như Shawn Graham vẫn không bị thuyết phục, bởi giá trị nghiên cứu của một bộ xương sẽ gần như bằng 0 nếu thiếu đi các thông tin nguồn gốc, nhân chủng mà một quy trình mua bán, lưu trữ hài cốt tiêu chuẩn có thể đem lại.

Graham cũng đặt câu hỏi về tính tôn trọng và đạo đức của việc mua bán xương người: chắc chắn không hề có sự đồng thuận của chủ nhân bộ xương về việc hài cốt của họ bị mua bán và dùng vào đủ mục đích. 

"Không một ai trong số họ từng ngỏ ý muốn cơ thể của mình bị đối xử, cắt hay bán như thế này" - Graham nói. Theo ông, gần như toàn bộ xương đang lưu hành trong ngành buôn bán hài cốt phương Tây "đang không ở đúng chỗ nó đáng ra phải ở".

Đúng như vậy, có lẽ trong chúng ta sẽ chẳng ai hài lòng nếu biết phần còn lại của mình trên đời sẽ bị mua đi bán lại, trở thành vật trang trí trong nhà một kẻ lạ. 

Theo cây viết Riley Black của tờ Popular Science: "Khi coi xương người như vật trưng bày, bạn cũng tách bản thân ra khỏi lịch sử và bối cảnh. Nói cho cùng, xương người cũng là thứ trường tồn lâu nhất mà chúng ta để lại, cũng là thứ sẽ giúp ta kể câu chuyện của mình khi giọng nói đã không còn".■

Theo tạp chí Popular Science, việc trưng bày hài cốt trong nhà còn mang ý nghĩa thẩm mỹ và địa vị xã hội. Với các cá nhân theo đuổi phong cách goth (văn hóa ngách nhấn mạnh vào sự u tối và cái chết), hoặc chỉ đơn giản là muốn tái tạo không khí trong phim của Tim Burton, việc có thêm một chiếc đầu lâu trong phòng khách có thể mang lại nhiều lời khen tặng và nể trọng. Theo Ferry, các nghệ sĩ đương đại cũng đang tìm đến JonsBones để kiếm chất liệu mới cho sáng tác của mình - những chiếc đầu lâu nạm đá, chạm khắc tỉ mỉ có thể được bán với giá hàng ngàn đô la.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận