TTCT - Hôm chủ nhật 28-5, máy bay chở khách Comac C919 của Trung Quốc đã thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên kéo dài khoảng hai giờ từ Thượng Hải đến Bắc Kinh cùng khoảng 130 hành khách. Ảnh: AFP Chuyến bay báo hiệu Trung Quốc đã hoàn thành quy trình phát triển, sản xuất và kiểm định chiếc máy bay dân dụng cỡ lớn đầu tiên do họ tự sản xuất, mang theo kỳ vọng phá vỡ thế độc quyền sản xuất máy bay của Boeing và Airbus trong ngành hàng không dân dụng toàn cầu.Đây được coi là cột mốc hết sức quan trọng với nền kinh tế số 2 thế giới, khi họ đã có thể đưa người vào không gian, phóng tàu thăm dò tự hành Chúc Dung lên sao Hỏa và tự đóng tàu sân bay, nhưng tới nay vẫn chưa thể chế tạo một máy bay thương mại dân dụng có thể bay an toàn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi dự án này là chiến thắng của tinh thần đổi mới Trung Quốc.Qua thời "800 triệu áo sơ mi = 1 chiếc Airbus"Cái tên C919 được chọn cho loại máy bay thương mại thân hẹp đầu tiên của Trung Quốc mang nhiều ý nghĩa. Trong tên đầy đủ "Comac C919", thì Comac là từ viết tắt chỉ Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc, nơi phát triển loại máy bay này. Chữ C được chọn với hy vọng sẽ đưa hãng này lên sánh ngang Airbus và Boeing, hai tập đoàn sản xuất máy bay hiện thống trị thế giới, trở thành ABC. Số "9" đầu tiên hàm ý "trường cửu" (đồng âm), trong khi "19" có nghĩa sức chứa tối đa của loại máy bay chở khách thân hẹp cỡ lớn này là 190 chỗ ngồi.Chiếc C919 là nỗ lực kéo dài đã hàng thập niên của Trung Quốc nhằm phát triển máy bay thương mại của riêng họ với nguồn đầu tư ước tính ít nhất 70 tỉ USD vốn chính phủ, kéo dài từ năm 2007. Để phát triển C919, Trung Quốc phải làm chủ hơn 100 công nghệ lõi khác nhau, bao gồm thiết kế tích hợp động cơ máy bay, hệ thống điều khiển chuyến bay, công nghệ điều khiển chủ động... Tuy nhiên, việc đưa máy bay vào sử dụng chậm trễ do lỗi thiết kế và vấn đề tìm nguồn cung phụ tùng từ các nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu ở Mỹ và châu Âu. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết khoảng 40% linh kiện của máy bay C919 được nhập khẩu, nhưng các chuyên gia phương Tây cho rằng tỉ lệ thực tế cao hơn nhiều.Phát triển máy bay nội địa cỡ lớn là mục tiêu chiến lược hàng đầu của Trung Quốc đã một thời gian dài, khi họ muốn tự chủ sản xuất cho thị trường nội địa, cũng là thị trường máy bay phản lực lớn nhất thế giới. Ý nghĩa của chuyến bay thương mại C919 đầu tiên không chỉ là lợi ích kinh tế. Chiếc máy bay trở thành biểu tượng cho kế hoạch "Made in China" và những nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài trong các ngành công nghệ cao.Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hoan hỉ thông báo: "Trong tương lai, hầu hết hành khách sẽ có thể chọn di chuyển bằng máy bay lớn sản xuất trong nước". Hoàn Cầu thời báo (Global Times) thì ca ngợi C919 là "bằng chứng quan trọng về sức mạnh tự đổi mới của Trung Quốc trong ngành sản xuất công nghệ cao". Nhật báo Bắc Kinh vui mừng tuyên bố: "Sau nhiều thế hệ nỗ lực, cuối cùng chúng ta đã phá vỡ thế độc quyền hàng không của phương Tây và thoát khỏi nỗi nhục "800 triệu chiếc áo sơ mi cho một chiếc Airbus"".Ảnh: The TimesCâu so sánh trên tờ Nhật báo Bắc Kinh nhắc lại câu nói của Bạc Hy Lai, bộ trưởng Thương mại Trung Quốc lúc bấy giờ, tại một cuộc hội thảo Pháp - Trung ở Paris năm 2005. Trong bối cảnh Liên minh châu Âu lo ngại ngành dệt may của họ tổn hại bởi gia tăng nhập khẩu sản phẩm Trung Quốc, ông Bạc nói: "Do tỉ suất lợi nhuận thấp của sản phẩm dệt may Trung Quốc, Trung Quốc cần xuất khẩu 800 triệu chiếc áo sơ mi để mua một chiếc Airbus A380". Ý ông Bạc nói tới mẫu máy bay mới nhất của Airbus đang được các hãng hàng không Trung Quốc đặt mua hàng loạt. Người Trung Quốc coi đó là một "nỗi nhục" cần xóa bỏ và chiếc C919 giúp họ vượt qua mặc cảm chỉ biết làm hàng giá trị thấp.Tất nhiên, vấn đề vẫn là những chiếc C919 sắp tới sẽ cạnh tranh trên thị trường như thế nào. Với tầm bay lên tới 5.555km, C919 sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các máy bay thân hẹp cùng loại phổ biến nhất hiện nay là Airbus A320 và Boeing 737. Theo Nhân Dân Nhật Báo, Comac đã ký được hợp đồng giao 1.035 máy bay C919 cho vài chục khách hàng tính tới cuối năm 2022, nhưng thông tin cụ thể ra sao vẫn chưa được các bên xác nhận. Ngoài ra, nhiều đơn đặt hàng là của các hãng cho thuê máy bay Trung Quốc cũng mới ra đời, chưa từng đặt thuê hay mua máy bay phản lực với bất cứ hãng hàng không nào.Còn nhiều trở ngạiHiện máy bay Airbus vẫn chiếm hơn 50% số máy bay thương mại đang hoạt động tại Trung Quốc. Airbus có thể sẽ duy trì, thậm chí tăng được thị phần trong thời gian tới: họ đã mở rộng sản xuất với dây chuyền lắp ráp máy bay A320 thứ hai tại nhà máy ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Cách đây một thập niên, Airbus chỉ chiếm ưu thế một chút so với Boeing tại thị trường Trung Quốc, nhưng khoảng cách nới rộng từ năm 2019, sau khi máy bay Boeing 737 MAX bị rơi ở Indonesia và Ethiopia do lỗi phần mềm điều khiển chuyến bay.Trước những vụ tai nạn đó, 1/4 máy bay Boeing mới được giao đến Trung Quốc. Còn năm 2022, Airbus đã bàn giao hơn 100 máy bay tới thị trường này, trong khi Boeing giao chưa đến 10 chiếc. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng góp phần khiến Boeing ít được các hãng hàng không Trung Quốc ưa chuộng, và C919 được kỳ vọng sẽ vượt qua Boeing.Ảnh: The Wall Street JournalÔng Trương Tiểu Quang, giám đốc bộ phận tiếp thị và bán hàng của Comac, cho biết: "Chiếc C919 sẽ ngày càng tốt hơn nếu nó vượt qua được thử thách của thị trường". China Eastern Airlines, hãng hàng không đầu tiên trên thế giới sử dụng C919, cho biết họ có kế hoạch nhận bốn đơn đặt hàng còn lại của lô C919 đầu tiên trong vòng hai năm tới.Chính phủ Trung Quốc thì tham vọng hơn nhiều, với kế hoạch đưa C919 lên chiếm 10% thị trường máy bay thương mại nội địa vào năm 2025, khi Comac dự định sản xuất 150 chiếc C919 mỗi năm trong vòng năm năm tới. Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào việc liệu Comac có thể lắp ráp hàng trăm máy bay kịp thời để đáp ứng tiến độ giao hàng, đồng thời tránh được các vấn đề về chất lượng đã gây khó khăn cho Boeing hay không.Cản trở lớn nhất cho mục tiêu sản xuất hàng loạt C919 là Trung Quốc không hoàn toàn tự chủ được thiết bị. Theo các nhà phân tích tại Công ty đầu tư Jefferies, Comac chỉ có thể sản xuất khoảng 25 máy bay C919 mỗi năm vào năm 2030, do máy bay này chủ yếu dựa vào phụ tùng phương Tây.Scott Kennedy, cố vấn cao cấp ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, phân tích: "Dù việc nhà sản xuất lấy nguồn thiết bị cho máy bay từ khắp thế giới là bình thường, nhưng C919 độc đáo ở chỗ hầu như không có thứ gì giúp nó bay được là từ Trung Quốc". Ví dụ, động cơ của C919 là từ CFM International, liên doanh giữa hai tập đoàn GE Aerospace (Mỹ) và Safran Aircraft Engines (Pháp). Các hệ thống giải trí trên máy bay, thông tin liên lạc tích hợp, điều hướng, giám sát và hệ thống lõi trong cabin đều do Tập đoàn Collins Aerospace (Mỹ) sản xuất. Honeywell, một gã khổng lồ công nghiệp khác của Mỹ, cung cấp bánh xe, phanh và thiết bị điện tử điều khiển chuyến bay. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang diễn biến xấu, Trung Quốc lo ngại chính quyền Mỹ có thể ngăn chặn C919 bằng cách áp hạn chế xuất khẩu với các nhà cung cấp thiết bị từ Mỹ.Dù các công nghệ then chốt, gồm động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống điều khiển, thông tin liên lạc và thiết bị hạ cánh vẫn phải nhập khẩu nhưng lắp ráp được máy bay chở khách hiện đại vẫn là thành tựu lớn của Trung Quốc. Các bộ phận chính khác của máy bay như mũi, thân, cánh ngoài, bộ ổn định dọc và ổn định ngang của máy bay đều được Comac thiết kế. Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng tỉ lệ nội địa hóa trên C919, đặc biệt là với động cơ CJ-1000A, hiện đang được phát triển.■ Phát triển C919 còn có ý nghĩa quan trọng là xây dựng hệ sinh thái các hãng cung cấp nội địa: cả quá trình có sự tham gia của 200 công ty Trung Quốc. Nếu chiếc C919 được tín nhiệm rộng rãi trên thị trường Trung Quốc, một lĩnh vực sản xuất hoàn toàn mới sẽ được mở ra ở nước này. Thị trường Trung Quốc hiện là một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới với hơn 4,1 triệu chuyến bay nội địa trong năm 2022. Tuy nhiên, câu hỏi về khả năng tiến ra thị trường toàn cầu của C919 vẫn còn bỏ ngỏ khi máy bay này mới được chứng nhận bay ở Trung Quốc (và đang chờ chứng nhận của châu Âu). Tags: Máy bay chở kháchChuyến bay thương mạiMáy bay dân dụngMáy bay thương mạiTrung Quốc Tập Cận BìnhCông nghệ điều khiểnHệ thống điều khiểnĐộng cơ máy bayC919 Trung QuốcC919ABC
Việt Nam và Bulgaria trao đổi sâu các biện pháp nâng tầm quan hệ DUY LINH 25/11/2024 Tại cuộc hội đàm ngày 25-11, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã trao đổi sâu rộng về các định hướng, biện pháp để tăng cường hợp tác, nâng tầm quan hệ trong thời gian tới.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.