California - Nỗi buồn da đỏ

SÁNG ÁNH 31/12/2022 05:41 GMT+7

TTCT - "Tiếng nổ chỉ nghe như tiếng ‘bụp’ lớn nhưng cả cái cửa kính của tiệm bánh mì Lee’s Sandwich sụp xuống tan tành và tiếng động hỗn loạn từ bên ngoài tràn vào trong khi mùi đồ chua từ bên trong ngào ngạt bay ra.

"Tiếng nổ chỉ nghe như tiếng ‘bụp’ lớn nhưng cả cái cửa kính của tiệm bánh mì Lee’s Sandwich sụp xuống tan tành và tiếng động hỗn loạn từ bên ngoài tràn vào trong khi mùi đồ chua từ bên trong ngào ngạt bay ra. Cây xăng Shell trước chợ ABC bốc cháy khói đen lên một cột cuồn cuộn ngút trời. Chuyến xe đò Hoàng đi San Jose đậu trên bãi nổ lốp và đầy vết đạn. Người ta la lớn "Bọn ‘Mặt tái’ tới!". 

Mấy chiếc xe pick up võ trang của bọn chúng từ phía thị trấn Garden Grove xuống nổ đại liên 50 vào những người qua lại. Một bà cụ dắt cháu chạy như là phép lạ, chẳng hiểu sao lại an toàn lọt qua bằng ấy loạt đạn như lưới bắn theo. Hai bà cháu mới vừa vào đến Croissant Doré để trú thì tiệm trúng một trái chống chiến xa Javelin bốc lửa mịt mù. 

Quân Mặt tái đổ xuống xông thẳng vào khu Phước Lộc Thọ, trước các hàng bánh cuốn nước mắm pha ớt văng vung vãi, xác một chủ tiệm vàng nằm ngửa, tay cầm một cái kiếm Nhật Bản. Mọi người nói luồn qua đường Moran chạy về hướng nam thôi, đường Brookhurst bị chốt rồi. Ngang khu nhà di động Regency Villa, một tốp 10 cô gái trẻ mặc đồ lót đi giày gót cao dắt díu nhau chạy. Họ là nhân viên của café Dĩ Vãng. Một cô ôm một bên ngực và khi hỏi em bị thương phía bên ngực đó hả thì cô nói: "Không, em chỉ mới có đủ 2.999 đô sửa một bên thôi nên em phải che!".

California - Nỗi buồn da đỏ - Ảnh 1.

Đồn Sutter do John Sutter thành lập năm 1839 tại nơi ông gọi là “Tân Thụy Sĩ” bằng nhân công nô lệ cưỡng bách bắt được từ các bộ lạc thổ dân kế cận, đặt nền móng ở gần đó sau này cho thủ phủ của bang California hiện nay là Sacramento. Minh họa của Joseph Warren Revere

Đây là tại đường Bolsa tức phố chính của khu người Việt tại quận Cam, nam California. Câu chuyện này năm 2022 là hoàn toàn giả tưởng nhưng 170 năm về trước, tức là năm 1852, cũng tại nơi đó, quanh quẩn đâu những Bolsa-Magnolia-Brookhurst này, hay cách 50 dặm về hướng đông hoặc 150 dặm về hướng bắc, thì nó là sự thật. 

Năm 2019, thống đốc bang Gavin Newson đã chính thức thay mặt bang để xin lỗi về những tội ác được gọi là "diệt chủng" ở tại bang. Người Việt ta sang đây nhiều là từ sau năm 1975 chứ nếu sang Mỹ 20.000 hay 30.000 năm trước như thổ dân da đỏ thì số phận ta đã khác.

Về ngoại hình ta cũng có nét hao hao giống họ. Hồi mới sang Mỹ, vì túng tiền có lúc tôi đi bán máu trên phố Los Angeles. Da ăn nắng và để tóc dài đến vai nên tại môi trường này nhiều bạn nghĩ tôi là đồng hương da đỏ, nhìn nhau từ xa đã gật đầu chào, có một ly cà phê 25 xu mà anh em uống chung. Phần lớn họ là vô gia cư, lang thang bỏ các trại da đỏ (reservation) lên phố sống văng vật. 

Trong thời gian đó, tôi là một dạng da đỏ đi vay, vì tôi bán máu nghèo khó chứ không phải vì tôi cởi áo ra là vạm vỡ, nhảy tót lên lưng con ngựa không yên và người ta trầm trồ, em thích anh chỉ đeo có khố bằng da nai tơ. Những bận giao du đó, tôi chỉ đợi có ai da trắng đi ngang phát biểu kỳ thị là tôi có thể mượn danh da đỏ mà mắng lại ngay.

Yangbunyio hoedoitim niokleo! Why don’t you go back to Europe! (Sao mày không quay về châu Âu đi)

Mayla docho!

Ăn bún giò heo đòi thêm nước lèo!

Sao không trở về Âu châu đi!

Mày là đồ chó!

Người Âu đầu tiên sang đến Mỹ châu là người thuộc Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha chẳng phải là đối xử tốt đẹp gì với thổ dân bản xứ châu Mỹ nhưng chí ít họ còn công nhận thổ dân da đỏ cũng là con người và truyền giáo cho họ để họ thành tín hữu. Nữ vương Castille (Tây Ban Nha), Isabela đệ nhất (Isabela la Catolica), năm 1501 đã coi thổ dân châu Mỹ là thần dân của vương quốc, nói cách khác, là có "quốc tịch" ở nước của bà và ở dưới sự che chở của bà. 

Đạo luật Burgos (Tây Ban Nha) 1512 đã cấm dùng thổ dân làm nô lệ và ‘luật mới’ 1542 khẳng định lại điều đó, thêm một số quy định về lao động khiến các địa chủ ở Peru bất mãn, nổi loạn và giết cả phó vương (tức toàn quyền do trung ương chỉ định). 

Luật đó so với thời điểm ấy là rất tiến bộ, thí dụ phu sau 5 tháng đào mỏ thì phải được nghỉ 40 ngày, phụ nữ da đỏ có thai 4 tháng phải được miễn làm việc nặng, trẻ em dưới 14 tuổi chỉ được làm "việc trẻ em" như nhổ cỏ, trồng rau… Đây có thể coi là một dạng tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên, có cả nữ quyền.

Trở lại California, Mexico độc lập khỏi Tây Ban Nha 1821 và hiến chương Mexico 1824 ngăn cấm nô lệ. Nhưng California là kẻ ở miền xa, là biên khu chiều sương âm u, ai muốn làm gì nơi âm thầm chen khói mù thì làm, chả luật với lệ gì! Điển hình là ông John Sutter.

Ông này người Thụy Sĩ ở Đức, lấy vợ giàu và phá của nhà vợ, và vỡ nợ bị truy nã bèn dùng giấy Pháp giả để trốn sang Mỹ. Vào thời đó bạn có vấn đề gì ở Âu châu thì bạn chỉ còn có cách bán nhà gấp và đi xa, tức là đi Mỹ tìm quên. Đến đâu Sutter cũng kể ông là đại úy vệ binh Thụy Sĩ, sang Cali ông được Mexico cho nhập tịch và phát cho 200km2 đất để khẩn hoang lập ấp với cả quyền hành chánh và quyền cảnh sát trên khu vực đó. 

Chính sách này hầu ngăn chặn sự bành trướng lúc đó lấp ló của người Mỹ. Sutter lập đồn điền và gọi là "Tân Thụy Sĩ" theo kiểu Tân York (New York) hay Tân Orleans (New Orleans) ấy mà.

Đây là cảnh một bữa ăn trưa tại đồn điền của ông: "[Sutter] giữ 600 đến 800 người da đỏ ở trong tình trạng nô lệ hoàn toàn và tôi cảm thấy đau lòng khi thấy họ dùng bữa, tôi có thể mô tả ngắn gọn: 10 hoặc 15 máng bằng cây dài 90-120cm được mang ra khỏi phòng nấu ăn và để dưới trời nắng. Tất cả những người lao động lớn nhỏ đều chạy đến các máng như là một đàn heo và dùng tay để múc miếng ăn cho đến khi không còn một giọt cháo".

Nhưng làm sao ông có được lao động da đỏ? Thì ông mang quân đi đốt làng và bắt họ mang về trong khi họ đang an vui coi hát. Ông này ưa tặng trẻ con da đỏ cho khách phương xa để làm quà, đứa nào 12 tuổi trở lên và xinh đẹp thì ông tạm giữ để hãm hiếp. 

Việc ông ngăn người Mỹ xâm nhập bang Cali của Mexico thì lại không có. Sutter bắt tay với một đại úy (thật) người Mỹ tên Fremont dẫn di dân Mỹ tuồn vào di trú lậu. Sutter phản Mexico và theo Mỹ năm 1846 khi di dân Mỹ nhập lậu tuyên bố ly khai bang California ra khỏi Mexico và sáp nhập vào Hoa Kỳ. Sau đó ông tiếp tục khai thác đồn điền được Mexico cho. Số người da đỏ do cặp đại úy thật - đại úy giả này giết sau đó từ mấy trăm đến mấy ngàn mạng không ai rõ. 

Tân Helvetia của ông là khu vực sau này trở thành thủ phủ của bang California, tức TP Sacramento hiện nay.

Trong khi từ thế kỷ 16, Tây Ban Nha ra luật bảo vệ thổ dân nhưng không áp dụng đúng đắn được vì chống đối của thực dân địa phương thì Hoa Kỳ làm ngược lại. Họ theo nguyện vọng của thực dân địa phương mà làm luật áp bức thổ dân. 

Năm 1850, hội đồng tiểu bang đầu tiên ban hành đạo luật "bảo vệ" thổ dân da đỏ, thực ra cho phép dùng họ làm nô lệ mãn đời. Trẻ em nam tới 18 và nữ tới 15 thì dưới danh nghĩa là "tập nghề", sau này (năm 1860) được tăng tới tuổi 40 và 37. Ai đi lang thang không có chủ thì có thể bị bắt và nhà nước mang ra chợ Los Angeles bán đấu giá, từ 30 - 150 USD/người. 

Tôi nghĩ 150 USD chắc phải cỡ hoa hậu áo dài Long Beach, còn cỡ tôi ngày đó chắc 30 đồng còn khuyến mãi tặng thêm một cái khố da nai, ngày nay chắc khuyến mãi thêm một cái xe lăn và một cái bỉm.

California - Nỗi buồn da đỏ - Ảnh 2.

Thanh thiếu nữ da đỏ bị bắt mang đi khỏi làng mạc để ‘học nội trú’ mất tích trong chính sách đồng hóa thổ dân từ năm 1850 trở đi. Ảnh: National Archives, Mỹ

California - Nỗi buồn da đỏ - Ảnh 3.

Tượng John Sutter (1987) trước nhà thương cùng tên tại Sacramento năm 2020 bị tạt sơn và phản đối. Ngay sau đó tượng này bị gỡ xuống.

Di dân da trắng được quyền bắn giết, đốt phá và bắt thổ dân da đỏ làm nô lệ khổ sai. Có nơi lột da đầu thổ dân và cắt tai của họ để được tính thưởng. Từ 1851-1852, tiểu bang còn có quỹ 1.100.000 USD để hoàn lại phí tổn bắn giết da đỏ cho dân chúng. Bộ bắn chùa sao, phải hoàn cho tôi tiền đạn chứ! 

Thống đốc tiểu bang phát biểu: "Một cuộc chiến tiêu diệt sẽ tiếp tục được tiến hành... cho đến khi chủng tộc da đỏ tuyệt chủng". Năm 1866, một diễn giả ở New York cảnh báo là nếu ta không làm gì thì chỉ trong vòng 10 năm người thổ dân sẽ tuyệt chủng. Ông đề nghị thành lập một hội bảo vệ thổ dân theo gương hội bảo vệ súc vật tại Anh.

Số nạn nhân bị bắn giết ước tính là từ 16.000 đến 100.000. Điều chắc chắn là dân số da đỏ từ 150.000 cho đến 300.000 vào năm 1846, sang đến năm 1900 chỉ còn có 16.000. 

Về mặt đất đai, 1851-1852, chính quyền liên bang ký 18 hiệp ước với các tộc da đỏ dành cho họ một số đất riêng lên đến 30.000km2 nhưng các hiệp ước này bị thượng viện cất giấu luôn và không buồn thông qua. 

Việc sử dụng người da đỏ làm nô lệ chỉ biến mất dần khi cơn sốt vàng tại Cali tiếp tục đưa thêm người lao động từ Âu châu qua. Đằng nào thì thổ dân cũng chẳng còn bao nhiêu để mà bóc lột tiếp tục và mặt khác trong các thập niên 1850-1870 kinh tế bang đã thay đổi, từ canh nông và trang trại rồi hầm mỏ đào vàng sang những bước đầu của kỹ nghệ hóa như đường hỏa xa. Nhân lực xây đường tàu này được nhập từ Trung Quốc.

Những ngày bán máu ngắn ngủi đó tôi học được một điều từ các bạn da đỏ, là khi mua một ly cà phê 25 xu thì phải luôn luôn cầm ở trên tay. Một bận tôi mới đặt nó xuống ngay trước mặt thì có người đến hỏi "mày không uống nữa hả" và cầm lên mang đi luôn trước khi tôi kịp trả lời. Các anh da đỏ cười, đó thấy chưa. Bị họa tuyệt chủng họ mới có được bài học như vậy.

Tường trình về chuyện diệt chủng này bởi tiểu bang sẽ đúc kết và công bố ngày 1 tháng giêng, 2025.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận