TTCT - Các cuộc tranh luận quanh vấn đề viết tên người, địa danh của nước ngoài trong tiếng Việt đã diễn ra từ lâu, nay lại đang sôi nổi và vẫn chưa thể đi đến kết luận thống nhất. Tại sao một vấn đề tưởng như rất đơn giản lại trở nên phức tạp và khó giải quyết đến vậy? Ở những nước sử dụng bảng chữ cái để ghép vần, người ta đều viết (và đọc) tên nước ngoài theo cách riêng của nước mình. Còn ở những nước dùng chữ tượng hình gốc Hán tự, người ta cũng dùng chữ nước mình để phiên âm tên người, địa danh viết bằng văn tự ghép vần của các nước ngoài. Sự lộn xộn Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm tiết, vốn dùng chữ tượng hình Hán (đọc theo âm Việt) làm chữ viết của mình, rồi lại bỏ chữ Hán - Việt đó để dùng chữ cái Latin làm quốc ngữ ghép vần, nên việc viết tên người, địa danh nước ngoài hiện nay hết sức lộn xộn, không theo nguyên tắc chung nào cả. Theo nguyên tắc bảo đảm sự nhất quán giữa tên nước với địa danh và tên người của mỗi nước, nếu tên nước được viết bằng từ Hán - Việt thì các tên kia cũng phải viết bằng từ đó. Ví dụ: tên nước là Pháp (Lang Sa) thì tên thủ đô nước đó phải là Ba Lê (chứ không phải Paris), còn các danh nhân nước đó phải là Lư Thoa (chứ không phải là Rousseau hay Rút-xô). Nhưng trong tiếng Việt hiện hành, nguyên tắc đó chỉ được áp dụng chủ yếu cho Trung Quốc, với tất cả các tên đất, tên người đều là từ Hán - Việt (ngoại trừ những tên người phải viết bằng chữ cái Latin do không tìm được âm Hán - Việt). Nguyên tắc này cũng ngẫu nhiên được áp dụng cho một số trường hợp nữa, khi tên nước cùng các địa danh và tên người nước đó may mắn đều được viết theo cùng một gốc Latin. Tuy nhiên, nguyên tắc này không thể áp dụng trong đa số trường hợp khác, dẫn tới tình trạng tên nước viết theo một kiểu còn tên thủ đô cùng mọi địa danh và tên người lại viết theo một (hoặc nhiều) kiểu khác. Chẳng hạn nước Ba Lan được tặng một cái tên vừa Hán - Việt lại vừa phiên âm tiếng Anh (Poland), còn thủ đô của nó khi thì được phiên âm hoặc viết theo tiếng Pháp (Vac-xô-vi hoặc Varsovie), khi thì theo tiếng Ba Lan (Vac-xa-va hoặc Varszawa), lúc lại dùng tiếng Anh (Warsaw). Chọn cách nào? Sự lộn xộn trong cách viết (và đọc) tên nước ngoài như trên cho thấy sự thiếu chính xác và nhất quán trong ngôn ngữ hiện đại của dân ta, khiến giá trị khoa học của tiếng Việt bị giảm sút. Vậy chúng ta phải khắc phục tình trạng lộn xộn đó để lập lại trật tự bằng cách nào? Có một số phương án để lựa chọn. Trước hết, có thể nghĩ đến việc phiên âm tất cả các danh từ riêng Latin hoặc Latin hóa thành các từ Hán - Việt như ông cha ta đã làm xưa kia. Khi ấy ta sẽ có một nguyên tắc nhất quán như Trung Quốc đang áp dụng hiện nay, nghĩa là bỏ Singapore hoặc Xin-ga-po để trở về với Tân Gia Ba, bỏ Philippines hoặc Phi-líp-pin để viết Phi Luật Tân... Nhưng phương án này không thể thực hiện được vì chẳng còn mấy ai biết chữ Hán để viết như các cụ xưa, dù là viết lại bằng chữ quốc ngữ. Hơn nữa, đây là một giải pháp phản tiến hóa đối với thế giới hiện đại (ngay cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cần có thêm hệ thống phiên âm Latin để trợ giúp chữ Hán tượng hình của họ). Một số người đề nghị dùng chữ cái Latin để viết đúng các từ gốc nguyên dạng bản ngữ. Nhưng đó là một giải pháp bất khả thi vì không ai biết hết hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới để viết đúng tiếng bản ngữ, và bảng chữ cái Latin cũng không đủ khả năng thể hiện được hết thảy các ngôn ngữ đó. Hiểu rõ một nhược điểm lớn trong tiếng Việt là không có cách gọi riêng của mình đối với các tên nước ngoài (mà phải gọi các tên đó qua một số ngôn ngữ trung gian khác), nên các học giả nước ta hồi giữa thế kỷ 20 đã tạo ra cách viết tên nước ngoài riêng cho người Việt. Ðó là phiên âm tên nước ngoài bằng chữ quốc ngữ Latin và dùng dấu gạch ngang (-) để chia tách những từ đa âm thành nhiều âm tiết đơn cho dễ đọc (Mat-xcơ-va, Mông-te-xki-ơ, Oa-sinh-tơn...). Nhưng khi đất nước hội nhập quốc tế và trình độ ngoại ngữ của nhân dân được nâng cao, người ta lại nhận ra cách phiên âm này bất tiện trong giao tiếp và trong khoa học. Khi các phương án trên đều bộc lộ những sự bất cập của chúng thì chúng ta có thể tìm thấy một giải pháp hữu hiệu qua quy định về sáu ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc dùng cho 193 nước thành viên. Ngoại trừ tiếng Ả Rập quá xa lạ với tiếng Việt cả về ngữ âm, ngữ pháp và văn tự, dựa trên năm ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc, chúng ta có thể đề xuất một nguyên tắc chung nhất quán cho việc viết tên nước ngoài trong tiếng Việt: danh từ riêng (tên đất, tên người) của nước ngoài được viết theo nguyên dạng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha; theo nguyên dạng tiếng Nga Latin hóa và theo nguyên gốc chữ Hán - Việt Latin hóa. Nguyên tắc chung này sẽ được cụ thể hóa bằng những quy định cho từng trường hợp áp dụng nguyên dạng và nguyên gốc của từng ngôn ngữ được dùng. Tags: Tiếng ViệtPhản hồiPhiên âmNguyên ngữLatin
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Công an yêu cầu Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ ra đầu thú, nộp lại tài sản lừa đảo đã chiếm đoạt DANH TRỌNG 10/12/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội yêu cầu Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ ra đầu thú, nộp lại tài sản do lừa đảo chiếm đoạt để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Xây dựng thương hiệu gạo cho Việt Nam là xây dựng niềm tin KHẮC TÂM 10/12/2024 Theo ông Phạm Thái Bình - chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - xây dựng thương hiệu gạo thành công là xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Nguy cơ ngừng hoạt động vì nợ tiền thuê đất hàng trăm tỉ đồng, Thảo cầm viên Sài Gòn nói gì? LÊ PHAN 10/12/2024 Với việc đứng trước nguy cơ bị truy thu gần 800 tỉ đồng tiền nợ thuê đất, Thảo cầm viên Sài Gòn có nguy cơ phải ngừng hoạt động vì không đủ kinh phí.
Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu bắt Tổng thống Yoon MINH KHÔI 10/12/2024 Quốc hội Hàn Quốc vừa thông qua nghị quyết yêu cầu nhanh chóng bắt giữ 8 nhân vật chủ chốt, trong đó có Tổng thống Yoon Suk Yeol.