Cát: Cuộc chiến tài nguyên mới

H. MINH 03/07/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Với tốc độ đào múc như hiện giờ trên toàn cầu, câu sáo ngữ “coi tiền tài như cát bụi” sẽ sớm lỗi thời.

Nhu cầu cát gần như vô hạn trên toàn cầu. Và thứ hàng hóa thương phẩm quan trọng nhưng ít được coi trọng nhất thế giới này đang dẫn tới nhiều rắc rối. Có thể nói không ngoa rằng cả xã hội loài người là một… lâu đài cát. 

Cát là vật liệu cơ bản để xây đường sá, cầu cống, đường xe lửa và các dự án lấn biển. Cát, đá sỏi và đá nghiền được dùng làm kính cửa sổ, màn hình máy vi tính, điện thoại thông minh và cả chip silicon. Những cát bụi tầm thường giờ đã trở thành tài nguyên chiến lược.

 
 Một khu khai thác cát ở Bangladesh. Ảnh: vice.com

Như cát tuột khỏi tay

Nền văn minh con người được xây trên cát theo đúng nghĩa đen. Cát đã được dùng làm vật liệu xây dựng từ ít ra là thời Ai Cập cổ đại. Thế kỷ 15, các nghệ nhân người Ý tìm ra cách chế tạo thủy tinh từ cát, giúp làm ra kính viễn vọng, kính thiên văn và các công nghệ khác dẫn tới cuộc cách mạng khoa học thời Phục hưng. 

Nhiều loại cát khác nhau ngày nay là nguyên liệu để làm bột giặt, mỹ phẩm, kem đánh răng, tấm pin mặt trời, chip silicon và nhất là các tòa nhà; mỗi khối bêtông về cơ bản là cát và đá kết dính với nhau.

Ngoài nước và không khí, những hạt cát nhỏ mọn là nguồn tài nguyên tự nhiên được con người sử dụng nhiều nhất. 

Sự bùng nổ ngành xây dựng trong những năm gần đây - với các siêu đô thị mọc lên như nấm, từ Lagos tới Bắc Kinh - đồng nghĩa lượng cát được tiêu thụ lớn chưa từng thấy trong lịch sử, tạo ra một ngành công nghiệp 70 tỉ USD. Ở Dubai và Singapore, những dự án lấn biển khổng lồ đã hút về lượng cát lớn tương ứng.

Thế giới đang đối mặt nguy cơ thiếu hụt nguồn tài nguyên mà hầu hết vẫn được coi là nhiều tới vô tận này. 

“Chúng ta cứ nghĩ rằng cát ở đâu chẳng có. Chúng ta chưa bao giờ nghĩ mình sẽ hết cát, nhưng điều đó đang bắt đầu xảy ra ở một số nơi” - Pascal Peduzzi, nhà khoa học khí hậu và giám đốc Trung tâm Dữ liệu tài nguyên toàn cầu thuộc Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) ở Geneva, nói. 

“Chúng ta cần lường trước những gì sẽ diễn ra trong thập niên tới, bằng không nhiều vấn đề lớn liên quan tới nguồn cung cát sẽ xuất hiện”.

Hiện giờ, thậm chí một hệ thống theo dõi và thống kê việc sử dụng nguồn cát toàn cầu vẫn chưa được xây dựng. 

Tuy nhiên, theo ông Peduzzi, các nhà khoa học có thể đo được khá chính xác thông qua sự tương quan “rất chặt chẽ” giữa cát và ximăng. Liên Hiệp Quốc ước tính mỗi năm 4,1 tỉ tấn ximăng được sản xuất, chủ yếu là do nhu cầu từ Trung Quốc, vốn đang chiếm 58% mức tăng trưởng xây dựng toàn cầu.

Nhân con số đó lên 10 lần, ta sẽ được số tương đối lượng cát và đá sỏi được sử dụng - tức khoảng 40 - 50 tỉ tấn mỗi năm. 

Tốc độ sử dụng cát trên toàn cầu như thế đã tăng gấp ba lần trong hai thập niên qua, một phần vì sự đô thị hóa chóng mặt và nhanh hơn nhiều so với tỉ lệ tự tái tạo nguồn cát tự nhiên bởi đá xói mòn vì nước và gió.

Trong khi cát hiện diện gần như khắp nơi trên Trái đất, ở các sa mạc và bờ biển toàn cầu, không phải loại cát nào cũng có ích với con người. 

Cát sa mạc chẳng hạn, do bị gió bào mòn nên quá mịn và tròn, khó kết dính để dùng cho mục đích xây dựng. Loại cát được ưa thích nhất là những loại có góc cạnh và do đó dễ kết dính, chủ yếu được khai thác từ đáy biển, bờ biển, các con sông và mỏ đá.

Một nghề phổ biến

Louise Gallagher, người đứng đầu bộ phận quản trị môi trường thuộc Sáng kiến Theo dõi cát toàn cầu (UNEP), nói vấn đề tài nguyên cát có tính “khuếch tán” và “phức tạp”. Lấy ví dụ, bà nói việc cấm khai thác cát trên sông chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhiều dân cư và cộng đồng dựa vào nghề này để kiếm sống.

Trung Quốc và Ấn Độ đứng đầu danh sách những khu vực mà khai thác cát đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các dòng sông, hồ nước và vùng bờ biển, chủ yếu do nhu cầu xây dựng và phát triển hạ tầng quá lớn. 

UNEP trước đó cảnh báo về tình trạng những “băng đảng mafia cát tặc” ngày càng phổ biến, đôi khi có tổ chức và đầy quyền lực bao gồm cả giới kinh doanh, thầu thi công và vật liệu xây dựng, hay thậm chí là quan chức nhà nước ở những nơi như Campuchia, Việt Nam, Kenya và Sierra Leone.

Trong khi ở một số nơi, các công ty đa quốc gia khai thác cát bằng máy móc hiện đại, nhiều nơi khác dân địa phương vẫn khai thác bằng tàu thuyền nhỏ, chở đi bằng xe tải, thậm chí dùng cả cuốc xẻng. 

Khi các mỏ đá và lòng sông ngày một cạn kiệt, dân khai thác cát chuyển ra biển, với hàng nghìn con tàu bơm lên những lượng cát lớn từ đáy đại dương. Ở Mỹ, các mỏ cát được cho là nguyên nhân làm xói mòn bờ biển, ô nhiễm nước và không khí, từ các bờ biển California tới những hồ nước Wisconsin.

Nhưng quy định và việc thực thi liên quan tới khai thác cát còn rất lỏng lẻo, nhất là ở các nước đang phát triển. Khai thác cát đã làm xói mòn hơn hai chục hòn đảo của Indonesia từ năm 2005. Phần lớn cát được chuyển tới Singapore, nơi cần một lượng cát khổng lồ để thực hiện các chương trình lấn biển. 

Quốc gia - đô thị này đã mở rộng thêm 130km2 trong 40 năm qua và vẫn chưa dừng lại. Với sức mạnh tài chính của mình, Singapore trở thành nhà nhập khẩu cát lớn nhất thế giới. Tác động môi trường lớn tới mức Indonesia, Malaysia và Việt Nam đều đã hạn chế hoặc cấm xuất khẩu cát sang Singapore.

Những lệnh cấm dẫn tới sự bùng nổ khai thác cát trái phép. Theo trang Wired, ngày nay các băng đảng tội phạm có tổ chức ở ít nhất một chục quốc gia, từ Jamaica tới Nigeria, hút lên hàng nghìn tấn cát mỗi năm để bán ngoài chợ đen. 

Một nửa số cát xây dựng ở Morocco có thể là bất hợp pháp, nhiều vùng duyên hải cát trắng đã biến mất. Năm 2010, hàng chục quan chức Malaysia bị truy tố vì nhận hối lộ để bảo kê cho việc xuất khẩu cát lậu sang Singapore. 

Ở Ấn Độ, những cuộc chiến giữa các băng cát tặc đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, bao gồm cả cảnh sát và người của Nhà nước.

Nhận thức lại về cát

Thế giới không thể tiếp tục đào múc 50 tỉ tấn cát mỗi năm - đủ để xây một bức tường dày 27m và cao 27m vòng quanh Trái đất, cả trên đất liền và dưới biển, mà không đối mặt với những hệ quả nghiêm trọng, cả ở quy mô địa phương và toàn cầu, theo một báo cáo của UNEP tháng 4-2022. 

“Nguồn tài nguyên cát không phải là vô hạn, và chúng ta cần sử dụng một cách khôn ngoan” - Peduzzi của UNEP nói, theo un.org. “Để phát triển bền vững, chúng ta cần thay đổi mạnh mẽ cách sản xuất, xây dựng và tiêu thụ sản phẩm, hạ tầng và dịch vụ”.

Theo báo cáo, các nền kinh tế cần nhận thức lại rằng cát không chỉ là vật liệu xây dựng mà là tài nguyên chiến lược có nhiều vai trò với môi trường. 

Khai thác cát ở những vùng sông, ven biển hay hệ sinh thái biển có thể dẫn tới xói mòn, mặn hóa các vùng nước ngọt, đe dọa sự đa dạng sinh học, tăng mức độ tàn phá của thiên tai, từ đó đe dọa trực tiếp sinh kế của con người: nguồn nước, thực phẩm hay nguồn cá, và cả ngành du lịch. 

Cát còn là cấu phần quan trọng trong môi trường sống của nhiều loại động thực vật, bao gồm nhiều loại thực vật biển đóng vai trò hấp thu carbon hay lọc nước.

UNEP nói họ muốn khuyến khích các chính sách chặt chẽ hơn với việc khai thác quặng, thúc đẩy tái sử dụng vật liệu xây dựng từ công trình bị phá hủy và kiểm soát tốt hơn việc khai thác bừa bãi. 

Gallagher chỉ ra 5 ưu tiên quản trị nguồn tài nguyên cát trong những năm tới: hợp tác về các tiêu chuẩn toàn cầu, tìm kiếm giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí và khả thi, cập nhật các tiêu chuẩn môi trường về cát, lắng nghe hơn tiếng nói của người địa phương, và thiết lập các mục tiêu quốc gia và toàn cầu để sử dụng cát hợp lý.

“Một hạt cát có thể làm nên thay đổi lớn” - Kiran Pereira, nhà nghiên cứu và người sáng lập trang Sandstories.org, nói. “Zurich chẳng hạn, đang xây dựng các tòa nhà bằng 98% bêtông tái sử dụng. Thành phố Amsterdam đã cam kết các công trình xây mới sẽ là nguyên vật liệu tái sử dụng 100% vào năm 2050 và đặt mục tiêu giảm một nửa lượng tài nguyên cho các công trình xây mới tới năm 2030”.■

Cát giờ không còn rẻ nữa và tình trạng thiếu hụt bắt đầu xuất hiện khắp nơi. Trung Quốc là một ví dụ. 

Từ năm 2000, nước này đã có các biện pháp hạn chế khai thác cát ở sông Dương Tử - nơi việc khai thác quá độ đe dọa hai bờ sông vốn có chức năng ngăn những trận lũ lụt tự nhiên ngày càng nghiêm trọng. Lệnh hạn chế đã đẩy dân khai thác qua vùng hồ Bà Dương. 

Vùng nước rộng lớn này thay đổi diện tích tối đa theo mùa khoảng 4.500km2, tức hơn hai lần diện tích TP.HCM, tạo thành hồ điều tiết tự nhiên cho sông Dương Tử. Việc khai thác cát quá độ ở đây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự vận hành tự nhiên như vậy. 

Tháng 7-2021, chính quyền tuyên bố một chiến dịch chống cát tặc kéo dài một năm dọc sông Dương Tử. Hàng nghìn nghi phạm đã bị bắt giữ, 1.200 quan chức đã bị truy tố vì “bảo kê” cho bọn khai thác cát lậu. Tháng 8-2021, chính quyền lại mở một chiến dịch tương tự, lần này là ở quy mô toàn quốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận