Cấy ký ức

TRÚC ANH 24/04/2021 06:10 GMT+7

TTCT - Cấy các ký ức ấu thơ hoàn toàn không có thật vào tâm trí một người, rồi sau đó lại sửa chính những ghi nhớ sai lệch đó mà không ảnh hưởng đến bộ nhớ thật. Các nhà tâm lý học cho thấy có thể làm điều này mà không cần đến công nghệ, máy móc hay can thiệp gì vào cơ thể.

 
 Ảnh: Getty Images

Các nhà tâm lý học đến từ Đại học Hagen (Đức) và Đại học Portsmouth (Anh) đã tuyển 52 tình nguyện viên, tuổi trung bình 25, cho một “nghiên cứu về hồi ức ấu thơ”. Những người này không biết rằng cha mẹ họ cũng được yêu cầu tham gia với một vai trò quan trọng: tạo ra các ký ức giả để các nhà khoa học cấy vào trí nhớ họ.

Các phụ huynh được yêu cầu kể 2 sự kiện đã xảy ra khi con cái họ còn bé và nghĩ ra 2 sự kiện không có thật, dựa trên các dữ kiện thật sự có liên quan. Hai sự kiện giả phải là chuyện gì đó tiêu cực nhưng hợp lý, chẳng hạn từng bị lạc khi đi chơi với gia đình, thú cưng chết, hay mất đồ chơi.

Sau đó, nhóm nghiên cứu mới tiến hành phỏng vấn các tình nguyện viên. Các nhà khoa học nói với các đối tượng nghiên cứu rằng đã được cha mẹ họ kể cho nghe những kỷ niệm ấu thơ, và yêu cầu họ kể thêm rõ hơn về 4 hồi ức cụ thể; những người được phỏng vấn hoàn toàn không biết 2 trong số các ký ức họ được yêu cầu kể thêm hoàn toàn là ngụy tạo.

Sau 3 vòng phỏng vấn, mỗi lần cách nhau 2 tuần, các nhà nghiên cứu nhận thấy hơn một nửa những người tham gia thật sự hình thành ký ức giả và có thể hồi tưởng, kể ra vài chi tiết của những chuyện hoàn toàn không xảy ra đó. Nói cách khác, ký ức giả đã được cấy thành công.

Theo Wall Street Journal, các nghiên cứu về ký ức giả trước đây vẫn gây tranh cãi, nhất là những hệ quả nó có thể gây ra với các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào trí nhớ như cảnh sát lấy lời khai hay tòa thẩm vấn bị cáo và nhân chứng. Nhiều nhà tâm lý học lo lắng rằng nếu thật sự có kỹ thuật cấy ký ức giả, sẽ có người thú nhận tội mà họ không làm, hoặc buộc tội không chính xác. Ngược lại, bị cáo có thể cho rằng nạn nhân hay các nhân chứng đã bị cài đặt ký ức giả nên mới đưa ra các lời buộc tội và làm chứng chống lại mình và kêu oan.

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Đức và Anh nói trên, công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, lại có ý nghĩa vì nó còn bao gồm phần xóa ký ức giả sau khi đã cấy thành công.

Để thực hiện điều này, nhóm nghiên cứu tiếp tục phỏng vấn các tình nguyện viên thêm 2 lần, mỗi lần sử dụng một đòn tâm lý khác nhau. Đầu tiên là hỏi những người tham gia nguồn gốc hồi ức của họ (tự nhớ hay nghe gia đình kể, có hình cũ làm chứng) và dùng tư duy phản biện để đánh giá lại chúng, sau đó là giải thích cho họ biết đôi khi bị ép phải nhớ ra việc gì đó có thể dẫn đến ký ức giả.

Sau 2 vòng phỏng vấn bổ sung này, các nhà nghiên cứu nhận thấy số người tham gia tin vào ký ức giả đã giảm. Họ chờ 1 năm sau mới khảo sát lại và rút ra kết luận: đa số tình nguyện viên rất tự tin khi nhớ về ký ức thật, có thể kể chi tiết đầy đủ hơn, so với các hồi ức giả. Nghĩa là việc họ nhớ ký ức giả đã có thay đổi theo hướng giảm dần, trong khi việc nhớ các sự kiện đã thực sự xảy ra không thay đổi.

Một nghiên cứu đơn lẻ không đủ để nói rằng chuyện cấy hay xóa ký ức có thể thực hiện dễ dàng. Trí nhớ của con người thực chất là cách diễn giải quá khứ, và có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố, khiến chúng không còn “thuần khiết” nữa, song ta có thể phần nào “gạn đục khơi trong” chỗ ký ức đó bằng các kỹ thuật tâm lý đã sử dụng trong nghiên cứu nói trên.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Aileen Oeberst (Đại học Hagen), cũng cho rằng ứng dụng của những phát hiện này không phải cấy hay xóa ký ức, mà là giúp một người có thể xác định ký ức của họ có thể là giả. Giả sử ứng dụng với một người bị cáo buộc oan, điều này sẽ giúp họ không tự nhận tội mình không làm; ở chiều ngược lại, lực lượng điều tra cũng có thể truy đến tận cùng xem lời khai thu được đến từ ký ức thật hay giả.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận