​Chấm dứt áp đặt điều kiện kinh doanh

C.V.KÌNH - QUỲNH TRUNG 11/05/2015 18:05 GMT+7

Hàng loạt điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trái thẩm quyền đã được ban hành bất chấp quy định của luật. Trao đổi với TTCT, TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), khẳng định các bộ, ban, ngành, UBND cấp tỉnh không được phép áp đặt ĐKKD.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, “giấy phép con” trong ngành giao thông vận tải ngày xưa bãi bỏ, giờ phục hồi gần hết - A3nh: QUANG ĐỊNH

TS Nguyễn Đình Cung nói: “Chúng tôi tập hợp riêng những quy định về ĐKKD được khoảng 900 trang, chưa kể quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn và cơ quan có thẩm quyền xác nhận để được coi đáp ứng ĐKKD. Nếu như trước đây tổ thi hành Luật doanh nghiệp (trực thuộc Thủ tướng) đã rà soát và bãi bỏ được hàng trăm ĐKKD hay vẫn được gọi là “giấy phép con”, thì đến nay “giấy phép con” đang phục hồi, xuất hiện nhiều hơn...”.

KHI "GIẤY PHÉP CON" TRỖI DẬY...

Thưa ông, Luật doanh nghiệp và đầu tư 2014 vừa được thông qua đã quy định rất rõ chỉ có luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế mới được quyền ban hành ĐKKD. Nhưng hàng loạt ĐKKD ở các văn bản khác vẫn đang được ban hành...

- Thật ra ngay từ Luật doanh nghiệp năm 2000 đã quy định như vậy rồi. Tuy nhiên đến khi rà soát, thống kê các ĐKKD thì thấy trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đều có ĐKKD được các thông tư quy định, do các bộ ban hành; số ĐKKD loại này lên đến hàng ngàn. Ngày nay, số ĐKKD trong thông tư ngày càng nhiều thêm và rõ ràng trái luật, trái thẩm quyền. Nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn cứ phải thi hành, các hiệp hội cũng ít khi lên tiếng, hoặc có lên tiếng nhưng không được xử lý.

Rất nhiều ĐKKD trong thông tư vẫn đang có hiệu lực, có thể kể tên như: thông tư số 14/2014 của Bộ Công thương về ĐKKD than; thông tư 72/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc đăng ký và quản lý nghề kế toán và điều kiện đăng ký hành nghề kế toán...

Khi ông tham gia tổ thi hành Luật doanh nghiệp, nhiều “giấy phép con” vô lý đã được bãi bỏ?... Bây giờ có tình trạng tương tự không?

- Nó có với hình thái khác, hoàn cảnh khác nhưng bản chất tương tự. Như giấy phép hoạt động in phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự và giấy tờ thể hiện đáp ứng đủ điều kiện về bảo vệ môi trường; hay giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự thì cần có thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, người kinh doanh phải có đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng... Gần như các giấy phép trong giao thông vận tải ngày xưa bãi bỏ, giờ đã được phục hồi hết...

Cái dở là nhiều điều kiện như một “giấy phép cha”. Để đáp ứng điều kiện đó thì phải tuân thủ nhiều điều kiện khác như “giấy phép con”, “giấy phép cháu”. Cho nên khó có thể ai hiểu hết và áp dụng thế nào cho đúng. Chưa nói là những điều kiện này rất vô lý với thị trường và doanh nghiệp.

Gần như các giấy phép trong giao thông vận tải ngày xưa bãi bỏ, giờ đã được phục hồi hết...
 

TRÁI THẨM QUYỀN NHƯNG CỨ BẮT THỰC HIỆN

Như ông nói, Luật doanh nghiệp 2000 đã quy định thẩm quyền ban hành ĐKKD, nhưng vì sao những văn bản này vẫn được thực hiện? Nên ứng xử với chúng thế nào?

- Về mặt pháp luật, những văn bản trái thẩm quyền đương nhiên không có hiệu lực nhưng trên 10 năm qua người ta vẫn ban hành, bắt doanh nghiệp phải áp dụng, người dân phải thực hiện. Bây giờ Luật đầu tư 2014 đã nhấn mạnh lại chỉ luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế mới có quyền ban hành ĐKKD.

Cộng đồng doanh nghiệp, báo chí, các chuyên gia, các nhà phản biện, các cơ quan nghiên cứu phải có tiếng nói thúc đẩy việc thực hiện đúng theo Hiến pháp năm 2013 và Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp. Chính phủ, Quốc hội cần có hành động.

Hiện các ràng buộc trong ĐKKD chủ yếu áp cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Nếu chúng ta cứ thờ ơ thì doanh nghiệp tư sẽ rất khó khăn, không có được môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước; và chắc chắn khu vực kinh tế này khó có thể phát triển được thành động lực chủ yếu của phát triển kinh tế.

Theo tôi, những ĐKKD trong các thông tư, quyết định, chỉ thị... của các bộ, ngành, địa phương là... phải bãi bỏ. Văn bản ban hành không đúng thẩm quyền thì không thể nào có hiệu lực được.

Nghĩa là suốt thời gian qua nhiều cơ quan đã lạm quyền, gây khó cho người dân, doanh nghiệp nhưng không hề bị xử lý?

- Trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định các bộ có thể bãi bỏ các văn bản pháp luật do chính quyền địa phương ban hành. Chính phủ có thể bãi bỏ các văn bản pháp luật do các bộ ban hành, nhưng vấn đề là phải có cơ quan nào đứng ra rà soát, đề xuất. Lâu nay Bộ Tư pháp làm nhưng theo tôi, Bộ Tư pháp phải mạnh mẽ và dứt khoát hơn nữa. Những ĐKKD này có hại cho sự phát triển. Theo Hiến pháp 2013 thì nó còn là vi hiến. Bộ Tư pháp phải kiến nghị một cách rạch ròi và mạnh mẽ hơn.

Cũng cần buộc các ông bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm chứ không để tình trạng ban hành trái thẩm quyền như vậy cứ diễn ra. Quốc hội khi làm luật cũng phải thay đổi tư duy. Không thể để tình trạng luật này thì tiếp cận theo lối này, luật khác tiếp cận theo lối khác.

CẦN CHÍNH PHỦ "RA TAY"

KHÔNG THỂ QUẢN ĐẾN ĐÂU, MỞ ĐẾN ĐẤY

ĐKKD là rào cản gia nhập thị trường, làm tăng chi phí sản xuất, hạn chế năng động, hạn chế sáng tạo, ngăn cản áp dụng khoa học công nghệ. Cách tiếp cận quản lý nhà nước theo kiểu “tôi quản đến đâu tôi mở đến đấy” là rất cổ hủ. Cách tiếp cận này hoàn toàn đi ngược với Hiến pháp, Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư vốn cho phép doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất cả những gì mà Nhà nước không cấm.

Bây giờ luật mới đã ban hành, có cách nào xử lý những ĐKKD trái thẩm quyền? Có luật rồi nhưng theo ông, có cần ra một nghị quyết Chính phủ nữa không, bởi để bỏ những ĐKKD sẽ không đơn giản?

- Đương nhiên nên có nghị quyết “nhắc”, đôn đốc thực hiện. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn phải nói, nhiều người nói thì càng tốt. Để giải quyết các ĐKKD trái thẩm quyền, theo tôi, phương pháp “máy chém” là một trong những công cụ hữu hiệu nhất. Ví dụ, chúng ta có thể tuyên bố “chém” kiểu như: bỏ tất cả những ĐKKD ban hành bởi thông tư, quyết định... của các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Cần thiết lập một tổ chức độc lập, liên tục rà soát và thổi còi, giám sát, đánh giá những quy định không phù hợp được ban hành. Cần một cơ quan có thẩm quyền, mô hình phổ biến ở các nước là cơ quan này lấy thẩm quyền của Thủ tướng. Đó có thể gọi là Văn phòng kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật hoặc bất cứ tên gì nhưng phải đủ thẩm quyền và độc lập. Mô hình này các nước làm được thì mình cũng phải làm được.

Kinh tế thị trường là năng động, sáng tạo và đa dạng. Chúng ta không thể áp dụng một phương thức cho tất cả mọi người phải làm theo. Điều này chỉ có lợi cho cơ quan nhà nước nhưng cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Rõ ràng đã đến lúc phải thay đổi..

Nếu không, có phải Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp thất bại?

- Tôi cho rằng đây là phép thử. Việt Nam chuyển sang pháp quyền, tức là quản lý bằng luật pháp. Nếu quản lý bằng pháp quyền thì không để ban hành các quy định trái thẩm quyền và không phù hợp được mà người dân, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các quy định như thế.

Rõ ràng, ổn định kinh tế vĩ mô là chưa đủ để đưa nền kinh tế phục hồi mức độ tăng trưởng cao như trước đây. Phải có thêm những cải cách về vi mô để kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn, rủi ro ít hơn, chi phí thấp hơn. Bãi bỏ ĐKKD là điều kiện không thể thiếu để Việt Nam phục hồi tăng trưởng kinh tế như mong muốn ở mức 7% hoặc 7,5%.          

Nhưng cũng có văn bản đúng thẩm quyền như nghị định 36/2014 của Chính phủ nhưng lại quy định ĐKKD quá cụ thể, như sản phẩm cá tra phi lê khi xuất khẩu phải có hàm lượng ẩm không vượt quá 83% và tỉ lệ mạ băng không vượt quá 10% (*). Ông nghĩ thế nào?

- Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã phản ứng kịch liệt quy định này. Tại sao không nghe hiệp hội này bởi vì họ có kinh nghiệm nhiều nhất trên thương trường về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam? 

Cơ quan nhà nước nói đã nghe góp ý nhưng lại nghe Hiệp hội Cá tra. Không thể chấp nhận quy định như thế. Đây là bảo vệ cho một số người, không bảo vệ cho ngành cá tra phát triển, không phải để nền kinh tế phát triển. Tư duy như thế không thị trường, không đa dạng, không khuyến khích sáng tạo.

(*): Xem TTCT số 13 ra ngày 12-4

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận