Chernobyl và... Chernobyl!

PHAN XUÂN LOAN 01/07/2019 17:07 GMT+7

9,6/10 là điểm mà trang cơ sở dữ liệu trực tuyến về điện ảnh thế giới (IMDb) chấm cho loạt phim truyền hình ngắn của HBO Chernobyl. Năm tập phim dài 330 phút, tái hiện vụ nổ Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat (Liên Xô cũ) ngày 26-4-1986 và những nỗ lực khắc phục thảm họa đã nhận được nhiều khen ngợi.

Cảnh trong sêri phim Chernobyl của HBO.
Cảnh trong sêri phim Chernobyl của HBO.

Chernobyl của HBO

Với thể loại được ghi là drama, history - chính kịch, lịch sử, Chernobyl (tác giả kịch bản: Craig Mazin, đạo diễn: Johan Renck), quay ở Litva và Ukraine, đã nỗ lực tái hiện chân thực khung cảnh, thời đại, con người của Liên Xô thời tháng 4-1986.

Không ít người xem, những cựu công dân của một đất nước đã biến mất và nay đã là những cụ ông, cụ bà... thích thú và ngỡ ngàng khi được nhìn lại những đường phố, vật dụng, con người, quang cảnh của thời mình từng sống.

Dấu tích con người một thời sinh sống và hạnh phúc ở Chernobyl.

Vốn đã quen với thành kiến đối với người Nga, nước Nga của điện ảnh phương Tây, người Nga thừa nhận đây là loạt phim không tệ.

Bộ trưởng Văn hóa Nga Vladimir Medinsky sau khi xem xong ba tập phim đầu đã thành thật nhận định trên RIA Novosti: “Phim được thực hiện chuyên nghiệp. Không có “thành kiến đỏ” mà chúng tôi từng ngỡ, chỉ ở một số chi tiết vặt. Phim đã được quay với lòng tôn trọng những con người bình thường. Chúng tôi từng nghĩ là sẽ tệ hơn thế”.

 Đài kỷ niệm những nạn nhân Chernobyl (Ảnh: https://chernobylguide.com)

Các nhà làm phim quả thật đã rất khó khăn để chọn lựa đạo cụ xác thực sao cho bề ngoài của nhân vật, môi trường vật chất chung quanh họ trông đúng như thật. Thậm chí họ từ bỏ cách tiếp cận quen thuộc của Hollywood khi trong những bộ phim tiếng Anh thì các nhân vật Nga thường nói tiếng Nga... lơ lớ, các nhân vật trong phim này đều nói tiếng Anh.

Một nhà trẻ bị bỏ hoang ở Chernobyl, ảnh chụp 31 năm sau thảm họa. Ảnh: chernobylguide.com
Một nhà trẻ bị bỏ hoang ở Chernobyl, ảnh chụp 31 năm sau thảm họa. Ảnh: chernobylguide.com

Craig Mazin cho biết ông nảy sinh ý tưởng làm phim về Chernobyl từ năm 2014. Ông tìm đến các chuyên gia năng lượng hạt nhân để tìm hiểu cấu tạo và hoạt động của lò phản ứng. Mazin cũng tham khảo ý kiến các công dân Xô viết, họ giúp ông hình dung ra cuộc sống của người Liên Xô thập niên 1980. Ông làm quen với những nạn nhân thảm họa.

Ngoài ra, nhiều chi tiết ông đã sử dụng từ cuốn sách Lời nguyện cầu Chernobyl của nữ tác giả Belarus đoạt Nobel văn học 2015 Svetlana Alexievich.

Tuy nhiên, với thể loại được cho là “lịch sử”, phim vẫn không tránh khỏi những lỗi thiếu chính xác về mặt tư liệu, lịch sử. Tờ báo Anh Daily Mail liệt kê 9 điểm không tương thích giữa “phim” và “đời”. Trong đó ngoài những nhân vật hoặc sự kiện hư cấu, điều quan trọng hơn là những chi tiết tinh tế khắc họa chân dung nhân vật.

Những công nhân mỏ Tula tham gia cứu hộ Chernobyl ngày nào, đã được tờ Sự thật Komsomol mời cùng xem phim Chernobyl của HBO. Họ vừa cười, vừa chỉ trích những đoạn "hư cấu" của HBO. Ảnh: KP.ru

Chẳng hạn, cựu tổng thống M. Gorbachev, theo nội dung phim, đã ra lệnh trừng phạt nhà khoa học hạt nhân, thành viên Ủy ban chính phủ điều tra nguyên nhân và khắc phục hậu quả thảm họa Chernobyl Valery Legasov, không phong danh hiệu Anh hùng lao động do Legasov đã tiết lộ “thông tin tuyệt mật” tại cuộc làm việc với Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc tế (Valery Legasov đã tự tử năm 1988). Tuy nhiên, ông Gorbachev khẳng định mình không hề ban hành lệnh trừng phạt này.

Theo con gái của nhà khoa học, sau báo cáo ở Vienna, cha cô trở nên nổi tiếng. Ông được gọi là “Nhân vật của châu Âu” và được đưa vào danh sách 10 nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới. Điều đó khiến một số đồng nghiệp của ông ganh tị. Phần còn lại cuộc đời ông chìm trong trầm uất, do giận dữ vì thiếu những nghiên cứu để ngăn chặn một thảm họa Chernobyl thứ hai...

Cảnh tượng ở thành phố Pripyat - nơi cách hiện trường vụ nổ Chernobyl 2km, từng có gần 50.000 dân sinh sống nhưng nay hoàn toàn -trống rỗng. Ảnh: theculturetrip.com
Cảnh tượng ở thành phố Pripyat - nơi cách hiện trường vụ nổ Chernobyl 2km, từng có gần 50.000 dân sinh sống nhưng nay hoàn toàn -trống rỗng. Ảnh: theculturetrip.com

Đây có thể là một trong những chi tiết khiến nhà báo Fred Weir viết trên tờ báo Mỹ Christian Science Monitor: “Có vẻ như mọi người đều đồng tình rằng người ta có phần cực đoan hóa các nhân vật trong phim. Các quan chức Liên Xô và những nhà lãnh đạo Nhà máy Chernobyl được mô tả quá bỉ ổi và hèn hạ, trong khi các nhân vật chính, đặc biệt là những nhà khoa học đã đấu tranh để nói sự thật, thì quá anh hùng và toàn tri”.

Nữ nhà văn đoạt Nobel 2015 Svetlana Alexievich tỏ ra rộng lượng hơn. Bà đánh giá cao bộ phim, cho rằng bà không tin là “họ làm được loạt phim tốt nhất trong toàn bộ lịch sử” (của thảm họa Chernobyl), mặc dù có phàn nàn là “tuy họ có hỏi tôi vụ bản quyền, tôi đã ký hợp đồng với họ và tất cả quyền đều được tuân thủ, nhưng vì lý do kỹ thuật nào đó mà không có tên tôi trong các danh đề của phim”.

Dẫu vậy, trả lời câu hỏi về những yêu sách liên quan đến độ chính xác của những chi tiết, nữ nhà văn bênh vực: “Tất cả đơn giản là sự thiếu chuẩn bị của con người trong việc sử dụng sản phẩm văn hóa ở một mức độ nào đó. Người ta cứ kéo mọi thứ xuống mặt đất, xuống tới hiểu biết của mình. Đấy là phim nghệ thuật và tác giả có quyền liên kết nào đó của mình với sự hiểu biết sự vật của mình...”.

Cảnh trong phim Chernobyl của HBO.
Cảnh trong phim Chernobyl của HBO.

Chernobyl của Kênh 1 truyền hình Nga

Trước làn sóng ủng hộ, bình luận nêu trên, Kênh 1 truyền hình Nga thoạt đầu cho hay ngày 22-6, họ sẽ chiếu phim tài liệu về thảm họa Chernobyl. Bộ phim sẽ tường thuật chi tiết những sự kiện bi thảm này “thật sự” đã diễn ra thế nào.

Thông cáo được Kênh 1 giới thiệu nói: “Bộ phim tài liệu của Kênh 1 sẽ kể chi tiết mọi việc thật sự diễn ra thế nào, tái tạo chuỗi chính xác những sự kiện vào đêm định mệnh 25 rạng sáng 26-4-1986 và những ngày, tháng tiếp theo”.

Các đại diện của kênh truyền hình nhấn mạnh câu chuyện về chiến công của các phi công trực thăng đã ngăn chặn được phản ứng chuỗi và phủ lấp lò phản ứng bằng một lớp cát và chì dày, vẫn còn ít được biết đến.

Phim sẽ kể việc các phi công này thực hiện hàng ngàn chuyến bay mỗi ngày và buổi ban đầu không có lớp chì bảo vệ - nhưng họ vẫn buộc phải treo lơ lửng ở độ cao 200m trên lò phản ứng.

Ngoài ra, bộ phận truyền thông của đài truyền hình cũng cho biết bộ phim tài liệu sẽ kể về nguyên nhân cái chết của viện sĩ Valery Legasov. Viện sĩ đã đọc tới năm cuốn băng cassette những diễn biến quanh thảm họa Chernobyl. Trong câu chuyện của mình, ông nêu tên những người thật sự liên quan đến thảm họa này và tên những ai phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra.

Tuy nhiên, bộ phim tư liệu Chernobyl này vừa được thông báo tạm hoãn ngày phát do “khối lượng thông tin lớn phải xử lý đòi hỏi nhiều thời gian hơn” (theo TASS ngày 22-6).

Một chiếc cốc và sách nhiễm xạ ở Chernobyl. (Ảnh: https://chernobylguide.com)

Và một Chernobyl khác

Đạo diễn Nga Aleksei Muradov nhìn sự việc ở một góc khác: cuối tháng 5-2019, ông đã kết thúc phần quay loạt phim truyền hình dài 12 tập Chernobyl, dự kiến chiếu trên kênh NTV mùa thu này. Nội dung phim kể rằng Cơ quan tình báo Ukraine phát hiện điệp viên CIA Albert Lenz ở Pripyat. Để ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra, sĩ quan phản gián Liên Xô Andrey Nikolayev đã đến nhà ga...

Aleksei Muradov
Đạo diễn Aleksei Muradov

Theo đạo diễn Muradov, giả thuyết cho rằng thảm họa Chernobyl có liên quan tới CIA từng được nghiêm túc xem xét năm 1986 do công nghiệp hạt nhân, hòa bình hay chiến tranh đều được quan tâm cao ở hai khối xã hội chủ nghĩa lẫn tư bản.

Theo ông, khi đó trên bàn làm việc của M. Gorbachev có bản ghi chép nêu lên những giả thuyết có thể và do khi đó quan hệ giữa Liên Xô và Hoa Kỳ rất tốt, nên giả thuyết này bị gạt bỏ và trên thực tế đúng như thế: Mỹ chẳng liên can gì đến thảm họa này.

Nhưng đó chỉ là một chi tiết được sử dụng để giới thiệu về chính thảm họa. Khác với Chernobyl của HBO, bộ phim của Muradov không sử dụng tư liệu từ những hồi ức của Legasov hay sách của bà Alexievich, mà dựa trên báo chí, tạp chí, tư liệu và những ấn bản khác nhau về thảm họa này.

Ngoài việc “đào bới” tư liệu nêu trên, tác giả kịch bản Valentin Spiridonov đã làm việc với rất nhiều người, những thành viên trực tiếp của thảm họa. Những người làm phim đã “cố gắng tiến gần nhất tới sự thật một cách trực quan và thực tế, dù đây không phải là phim tài liệu”.

Cảnh tượng hoang tàn ở Chernobyl nhiều năm sau thảm họa.

Trước làn sóng lớn của hai Chernobyl đã nêu, đạo diễn Muradov chờ đợi gì ở tác phẩm của mình? Trả lời Meduza.io, Muradov nói: “Tuy chúng tôi cố tiến đến gần nhất có thể (với sự thật) nhưng điều đó cũng không quan trọng, cái quan trọng là khi đó đất nước đã đứng dậy, như trong mỗi thảm họa diễn ra ở đất nước chúng tôi. Và việc những con người khác nhau đã hưởng ứng (với tư cách cá nhân và không chỉ thế) đáng để được nói đến. Nhất là ngày nay”.

Đánh giá loạt phim của HBO, đạo diễn Muradov đáp: “Trong tập một, tôi nhận ra một số điều tuyệt vời. Dĩ nhiên đó là hình ảnh, nhất là âm thanh quá đỉnh. Nhưng chúng ta không thể thể hiện khách quan những gì đang xảy ra ở nước ngoài, cũng như họ không thể thể hiện khách quan những gì diễn ra ở nước chúng ta. Tiếc thay, với toàn bộ hình ảnh, với toàn bộ sự giàu có của những gì tôi thấy, những định kiến, được sử dụng trong thời gian chiến tranh lạnh liên quan đến con người và tình cảnh của chúng tôi, vẫn còn - ở đây chẳng có gì thay đổi. Vì thế, tôi chẳng ngạc nhiên nếu ai đó nói với tôi loạt phim này quay từ 20 năm trước - qua cách các diễn viên hành xử trong các vai họ đóng”.

Cảnh trong phim Chernobyl của HBO.

Một trong những “hạt sạn” được Muradov nhặt ra: “...Những cuộc đối thoại trong loạt phim rất kỳ cục khi các nhân vật trong đời thường gọi nhau bằng đầy đủ tên, phụ danh. Trong đời thường chúng tôi nào xưng hô thế! Đó chỉ là một thí dụ rất nhỏ”. Những hạt sạn khác nằm ở việc mô tả quan hệ giữa chính quyền với người dân, giữa con người với nhau, mà theo ông, trong phim “nó hoàn toàn chỉ là bề nổi”. ■

Ông đã làm việc nhiều trong lĩnh vực truyền hình và biết rõ khán giả. Ông nghĩ thế nào nếu Chernobyl của HBO chiếu trên sóng Nga, phản ứng sẽ ra sao? Và nó khác thế nào với loạt phim của ông?

- Đạo diễn Muradov: Khán giả truyền hình được chia ra thành các nhóm theo độ tuổi và hoàn cảnh xã hội. Có những khán giả rất quan trọng hình ảnh và sự phát triển của cốt truyện, có những người lại để tâm vào ý nghĩa. Có những người quan trọng cả hai yếu tố trên.

Liên quan đến phim của HBO, nó quả thật rất tuyệt vời, nhưng chưa vươn tới được các ý nghĩa. Còn loạt phim của chúng tôi trọng tâm nhấn vào chỗ khác, mặc dù hình ảnh dường như cũng khá. Chúng tôi nhắm nhiều hơn vào (khán giả) hiểu và suy nghĩ về bối cảnh diễn ra trên màn ảnh.

Nhiều người bảo ở Nga không thể xuất hiện những loạt phim như Chernobyl của HBO đơn giản vì thiếu tiền. Đó có phải là nguyên nhân duy nhất?

- Theo tôi, dường như có ba nguyên nhân. Thứ nhất: thiếu ngân sách. Thứ hai: công nghệ điện ảnh, đồ họa vi tính và những điều kỳ diệu trên màn ảnh của phương Tây, họ đi xa hơn chúng tôi, thật đáng tiếc...

Và thứ ba: khán giả chúng tôi hiện nay, lạy Chúa, vẫn nghĩ về tâm hồn. Và đến khi mà chúng tôi có đủ tiền cũng như những khả năng công nghệ, tâm hồn sẽ chẳng biến đi đâu, khi đó mọi việc sẽ trở nên đúng đắn với nền điện ảnh chúng tôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận