Kỳ thi duy nhất cho hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay đã kết thúc, nhưng hệ quả của nó còn kéo dài và cần được phân tích để cải thiện. Có thể tóm tắt mục tiêu của những đổi mới này là: (1) giảm tốn phí và áp lực lên thí sinh bằng cách giảm bớt một kỳ thi; (2) mở ra nhiều cơ hội lựa chọn cho thí sinh, tăng cường tự chủ của các trường đồng thời bảo đảm thống nhất trong quản lý nhà nước. Đằng sau những mục tiêu này là quan điểm coi đổi mới tuyển sinh như một khâu đột phá, vì khi nhà trường thay đổi cách thi và tuyển thì người học sẽ thay đổi cách học. Những mục tiêu này rất đúng đắn và tốt đẹp. Tuy vậy trong thực tế, những mục tiêu trên đã đạt được ở mức độ nào và những gì diễn ra trong kỳ thi này đặt ra những vấn đề nào cần cải thiện? Giảm tốn phí và áp lực? Về mặt lý thuyết, giảm bớt một kỳ thi có thể giảm một nửa chi phí tổ chức thi cho Nhà nước và một nửa áp lực lên thí sinh. Tuy nhiên trong thực tế, chi phí tổ chức thi có thể giảm nhưng áp lực lên thí sinh tăng gấp đôi. Lý do là vì trước đây thí sinh có đến ba đợt thi tuyển sinh ĐH-CĐ, nay chỉ có một kỳ thi kết hợp với kỳ thi tốt nghiệp trung học, vì vậy nếu có vấn đề gì lỡ mất kỳ thi này, thí sinh sẽ mất một năm chờ thi lại. Áp lực và bất an còn lớn hơn đối với thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành và đối với các trường khi tuyển sinh trong điều kiện thiếu thông tin. Tạm gác câu hỏi về việc kỳ thi năm nay liệu có nghiêm túc đồng đều, hay có phản ánh đúng chất lượng giáo dục thật sự hay không, chúng tôi muốn đi sâu hơn những khó khăn của các trường trong việc tuyển sinh và những khó khăn của người học trong việc chọn trường với cách thi và tuyển như hiện nay. Khó khăn của thí sinh và của các trường Mặc dù thí sinh năm nay có nhiều lựa chọn hơn, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là phải đăng ký nguyện vọng 1 trong lúc không hề biết điểm chuẩn của trường, chẳng khác nào phải đăng ký mua hàng mà chỉ biết số tiền mình có chứ không biết giá tiền của món hàng. Tuy các trường sẽ cập nhật dữ liệu về số lượng đăng ký nguyện vọng 1 vào trường thường xuyên trên website để thí sinh có thể tự lượng sức mình mà thay đổi nguyện vọng 1 nếu muốn, nhưng điều này cũng không giúp làm giảm bất an hay tạo thuận lợi cho việc xét tuyển được hợp lý hơn. Trái lại, thử hình dung trong trường hợp vào ngày chót đăng ký nguyện vọng 1, nếu các trường có hàng trăm thậm chí hàng ngàn hồ sơ nộp vào hay rút đi thì bức tranh chung của từng trường sẽ thay đổi như thế nào, và rủi ro trượt nguyện vọng 1 sẽ lớn đến đâu? Cơ sở duy nhất cho việc quyết định đăng ký xét tuyển là điểm chuẩn năm ngoái của các trường, nhưng không có gì bảo đảm điểm chuẩn năm nay cũng như vậy, bởi vì điểm chuẩn sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố: chỉ tiêu tuyển sinh (đã biết) và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển của từng trường (chưa biết). Trong khi số lượng đăng ký sẽ phụ thuộc vào điểm chuẩn (cũng chưa biết), và phán đoán của thí sinh dựa trên phổ điểm năm nay (chỉ có ý nghĩa rất tương đối), cũng như dựa trên số lượng đăng ký xét tuyển vào trường được cập nhật ba ngày một lần (thường xuyên thay đổi và không thể lường trước). Vì vậy, tất cả phán đoán này là mò mẫm và không có bất cứ yếu tố nào bảo đảm cho những phán đoán ấy, trước khả năng nộp vào hay rút ra ồ ạt vào những ngày cuối trước khi hết hạn đăng ký xét tuyển. Tóm lại, các trường và thí sinh đang đứng trước bài toán con gà và quả trứng, trong đó tất cả đều phỏng đoán mò mẫm và không có cơ sở xác đáng nào để đưa ra lựa chọn. Khi thí sinh biết mình không được chọn theo nguyện vọng 1, họ sẽ được đăng ký ba nguyện vọng tiếp theo cùng lúc, trong khi thực tế họ chỉ có thể vào học một trường, nghĩa là sẽ có 2/3 hồ sơ là ảo ở các trường. Trong khi đó một số trường có đề án tuyển sinh riêng với những quy định và cách thức riêng, đòi hỏi thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin cụ thể. Vấn đề minh bạch thông tin Một điểm mới trong kỳ thi năm nay là việc công bố điểm thi do Bộ GD-ĐT làm đầu mối duy nhất thực hiện, và điểm thi chỉ được thông tin cho từng thí sinh, không công bố toàn bộ điểm thi công khai trên các phương tiện truyền thông như mọi năm. Lý do đưa ra là “bảo vệ quyền riêng tư” của thí sinh và để tránh hiện tượng các trường dùng dữ liệu này gửi giấy báo trúng tuyển tràn lan, gây nhiễu thông tin cho thí sinh. Tuy nhiên, một số câu hỏi có thể được đặt ra là: (1) Khi điểm thi không được công bố công khai, làm cách nào bảo đảm sự minh bạch và chính trực? Không có sự giám sát của công chúng, làm sao tránh được khả năng tiêu cực trong bóng tối? (2) Nếu có sự sai lệch giữa điểm thi do cụm thi chấm bài và ráp phách so với điểm thi do bộ công bố, ai có thể giám sát và ai phải chịu trách nhiệm? (3) Không công bố dữ liệu điểm của từng thí sinh, từng trường, từng địa phương, làm sao đánh giá được kết quả đào tạo và rút kinh nghiệm để cải thiện cho từng trường, từng địa phương? (4) Về việc bảo vệ quyền riêng tư, chúng ta đang nhầm lẫn giữa việc công bố điểm thi tuyển sinh (đòi hỏi công bằng và minh bạch, vì tuyển sinh là một cuộc đua người được kẻ mất) với công bố điểm đánh giá kết quả môn học (đòi hỏi sự riêng tư vì là một đánh giá trong tiến trình, phản ánh mức độ nỗ lực của người học và không ảnh hưởng tới lợi ích của bất cứ ai khác). Đó là lý do bao nhiêu năm nay chúng ta công bố công khai điểm thi bài làm tuyển sinh ĐH mà chưa bao giờ nghe ai phàn nàn về việc này, trái lại mọi người có xu hướng tin tưởng kết quả thi tuyển sinh ĐH là khách quan và đáng tin cậy. (5) Về khả năng các trường sử dụng dữ liệu này để gửi giấy báo trúng tuyển tràn lan: tất nhiên điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng không phải là lý do để ngăn chặn việc minh bạch thông tin. Các trường phải chịu trách nhiệm về cách thức họ xét tuyển và thí sinh phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc tốt nhất và cần thiết nhất mà Bộ GD-ĐT nên làm là cung cấp đầy đủ thông tin cho thí sinh, và bắt buộc các trường minh bạch thông tin về nhà trường để thí sinh có đủ cơ sở cân nhắc và quyết định. Không thể bảo vệ người học bằng cách ngăn chặn thông tin đến với họ, và không thể bảo vệ các trường bằng cách cho phép họ che giấu thông tin. Hướng tới những cải cách hợp lý hơn trong tuyển sinh Các trường và thí sinh đều rất lúng túng không phải chỉ vì cách làm năm nay khác với mọi năm, mà vì còn nhiều điều chưa hợp lý. Một cách vắn tắt, khi kết hợp hai kỳ thi với hai mục đích khác nhau thành một, chúng ta đang dùng một mũi tên để bắn hai con chim đang bay về hai hướng khác nhau. Thi tốt nghiệp là đánh giá kết quả học tập những kiến thức và kỹ năng tối thiểu của bậc học phổ thông, để ghi nhận thành quả đạt được của từng thí sinh so với chuẩn đầu ra của bậc học phổ thông và chuẩn này là thống nhất trong cả nước. Trong khi đó, thi ĐH nhằm xác định năng lực phù hợp cho việc tiếp thụ tri thức bậc cao. Điều kiện về năng lực này có thể khác nhau đối với những lĩnh vực ngành nghề khác nhau, tức khác nhau đối với từng trường. Vì vậy, bài thi năng lực này mới chỉ phản ánh được trình độ tư duy, còn những yếu tố khác như phẩm chất, năng khiếu, những yêu cầu đặc thù thì từng trường phải có cách đánh giá riêng để chọn đúng người phù hợp. Bài thi kiểm tra năng lực tư duy cho mục đích tuyển sinh ĐH vì vậy cần phản ánh một phổ rộng chứa đựng đầy đủ sự khác biệt của người dự thi, trong khi đó bài thi tốt nghiệp phổ thông không cần đáp ứng yêu cầu này. Việc dung hòa giữa những yêu cầu khác nhau đã dẫn tới cách ra đề tạo thành những phổ điểm lệch như môn toán năm nay, một kết quả gây khó khăn cho việc xác định điểm tuyển vì rất khó phân biệt học sinh trung bình khá. Một lối ra hợp lý hơn là bỏ thi tốt nghiệp phổ thông, thay thế bằng xét tốt nghiệp dựa trên toàn bộ quá trình học tập. Kỳ thi tuyển sinh ĐH cần được duy trì trên tinh thần là một kỳ thi đánh giá năng lực, tổ chức nhiều lần trong năm và hoàn toàn độc lập với việc xét tuyển vào ĐH. Các trường dựa trên điểm thi này để định ra điểm tuyển, cùng với việc xét hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp, tổ chức bài thi bổ sung hay thi năng khiếu... tùy theo đặc điểm của từng trường để chọn những thí sinh phù hợp với yêu cầu của mình. Cách làm trên đây không có gì mới lạ, mà chỉ là một thực tiễn thông thường của rất nhiều nước. Vì sao chúng ta không thể làm được như vậy? Câu hỏi này chỉ có Bộ GD-ĐT mới trả lời được. Tags: Xét tốt nghiệpĐổi mới thi tốt nghiệpĐổi mới thi đại họcTuyển sinh đại học cao đẳng
Đấu giá đất ngoại thành Hà Nội: Trả tới 30 tỉ/m² rồi xin rút vì 'sợ quá', công an vào cuộc PHẠM TUẤN 29/11/2024 Tại phiên đấu giá 58 thửa đất ngoại thành Hà Nội, nhóm này trả giá 30 tỉ đồng/m2 rồi xin rút vì 'sợ quá'. Công an huyện Sóc Sơn đang vào cuộc.
Tạm giữ bốn vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới ở Thanh Hóa TRÀ PHƯƠNG 29/11/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự bốn nhân viên vệ sĩ phân luồng tại ngã tư để đoàn xe đám cưới đi qua.
Black Friday chỉ thực sự sôi động buổi tối, người bán lo không đủ doanh số NHẬT XUÂN 29/11/2024 Dù hàng loạt cửa hàng tung ra chương trình khuyến mãi lớn dịp Black Friday nhưng nhu cầu mua sắm dịp này chủ yếu nhộn nhịp vào buổi tối. Với lượng khách thiếu cân đối, nhiều cửa hàng lo không đạt doanh số đề ra.
Tổng thống Pháp nói 'choáng ngợp' khi thăm nhà thờ Đức Bà Paris sau phục dựng NGỌC ĐỨC 29/11/2024 Tổng thống Pháp lần đầu đến thăm nhà thờ Đức Bà Paris sau phục dựng, chỉ một tuần trước khi di tích này mở cửa cho khách tham quan trở lại.