Chiến sự Nga - Ukraine: Tâm thế và chiến cuộc

DANH ĐỨC 05/03/2022 00:00 GMT+7

TTCT - Tối thứ ba 1-3, thông tấn xã TASS của Nga tiếp tục loan tin thắng lợi: quân Nga đã hủy diệt 1.325 cơ sở quân sự Ukraine, trong đó có 43 trung tâm chỉ huy và truyền tin, 395 xe tăng và xe bọc thép…, đồng thời cảnh cáo Nga sẽ oanh kích trụ sở Cục An ninh (SBU) và Trung tâm Thông tin và chiến tranh tâm lý (PSO) số 72 của Ukraine tại Kiev. Có vẻ như Nga đang thắng…

Trước đó, ngày 24-2, cũng TASS loan tin đầu tiên: “Nga đã bắt đầu một chiến dịch quân sự ở Ukraine theo yêu cầu của chính quyền hai nước cộng hòa Donetsk và Lugansk về việc hỗ trợ đẩy lùi hành động xâm lược quân sự của Kiev". 

"Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bài phát biểu khẩn cấp hôm thứ năm, nói rằng Matxcơva sẽ tìm cách “phi quân sự hóa và giải trừ phát xít” Ukraine, kêu gọi quân đội Ukraine hạ vũ khí và cảnh báo sẽ có phản ứng nhanh chóng với các nỗ lực can thiệp từ bên ngoài”. 

 
 Việc Nga có thể dàn một đoàn xe dài hơn 60km áp sát Kiev cho thấy họ đang chiếm ưu thế. Ảnh: TASS

Tâm thế tham chiến 

Có thể thấy qua tuyên bố của ông Putin, việc ông mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine là “chuyện đương nhiên” với phía Nga. Các mục tiêu “phi quân sự hóa và giải trừ chế độ phát xít” mà ông đề ra chính là lật đổ Chính phủ Ukraine hiện tại và giải giới quân đội nước này. 

Cả thế giới đã nghe và hiểu, cả những nước ủng hộ lẫn đối đầu với ông. Trong thực tế, hình ảnh ông Putin đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại mộ Chiến sĩ vô danh ở cạnh bức tường Điện Kremlin hôm thứ tư 23-2 đã báo trước nhiều điều.

Trong khi đó, phía Ukraine lại cứ tỏ ra không tin sẽ có chiến tranh. Một ngày trước khi chiến sự bùng nổ, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov, phát biểu trên đài 1+1 của Ukraine, vẫn nói: 

“Hôm nay, tính đến giờ này, Nga vẫn chưa thành lập lực lượng tấn công ở bất kỳ thành phố nào của nước này bao quanh Ukraine. Vì vậy, theo tôi, nói rằng ngày mai hoặc ngày kia sẽ có tấn công, là không phù hợp”. 

Tất nhiên, ông cũng “trừ hao”: “Nhưng điều này không có nghĩa là rủi ro thấp, và không có nghĩa là không có mối đe dọa” (Sputnik 20-2).

Có thể ngờ rằng xu hướng “chủ hòa” vẫn là chủ đạo ở Ukraine cho tới lúc đó. 

Ngay cả sau khi Matxcơva quyết định chính thức công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn còn tuyên bố: 

“Chúng tôi tin rằng sẽ không có một cuộc chiến nhằm vào Ukraine, và sẽ không có hành động leo thang nào về phía Liên bang Nga” (CNN 22-2).

Cuộc chiến trong bóng tối

Mẩu tin của TASS tối thứ ba 1-3: “Để ngăn chặn các cuộc tấn công thông tin chống lại Nga, [các lực lượng Nga] sẽ tấn công cơ sở vật chất công nghệ của SBU và PSO…”, phản ánh mối bận tâm chính của phía Nga lúc này. 

Tin của Sputnik cùng buổi tối: “Matxcơva lên án việc những “gã khổng lồ” công nghệ thông tin Mỹ kiểm duyệt truyền thông Nga trong khi lại tích cực thúc đẩy “tuyên truyền thù địch”” - một lần nữa phản ánh mối bận tâm này của Nga.

Trong khi Google, Microsoft, Facebook và Twitter nay thẳng tay “đục bỏ” thông tin từ phía Nga, trên báo chí và mạng xã hội lại tràn ngập “tâm lý chiến” của Ukraine và phương Tây. 

Phải nói là chưa bao giờ cuộc chiến thông tin lại dữ dội như thế, nhờ những hình thức công nghệ mới. Cũng ngày 1-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Oleg Gavrilov nêu bật trong một cuộc họp của Hội đồng Liên bang sự bực tức này: 

“Các hoạt động tuyên truyền thù địch được tiến hành công khai trên các nền tảng xã hội của họ, trong khi các nguồn thông tin của Nga bị chặn và quyền truy cập các phương tiện truyền thông trong nước bị hạn chế tối đa”.

Điều ông Gavrilov tố cáo là phản ứng mới nhất trước việc một số cơ quan truyền thông đối ngoại của Nga như Sputnik hay RT bị các nước phương Tây “cấm chỉ” hay “khóa tài khoản” trên YouTube, Facebook, Twitter… 

Thật ra, các kênh RT Mỹ, Anh, Pháp… từ mấy năm qua hiếm khi loan tin về “nước Nga ngày nay” (như tên gọi Russia Today), mà chủ yếu bình luận về các hiện tượng chính trị và xã hội ở các nước sở tại - ngày này qua ngày khác trực tiếp truyền hình các cuộc biểu tình của phong trào “áo gilê vàng” ở Pháp, người da đen đòi quyền ở Mỹ, rồi xuống đường đòi lật đổ nhà nước Mỹ ngày 6-1-2021, còn nhiều hơn các đài truyền hình chính quốc!

Matxcơva nay bực dọc đòi san thành bình địa các trụ sở chiến tranh tâm lý của Ukraine là phải, do dường như thông tin tuyên truyền của Nga không “ăn khách” bằng của đối phương! 

Như câu chuyện về 13 binh sĩ biên phòng Ukraine tử thủ trên đảo Rắn. Nói cho ngay, tự thân sự việc đã “lấy nước mắt” rồi, do chạm tới tình tự dân tộc, thương cảm, đồng cảm... không chỉ của dân Ukraine, mà không cần thêm thắt gì nhiều.

Trong kỹ thuật tuyên truyền, đó là những công cụ cơ bản, nếu không có thì ráng tạo cho có; đằng này là có yếu tố “tự nhiên” - tức đoạn băng ghi âm. Còn sau này, phía Nga “cải chính” rằng các binh sĩ này đầu hàng chứ không tử thủ, thì đã muộn, câu chửi thề kia đã ở lại mãi mãi. 

Hay chuyện về huyền thoại mới tinh “Bóng ma Kiev” của không quân Ukraine bắn hạ một hơi 6 máy bay Nga, nghe đã thấy mùi tâm lý chiến - cả một sự nghiệp lái máy bay chiến đấu mà hạ được 5 chiếc của địch thì sẽ được đặt biệt danh Ace (át chủ bài), đằng này chiến sự mới có vài ngày, và Nga thực ra mới là bên làm chủ không phận! 

Bởi thế, chi bằng tàn phá sở chỉ huy chiến tranh tâm lý của Ukraine cho rảnh nợ.

Cuộc chiến trên thực tế

Trong chiến sự Ukraine hiện tại, những chuyện như đoàn xe quân sự Nga dài hơn 60km áp sát Kiev cho thấy rõ ràng ưu thế quân sự của Nga gần như mọi mặt, về không quân, chiến tranh điện tử, chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát. 

Phía Nga đã triệt hạ được các cơ sở, đơn vị của Ukraine - hình ảnh các ăngten rađa, truyền tin bị đánh sập quá rõ, và cả các đơn vị pháo binh, căn cứ không quân, cơ sở hạ tầng…

Kịch bản này từng được tập đoàn nghiên cứu chiến lược Rand Corporation dự báo trong một nghiên cứu công bố vào tháng 6-2021 tựa đề “Cạnh tranh với Nga về mặt quân sự: Các tác động của xung đột quy ước và hạt nhân”. 

Nghiên cứu cảnh báo Nga có ưu thế vượt trội ở giai đoạn khởi sự chiến tranh: “Hệ thống phòng không tổng hợp của Nga, hỏa lực khối lượng lớn, các hoạt động dựa trên không gian và mạng máy tính, cùng khả năng tác chiến điện tử hiện có, là những thách thức đối với Hoa Kỳ và NATO trong việc phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga”.

Nghiên cứu nêu khá chi tiết về những chuẩn bị và thay đổi ở phía Nga: “Lực lượng ở tây nam nước Nga đã được tăng cường cả lực lượng mới và lực lượng sẵn có chuyển từ miền trung để bao bọc các biên giới với Ukraine và Belarus…" 

"Hơn nữa, Matxcơva đã bắt đầu sắp xếp cơ cấu quân đội theo cấp sư đoàn, cấu trúc phù hợp hơn với một cuộc xung đột nhiều mặt trận lớn. Tất cả các sư đoàn mới này được thành lập trên cơ sở các lữ đoàn hiện có, trực thuộc các quân khu Tây và Nam”.

Rand Corporation thấy trước một khả năng Nga tấn công vào Ukraine theo cấp sư đoàn, vốn chủ động hơn cấp lữ đoàn rất nhiều, và có thể dàn trải trên nhiều mặt trận khác nhau trên đất Ukraine, từ Kiev tới Kharkhiv, Kherson… Trong khi đó, lực lượng phòng thủ của Ukraine không thể vượt hơn cấp lữ đoàn, ngoại trừ ở quân khu thủ đô.

Được biết, quân đội Ukraine đông khoảng 200.000 người, trong đó lục quân được chia thành 13 lữ đoàn bộ binh cơ giới và 2 lữ đoàn sơn cước cùng 2 lữ đoàn thiết giáp và 7 lữ đoàn tên lửa, pháo binh. Từ đó dễ dàng hình dung ra ưu thế của lực lượng tấn công ở cấp sư đoàn trước lực lượng phòng thủ chỉ ở cấp lữ đoàn, khoan nói tới các ưu thế khác.

Tuy nhiên, theo dự đoán của Rand Corporation trong bài đã dẫn: “Mặc dù xung đột khu vực gần với biên giới của Nga sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng với phương Tây, nó cũng sẽ là vấn đề với Nga sau giai đoạn đầu cuộc chiến. Một cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và NATO có thể bộc lộ những hạn chế của Nga về nhân sự, vũ khí và thiết bị quân sự quan trọng, cũng như chiều sâu chiến lược”.

Vấn đề ở chỗ, cũng theo các tác giả, khả năng của Nga trong việc dự đoán và duy trì các lực lượng quy ước quy mô lớn bên ngoài khu vực lân cận của mình là tương đối hạn chế. 

Kinh nghiệm cho thấy việc phòng thủ diện địa - tức phòng thủ lãnh thổ - với một lực lượng khoảng 200.000 quân như của Ukraine hiện giờ (hay tương đương như vậy với phía Nga, nếu họ đạt được các mục tiêu của chiến dịch) trên một diện tích hơn 600.000km2 là bất khả thi, trừ phi có nhân dân cầm súng.

Ý thức được sự yếu thế đó, Mỹ và đồng minh chủ trương phản kích bằng kinh tế. Và như trong kinh doanh cạnh tranh, ai trường vốn nhiều khả năng sẽ thắng.

NATO đã làm gì?

Cho tới khi chiến sự nổ ra, NATO không hề “nhúc nhích”, do lẽ tổ chức này từ sau những rủa xả đòi “đóng phí” của cựu tổng tư lệnh quân đội Mỹ Donald Trump, hầu như đã tan rã trong nhận thức và ý thức. 

Sự tan rã của NATO thể hiện tột cùng qua việc Đức giờ mới bắt đầu đồng ý gửi vũ khí cho Ukraine, trong khi Ba Lan và Slovakia đến thứ ba 1-3 tuyên bố sẽ không có chuyện hỗ trợ Ukraine các máy bay Sukhoi và Mig như các tin tức hoan hỉ ban đầu từ phía Ukraine.

Ngày 28-2, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda xuất hiện tại một căn cứ không quân nước này cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và dõng dạc tuyên bố: 

“Chúng tôi đang hỗ trợ Ukraine bằng viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không gửi bất kỳ máy bay phản lực nào đến không phận Ukraine”. 

Có lẽ Ba Lan, Slovakia, và các nước khác đang “nghe hiểu” răn đe mới nhất của ông Putin: đặt “lực lượng răn đe hạt nhân” của quân đội Nga vào tình trạng báo động.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận