Chim phóng sinh nhìn từ góc bảo tồn…

NGUYỄN HOÀI BẢO 03/09/2023 04:33 GMT+7

TTCT - Là một hướng dẫn viên du lịch sinh thái với hơn 20 năm lăn lộn ở nhiều vùng đất hoang dã, dẫn nhiều đoàn cả tây lẫn ta đi đến nhiều nơi, tôi đã gặp không ít câu chuyện bi hài về phóng sinh…

Là một hướng dẫn viên du lịch sinh thái với hơn 20 năm lăn lộn ở nhiều vùng đất hoang dã, dẫn nhiều đoàn cả tây lẫn ta đi đến nhiều nơi, tôi đã gặp không ít câu chuyện bi hài về phóng sinh… 

Theo ý nghĩa thông thường mà tôi hiểu, phóng sinh là hành động thả (giải thoát, phóng thích) động vật hoang dã bị bắt nhốt. Còn trong Phật giáo thì phóng sinh là để cứu muôn loài khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Hiểu một cách đơn giản: phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó cơ hội để tiếp tục sống.

Chim phóng sinh nhìn từ góc bảo tồn… - Ảnh 1.

1. Tôi cùng một đoàn bốn người khách Thụy Điển đi xem chim ở vùng núi Di Linh. Khi ghé vào một quán nước bên đường ở gần bìa rừng, thấy một con thú rất lạ bị nhốt trong một cái lồng chật hẹp. Chúng tôi lấy sách hướng dẫn phân loại thú ra để định danh, xác định đó là một loài thuộc chi Melogale (Ferret-badger, Chồn bạc má).

Các vị khách thấy thương con vật nên gửi biếu chủ quán nước 100 USD để xin được thả con vật vào rừng với ý nghĩ vừa cho con vật một cơ hội sống vừa giúp chị chủ quán một ít tiền.

Khoảng một tháng sau tôi dẫn đoàn khách khác, cũng ghé lại quán nước ấy, vừa ngồi uống nước được một lúc thì chị chủ quán nọ xách ra hai cái lồng nhốt hai con Ferret-badger và hỏi chúng tôi có mua để thả không, 100 đô một con!

2. Có lần tôi tham dự tổ chức hội thảo khoa học, các đại biểu là những nhà khoa học đến từ nhiều nước, sau hội thảo tôi dẫn đoàn đi tham quan chợ địa phương. Đoàn tham quan đi ngang một khu vực chuyên bán động vật hoang dã như rùa, rắn, chim… 

Nhìn những con vật bị nhốt rất tội nghiệp, có cả loài có nguy cơ tuyệt chủng được liệt kê trong sách đỏ thế giới. Những vị đại biểu ấy hỏi tôi họ muốn mua những con vật ấy rồi đem thả được không? 

Tôi không dám ngăn cản ngay trước mặt người bán, phải kêu họ ra một góc khác rồi giải thích: "Chúng ta không nên mua, dù hành động đó là không xấu nhưng nếu mua thì sẽ gặp một số vấn đề: Một là vi phạm pháp luật vì mua động vật cấm mua bán và vận chuyển trái phép. Hai là những con vật đó đã tiếp xúc với nhiều thứ trong chợ như gà vịt, thịt cá và cả con người, chúng có thể mang những mầm bệnh truyền nhiễm mới và lây lan ra bên ngoài thiên nhiên. Ba là nếu chúng ta mua thì vô tình tạo ra nhu cầu thị trường, như vậy thì nhiều con vật khác lại tiếp tục bị đánh bắt". 

Sau khi nghe tôi giải thích, các đại biểu quyết định không mua nữa.

Gỡ chim dính lưới thả về tự nhiên, đây mới là phóng sinh đúng nghĩa.  Ảnh: NGUYỄN HOÀI BẢO

Gỡ chim dính lưới thả về tự nhiên, đây mới là phóng sinh đúng nghĩa. Ảnh: NGUYỄN HOÀI BẢO

3. Thường ngày tôi (và chúng ta) thấy những chiếc lồng chứa chật ních những chú chim sẻ, chim di, chim yến hay chim én… nhất là ở khu vực gần các chùa những ngày đầu hoặc giữa tháng âm lịch, đặc biệt mùa Vu lan. 

Chúng đang mong đợi những người mua đến giải cứu, có những con chết trước khi được thả, có những con thả ra rồi mới chết. Nhưng đằng sau đó có ai biết được là những con chim con trong tổ đang chờ bố mẹ nó mang mồi về cho chúng… và đợi bố mẹ cho đến lúc chết khô trong tổ?

Tôi đi rừng gặp rất nhiều tổ chim, trong đó có những bộ xương mà có lẽ là chim non chết do bố mẹ chúng không có đường quay về nuôi chúng. Tất nhiên, có nhiều lý do khác, có thể chim bố mẹ đã bị loài động vật khác ăn thịt, nhưng rõ ràng hành động phóng sinh cũng đã vô tình góp phần tước đoạt cơ hội sống của những chú chim non ấy. 

Hơn thế, những con chim én và yến là loài chim kiếm ăn lúc bay (aerial foraging), chúng sẽ chết rất nhanh khi bị nhốt trong lồng. Những con chim sẻ, chim di thường bị đánh bắt bằng keo dính để đem bán cho người mua với mục đích phóng sinh, loại keo này sẽ làm giảm khả năng sống sót của chim nên tỉ lệ sống khi được thả ra là rất thấp.

Với góc nhìn của người làm bảo tồn, tôi nghĩ rằng khi việc phóng sinh trở nên thương mại hóa (mua bán động vật để phóng sinh), chúng ta sẽ giết sinh vật chứ không phải cứu sinh vật. Việc thả động vật là những loài ngoại lai (như rùa tai đỏ, cá chép…) sẽ làm gây hại đến cân bằng hệ sinh thái. 

Và nếu không nắm vững việc phân loại, định danh các loài động vật, chúng ta có thể vi phạm pháp luật khi mua bán những con vật để phóng sinh. Sau cùng, việc thả các động vật nuôi nhốt chưa kiểm tra sức khỏe có thể gây lây nhiễm nhiều bệnh đến những con vật khác ngoài thiên nhiên và có thể gây nên sự tuyệt chủng loài cũng như gây hại đến sức khỏe con người.

Thiết nghĩ phóng sinh sẽ trở nên tốt theo đúng nghĩa của nó nếu người ta hành động đúng đắn khi gặp những con vật bị nạn ngoài tự nhiên như dính lưới, dính lưỡi câu, vướng vào dây, va đập xe, kính… và không nên thương mại hóa, tổ chức nghi lễ phóng sinh như nhiều chùa đang làm hiện nay.

Nguyễn Hoài Bảo là giảng viên bộ môn điểu học của Trường đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông sáng lập và là giám đốc điều hành của Công ty Wild Tour đã có hơn 15 năm hoạt động tại Việt Nam và các nước. Ông có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã, hợp tác với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu về hệ sinh thái chim ở Đông Nam Á.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận