Chính trị thế giới 2024: Dấu ấn phong cách lãnh đạo mới

THANH TUẤN 31/12/2024 18:38 GMT+7

TTCT - Thế giới đang chứng kiến ngày càng nhiều nhà lãnh đạo quyết đoán và tuyên xưng rằng mình đại diện cho ý chí số đông, nhất là trong năm 2024 vừa qua.

Chính trị thế giới 2024: Dấu ấn phong cách lãnh đạo mới - Ảnh 1.

Ảnh: Knight Columbia

Khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, thế giới đã kỳ vọng về kỷ nguyên huy hoàng mới: thịnh vượng tăng lên sẽ dẫn tới tự do dân chủ và góc nhìn cởi mở hơn, điều sẽ giúp tạo ra thêm thịnh vượng. 

Những gì diễn ra trong năm 2024 cho thấy gần nửa thế kỷ sau chiến tranh lạnh, giấc mơ về thế giới đại đồng thịnh vượng có vẻ chưa thể thành hiện thực trong tương lai nhìn thấy được.

Của cải trên thế giới chắc chắn đã tăng lên. Trong ba thập kỷ tính tới 2019, GDP toàn cầu đã tăng hơn 4 lần. Trong 2 tỉ người nghèo cùng cực vào năm 1989, 70% đã thoát nghèo trong 30 năm đó.

Nhưng có vẻ khát vọng tự do cá nhân và tư tưởng cởi mở lại diễn tiến theo chiều hướng khác so với đà phát triển kinh tế. Phần đông mọi người trên thế giới vẫn trung thành với những niềm tin truyền thống, đôi khi là những quan điểm hoàn toàn khép kín. 

Và dù giờ nhiều người đã giàu có hơn, quan điểm "chúng ta đối đầu bọn nó" với những người khác biệt vẫn đang chiếm ưu thế, điều cũng mở đường cho sự xuất hiện của những nhà lãnh đạo độc đoán (hay mạnh mẽ, tùy quan điểm) có lẽ là chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh lạnh, ngay cả ở các nước phương Tây vẫn tự tin là mình tự do dân chủ.

Trong bối cảnh đó, không ngạc nhiên khi làn sóng những nhà lãnh đạo quyết liệt và muốn tập trung quyền lực tiếp tục lan rộng trên thế giới với những chiến thắng của Donald Trump ở Mỹ, Javier Milei ở Argentina, Robert Fico ở Slovakia và các nhà lãnh đạo nắm quyền suốt một thời dài khắp Á, Phi, Âu, từ Viktor Orbán ở Hungary, Recep Tayyip Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ, Vladimir Putin ở Nga cho tới Tập Cận Bình ở Trung Quốc.

Kết nối Trump - Orbán

Việc ông Trump trở lại có thể gây sốc khắp châu Âu, nhưng cũng không thiếu những người ủng hộ tổng thống đắc cử nước Mỹ.

Một người nhiệt tình như vậy, ở ngay một nước châu Âu, là Thủ tướng Orbán của Hungary. Khi phong trào MAGA của ông Trump chiến thắng, ông Orbán lập tức trở thành cầu nối quan trọng giữa châu Âu với chính quyền mới.

Vài ngày sau bầu cử, ông Orbán xuất hiện với vẻ mặt đầy mãn nguyện tại cuộc họp của cộng đồng chính trị châu Âu ở Budapest. Chúng ta có thể sớm thấy vị thủ tướng Hungary di chuyển giữa Matxcơva và Kiev như một phần chiến dịch của ông Trump nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc chiến ở Ukraine.

Chính trị thế giới 2024: Dấu ấn phong cách lãnh đạo mới - Ảnh 2.

Ông Trump (trái) và ông Orbán. Ảnh: Reuters

Tầm quan trọng của Orbán ở chỗ ông chính là điểm giao trung tâm của hệ sinh thái chính trị kết nối Liên minh châu Âu (EU) với các vùng xung quanh. Đã có nhiều bài viết về ảnh hưởng của ông với các nhà lãnh đạo dân túy và nhấn mạnh vào quản trị bằng sức mạnh ở EU. 

Tuy nhiên, riêng Orbán được coi là có ảnh hưởng vượt tầm biên giới khối này. Hungary là đồng minh của các nước như Serbia hay Gruzia. Ông Orbán hiện vẫn lên tiếng ủng hộ việc mở rộng khối trong khi muốn miễn trừ một số tiêu chuẩn dân chủ của EU với các nước mới. 

Cần nhắc, ông đã làm thủ tướng Hungary suốt 14 năm qua, từ năm 2010, và nếu kể cả nhiệm kỳ 1998-2002 thì đã lãnh đạo quốc gia này được gần 20 năm. (Những người lính Liên Xô cuối cùng rút khỏi Hungary là vào năm 1990, đến nay mới được 34 năm).

Ông Trump, trong khi đó, đóng vai một "siêu Orbán" ở bên kia đại dương. Kỳ vọng của những người tin ở hình mẫu nhà lãnh đạo quyết liệt và tập trung quyền lực là nước Mỹ sẽ thay đổi quan điểm từ góc nhìn dựa trên luật lệ sang dựa trên hiệu năng, ngay cả khi phải "đánh đổi, thỏa thuận". 

Họ cũng trông cậy ở một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, thức thời, dám nói dám làm, thay vì thể chế, thiết chế và pháp chế như từ trước tới giờ. Giới lãnh đạo Đông Âu giờ sẽ sẵn sàng giành sự ủng hộ của Nhà Trắng bằng cách trao cơ hội kinh doanh và nhượng bộ chính trị có lợi cho Trump và các nhóm thân cận của ông.

Sự sụp đổ bên trong

Theo Martin Wolf của Financial Times thì quan điểm quản trị nhà nước bằng sức mạnh và sự quyết đoán đang thắng thế trên toàn thế giới. Quá trình này không chỉ diễn ra ở các nước tương đối nghèo, mà còn ở các nước giàu, bao gồm cả Mỹ. Ông Trump được ông Wolf coi là ví dụ điển hình của nhà lãnh đạo mạnh tay và theo chủ nghĩa dân túy.

Erica Frantz của Đại học Michigan State giải thích về hiện tượng này với cuốn sách "Authoritarianism: What Everyone Needs to Know". Cuốn sách làm rõ hai điểm. 

Thứ nhất, ngày nay hầu hết chế độ quản trị bằng sức mạnh xuất hiện bằng cách gặm nhấm dần nền dân chủ từ bên trong. Quá trình này chiếm tới gần 40% các vụ sụp đổ của các chế độ dân chủ đương đại. 

Thứ hai, hầu hết chế độ mới đều có dấu ấn cá nhân rõ rệt. Trong giai đoạn 2000-2010, khoảng 75% thay đổi với các nền dân chủ thành các chế độ độc đoán đều theo hướng này.

Chính trị thế giới 2024: Dấu ấn phong cách lãnh đạo mới - Ảnh 3.

Chế độ Bashar al Assad đã kết thúc ở Syria. Ảnh: Reuters

Trên thực tế thì nhiều nước phương Tây vẫn duy trì hệ thống bầu cử tự do và công bằng để quyết định ai nắm quyền. Trên lý thuyết thì điều đó sẽ đảm bảo tự do quan điểm, thực thi đúng luật bầu cử, đảm bảo quyền cho đối thủ chính trị… 

Nhưng thực tế ngày nay, bầu cử ở nhiều nơi chỉ còn là để thể hiện tính chính danh pháp lý. Và nhiều lãnh đạo như vậy sẽ vẫn tìm được cách để nắm lấy quyền thực tế dài lâu, hầu hết bằng con đường hoàn toàn hợp pháp.

Theo giáo sư Frantz thì nhà cầm quyền mạnh mẽ giờ không còn chỉ là hiện tượng của các nước đang phát triển, mà "nhiều nền dân chủ đang chuẩn bị chuyển mình như vậy nằm ở chính châu Âu". 

Mô thức cũng đã thay đổi. Số lượng các chế độ độc tài quân sự đã giảm mạnh, nhưng khát khao về một "minh quân", nhà lãnh đạo "toàn năng" duy nhất có lẽ đang lớn hơn bao giờ hết.

Đặc thù của mô hình này là một nhóm nhỏ những người thân tín; lòng trung thành; một phong trào chính trị mới; dân túy; và các lực lượng sức mạnh trong vai trò lãnh đạo.

Vai trò của truyền thông mới

Đặc điểm khá phổ biến của khá nhiều nhà lãnh đạo trong giai đoạn này là một mình họ cam kết sẽ giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hầu hết các vấn đề của đất nước. Ở đây lại phải nhắc tới Trump. 

Ông đã không ngừng khẳng định tầng lớp tinh hoa truyền thống ở Mỹ đã băng hoại đến mức không thể cứu vãn. Ông chỉ trích các chuyên gia, tòa án và truyền thông là không đáng tin; và cử tri chỉ nên tin vào trực quan của nhà lãnh đạo, vốn là đại diện sống cho số đông.

Martin Gurri giải thích trong cuốn "The Revolt of the Public and the Crisis of Authority in the New Millennium" rằng sự thay đổi trong phong cách lãnh đạo chính trị hiện giờ gắn liền với sự sụp đổ của truyền thông cũ. 

Truyền thông mới kém hơn nhiều trong việc tuyên truyền thông điệp thống nhất cho số đông. Nhưng truyền thông mới lại rất giỏi gieo rắc hoài nghi và giận dữ. 

Bằng việc hủy diệt uy quyền của các chuyên gia, giới tinh hoa lâu đời, và "truyền thông chủ lưu", truyền thông mới mở cửa cho những doanh nhân chính trị, những người giỏi khai thác cảm xúc tức giận và bức xúc trong dân chúng, vốn đã bị đè nén quá lâu.

Chính trị thế giới 2024: Dấu ấn phong cách lãnh đạo mới - Ảnh 4.

Ảnh: carolinapoliticalreview

Các nhà lãnh đạo chiến thắng gần đây như ông Trump đều rất giỏi sử dụng các kênh truyền thông mới để tấn công tầng lớp tinh hoa cũ và các định chế hiện hành. 

Ở nhiều nước, những nhân vật dân túy với khuynh hướng thể hiện sự quyết liệt và làm đến cùng đang có cơ hội lớn để nắm quyền. 

Theo Wolf, điều này có lý do hợp lý của nó, khi một thời gian dài các chính quyền và tầng lớp tinh hoa phương Tây đã thờ ơ với số phận của quảng đại quần chúng, khi lòng tham và sự kém hiệu quả lan tràn, điều thể hiện rõ nhất qua các cuộc khủng hoảng tài chính bất ngờ ở Mỹ và châu Âu.

Những người ủng hộ có thể tin hoặc không tin là nhà lãnh đạo mới sẽ có câu trả lời, nhưng họ dễ dàng tin rằng tầng lớp tinh hoa cũ không thể đem lại giải pháp, và chắc chắn là đang muốn thay đổi.■

Nhiệm kỳ đầu của ông Trump thực ra đã đặt nền tảng quan trọng cho quan điểm về nhà lãnh đạo quốc gia mạnh tay ở tầm thế giới.

Một ví dụ là câu chuyện của Richard Grenell, cựu đại sứ Mỹ ở Đức và từng là cựu giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (DNI), từng muốn thúc đẩy kế hoạch chia đôi Kosovo cho Serbia và Albania.

Ông giờ hiện vẫn thân cả với ông Trump và Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić. Ông Vučić đã tự dàn xếp thương vụ bất động sản màu mỡ ở Belgrade liên quan đến Grenell và Jared Kushner, con rể và là cựu cố vấn cấp cao về đối ngoại của Trump.

Chính quyền Bắc Macedonia thì hy vọng vào Chris Pavlovski, đại gia công nghệ người Canada gốc Macedonia từng là đối tác kinh doanh của cả Trump và phó tổng thống đắc cử JD Vance.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận