Chính trị và văn học Haiti: "Miệng kề miệng"

KHẮC THÀNH 31/08/2007 19:08 GMT+7

TTCT - Văn học Haiti chỉ thật sự ra đời sau khi đất nước này giành được độc lập vào năm 1804. Nó còn rất trẻ so với văn học Pháp, Bắc Âu xuất hiện từ thời Trung cổ, nhất là văn học Nhật Bản, Trung Hoa với những bản văn đầu tiên có từ thời Thượng cổ.


Văn học Haiti chỉ thật sự ra đời sau khi đất nước này giành được độc lập vào năm 1804. Nó còn rất trẻ so với văn học Pháp, Bắc Âu xuất hiện từ thời Trung cổ, nhất là văn học Nhật Bản, Trung Hoa với những bản văn đầu tiên có từ thời Thượng cổ.

Một cách khái quát, nền văn học trẻ này nổi rõ hai đặc điểm:

- Đời sống chính trị và văn học Haiti luôn gắn kết chặt chẽ với nhau ở mọi giai đoạn lịch sử của đất nước này. Nhà văn René Dépestre đã viết: “Văn học Haiti luôn miệng kề miệng với lịch sử”. Do vậy, nó mang hơi thở nóng bỏng của những cuộc đấu tranh, những nỗi sợ hãi và những cuộc tàn sát đẫm máu vốn đánh dấu những khoảnh khắc then chốt của lịch sử. Bản tuyên ngôn độc lập, tác phẩm văn học đầu tiên của Haiti, đã thấm đẫm những điều ấy. 

- Do tiếp cận với nhiều trào lưu, nó luôn mang dấu ấn của những ảnh hưởng bên ngoài: lãng mạn, hiện thực, ngoại lai, siêu thực...

Thế kỷ 19

Một lịch sử đầy biến động


Trong cái bóng linh thiêng này ở Saint - Michel de l’ Atalaye,  người Haiti thường cử hành các nghi lễ và nghi thức tôn giáo

Khi phát hiện Haiti, Christophe Colomb chắc không bao giờ ngờ rằng vùng đất này sẽ trở thành một sân khấu chính trị đầy biến động và đẫm máu suốt từ năm 1492 đến gần đây của các thế lực ngoại bang và bên trong.

Thời kỳ thuộc địa từ 1492-1788 mở đầu với “cuộc gặp gỡ của hai thế giới” bằng cuộc diệt chủng hàng ngàn thổ dân Arawak và Tainos, do sự tàn bạo của Tây Ban Nha và những dịch bệnh xuất xứ từ châu Âu. 

Kế đó là cuộc lưu đày ồ ạt của những nô lệ da đen từ châu Phi được đưa sang Haiti thay cho nguồn lao động bản xứ đã cạn kiệt để phát triển các đồn điền mía. 

Thời kỳ từ 1789-1804 được đánh dấu bằng những cuộc đấu tranh để xóa bỏ chế độ nô lệ và giành độc lập. 

Cuộc cách mạng Pháp 1789 đã kéo theo những đảo lộn xã hội sâu xa, mà nghiêm trọng nhất là sự nổi dậy của những người nô lệ dẫn đến việc xóa bỏ chế độ nô lệ vào năm 1793. 

Và ngày 1-1-1804, Haiti tuyên bố độc lập sau khi Jean - Jacques Dessalines đánh đội quân hùng mạnh của Napoléon Bonaparte trong một trận chiến quyết định tại Vertières.

Thời kỳ 1804-2006, lịch sử Haiti kể từ sau thời kỳ độc lập ngắn ngủi lại rơi vào cảnh xâu xé, tranh giành nội bộ dẫn đến cuộc chiếm đóng của một thế lực mới, lần này là Mỹ, suốt hơn hai thế kỷ. 

Tháng 2-2006, cựu tổng thống René Préval tái đắc cử sau một chiến dịch bầu cử đầy sóng gió.

Những nhà thơ, nhà văn đầu tiên của Haiti đã để lại những tác phẩm mang tính đấu tranh. Họ ca ngợi tự do và độc lập. Họ đả kích nạn phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân. 

Boisrond-Tonnerre viết Acte d'Indépendance (Giấy độc lập) và để lại Mémoires pour servir à l'Histoire d'Haiti (Hồi ký để phục vụ lịch sử của Haiti), xuất bản năm 1852, phản ánh những quan tâm của những người đương thời với ông. 

Cuốn sách mỏng chỉ khoảng trăm trang ghi lại một phần của cuộc cách mạng Haiti, trong đó ông kể lại những hành vi tàn bạo của bọn thực dân. 

Nam tước De Vastey cũng viết Le Système colonial dévoilé (1814), trong đó ông tố cáo tội ác của hệ thống thuộc địa và chủ nghĩa thực dân. Ông dự báo sự xuất hiện của một thế hệ nhà văn chính trị thuộc trường phái yêu nước. 

Do vậy ngay từ đầu, văn học Haiti đậm tính chất anh hùng, dấn thân, quốc gia, dân tộc. Haiti là quốc gia da đen đầu tiên giành được độc lập trên thế giới mà nói như Aimé Césaire, đây là “lần đầu tiên dân tộc da đen hiên ngang đứng thẳng người”.

Năm 1825, Pháp thừa nhận nền độc lập của Haiti với một khoản bồi thường lớn. Không khí chính trị này đã hướng giới cầm bút Haiti đi theo một con đường khác. Giờ đây họ nghĩ rằng chẳng còn gì phải đối đầu về quân sự hay ý thức hệ với Pháp nữa. 

Văn chương yêu nước cực đoan và dấn thân của những nhà văn lớp trước xem ra không còn hợp với hoàn cảnh mới. Các quan hệ buôn bán và văn hóa được thiết lập giữa hai nước. 

Do vậy, thế hệ những nhà văn trẻ không sao cưỡng lại sức hấp dẫn của chủ nghĩa lãng mạn Pháp. Ảnh hưởng Pháp cũng thể hiện rõ trong lĩnh vực lịch sử. 

Năm 1859, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Haiti ra đời, Stella, của Éméric Bergeaud sau khi ông qua đời, trong đó hư cấu trộn lẫn cùng lịch sử hiện thực với bối cảnh là Santo - Domingo.

Cuối thế kỷ 19, dòng văn học đấu tranh xuất hiện trở lại khi Haiti lại rơi vào một trong những khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử của mình: bị nội chiến xâu xé, bị bên ngoài khinh miệt và làm nhục. 

Giới trí thức lúc ấy cảm thấy phải có trách nhiệm chứng tỏ cho thế giới thấy rõ những khả năng của chủng tộc da đen trong các lĩnh vực, nhất là khả năng điều hành một đất nước để đạt được tiến bộ về kinh tế và xã hội. 

Do vậy, mối quan tâm của giới trí thức Haiti là vạch ra cho thời đại của họ cũng như cho thế hệ mai sau những điều phải làm để chấn hưng đất nước Haiti. 

Các nhà văn đã tự đặt cho mình nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ đất nước và chủng tộc da đen chống lại những kẻ chê bai, chế nhạo. 

Nhiều tác phẩm có giá trị đã ra đời trong thời kỳ này như Les théoriciens au pouvoir (1870), La misère au sein des richesses, Réflexions diverses sur Haiti (1873) của Demesvar Delorme, La République d'Haiti et ses visiteurs (1882), Les Constitutions d'Haiti (1885) của Louis - Joseph Javier, De l'égalité des races humaines (1885) của Anténor Firmin, L'affaire Luders (1898) của Solon Ménos.

Thế kỷ 20

Thế kỷ 20 mở ra với sự ra đời của tạp chí văn học La Ronde (1898-1902) do Pétion Gérome và Dantès Bellegade thành lập. Một thế hệ nhà văn, nhà thơ cũng hình thành cùng nó. Đó có lẽ là một trong những trào lưu văn học lớn nhất của Haiti kéo dài từ 1890-1915. 

Các tác phẩm của họ thể hiện tâm trạng bi quan, thất vọng và chán chường trong xã hội: chán ngán trước chính sách ngu dân của giới cầm quyền, chán ngán trước sự cách biệt giữa những khát vọng tuổi trẻ và thực tế, giữa những hoài bão to lớn và cuộc sống tồi tệ, giữa sự ổn định và khủng hoảng kinh tế, chính trị triền miên.

Năm 1915 mở đầu thời kỳ chiếm đóng của Mỹ, một cú sốc gây choáng váng cho Haiti. “Thế hệ của cái tát” này lần lượt cho ra đời những tạp chí văn học mang xu hướng đấu tranh như La Revue de la ligue de la jeunesse haitienne (1916), nhất là La Revue indigène (1927). 

Thời kỳ này cũng xuất hiện một trào lưu văn học về nguồn kêu gọi các nhà văn “đừng làm những người viết mô phỏng nữa, mà hãy trở thành những nhà sáng tạo” (như qua tác phẩm Ainsi parla l'Oncle của Jean Price - Mars) bằng cách quay lại với cội nguồn châu Phi của người Haiti. 

Cuộc đấu tranh này cũng tìm đến với văn học truyền khẩu xuất phát từ thời nô lệ với những truyện cổ tích và truyền thuyết. 

Cùng lúc, xu hướng hiện thực xã hội cũng tìm được đất sống trong văn học, biến nơi này thành một mặt trận đấu tranh và bảo vệ văn hóa của quần chúng, với Jacques Roumain (qua tác phẩm Gouverneurs de la Rosée, 1944) và René Depestre. Tiểu thuyết này mô tả sâu sắc những cảnh đời đen tối của người nông dân.

Văn học hải ngoại

Thời kỳ từ 1986-2006 được mô tả là thời kỳ “chuyển tiếp văn học” bắt đầu với việc trốn chạy của tổng thống độc tài Jean - Claude Duvalier và kết thúc vào năm 2006, năm trật tự lập pháp trở lại. 

Dưới chế độ của hai cha con nhà Duvalier, rất nhiều trí thức Haiti đã bỏ ra nước ngoài. Những người được gọi là những nhà văn hải ngoại lại lao vào hình thành một trào lưu văn học đấu tranh mới. 

Các tác phẩm của họ gợi nhớ đến Haiti qua những hoài niệm, những nỗi niềm đớn đau, dằn vặt cùng mặc cảm tội lỗi của kẻ lưu đày. 

Họ đề cập cuộc sống đời thường của những người Haiti lưu đày ở những đất nước đang đón tiếp họ. Nhưng tình trạng mất gốc này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: khi “sự lưu đày” này mất đi, một tác giả Haiti không sống ở đất nước mình, không viết gì về Haiti thì liệu tác giả ấy có phải là một phần của nền văn học Haiti? 


Vấn nạn ngôn ngữ 

Có hai giả thuyết liên quan đến sự ra đời của tiếng créole, ngôn ngữ mà lịch sử của nó gắn liền với thời kỳ thuộc địa. 

Giả thuyết thứ nhất cho rằng tiếng créole ra đời do nhu cầu giao tiếp giữa nhiều cộng đồng khác nhau: nó ra đời vào thế kỷ 15 trên đảo Tortue, nơi sinh sống của những người nô lệ da đen, bọn cướp biển và những thực dân da trắng. 

Giả thuyết thứ hai cho rằng tiếng créole ra đời trong những thương điếm của người Bồ Đào Nha ở bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi vào thế kỷ 15, sau đó được “xuất khẩu” qua con đường buôn bán nô lệ.

Quả là có đến 200 ngôn ngữ créole hay tương tự. Nhưng cho dù đó là một ngôn ngữ pha tạp tiếng Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan hay tiếng Pháp giống như Haiti, nhưng đây vẫn là một ngôn ngữ mang trong nó biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại các thế lực ngoại bang. 

Nhiều truyện cổ tích, bài hát, bài thơ, tiểu thuyết được viết bằng tiếng créole.

Mặc dù đã giành được độc lập nhưng tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ chính thức của Haiti. Đây cũng là ngôn ngữ của tầng lớp ưu tú trong xã hội Haiti, những người đã sử dụng ngôn ngữ này vào thế kỷ 19. 

Tiếng créole chỉ thật sự đi vào văn học ở nửa cuối thế kỷ 20. Những nhà văn chủ trương trở về cội nguồn, nhấn mạnh đến nguồn gốc châu Phi, đã đem lại cho tiếng créole bản sắc của nó vốn bị quên lãng trong thời kỳ lưu đày và sau thời kỳ thuộc địa. 

Nhưng với họ, “tiếng créole vẫn là một ngôn ngữ không thuần nhất, ngôn ngữ của thời kỳ nô lệ, ngôn ngữ của những ông chủ buộc kẻ khác phải tuân phục”. Do vậy, trong văn học Haiti, việc sáng tác bằng tiếng Pháp hay tiếng créole vẫn luôn là “một trở ngại và một cơ may” của mỗi nhà văn.

Tiếng créole xuất hiện nhiều trong thơ ca và sân khấu, những lĩnh vực “thuộc về tiếng nói”. Bởi vì rất đông người Haiti nói và hiểu tiếng créole, nhưng tất cả đều không biết đọc tiếng créole. 

Việc chọn ngôn ngữ để viết là điều quan trọng trong sáng tác văn học hiện đại, nhất là đối với những nhà văn đang sống tại Haiti do tỉ lệ mù chữ trong dân chúng còn rất lớn. 

Georges Castera, nhà văn viết cả hai ngôn ngữ, trong một bài viết đăng trên tạp chí Notre Librairie, 1-3-2001, đã nêu câu hỏi: Chúng ta sẽ có một nền văn học không có người đọc hay một nền văn học không có ngôn ngữ? 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận