Chính trường Mỹ và Ukraine: Quân tử nói đi nói lại

TƯỜNG ANH 06/11/2022 18:57 GMT+7

TTCT - Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói lại mới là quân tử khôn. Những gì vừa xảy ra với một bức thư gây ồn ào chỉ "thọ" vài giờ của các nghị sĩ Mỹ và ý định của tỉ phú Elon Musk với Starlink ở Ukraine là những ví dụ điển hình.

Bức thư chỉ "lướt sóng" vài giờ nhưng đủ là tin chính xuất hiện trên trang nhất báo chí Mỹ ngày 25-10. 

Thư gửi cho Tổng thống Joe Biden của 30 hạ nghị sĩ Dân chủ, "những người theo chủ nghĩa tự do nổi tiếng, miệng lưỡi sắc sảo", theo nhận định của The Washington Post, gồm Jamie Raskin (Maryland), Alexandria Ocasio-Cortez (New York), Corey Bush (Missouri), Ro Hannah (California), Ilhan Omar (Minnesota)... 

Họ kêu gọi ông Biden thay đổi đường lối, tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine, nới lỏng các lệnh trừng phạt chống Nga và bắt đầu đàm phán với Matxcơva.

Chính trường Mỹ và Ukraine: Quân tử nói đi nói lại - Ảnh 1.

Ảnh: Martens Centre

"Gửi nhầm thời điểm"?

Lá thư xuất hiện ở thời điểm khá tế nhị: chỉ còn hơn nửa tháng là tới bầu cử giữa nhiệm kỳ (8-11), mà tình thế của Đảng Dân chủ không được lạc quan. 

Trang thăm dò dư luận xã hội Mỹ FiveThirtyEight ước tính cơ hội kiểm soát Hạ viện của Đảng Cộng hòa là 81% và khả năng Đảng Dân chủ duy trì đa số tại Thượng viện là 55%. Chính vì vậy, nhiều người bên phe Dân chủ tức giận vì lá thư ảnh hưởng tới hình ảnh thống nhất trong đảng về Ukraine.

Chỉ vài giờ sau, các tác giả rút lại lá thư. Lý do, như họ giải thích, là thư được soạn thảo vào "nửa cuối tháng 6, nhưng các nhân viên đến nay mới gửi cho Nhà Trắng mà không kiểm tra". 

Hạ nghị sĩ Mark Pocan (Wisconsin) nói ông và các đồng nghiệp không định chỉ trích tổng thống mà chỉ đề nghị "ngoài hỗ trợ quân sự thì nên tìm cách ngừng bắn và đàm phán". 

Dân biểu Sara Jacobs (California) thì nói bà ký bức thư vào tháng 6, nhưng từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi, hiện không đời nào bà chịu ký một bức thư như thế.

Bà Pramila Jayapal (tiểu bang Washington), người đứng đầu nhóm dân biểu ký tên, nhận trách nhiệm về thông điệp "bị hiểu lầm" và "gửi nhầm" này: 

"Nội dung thư tạo ấn tượng sai lầm rằng phe Dân chủ, những người kiên quyết ủng hộ Ukraine và đã bỏ phiếu cho mọi gói viện trợ quân sự, chiến lược và kinh tế cho người dân Ukraine, đang đoàn kết với Đảng Cộng hòa để chấm dứt sự ủng hộ Tổng thống [Volodymyr] Zelensky và quân đội Ukraine".

Tuy nhiên, các luận điểm trong thư lại dựa trên sự kiện tương đối mới: chiến sự Ukraine khiến "13 triệu người phải di dời", "Nga kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine", hay chủ đề leo thang hạt nhân - các diễn biến vào đầu tháng 10 mới xảy ra, sau khi Matxcơva tuyên bố sáp nhập bốn khu vực mới. Chính vì vậy mà báo Azerbaijan Haqqin đã bình luận ngắn gọn: "Xiếc!"

Vậy lý do gì khiến 30 nghị sĩ này "nói đi" rồi phải "nói lại"?

Theo phân tích của Giám đốc Viện Phát triển quốc gia hiện đại (Nga) Dmitry Solonnikov, lá thư có thể là nỗ lực của các nghị sĩ để được bầu lại trong bối cảnh một bộ phận người Mỹ không hài lòng với chủ đề Ukraine và mọi thứ liên quan tới nó: lạm phát và giá thực phẩm, lúa mì, phân bón và nhiên liệu tăng vọt, tình trạng thiếu lương thực toàn cầu, chưa kể mối đe dọa về tấn công hạt nhân...

Không lâu trước khi lá thư xuất hiện, Kevin McCarthy, lãnh đạo thiểu số Cộng hòa tại Hạ viện, tuyên bố nếu kiểm soát Quốc hội vào năm tới, phe Cộng hòa có thể tước bỏ viện trợ cho Ukraine. Lá thư vì thế càng bị chỉ trích là "đòn đâm sau lưng", có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho toàn bộ đường lối chính sách đối ngoại của chính quyền Biden với Ukraine.

Elon Musk cũng... sửa sai?

Với tỉ phú Elon Musk là câu chuyện về Starlink của SpaceX. Đây là hệ thống vệ tinh khổng lồ giúp truy cập Internet tốc độ cao nếu người dùng có thiết bị thích hợp và trả tiền cước. Tuy nhiên ở Ukraine, các vệ tinh này đang được sử dụng miễn phí cho mục đích quân sự. 

Chúng đảm bảo việc truyền dữ liệu cho quân Ukraine từ Bộ chỉ huy NATO không bị gián đoạn, kể cả giúp điều khiển máy bay không người lái, theo Financial Times.

Hồi tháng 9, theo CNN, ông Musk đã đã thông báo với Lầu Năm Góc rằng SpaceX không thể tiếp tục tài trợ cho hệ thống vệ tinh bằng tiền của mình. Ông yêu cầu Lầu Năm Góc trả 120 triệu USD vào cuối năm và 400 triệu USD nữa trong năm tới. 

Tính cấp thiết của Starlink trong cuộc chiến càng được khẳng định, khi cũng trong tháng 9, tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Valery Zaluzhny, gửi yêu cầu về gần 8.000 thiết bị đầu cuối của Starlink mà quân đội Ukraine đang thiếu.

Theo SpaceX, khoảng 85% chi phí cho vệ tinh mà Ukraine sử dụng là do Hoa Kỳ và Ba Lan chi trả. Ông Musk đồng thời nói Nga đang cố gắng "giết" Starlink ở Ukraine vì đây là hệ thống liên lạc duy nhất vẫn đang hoạt động ở tuyến đầu. "SpaceX đã triển khai các nguồn lực khổng lồ để bảo vệ. Dù vậy, Starlink vẫn có thể bị phá hoại", doanh nhân này thừa nhận.

Đáp lại, Nhà Trắng nói họ hiểu tầm quan trọng của Starlink và đang xem xét các phương án ứng phó. Đầu tháng 10, quân đội Ukraine đã phàn nàn về hoạt động gián đoạn của Starlink. Thế rồi vào ngày 15-10, cũng bất ngờ như khi đòi rút Startlink, Musk đảm bảo SpaceX sẽ tiếp tục cung cấp miễn phí các thiết bị đầu cuối cho Ukraine bất chấp việc công ty tổn thất tài chính.

Đây không phải lần đầu tỉ phú Mỹ này "nói đi" rồi "nói lại". Trước đó vào ngày 3-10, Musk từng trình bày trên Twitter quan điểm của ông về việc giải quyết cuộc chiến Ukraine: kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân mới, có sự giám sát của Liên Hiệp Quốc tại các vùng lãnh thổ Nga sáp nhập; đề xuất công nhận Crimea là lãnh thổ Nga; Ukraine cung cấp nước cho bán đảo Crimea và đảm bảo tình trạng trung lập...

Khi đó, Ukraine đã bác bỏ kế hoạch của Musk. Mikhail Podolyak, cố vấn văn phòng tổng thống Ukraine, còn lớn tiếng chỉ trích tuyên bố của tỉ phú người Mỹ. Tổng thống Zelensky cũng tỏ thái độ không hài lòng, khiến Musk phải nhắc là cho đến lúc đó SpaceX đã chi cho Ukraine gần 80 triệu USD. 

Nhưng cũng chỉ một ngày sau, Musk phải "xuống nước" khi tự biện hộ cũng trên Twitter rằng ông "vẫn như trước, luôn ủng hộ đất nước và người dân Ukraine, thế nhưng tin rằng việc leo thang chiến tranh chỉ mang tới thảm họa cho Ukraine và cho thế giới".

Trở lại với Starlink, một số nhà phân tích nhìn vấn đề thuần túy ở góc cạnh kinh doanh. Tờ Báo Nga nhận định quyết định gửi Starlink đến Ukraine ban đầu không phải vì chính trị, mà bởi nhu cầu PR hệ thống này. Tuy nhiên, xung đột kéo dài và chi phí tăng cao khiến Musk thấy chiến dịch quảng cáo trở nên quá đắt đỏ và tìm cách chuyển chi phí sang cho nhà chức trách Hoa Kỳ.

Vì vậy, việc thay đổi quan điểm của Musk nhiều khả năng xuất phát từ những hoạt động hậu trường. Xét tới cùng, SpaceX cũng là một nhà thầu của chính quyền Mỹ và có thể Musk đã được hứa hẹn những gói thầu khác của chính phủ để bù đắp cho việc giúp đỡ Ukraine. 

Cũng không thể loại trừ một thỏa thuận khác nữa giữa Washington và Musk, như Bloomberg đã đưa tin, vì tỉ phú này đang bị chính quyền liên bang điều tra xung quanh vụ mua lại Twitter.

Các bên đều đã mệt mỏi

Trong khi ông Vladimir Putin đã nhiều lần nhắc tới từ "thương lượng" trong bài phát biểu quan trọng ở Câu lạc bộ Valdai ngày 27-10 và khẳng định sẽ đối thoại với phương Tây và Ukraine nếu họ đủ thiện chí, từ Mỹ cũng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu mệt mỏi với cuộc chiến ở bên kia Đại Tây Dương.

Đài Mỹ CNBC ngày 1-11 đăng bài tường thuật dài với tựa đề: "Biden nổi cáu với Zelensky trong cuộc điện thoại vào tháng 6 khi nhà lãnh đạo Ukraine đòi thêm viện trợ". "Ông Biden còn chưa kịp nói xong với ông Zelensky rằng ông vừa bật đèn xanh cho gói viện trợ quân sự 1 tỉ USD nữa cho Ukraine, thì ông Zelensky đã lại liệt kê một danh sách dài những hỗ trợ mà ông cần nhưng chưa nhận được. Ông Biden đã nổi cáu, theo những người am hiểu cuộc gọi điện thoại đó. Người dân Mỹ đã rất hào phóng, và chính quyền của ông cùng quân đội Mỹ đang rất nỗ lực hỗ trợ Ukraine, tổng thống Mỹ cao giọng, và ông Zelensky lẽ ra phải tỏ ý biết ơn", CNBC tường thuật.

CNBC dẫn thăm do dư luận của Trung tâm nghiên cứu Pew vào tháng 10 cho biết tỉ lệ người Mỹ hết sức lo ngại hoặc rất lo ngại về việc Ukraine thua cuộc chiến đã giảm 17 điểm phần trăm so với hồi tháng 5, từ 55% xuống còn 38%. Trong khi tỉ lệ người Mỹ nói họ không quan tâm hay không quá quan tâm tới kết quả cuộc chiến tăng từ 16% lên 26%. Với nền chính trị Mỹ, những con số đó sẽ được phản ánh nhanh chóng qua các cuộc bỏ phiếu.

Những tiếng nói yêu cầu đàm phán từ phương Tây cũng đã lớn dần sau 8 tháng chiến sự. Tạp chí đối ngoại uy tín Foreign Affairs của Mỹ ngày 31-10 đăng một bài dài của tác giả Emma Ashford với tựa đề "Cuộc chiến Ukraine sẽ kết thúc bằng thương lượng", trong đó tác giả thừa nhận đang có sự phân kỳ trong lợi ích giữa Mỹ, EU và Ukraine liên quan tới cuộc chiến.

"Điều đó không có nghĩa là phương Tây phải buộc Ukraine nhượng bộ, như một số người đã lập luận - Ashford viết - Nhưng nó quả cho thấy Hoa Kỳ và các đối tác phải cung cấp viện trợ trong tương lai để đặt Ukraine vào vị thế thương lượng tốt nhất, chứ không đơn giản là để tiếp tục cuộc chiến. Lấy ví dụ, Ukraine và các đồng minh phải tập trung vào những lợi ích cốt lõi, như bảo toàn chủ quyền cho Ukraine và bảo vệ dân chúng. Những mục tiêu này phải được thu hẹp có chủ ý: thay vì tìm cách tái chiếm mọi lãnh thổ so với trước năm 2014 hay trừng phạt giới lãnh đạo Nga, Ukraine cần theo đuổi các mục tiêu ít có khả năng dẫn tới leo thang chiến sự nghiêm trọng và nhiều khả năng dẫn tới một nền hòa bình dài lâu".C. VĂN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận