Chính trường Thái Lan và vụ đánh bom 17-8

DANH ĐỨC 08/09/2015 02:09 GMT+7

TTCT- Chỉ hai ngày sau khi cảnh sát rao thưởng khoảng 75.000 USD cho ai giúp tìm bắt được thủ phạm vụ nổ bom đẫm máu tối thứ hai tuần trước giữa Bangkok, đến lượt con trai của ông Thaksin treo giải đến 100.000 USD! Quả là “khôi hài đen” khi 22 người phải mất mạng cùng cả trăm người bị thương.

Người Thái đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom ngày 17-8. Ảnh AP

Trong “rừng” phát biểu sau vụ nổ, phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, nghe qua có vẻ như trung tính, song nghe lại thì đầy hiểu biết tình hình: “Còn quá sớm, thành thật mà nói, để nói rằng đó là một vụ tấn công khủng bố...”. Nghĩa là ngoài khả năng từ các phía “bên ngoài”, còn có khả năng từ “bên trong” nội bộ Thái Lan.

Ngay sau đó vài giờ là phát biểu của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha rằng: “Vẫn còn đó những nhóm chống chính phủ”, rồi đến phát biểu của tướng Prawit Wongsuwon, phó thủ tướng, hôm thứ năm (20-8) loại bỏ “yếu tố nước ngoài”.

Phe "áo đỏ" bị nghi ngờ

Nghi vấn trong nội bộ Thái không thừa nếu nhớ lại rằng chỉ từ đầu năm nay, Bangkok đã mấy lần trải qua những vụ bạo lực chính trị. Bắt đầu là hai quả bom nhỏ hôm chủ nhật (1-2) trên đường dẫn lên tàu điện ở thương xá Paragon, không xa ngôi đền Erawan tối thứ hai vừa qua, may mắn là chỉ làm bị thương một người.

Đến thứ bảy (7-3), một quả lựu đạn được ném vào tòa đại hình Bangkok, không gây thương vong, hai kẻ thủ ác bị bắt giữ và theo cảnh sát Thái đó là những phần tử “áo đỏ”. Các vụ nổ bom và ném lựu đạn liên tiếp trong vòng một tháng đó đã được quy trách nhiệm cho cánh của thủ tướng Yingluck Shinawatra bị lật đổ vào tháng 5 năm ngoái.

Bà này bị cáo buộc hôm 23-1 là đã tham ô trong vụ mua dự trữ gạo giá cao, một vụ luận tội mà giới quan sát dự báo là sẽ thúc đẩy một làn sóng phản ứng từ cánh Shinawatra. Sau vụ ném lựu đạn hôm 7-3, cảnh sát Thái đã công bố lời khai của hai người bị cho là hung thủ, theo đó họ nhận là thuộc phe “áo đỏ” và khai rằng sẽ còn có đến “cả trăm vụ nổ khác tại Bangkok”. Tuy nhiên (và tất nhiên), thủ lĩnh phe “áo đỏ” là Jatuporn Prompan đã bác bỏ những cáo buộc này.

Nếu quả thực lời khai của tình nghi là hai kẻ bị xem là thủ phạm nêu trên là thật, thì tuyên bố của nhà chức trách Thái hôm thứ năm gạt bỏ “yếu tố nước ngoài” trong vụ nổ bom khiến hơn 20 người chết, trong đó có 9 người nước ngoài, là một diễn biến logic.

“Nay mọi người Thái đều có cảm nhận rằng họ đang phải sống trong một sự chia rẽ chính trị hầu như không thể hòa giải được... Bất kỳ căng thẳng bổ sung nào cũng có thể là chất xúc tác cho một sự tan rã hơn nữa, và cuối cùng là sự hỗn loạn” - tiến sĩ Titipol Phakdeewanich (Đại học Ubon Ratchathani) cảnh cáo trong bài viết mang tựa đề “Vụ tấn công ở Bangkok đã gây chia rẽ sâu sắc hơn xã hội Thái” đăng trên The Nation ngày 21-8.

Cũng logic như việc một cựu phó thủ tướng cánh “áo vàng” là ông Suthep Thaugsuban hôm thứ ba ngay sau vụ nổ, đã cãi trước tòa đại hình hôm sau vụ nổ bom rằng ông không hề phạm tội mạ lỵ phe “áo đỏ” khi gọi các lãnh đạo phe này là “khủng bố”. Nếu như tới đây có một kết luận điều tra rằng phe áo đỏ phải chịu trách nhiệm về vụ nổ, thì đó cũng là hợp với logic này.

Tất nhiên, cánh của ông Thaksin đâu chịu ở yên để bị đổ tội: con trai ông này rao thưởng 100.000 USD cho ai giúp tìm ra thủ phạm.

Cánh nào đã hạ thủ, chưa rõ? Thế nhưng, việc thường dân đổ máu trong những diễn biến của chính trường Thái là chuyện “cơm bữa” từ thế kỷ trước sang thế kỷ này, nhất là trong gần chục năm qua, từ sau vụ đảo chính năm 2006 của quân đội Thái lật đổ ông Thaksin.

Chỉ trong sáu tháng đầu năm ngoái, khi Bangkok chìm trong cuộc khủng hoảng dẫn đến truất phế em gái ông là nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon phải hai lần lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực chính trị ở Thái Lan, lần đầu hôm 27-2-2014, lần sau hôm 20-5-2014.

Việc sớm loại bỏ “yếu tố nước ngoài” chỉ ba ngày sau vụ nổ, mà Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đánh giá là “tồi tệ nhất lịch sử”, không được dư luận nhất trí. Nhật báo Bangkok Post ngày 21-8 mạnh miệng chạy tít “Còn quá sớm để loại bỏ bất cứ động cơ nào”, đồng thời phê phán trong một bài viết khác: “Trước kia quân đội thường cao giọng chỉ trích các chính phủ dân sự thất bại trong việc ngăn chận các vụ đánh bom. Nay dưới chính quyền quân nhân, vụ đánh bom tồi tệ nhất lịch sử chúng ta đã lại xảy ra...”.

Tờ The Nation ngày 21-8 đăng bài viết của tiến sĩ Titipol Phakdeewanich (Đại học Ubon Ratchathani) mang tựa đề “Vụ tấn công ở Bangkok đã gây chia rẽ sâu sắc hơn xã hội Thái”. Ông này trách rằng: “Trong khi chưa thực hiện được bất kỳ nỗ lực quan trọng để xác định thủ phạm, nhà chức trách Thái Lan đã nhanh chóng tuyên bố rằng các cuộc tấn công có liên quan đến sự phân hóa chính trị - xã hội và bất ổn”.

Ông chỉ trích thêm: “Hầu hết người Thái sẽ hiểu phát biểu đó như ám chỉ rằng cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra cùng thủ hạ dính líu. Thật là kinh ngạc khi phải chứng kiến một sự xem thường thiếu cân nhắc những dữ kiện có thể xác định được như thế, một thủ tục điều tra thường quy trong một nền công lý đích thực”.

Chính quyền quân nhân

Trong thực tế, vụ nổ này đã xảy ra trong bối cảnh chính trường Thái đang ở vào một giai đoạn mà theo tờ Sydney Morning Herald ngày 18-8 “căng thẳng nổi lên trong những tháng gần đây khi mà chính quyền trì hoãn các cuộc bầu cử đã hứa sang đến năm 2017, đồng thời đang tìm cách ấn định trong hiến pháp một quyền lực có thể chế ngự được một chính phủ dân cử trong những trường hợp khẩn cấp”.

Cái nhìn trên của tờ báo Úc SMH muốn trách rằng chính quyền quân nhân Thái, nắm quyền từ ngày 22-5 năm ngoái, đã và sẽ còn tại vị thêm nữa.

Song, từ góc nhìn của một bộ phận người Thái “trong cuộc” đã quá rành và chán ngán các cuộc bầu cử mà kết cuộc vẫn cứ đem lại thắng lợi cho ông Thaksin nhờ chính sách “dân túy” mị dân mua phiếu của ông này, thì chính quyền quân nhân hiện tại đang hành động rất hợp pháp dựa trên mục 44 của bản hiến pháp lâm thời.

Website 2Bangkok viết: “Mục 44 này không nhằm giải quyết các vấn đề hoặc giúp quân đội bám chặt quyền hành. Cũng giống như bản thân cuộc chính biến quân sự, mục đích duy nhất của đoạn 44 này là nhằm ngăn chặn mọi hoạt động cùng ảnh hưởng của Thaksin. Với tình trạng thiết quân luật và nay với mục 44, quân đội muốn ngăn ngừa việc Thaksin lại tung ra phe “áo đỏ”, đồng thời chứng tỏ cho chính trường Thái rằng Thaksin sẽ không bao giờ được cho phép tạo ảnh hưởng chính trị nữa”.

Theo mục 44, cánh quân nhân tức Ủy ban gìn giữ hòa bình quốc gia (NCPO) được quyền ban hành bất kỳ sắc lệnh nào “nhằm phòng ngừa, giảm thiểu hoặc ngăn chặn bất kỳ hành động gây phương hại đến trật tự, an ninh quốc gia, ngai vàng của hoàng gia, nền kinh tế quốc gia hoặc hành chính công, cho dù các hành động xảy ra bên trong hoặc bên ngoài vương quốc”. Nghĩa là không một cơ may chống đối cho Thaksin và cánh của mình!

Bản hiến pháp mới

Một bản hiến pháp mới nữa, gọi là hiến chương, đã được soạn xong bởi Ủy ban soạn thảo hiến pháp (CDC) và đang chờ được đưa ra bỏ phiếu trong Hội đồng cải cách quốc gia (NRC) vào ngày 7-9. Sau cuộc bỏ phiếu phê chuẩn hiến chương, hội đồng này sẽ mãn nhiệm, thay thế bởi một Ban chỉ đạo cải cách quốc gia (SCNR) gồm 200 người do chính quyền cử ra.

Trong khi chờ đợi, cuộc tranh luận về bản hiến chương mới này vẫn đang sôi sục. Hôm 15-8, tức hai ngày trước vụ nổ, cựu thủ tướng Thaksin từ nước ngoài kêu gọi không chấp nhận hiến chương này. Hôm sau vụ nổ, nhật báo The Nation tiếp tục bàn luận: “CDC muốn lập ra vòng sơ cử hầu có được những đại biểu dân cử “tốt”. Chẳng qua, những nhà soạn thảo hiến chương không muốn tái diễn việc không ít đại biểu dân cử Thái phe Thaksin bỏ tiền mua phiếu để rồi lại chiếm đa số.

Đây không hề là một đồn đại mà là một thực tế và đề tài cho vô số nhà nghiên cứu chính trường Thái. Cũng trong số báo này, một doanh nhân Thái tên Songkran Grachangnetara từng học Trường Kinh tế London khét tiếng và Đại học Columbia (Mỹ) “mổ xẻ” bản hiến chương: “Thái Lan cần một bản hiến pháp mới được giải phóng khỏi sự sợ hãi... Sợ thay đổi, sợ hiện đại hóa, sợ Thaksin, sợ các chính khách và tệ hơn cả, sợ người dân thường. Bản hiến pháp này chỉ nhìn thấy điều xấu nhất trong mọi người chúng ta mà thôi. Đó là một bản hiến pháp bi quan nặng mùi gia trưởng”.

Thế nhưng, phe quân nhân không hẳn đã “ù lỳ” như thế. Cuộc cải tổ nội các Prayuth - 2 cuối tuần trước với kinh tế gia Somkid Jatusripitak giữ ghế phó thủ tướng đặc trách khối kinh tế, tài chính, lại là một màn trình diễn cho chính sách “liên hiệp” của phe quân nhân: ông này nguyên là đồng sáng lập Đảng Thai Rak Thai của cánh Thaksin, đến năm 2014 được phe quân nhân mời làm cố vấn kinh tế và nay tham chính.

Thông điệp mà phe quân nhân muốn đưa ra là: các chính khách trào Thaksin đều được cả, ngoại trừ mỗi Thaksin mà thôi!

***

Hành trình dân chủ ở Thái vẫn còn xa diệu vợi. Dẫu sao thì ngay dưới trào quân nhân, tờ Bangkok Post ngày 24-8 vẫn giựt được tít: “Giả thuyết nổ bom chống chính quyền quân nhân đảo chính chỉ là một bức màn khói”, còn tờ The Nation ngày 24-8 cũng không kém: “Bản hiến chương tệ lậu nhất trước giờ, Đảng Pheu Thai trách”. Phe nào đánh bom, được gì? Chỉ tội cho 22 nhân mạng phải lìa đời chẳng biết vì sao! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận