"Chợ ca Huế" sông Hương

TRỌNG BÌNH 15/06/2011 03:06 GMT+7

TTCT - “Ca Huế rất xứng đáng để lập hồ sơ di sản, nhưng kiểu năm cha ba mẹ, một hai ba cùng hát, năm ba bốn cùng dừng, rồi ca sĩ một bài, ca sĩ hai bài thì di sản chi?”.

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Bình, giám đốc Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế, phát biểu như vậy tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho việc lập hồ sơ đề nghị ca Huế là di sản cấp quốc gia ngày 29-4 vừa qua.

Phóng to
Bến thuyền ca Huế tấp nập khách mỗi đêm nhưng hết sức lộn xộn, có người ví đó là “chợ ca Huế” - Ảnh: Trọng Bình

Câu nói trên đã đúc kết cho cảnh trạng xót xa của bộ môn nghệ thuật đặc sắc này từ khi được đưa vào làm du lịch.

Rẻ nhất Huế!

“Nói ra thì đau lòng lắm, bạn bè đến Huế hỏi cái gì rẻ nhất, tôi trả lời: ca Huế”, nghệ nhân ca Huế nổi tiếng Kim Vàng đã mở đầu câu chuyện như vậy khi cùng chúng tôi trao đổi về chất lượng nghệ thuật và tiền công cho nghệ sĩ ca Huế trên sông Hương.

Nghệ nhân Kim Vàng cho biết thêm: “Mỗi nghệ sĩ được trả 50.000 đồng một suất diễn ca Huế, nhưng phải trừ chi phí điện thoại cho chủ sô, chỉ còn 45.000 đồng. Nghệ sĩ ưu tú cũng 45.000 đồng, chẳng khác chi người đi bán rau hành ngoài chợ”.

Nghệ sĩ Lệ Hoa, nguyên giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế), nói bà quá đau xót khi bộ môn nghệ thuật đặc sắc, một thú chơi tao nhã của Huế đang bị coi “rẻ như bèo”.

Ông Nguyễn Tấn Thưởng, giám đốc Trung tâm quản lý và tổ chức biểu diễn ca Huế, cho biết từ tháng 8-2009, trung tâm đã đề xuất với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế điều chỉnh giá sàn thù lao cho diễn viên và nhạc công ca Huế nhưng đã hơn hai năm chuyện này vẫn chưa ngã ngũ. Còn theo ông Cao Chí Hải - phó giám đốc sở: “Khi đăng ký hoạt động ca Huế, trung tâm phải đăng ký luôn giá cả. Sở nào lại đưa ra cái giá cụ thể đó”.

Ngược lại, ông Nguyễn Tấn Thưởng cho rằng: “UBND tỉnh cần phải quy định một mức giá sàn cho ca Huế, nếu không mỗi doanh nghiệp sẽ đưa ra một giá khác nhau, chắc chắn sẽ có cuộc cạnh tranh phá giá. Cuối cùng diễn viên và nhạc công vẫn là người chịu thiệt thòi”.

Chúng tôi đến bến thuyền Tòa Khâm mua vé xem ca Huế sông Hương, hỏi thăm một diễn viên nữ mới vào nghề, hiện là học sinh của một trường nghệ thuật tỉnh: “Một sô diễn em nhận được catsê bao nhiêu?”. Cô trả lời: “Dạ, cũng được 100.000-150.000 đồng”. Nhưng tôi biết cô diễn viên này “nâng giá”, phải chăng vì sợ giá trị nghề nghiệp của mình giảm sút?

Phóng to
Các nghệ sĩ trong nhóm ca Huế này đều có danh tiếng ở Huế, nhưng vẫn nhận thù lao như những tay ngang mới vào nghề - Ảnh: M.T.

Vì đâu nên nỗi?

Hiện có 13 doanh nghiệp với hơn 100 thuyền du lịch cùng hơn 400 người hoạt động biểu diễn ca Huế hằng đêm trên sông Hương. Các nhạc công và diễn viên đều đã được Sở Văn hóa - thể thao và du lịch thẩm định “chất lượng nghề nghiệp” để cấp thẻ biểu diễn ca Huế. Tuy vậy những người sành nghe ca Huế thường phàn nàn “ca Huế thì ít mà ca nhạc Huế lại nhiều” (“ca Huế” là ca nhạc cổ truyền của Huế, còn “ca nhạc Huế” là hát nhạc hiện đại về Huế).

Nghệ sĩ Ngọc Bình nói: “Có tới 80% những người hoạt động ca Huế trên sông Hương trả 20.000 đồng/suất diễn cũng không xứng”. Chúng tôi thắc mắc anh là chủ tịch hội đồng thẩm định, sao lại cấp thẻ biểu diễn cho những ca sĩ, nhạc công “hai chục ngàn không xứng” đó? Anh trả lời: “Tôi là trưởng ban giám khảo nhưng nói cách nào đó là “trưởng ban xóa đói giảm nghèo”. Thực chất hội đồng thống nhất với nhau họ thi hát để có cái thẻ kiếm sống. Nếu tôi làm đúng chức năng chuyên môn thì mười em rớt hết chín”.

Ngoài nguyên nhân “xóa đói giảm nghèo” còn nhiều nguyên nhân khác từ phía chủ thuyền, bầu sô và các đối tượng “ăn theo” khác, cứ thế xô đẩy ca Huế vào cảnh trạng xót xa. Trong một đêm nghe ca Huế trên sông Hương, chúng tôi còn chứng kiến khách mua của chủ thuyền một bông hoa với giá 10.000 đồng để tặng diễn viên.

Sau buổi diễn, người nhà của chủ thuyền chạy theo diễn viên “xin” lại bằng được bông hoa. Ông khách vừa tặng hoa chứng kiến chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Một người am hiểu “luật chơi” ở đây cho hay: “Họ (chủ đò) lấy lại hoa để bán cho người khác, không đưa cho nó nó hất xuống sông!”.

Anh Hữu Thọ, nhóm trưởng một nhóm ca Huế, cho biết không chỉ ngày cao điểm mà ngày thường hoạt động này cũng hết sức nhộn nhạo, không có tổ chức gì cả. Khách nghe xong ca Huế, vừa bước lên bờ thì đám xích lô lao đến tranh giành. Góp ý thì bị chửi bới ngay. Một số vị chức sắc bảo rằng việc chèo kéo khách du lịch đến Huế đã được chấn chỉnh nhưng chỉ cần đóng vai du khách đi xuống bến thuyền ca Huế mỗi đêm sẽ thấy hết mọi chuyện.

Người nhà chủ thuyền quần áo xốc xếch tụm ba tụm năm, thấy khách là ào đến níu kéo chào mời, năn nỉ đến tội nghiệp. Khách không đi thì tỏ vẻ khó chịu, thậm chí còn văng tục. Ai là người Huế tự trọng đều thấy xấu hổ!

Vài giải pháp đề xuất

Để ca Huế tồn tại và phát huy đúng với giá trị của nó, theo nghệ sĩ Ngọc Bình cần phải tổ chức thành hai nhóm ca Huế. Một nhóm “chất lượng cao” gồm các nghệ sĩ, nhạc công thượng thặng, với giá vé tương xứng; còn nhóm ca Huế “phổ thông” của những nhạc công, diễn viên quần chúng bình thường có giá vé cũng phổ thông.

Tuy nhiên chất lượng cao hay phổ thông đều phải đạt chuẩn. Và để có được chuẩn đó, hội đồng thẩm định cấp giấy phép hành nghề ca Huế phải làm việc đúng chức năng người “gác cửa chất lượng”. Nếu hội đồng “xóa đói giảm nghèo” cho các ca sĩ trình độ thấp sẽ đẩy ca Huế vào con đường đói nghèo!

Về vấn nạn chèo kéo du khách, ban giám đốc Trung tâm quản lý và tổ chức biểu diễn ca Huế đề xuất: mỗi đêm đều có công an trực tại bến thuyền, bởi chỉ cần thấy sắc phục công an là việc chèo kéo du khách sẽ giảm ngay, đừng để bến thuyền ca Huế trở thành chỗ “vô chính phủ” như hiện nay!

Ca Huế là loại hình nghệ thuật tao nhã một thời của giới tao nhân mặc khách xứ cố đô. Từ khi du lịch Huế bắt đầu phát triển, ca Huế được đưa xuống thuyền, neo giữa dòng sông Hương để khách thưởng thức những làn điệu cổ truyền, làm nên một môi trường diễn xướng mới rất độc đáo, trở thành một “đặc sản” du lịch của Huế. Được đông đảo du khách đến Huế hâm mộ nhưng lực lượng ca sĩ, nhạc công không đủ để đáp ứng, trong khi công tác đào tạo không theo kịp nhu cầu.

Nhà thơ Võ Quê từng có ý kiến: “Nhà nước giảm 70% học phí cho sinh viên khi học các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có nhã nhạc cung đình Huế, tại sao lại không có tên ca Huế trong danh sách ưu tiên đó?”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận