TTCT - Lần đầu tiên sau 35 năm, hội đồng các nhà khoa học khí hậu uy tín bậc nhất của Liên Hiệp Quốc (LHQ) có cơ hội bầu ra một chủ tịch nữ, nhưng điều đó đã không xảy ra. Bức ảnh chung của lãnh đạo các nước dự COP 27 ở Ai Cập năm 2022 cho thấy vẫn chưa có nhiều phụ nữ giữ vị trí cao trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Ảnh: ReutersNhư với nhiều lĩnh vực khác, lời kêu gọi "thế giới cần thêm nhiều lãnh đạo nữ" về biến đổi khí hậu ngày càng vang dội, song quá trình đưa phụ nữ, ở tất cả các cấp, vào trung tâm của việc lập kế hoạch và ra quyết định về tương lai của hành tinh, vẫn chưa được như vũ bão.Khi phụ nữ nắm quyềnRa đời năm 1988, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) - cơ quan đồng chủ trì các hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP) - đã liên tục có lãnh đạo là những người đàn ông - một người Thụy Điển, một người Mỹ gốc Anh, một Ấn Độ và một Hàn Quốc.Trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch nhiệm kỳ mới (kéo dài từ 5-7 năm) cuối tháng rồi, hai trong số bốn ứng cử viên là phụ nữ: tiến sĩ Thelma Krug (Brazil) và tiến sĩ Debra Roberts (Nam Phi). Bản thân việc này đã là một tiến bộ, bởi trong cuộc bình bầu liền trước (2015), cả sáu ứng cử viên đều là nam giới. Tuy nhiên, theo kết quả cuối cùng công bố hôm 26-7, cựu phó chủ tịch IPCC Thelma Krug chỉ về nhì với 69 phiếu, còn Jim Skea, nhà khoa học người Scotland đã tham gia IPCC từ 30 năm trước, đã chính thức nhận "ghế nóng" với 90 phiếu.Giới quan sát đã rất kỳ vọng việc IPCC lần đầu tiên sẽ có nữ lãnh đạo, bởi ngày càng nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò quan trọng và mức độ cam kết của phụ nữ trong việc theo đuổi các mục tiêu khí hậu.Chẳng hạn, một nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 91 quốc gia cho thấy khi tăng tỉ lệ đại diện của nữ giới trong quốc hội, các chính sách khí hậu nghiêm ngặt hơn đã được áp dụng, nhờ đó lượng phát thải giảm thấp hơn. Nghiên cứu này đăng trên tạp chí kinh tế chính trị châu Âu Elsevier năm 2019. Còn ở cấp địa phương, có mối liên quan giữa "sự tham gia của phụ nữ trong quản lý tài nguyên thiên nhiên" và "kết quả bảo tồn và quản lý tài nguyên tốt hơn", theo một báo cáo cùng năm của văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ.Phụ nữ tuần hành trong Ngày gió toàn cầu 15-6.Tại các doanh nghiệp, vai trò lãnh đạo của phụ nữ gắn liền với tính minh bạch ngày càng tăng về tác động của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo 2022 của tổng thư ký LHQ, tỉ lệ phụ nữ trong hội đồng quản trị doanh nghiệp cao hơn tỉ lệ thuận với việc công bố thông tin về lượng khí thải carbon. Các công ty do phụ nữ lãnh đạo thường có điểm số về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cao hơn. Các doanh nghiệp có nhiều phụ nữ tham gia vị trí lãnh đạo hơn thì đạt thành tích tốt hơn trong việc triển khai các hoạt động thân thiện với môi trường, theo báo cáo gần đây của Quỹ đầu tư châu Âu.Ngoài ra, nữ lãnh đạo thường có nhiều khả năng sẽ đầu tư vào năng lượng tái tạo hơn, từ đó thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính. Thêm nữa: các ngân hàng do phụ nữ điều hành thường cho các tập đoàn gây ô nhiễm… vay tiền ít hơn, theo nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu năm 2022."Làm sao chúng ta đạt được các mục tiêu khí hậu của thế giới?", Barbara Balke (tổng thư ký Ngân hàng Đầu tư châu Âu) và Thomas Östros (phó chủ tịch Ngân hàng EU) đặt câu hỏi trong một bài báo viết chung hồi tháng 3-2023 đăng trên The Jordan Times. Kết luận của họ là: hãy bắt đầu chia sẻ trọng trách với nhiều phụ nữ hơn, khi đó ta nắm cơ hội lớn hơn trong việc kiểm soát sự nóng lên toàn cầu, và cùng lúc đó gia tăng sự thịnh vượng."Với những phát hiện này, không có gì ngạc nhiên khi các thành phố bền vững nhất thế giới đều do phụ nữ lãnh đạo" - hai tác giả kết luận. Thế nhưng, trong khi hơn 20% các tập đoàn lớn đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thì rất ít nơi thực hiện các bước đi rõ ràng trong việc đưa phụ nữ vào quá trình lập kế hoạch và ra quyết định về khí hậu. Nếu các doanh nghiệp làm được như vậy, hẳn là họ sẽ tăng khả năng "bắn trúng" mục tiêu net-zero.Ngày nay, phụ nữ tiếp tục đối mặt với những thử thách ngăn cản họ thăng tiến trong lĩnh vực môi trường, ở cấp quốc gia và quốc tế. Bình đẳng giới trong quá trình ra quyết định về môi trường cấp quốc gia là rất hiếm; trung bình, các bộ môi trường chỉ có 1/3 nhân viên là phụ nữ (Báo cáo toàn cầu về bình đẳng giới trong hành chính công năm 2021). Ít thấy người và cũng ít… nghe tiếng là vấn đề chung của nữ giới tại các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ… Mặc dù có vài biến động, số lượng nữ trưởng đoàn không được cải thiện bao nhiêu trong 10 năm qua, với 21% vào năm 2012 và 20% vào năm 2022. Phụ nữ chỉ chiếm 29% tổng thời gian phát biểu trong các phiên họp toàn thể tại COP26 năm 2021.Như vậy, các hội nghị COP nói riêng và các hành động khí hậu nói chung vẫn đang thiếu vắng những tiếng nói phong phú nhất và chân thực nhất về những thách thức mà thế giới phải đối mặt trong biến đổi khí hậu.Lý do để hy vọngVào lúc này, các quốc gia cần tìm cách đạt được sự bình đẳng giới trong quá trình quyết định và xây dựng chính sách khí hậu, ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Ngoài việc tăng số lượng lãnh đạo nữ tại doanh nghiệp, chúng ta cũng cần nhiều phụ nữ dẫn dắt các bộ phận khác của nền kinh tế. Ví dụ, các nhà đầu tư là nữ giới có sự hứng thú (mạnh mẽ hơn nam giới) đối với các khoản đầu tư chú trọng đến các yếu tố ESG.Bằng cách thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ - với tư cách là nhà đầu tư, nhà quản lý quỹ, doanh nhân, nhà chính sách… - chúng ta sẽ trông thấy những cam kết quyết liệt hơn trong các hành động khí hậu. Đồng thời, các hành động sẽ toàn diện hơn vì đề cập và thấu hiểu những vấn đề của phụ nữ và trẻ em gái.Hai nữ phó của tịch IPCC, Thelma Krug và Ko Barret.Dù điều bất ngờ đã không xảy ra, sau cuộc bầu cử, tân lãnh đạo IPCC cũng gửi đi những tín hiệu lạc quan. Khi tranh cử, Skea nói sẽ nỗ lực để làm cho cơ quan này trở nên "toàn diện và thực sự mang tính đại diện" đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực, dẫn đầu là cắt giảm sâu lượng khí thải. Giờ thì với tư cách tân chủ tịch, ông sẽ lãnh đạo và giám sát hàng trăm chuyên gia cho đến cuối thập kỷ quan trọng này, được coi là thập kỷ cuối cùng để nhân loại hành động nhằm kìm hãm sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.Các chuyên gia, nhà khoa học nữ có thể sẽ tham gia nhiều hơn, khi Skea khẳng định sẽ thúc đẩy phụ nữ trong khoa học khí hậu. "Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Vấn đề giới tính trong IPCC là rất quan trọng" - ông nói.■ Cơ hội cho các nhà khoa học nữ thay đổi ra sao?Nhìn chung, tỉ lệ các tác giả nữ tham gia viết các báo cáo của IPCC đã tăng lên trong ba thập kỷ qua - nhưng vẫn thua xa các tác giả nam, theo phân tích của Carbon Brief. Kể từ năm 1988, IPCC đã xuất bản sáu bộ "báo cáo đánh giá", được coi là những báo cáo có thẩm quyền nhất thế giới về biến đổi khí hậu.Báo cáo đầu tiên xuất bản năm 1990, có khoảng 100 tác giả, nhưng trong đó chỉ có 8 người nữ, tức là dưới 10%. Ngược lại, chu kỳ đánh giá mới nhất hiện nay có tổng cộng hơn 700 tác giả, hơn 30% là phụ nữ. Như vậy, tỉ lệ đại diện cho nữ giới trong IPCC tăng đều đặn theo thời gian.Ko Barrett là một trong những nữ phó chủ tịch đầu tiên của IPCC và đã đấu tranh cho bình đẳng giới trong thời gian bà giữ chức vụ trưởng nhóm hành động về giới. Bà nói với Carbon Brief: "Một số quan chức cấp cao trong chính phủ của chúng tôi nghĩ rằng đã chờ quá lâu để phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo cấp cao trong IPCC và tiến cử tôi". Cùng với Thelma Krug, họ là những phụ nữ đầu tiên được bầu làm phó chủ tịch. Cùng với những nhà khoa học nữ khác, họ đã "tạo ra sự khác biệt và làm gương", mượn lời của Barrett. Với nội bộ IPCC, việc phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo có thể là điều cần thiết nhằm giảm nhẹ và tiến tới xóa bỏ các rào cản cho nhóm nhà khoa học, chuyên gia là nữ giới, như thiên vị hoặc phân biệt đối xử. Theo báo cáo gần đây của UNDP, "Lồng ghép giới vào Quy trình Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP)", sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong quá trình ra quyết định về khí hậu vẫn thấp hơn so với nam giới. Không có giám đốc sở tài nguyên và môi trường cấp tỉnh nào hoặc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn nào là nữ. Ngoài ra, nguồn dữ liệu hạn chế đặt ra những thách thức đáng kể cho các nhà hoạch định chính sách vì họ không nắm bắt được những điểm yếu và mức độ tổn thương cụ thể của phụ nữ trong biến đổi khí hậu.Việt Nam đặt mục tiêu có 35% lãnh đạo là nữ trong các cơ quan dân cử, và 30% nữ lãnh đạo doanh nghiệp và hợp tác xã vào năm 2030. "Phụ nữ mang lại sự đa dạng cho vai trò lãnh đạo, nâng cao chất lượng của việc ra quyết định. Đây là chìa khóa để ứng phó với khủng hoảng khí hậu", đại diện UNDP kết luận. Tags: Biến đổi khí hậuLiên Hiệp QuốcPhụ nữNữ giớiNữ lãnh đạoBình đẳng giớiMôi trường
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
Đà Lạt hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.