TTCT - Do linh kiện điện tử sản xuất tại Âu Mỹ không chịu được môi trường nóng ẩm của Việt Nam, những thiết bị y tế dùng để khám chữa bệnh rồi cũng có ngày “đổ bệnh”. Không sao, đã có “cao nhân” giúp máy khỏi bệnh, giá dịch vụ “mềm” hơn nhiều lần mà chất lượng không thua kém hãng nước ngoài. Anh Minh “khám bệnh” cho máy X-quang C-ARM của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long - Ảnh: D.T.H.Trong căn nhà nhỏ của anh Lý Hoàng Minh ở khu dân cư 91B, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ngay tầng trệt chứa lủ khủ máy móc, thiết bị y tế xếp hàng chờ lên “bàn mổ”. Các nhân viên kỹ thuật, tuổi đời từ 25-38, đang tháo lắp, tỉ mẩn “nội soi” từng chi tiết máy nhằm tìm ra nguyên nhân hư hỏng.Nghề kỹ thuật caoĐồ nghề của họ là các thiết bị chuyên ngành như thiết bị hiện sóng, thiết bị giả lập bệnh nhân, đo nhiệt độ, ẩm độ, độ sáng, năng lượng, áp suất... Ấn tượng hơn cả là kệ dài trên tường giống những hộc thuốc trong tiệm thuốc bắc, chứa đủ linh kiện điện tử các loại. “Nó giống như thuốc đặc trị, nếu chẩn đoán đúng thì sẽ cho thuốc đúng và máy hết bệnh. Điều quan trọng là máy chẳng những hết bệnh mà sau đó vẫn chạy bền, không “biến chứng”, giống như bác sĩ chữa bệnh tận gốc vậy” - Minh giải thích.Ngồi bên chiếc máy siêu âm màu đang được “khám”, người kỹ sư 37 tuổi này rà soát hết các bộ phận, từ những vi mạch tới từng con IC. Thì ra cái bo mạch bị “điếc”. Nếu hãng nước ngoài sửa chữa, họ “hét” tới hàng trăm triệu đồng, trong khi Minh chỉ lấy 29 triệu đồng.Vì sao rẻ hơn nhiều vậy, Minh cười hề hề: “Vì hãng tưởng họ độc quyền nên ăn mắc, chớ biết chỗ hư để sửa, giá mềm hơn rất nhiều”. Minh cho biết anh đã truy cập khắp trang mạng nước ngoài, tìm đúng linh kiện phù hợp, thậm chí đặt mua cả tài liệu hướng dẫn sửa chữa gửi về.Ngoài thiết bị y tế, Minh còn có nhiều linh kiện, thiết bị chuyên dùng để thi công, lắp đặt các công trình phục vụ ngành y như: hệ thống xử lý nước thải y tế và công nghiệp, hệ thống xử lý nước rửa tay tiệt trùng phòng mổ - phòng sinh, hệ thống cấp cứu lưu động trên xe và tàu cứu hộ, hệ thống gọi số bệnh nhân và báo gọi y tá tự động... Toàn những thiết bị cao cấp chuyên ngành, tưởng rằng chỉ có các hãng nước ngoài mới làm được.Tốt nghiệp chuyên ngành điện - điện tử ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2001, Minh bước vào thế giới làm thuê từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ tới Công ty Thiết bị vật tư y tế. Trong suốt sáu năm đó, anh thấy tội nghiệp cho các bệnh viện nghèo, mỗi lần máy hư thì sửa chữa với giá chóng mặt vì phải kêu hãng nước ngoài hoặc nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam. Họ cứ thấy hư là đè ra thay phụ tùng, bo mạch, thậm chí nguyên modul...Minh nhẩm tính: một máy siêu âm màu giá 1,4 tỉ đồng, nếu hư bo mạch, kêu hãng phải mất ngót nghét 150 triệu đồng, còn nếu mình làm chỉ tốn 20-60 triệu đồng. Nghĩ rằng có thể làm được nghề này, Minh quyết định nghỉ làm thuê, thành lập Công ty TNHH công nghệ & dịch vụ Ser-Tech vào năm 2010, chuyên bảo trì, sửa chữa thiết bị y tế... “Cái nghề thiết bị y tế này mới, khó làm, cần chuyên môn cao, rất ít người làm được ở miền Tây này, kể cả những kỹ sư điện tử giỏi. Nhưng anh Minh làm rất tốt và có trách nhiệm. Nhờ anh mà bệnh viện tụi tôi đỡ tốn kém chi phí sửa chữa rất nhiều” - anh Trịnh Hoàng Điệp, quản lý trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ).Anh Minh cùng đồng nghiệp “nội soi” các thiết bị hư hỏngDấn thân làm chủĐiều đầu tiên là Minh phải đau đầu tính toán cả trăm thứ, từ tuyển nhân viên đến kiếm khách hàng, ký hợp đồng... Khổ nhất là vốn. Minh phải vay mượn anh em, bè bạn, người thân để mua sắm thiết bị, chi trả điện nước, lương... “Mỗi tháng tới hạn là không ngủ được. Nhiều khi phải vay nặng lãi để trả lương, do khách hàng chậm thanh toán tiền” - Minh tâm sự.Để có nhân viên giỏi, Minh tuyển người biết làm và mê nghề chứ không cần học cao. Qua sàng lọc, số có bằng đại học “ao” hết, cuối cùng anh tuyển được các kỹ thuật viên tốt nghiệp trung cấp nghề. Minh nỗ lực kèm cặp, huấn luyện và thường xuyên cho anh em “đụng chạm”, chấp nhận bị máy “vật” tơi tả.Minh và nhân viên cùng tự học, nghiên cứu, tra tài liệu trên mạng. Chiếc máy hư đem về, mọi người “châu đầu” vào vật lộn với nó có khi tới nửa đêm. Với kỹ năng nghề có sẵn cùng niềm đam mê, Minh cùng anh em làm việc ngày càng hiệu quả.Làm sao có khách hàng? Đầu tiên, Minh lân la làm quen với nhân viên phòng quản lý thiết bị y tế các bệnh viện, qua đó biết đơn vị đang bị hư máy gì, cần sửa ra sao. Rồi Minh làm báo giá, xin hợp đồng sửa. Lúc đầu lãnh đạo các đơn vị “ngó lơ” vì không tin cái công ty nhỏ xíu của Minh có thể làm được gì, nếu trả lời thì cũng “thôi, cái này khó lắm, không làm được đâu...”. Minh vẫn kiên trì thuyết phục bằng cách xin được kiểm tra, sửa thử, không làm được không lấy tiền. Thấy Minh quá thiết tha, lãnh đạo bệnh viện đồng ý.Lần đầu tiên Minh sửa máy siêu âm màu cho một bệnh viện đa khoa tư nhân, qua kiểm tra anh biết máy hư bo mạch. “Nếu hãng thay phải mất 125 triệu đồng, mình báo giá chỉ có 29,5 triệu đồng. Bệnh viện không tin giá đó mình làm được nên yêu cầu nếu lãnh làm thì phải bảo hành sáu tháng, hết thời gian bảo hành ba tháng mới được chuyển khoản!” - Minh nói.Cuối cùng, cái máy được sửa ngon lành, chạy tới nay đã hơn ba năm vẫn chưa nhúc nhích. “Đầu xuôi đuôi lọt”, sau vụ đó bệnh viện tiếp tục kêu anh làm tiếp các máy sốc tim, monitor theo dõi bệnh nhân, máy giúp thở, máy đo điện tim, máy X-quang... Máy nào vào tay Minh cũng chạy mướt rượt.Để có được một hợp đồng, Minh phải tốn rất nhiều công sức và chấp nhận cả rủi ro, chẳng hạn lần lãnh sửa máy X-quang của một bệnh viện huyện. Minh nhớ lại: “Lúc đầu kiểm tra tưởng nó chỉ hư một cái bo mạch, mình báo giá thay linh kiện sửa cho một bo mạch, cùng với công vệ sinh, sửa chữa lặt vặt khác là 27 triệu đồng. Nhưng khi làm nó hư phát sinh hai bo nữa khiến chi phí đội lên gần 50 triệu. Lúc đầu tưởng chỉ ba ngày sửa xong, ai dè phát sinh tới... cả tháng. Lỡ leo lưng cọp rồi, đành chịu lỗ để giữ chữ tín”.Kiếm được hợp đồng đã khó, chuyện khó tiếp theo là lo vốn. Thông thường các bệnh viện, trung tâm y tế đều phải làm đề nghị kinh phí, chờ duyệt mới được sửa chữa. Minh phải chấp nhận điều kiện sửa trước, lấy tiền sau. Rồi anh phải chạy bù đầu mới có kịp vốn để xoay, từ vay mượn của anh em, bạn bè, người thân và gõ cửa ngân hàng.Có hợp đồng giá trị vài tỉ bạc, nếu “buông” thì uổng, cho nên giá nào cũng phải ký để có việc mà làm. Khi máy sửa xong, đi thanh lý hợp đồng lấy tiền cũng “chua” thêm mấy tập nữa. Phải làm hồ sơ, bản vẽ hoàn chỉnh; phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ; rồi phải bổ sung phụ lục hợp đồng, phải chờ bên kho bạc kiểm tra chứng từ. Có hợp đồng làm xong, mất 3-4 tháng sau mới cầm được đồng tiền thanh toán!Hướng đến những công trình mớiKhông chỉ chuyên về sửa chữa, Minh còn thiết kế, thi công hệ thống thiết bị y tế của bệnh viện. Tháng 8-2013, biết Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) cần trang bị hệ thống súc dạ dày cho bệnh nhân uống thuốc tự tử, Minh nộp đề xuất xin làm. Anh lên bản vẽ, làm các bo mạch điện tử, mạch điều khiển, bố trí môtơ, lắp đặt bình nước nóng, van điện, thiết bị đun...Cái khó là làm sao cho thiết bị đo lường nước tự động đưa lượng nước vừa đủ vào bụng bệnh nhân (để súc ruột). Kế hoạch của Minh được bác sĩ Lưu Thị Hồng Vân, phó giám đốc bệnh viện, chấp thuận.Một tháng sau, công trình được đưa vào sử dụng. Bệnh viện nghiệm thu với kết quả sử dụng đạt yêu cầu tiện ích, nhanh chóng, đáp ứng được tính cấp bách trong cấp cứu hiệu quả. Trước đó năm 2011, Minh lãnh lắp hệ thống oxy trung tâm cho Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang. Yêu cầu đưa ra là đặt vị trí lắp các bình oxy trong phòng, tạo ngõ ra, đưa oxy vào bộ điều áp trung tâm.Tại đây, Minh chế bo mạch điện tử để kiểm tra áp suất còn lại trong các bình oxy. Nếu áp suất vượt mức báo động (oxy sắp hết), hệ thống tự động báo chuông về phòng trực, nhân viên sẽ biết để thay bình oxy mới. Giải pháp này đưa vào sử dụng được đánh giá hiệu quả cao.Hiện công ty của Minh có nhiều khách hàng, từ Tiền Giang về Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau... Ngoài sửa chữa thiết bị y tế, Minh đã phát triển thêm nghề thi công, lắp đặt thiết bị ứng dụng, các công trình khoa học kỹ thuật cho các bệnh viện, nhà máy chế biến thủy sản, nhà hàng khách sạn... Năm 2009, Minh từng thiết kế thành công bo mạch cho máy phun sương, tạo ẩm độ, có cả chức năng đèn ngủ cho một hãng chế tạo thiết bị của Singapore.Nhận xét về Minh và công ty của anh, bác sĩ cao cấp Trần Quang Thành, giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ y dược liên ngành (y tế - khoa học công nghệ) TP Cần Thơ, nói: “Minh rất chịu khó học hỏi và có tinh thần trách nhiệm, tạo được lòng tin nơi khách hàng qua việc đảm bảo chữ tín trong chất lượng sửa chữa, thi công các công trình. Công ty Ser-Tech là thành viên của trung tâm chúng tôi.Qua giới thiệu của trung tâm, Minh đã có điều kiện tiếp xúc với các bệnh viện từ Tiền Giang về Vĩnh Long, xuống Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau... Một số công trình vẫn còn chờ xem kết quả thế nào (qua thời gian bảo hành), nhưng bước đầu đã có những phản hồi tốt”. Tags: Thiết bị y tếSửa chữaKỹ thuật caoLý Hoàng MinhMáy khám bệnh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.