Chuyện "cấp cứu 115" ở Nghệ An

TTCT - Từ dịch vụ vận chuyển cấp cứu 05 của Nghệ An bị bỏ phí, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nghệ An Phạm Văn Diễn vừa về hưu đã cất công tạo dựng một dịch vụ vận chuyển cấp cứu mang tên mới, khởi đầu sự ra đời một bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Nghệ An.

Cấp cứu 115: xe chờ, người bệnh đợi
Sẽ có 5 chốt cấp cứu 115 ở TP.HCM

Phóng to

Cấp cứu 115 Nghệ An chuẩn bị vận chuyển anh Hoàng Đình Triều, 27 tuổi, bị tai nạn lao động chiều 6-4 tại thị xã Cửa Lò - Ảnh: Vũ Toàn

Đến hiện trường những vụ tai nạn trên địa bàn Nghệ An, tôi đều thấy xe cấp cứu của Bệnh viện 115 Nghệ An. Sau không ít những vụ tai nạn khác, tôi lại nghe tin nạn nhân đang được cấp cứu tại “Bệnh viện ông Diễn” hoặc “115 Nghệ An”.

10 năm cấp cứu hàng vạn bệnh nhân

“Trong khi dịch vụ vận chuyển cấp cứu 115 bị bỏ bê, một bác sĩ về hưu đã biến nó thành thương hiệu 115 Nghệ An là việc làm nhanh nhạy, hợp lý. Một dịch vụ y tế tư nhân, có nghĩa Nhà nước không bỏ một đồng vốn, phục vụ rất kịp thời, kể cả nạn nhân từ vùng miền núi xa xôi. Đặc biệt, các bệnh nhân không hề phàn nàn kêu ca. Làm được như vậy là quá tốt”.

Từ khi bệnh viện thành lập (năm 2001) đến nay, phó giám đốc Phạm Văn Long kiêm quản lý đội xe cấp cứu không nhớ đã có bao nhiêu ca được vận chuyển. Nhưng anh khẳng định con số ấy đã lên đến hàng vạn người. Anh mở sổ thống kê thời gian gần đây làm dẫn chứng: năm 2005 vận chuyển 2.845 lượt, năm 2006 là 2.751 lượt, kỷ lục là năm 2010 với 7.077 lượt (phần lớn nạn nhân bị tai nạn giao thông).

Khi biết tôi có ý định theo một chuyến cấp cứu, anh Long lưỡng lự: “Khó đấy, vì khi trung tâm nhận được tin báo qua điện thoại là xe lên đường ngay. Từng giây từng phút cấp cứu đối với nạn nhân liên quan đến sự sống chết của họ nên thông tin cho nhà báo nhanh cỡ nào cũng khó theo kịp”. Anh Long cho biết từ 6g-20g là giờ cao điểm mỗi ngày vì khoảng thời gian này thường xảy ra tai nạn. Khi nghe tin vụ sập mỏ đá ở lèn Cờ mới đây, anh liền huy động xe vượt hơn 60km vận chuyển hai nạn nhân bị thương về điều trị.

Ngày mới thành lập, bệnh viện chỉ có hai xe cấp cứu với sáu người (bác sĩ, điều dưỡng, lái xe) phục vụ. Nay đã tăng lên 18 xe và 30 người thuộc đội vận chuyển cấp cứu. Ngoài cơ số xe phục vụ ở TP Vinh, một số xe của đội được “cắm” tại một số trung tâm y tế huyện, nơi địa bàn thường xảy ra tai nạn giao thông để kịp ứng biến bất kể giờ giấc.

Tại trung tâm nhận tin báo qua điện thoại nằm cạnh một garage, nơi những chiếc ôtô Hyundai mới và băng cáng thương cùng cặp số đựng dụng cụ sơ cứu luôn ở tư thế có tin báo là xuất phát, anh Cao Trọng Hiếu, phụ trách nhận và báo tin, luôn bận rộn bên ba chiếc điện thoại dồn dập reo. Anh cho hay đa số thông tin do người đi đường hoặc bạn bè của nạn nhân gọi đến, nhưng có không ít cú điện thoại báo dỏm. Một lần xe đến nơi chỉ thấy mấy đứa trẻ chăn trâu ôm miệng cười rúc rích.

Dẫn tôi đi xem những chiếc xe vận chuyển ghi hàng chữ 115 Nghệ An, anh Long nhớ lại một chuyện kỳ lạ trong 10 năm vận chuyển cấp cứu của bệnh viện. Đó là ngày 28 tết năm 2002, nghe trung tâm báo tin vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra trong TP Vinh, anh lên đường ngay. Xe chạy chừng năm phút, người báo tin tại hiện trường lại báo không cần phải đến vì nạn nhân đã ngừng thở.

Không hiểu sao anh vẫn áy náy và cho xe tiếp tục chạy đến hiện trường. Đến nơi, nhân viên y tế của anh kiểm tra nạn nhân đang nằm ngất trên đường thì tim đã ngừng đập, phổi ngừng hô hấp nhưng mạch đùi vẫn còn thoi thóp. Anh giục đưa nạn nhân lên xe chuyển về Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cấp cứu. Về đến cổng bệnh viện, bất ngờ nạn nhân hồi tỉnh dần, bốn ngày sau xuất viện.

Phóng to
Bác sĩ Phạm Văn Diễn kiểm tra vết thương của chị Nguyễn Thị Nhung, nạn nhân vụ sập mỏ đá lèn Cờ - Ảnh: Vũ Toàn

Từ một dịch vụ bỏ phí

115 là mã số điện thoại đặc biệt do Nhà nước quản lý, giống như 113, 114. Mỗi tỉnh chỉ có một số 115 dành riêng cho bệnh viện tuyến tỉnh. Nhưng để mã số này trở thành số điện thoại của dịch vụ vận chuyển cấp cứu trong bệnh viện tư nhân là câu chuyện dài của bác sĩ Phạm Văn Diễn.

Năm 1999, ông Diễn nghỉ hưu ở tuổi 63 (do ông là một trong năm bác sĩ cao cấp ở Nghệ An lúc đó nên Sở Y tế yêu cầu làm thêm ba năm). Rời bệnh viện, ông trăn trở khi biết phân hiệu xe cấp cứu 05 của tỉnh đã giải tán vì hai xe đều hỏng, trong khi số 115 giao cho vận chuyển cấp cứu trong bệnh viện tỉnh mà bệnh viện không sử dụng, vì thế người nhà nạn nhân không có nơi để gọi cấp cứu.

Ông Diễn từng đứng nhìn bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe khách, xích lô, cáng võng chạy bộ hoặc dùng hai xe đạp buộc hai đầu võng rồi người trước lái, người sau đẩy đến bệnh viện. Đây là lý do thúc giục ông đi vay tiền để mua xe cứu thương. Ông đến ngân hàng vay nhưng được trả lời rằng “hết tuổi trả nợ rồi nên không được vay nữa”.

Loay hoay mãi, ông tính chuyện dùng căn nhà mình và “mượn” nhà ba người cháu đi thế chấp ngân hàng để có tiền ra Bộ Y tế xin mua xe cứu thương. Mấy người bạn ở Vụ Trang thiết bị của Bộ Y tế ngạc nhiên khi thấy ông bạn già về hưu rồi mà đi mua xe cứu thương. Ông giải thích: “Đời bác sĩ của mình làm nghề cấp cứu chấn thương, giờ nghỉ hưu nhưng những nạn nhân bị chấn thương ngày càng nhiều, tôi làm ngơ không được”.

Chuyện mua xe cứu thương tư nhân hồi đó không đơn giản vì từ Bộ Y tế, ông phải quay về xin ý kiến của UBND tỉnh và Sở Y tế, Sở Kế hoạch - đầu tư. Nếu ba cơ quan này đồng ý cho ông bác sĩ về hưu thành lập Công ty TNHH vận chuyển cấp cứu 115 thì Bộ Y tế mới bán xe cho ông. Rất may, tỉnh và hai sở đều ủng hộ ông.

Đến khi biết chuyện ông mở rộng công ty thành một mô hình bệnh viện tư nhân với tên gọi Công ty CP Bệnh viện 115 Nghệ An, UBND tỉnh khen và tạo điều kiện giúp ông. Ông ưng đất chỗ nào, tỉnh cấp chỗ ấy. Ông xin 2.000m2, tỉnh cấp gấp đôi. Thời gian đó, Bộ Giao thông vận tải giao cho tỉnh một xe cứu thương phục vụ tuyến quốc lộ 1A từ thị trấn Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu) đến Bến Thủy (TP Vinh) thì tỉnh tặng luôn cho ông để có thêm xe phục vụ cấp cứu.

Bây giờ Bệnh viện 115 Nghệ An trở thành bệnh viện đa khoa cấp tỉnh với 160 giường, 192 cán bộ nhân viên, trong đó có 42 bác sĩ giỏi và nhiều hạt nhân của các chuyên khoa. Bệnh viện do ông làm giám đốc, anh Phạm Văn Long chính là con trai ông.

Anh Long tâm sự: “Cha tôi muốn để lại một kỷ niệm nghề nghiệp nên mới kỳ công xây dựng nên Bệnh viện 115 Nghệ An và dịch vụ vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An”. Anh nhắc lại sự lo ngại của một số người bạn của cha mình ở Sở Y tế Nghệ An trong ngày khai trương Công ty CP Bệnh viện 115 Nghệ An năm 2001: “Bệnh viện nhà nước không làm được dịch vụ vận chuyển cấp cứu và đã bỏ, nay bố con ông Diễn theo đuổi chắc thua lỗ, không khéo nhà cũng không còn để ở”. Nhưng ông Diễn vẫn kiên quyết: “Mất nhà tôi vẫn làm”.

Đánh giá về nỗ lực của ông Diễn, giám đốc Sở Y tế Nghệ An Phạm Văn Thanh nói: “Bác sĩ Diễn đã có công làm nên thương hiệu 115 Nghệ An. Bệnh viện 115 Nghệ An có những đợt vận chuyển cấp cứu cho 16 nạn nhân bị trọng thương do xe tải đâm xe khách trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Nghi Lộc và 32 nạn nhân trong vụ cháy nổ bình gas ở chợ Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên.

Ngay cả câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An cũng hợp đồng thuê dịch vụ vận chuyển cấp cứu 115 trong cả mùa giải. Đây là mô hình xã hội hóa bệnh viện có uy tín ở Nghệ An”.

Cấp cứu: vừa thiếu vừa yếu

Hằng năm, số nạn nhân tai nạn giao thông cần sơ cứu, cấp cứu lên đến 500.000 người, theo số liệu của Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam công bố tại một hội thảo quốc tế tổ chức ở TP Huế tuần trước. Bác sĩ Nguyễn Thành (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) cho hay Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của người dân thủ đô.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết từ tháng 1-2008, Bộ Y tế đã ban hành quy chế về cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế trong tổ chức cấp cứu, nhất là tổ chức cấp cứu hàng loạt và cấp cứu thảm họa, thiết bị cấp cứu chưa đồng bộ, phương tiện vận chuyển cấp cứu ở một số tỉnh thành còn thiếu, công tác đào tạo và huấn luyện nhân viên còn yếu...

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết theo quy chế, bệnh viện hạng I, II, III đều phải có khoa cấp cứu, nhưng nhiều nơi chỉ có phòng cấp cứu hoặc khoa cấp cứu là “hai trong một” cùng với cấp cứu - hồi sức. Một khảo sát cho thấy hiện chỉ có 21,6% số bệnh viện phía Bắc đã triển khai khoa cấp cứu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận