Vaccine covid-19: cân đong nguy cơ

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Một trong những hi vọng lớn nhất để vượt qua đại dịch COVID-19 là việc triển khai vaccine đại trà. Nhưng vẫn còn đó nhiều câu hỏi chưa được trả lời, cả về chuyên môn y tế: tác dụng phụ của thuốc, đối tượng ưu tiên, những ai không nên chích, hiệu năng, tỉ lệ để đạt miễn dịch chung…, lẫn trong triển khai: nguồn tài chính, khả năng hợp tác công - tư, vai trò của Nhà nước… Do tính chất của đại dịch, một tiến trình “ném đá dò đường” là không thể tránh khỏi.

Một chiến dịch vaccine ở châu Phi

HOA KIM 24/03/2021 20:10 GMT+7

TTCT - Triển khai tiêm chủng toàn quốc để ứng phó đại dịch thế kỷ chắc chắn là trách nhiệm chính của nhà nước, nhưng câu chuyện thực tế tại đất nước châu Phi Nigeria cho thấy đôi khi một sự hợp tác công-tư có thể khỏa lấp những hạn chế mà hậu cần và chuỗi cung ứng công chưa thể một sớm một chiều khắc phục.

 
 Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Sunday Aghaeze

Đầu tháng 3-2021, một chuyến bay chở gần 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Oxford/AstraZeneca hạ cánh xuống thủ đô Abuja, Nigeria.

Đây là quốc gia thứ ba ở châu Phi nhận vaccine thông qua chương trình COVAX, một sáng kiến toàn cầu nhằm đảm bảo công bằng trong khả năng tiếp cận vaccine của các nước thu nhập thấp và trung bình. Với dân số hơn 200 triệu người (đông nhất châu Phi) và hơn 160.000 ca mắc COVID-19 (nhiều thứ 6 châu lục tính đến nay), Nigeria đủ điều kiện nhận 16 triệu liều vaccine miễn phí thông qua COVAX, được chuyển giao dần trong nhiều tháng.

Trong một phát biểu đầy lạc quan với báo giới nhân sự kiện đặc biệt, Peter Hawkins, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ở Nigeria, gọi lô vaccine đầu tiên là “con số lớn” và là “một bước tiến tuyệt vời cho Nigeria và cho cả châu Phi”. “Người dân [Nigeria] sẽ được tiêm vaccine. Đó là điều chắc chắn” - ông nói chắc nịch.

Một kế hoạch rối rắm

Giữa kỳ vọng và thực tế là một khoảng cách khá xa. Dù Cơ quan phát triển chăm sóc sức khỏe ban đầu quốc gia Nigeria (NPHCDA) đã sớm công bố cổng điện tử cho phép người dân tự đăng ký lịch tiêm vaccine nhằm giảm tải cho hệ thống y tế, cuộc triển khai tiêm chủng quy mô lớn vẫn vấp phải những thách thức to lớn về an ninh và hậu cần. 

“Các bang không có sân bay đang hoạt động sẽ nhận vaccine theo đường bộ được chuyên chở bằng xe tải đông lạnh từ sân bay gần nhất” - Đài Al Jazeera dẫn lời giám đốc NPHCDA Faisal Shuaib.

Trong bài phỏng vấn với trang The Conversation, nhà virus học, tiến sĩ Solomon Bakarey gọi việc Chính phủ Nigeria cho đến giờ vẫn chưa có một kế hoạch rõ ràng và nhất quán cho việc phân phối vaccine thuộc chương trình COVAX là “một vấn đề lớn” đang khiến người dân Nigeria hồ nghi về tính hiệu quả của nỗ lực tiêm chủng cũng như của chính vaccine. 

“Điều này có thể dẫn đến sự thờ ơ ngay cả khi vaccine được phân phối rộng rãi, không những không giúp gì cho đất nước mà còn khiến hình ảnh Nigeria xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế” - tiến sĩ Bakarey lo lắng.

Nigeria dự định chích ngừa COVID-19 cho 40% dân số từ nay đến cuối năm 2021 và tăng lên 70% dân số đến hết năm 2022. Tuy nhiên, Chính phủ đến nay chưa đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể để đạt được mục tiêu này, trong khi thông tin về đợt triển khai vaccine hiện nay còn khá nhỏ giọt.

Theo Tolu Ogunlesi, trợ lý đặc biệt của tổng thống Nigeria, vaccine nước này tiếp nhận từ chương trình COVAX sẽ được triển khai đến người dân trong 4 giai đoạn dựa vào độ ưu tiên. Những người được tiêm chủng đầu tiên sẽ là nhân viên y tế tuyến đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt, tiếp theo là người từ 50 tuổi trở lên, rồi đến người từ 18 đến 49 tuổi có bệnh lý nền, và cuối cùng là phần còn lại của dân số.

Trong khi Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Nigeria chịu trách nhiệm xét nghiệm, truyền thông và giám sát, nhiệm vụ điều phối vaccine lại thuộc về NPHCDA. Và dù kế hoạch tiêm chủng đã được phân thành 4 giai đoạn rõ ràng, phóng viên của trang tin Devex khi thử đặt lịch tiêm vaccine trên trang web của NPHCDA ghi nhận thực tế người dân muốn đăng ký tiêm ngày nào cũng được mà không bị giới hạn gì. Việc phân loại đối tượng cũng là do người đăng ký tự khai báo mà không có biện pháp nào để xác minh thông tin này trong quá trình thao tác online.

Như làm tăng thêm sự hoang mang của người dân, một tuần trước khi đợt triển khai đầu tiên bắt đầu, lãnh đạo một số cơ sở y tế được liệt kê là điểm tiêm chủng COVID-19 trên trang web của NPHCDA cho biết họ không hề hay biết cơ sở của mình có chức năng đó. 

Đơn cử như Trung tâm y tế ban đầu Monatan ở thành phố Ibadan, một trong các điểm tiêm chủng theo trang web của Chính phủ. Nhưng khi phóng viên Devex liên hệ vào đầu tháng 3, lãnh đạo cơ sở nói rằng họ không biết gì về bất kỳ kế hoạch tiêm chủng COVID-19 nào diễn ra tại đây.

“Không nghe ai nói gì, nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu ngày mai họ [Chính phủ] mang vaccine đến và yêu cầu chúng tôi bắt đầu tiêm cho mọi người ngay trong ngày hôm đó” - một lãnh đạo trung tâm y tế đề nghị giấu tên nói với Devex.

Samuel Eleko (46 tuổi), một giảng viên đại học, sau khi thử đặt lịch hẹn qua NPHCDA đã bày tỏ lo ngại rằng quy trình đăng ký như hiện nay có thể tước đi cơ hội của những người thật sự cần được ưu tiên và khiến mục tiêu đảm bảo cơ hội tiếp cận vaccine một cách công bằng của Chính phủ bị đổ vỡ.

Việc những người trẻ rành công nghệ giành mất suất của nhóm cao tuổi theo cách đăng ký như hiện nay là hoàn toàn có thể xảy ra. “Với hình thức đăng ký trực tuyến, Chính phủ Nigeria đang phân phối số lượng vaccine ít ỏi nhận được cho nhóm ít bị tổn thương hơn trong xã hội và vấn đề bắt đầu từ đó. Khi các quốc gia khác đánh bay COVID-19, Nigeria sẽ vẫn phải tìm kiếm sự giúp đỡ” - Eleko nói với Devex.

Tận dụng nguồn lực tư

Theo TS Bakarey, không sớm thì muộn Nhà nước Nigeria cũng sẽ phải kêu gọi hỗ trợ từ tư nhân, vì rõ ràng Chính phủ không thể triển khai vaccine toàn quốc một mình. “Bất kỳ chiến dịch nào cũng phải được thực hiện với sự giúp sức của nhiều tổ chức. Để cứu hệ thống y tế đất nước khỏi vỡ trận trước COVID-19 cần sự chung sức của tất cả” - ông khẳng định.

Một sự hợp tác như vậy trên thực tế đã tồn tại ở một số khâu. Ví dụ, Chính phủ Nigeria mới đây thông báo đã thuê dịch vụ tư nhân để đảm bảo có đủ kho bảo quản siêu lạnh phục vụ việc lưu trữ và phân phối vaccine.

Đây không phải lần đầu tiên các cơ sở tư nhân Nigeria cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trước đó, các cơ sở y tế tư nhân từng tham gia đắc lực trong các chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống bại liệt và bệnh sởi ở trẻ em ở quốc gia châu Phi.

Một nhóm các doanh nghiệp lớn nhất Nigeria đã có kế hoạch huy động số tiền lên tới 100 triệu USD nhằm giúp Chính phủ mua vaccine COVID-19. Nhóm mang tên Liên minh chống COVID-19 (CAC) do người giàu nhất châu Phi Aliko Dangote và Herbert Wigwe, CEO Access Bank, dẫn đầu cam kết bỏ tiền túi mua 42 triệu liều vaccine trong tiêu chuẩn phân bổ cho Nigeria thuộc chương trình mua vaccine chung của Liên minh châu Phi. Dự kiến đợt đầu tiên gồm 1 triệu liều trị giá 3,45 triệu USD sẽ sẵn sàng để giao hàng trong vòng hai tuần sau khi một khoản tiền đặt cọc được thanh toán, nhóm cho biết trong tuyên bố hồi tháng 2.

Liên minh châu Phi đã đại diện đặt mua khoảng 670 triệu liều vaccine COVID-19 do nhiều nhà sản xuất cho các quốc gia thành viên, trong đó Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) cam kết trả trước 2 tỉ USD cho các hãng Pfizer, Johnson & Johnson và AstraZeneca để giữ phần.

Năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất châu Phi rơi vào suy thoái sau khi đại dịch bùng phát, gây ra đợt suy thoái thứ hai trong vòng 4 năm tại Nigeria. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo chậm triển khai các chiến dịch tiêm chủng có thể khiến nền kinh tế Nigeria trật bánh dù được dự báo tăng trưởng 1,5% trong năm nay. Trước tình hình đó, các doanh nhân nổi tiếng nhất của Nigeria đã tình nguyện tham gia CAC như một cách để “ích nước, lợi mình”.

CAC năm ngoái huy động được khoảng 30 tỉ naira (75 triệu USD) để bổ sung giường bệnh cho các cơ sở y tế trên khắp đất nước và phân phát thực phẩm cho người nghèo. Thống đốc ngân hàng trung ương Godwin Emefiele, tỉ phú Femi Otedola và chủ tịch Zenith Bank Jim Ovia là một số gương mặt tiêu biểu khác trong danh sách khá dài các thành viên CAC.■

Vấn đề lòng tin

Dù dành lời khen ngợi cách phản ứng của Nigeria đối với COVID-19, Ifeanyi Nsofor, CEO Công ty tư vấn sức khỏe EpiAFRIC, cho biết các chi tiết xung quanh kế hoạch tiêm chủng toàn quốc rất mơ hồ, đồng thời kêu gọi Chính phủ cởi mở hơn trong việc thông tin đến người dân.

“Tôi nghĩ thẳng thắn với người dân Nigeria là một phần trách nhiệm của Chính phủ và cũng là của bộ trưởng [y tế] và người đứng đầu NPHCDA. Nếu họ gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine hay trong việc tiếp nhận và triển khai, họ nên cho người dân biết” - Nsofor gợi ý.

Còn theo TS Bakarey, lòng tin của người dân Nigeria đối với chiến dịch vaccine ngừa COVID-19 đang lung lay, một phần xuất phát từ hoài nghi về năng lực của Chính phủ sau cách ứng phó thiếu hiệu quả trước dịch bệnh. Số khác không biết rõ về độ hiệu quả của vaccine Oxford/AstraZeneca, cũng như tỏ ra lo ngại khi vaccine này được hoàn thiện quá nhanh từ khâu thử nghiệm đến sản xuất. “Chính phủ sẽ có nhiều việc cần làm nếu muốn giành được lòng tin của người dân” - ông nói.

Một trong những việc đó là củng cố niềm tin vào vaccine bằng cách cho các quan chức cấp cao tiên phong chích ngừa để nêu gương. Ngày 5-3, bác sĩ Cyprian Ngong của Bệnh viện quốc gia Abuja là người Nigeria đầu tiên được tiêm ngừa COVID-19, sau đó đến một số nhân viên y tế của bệnh viện, tổng thống, phó tổng thống Nigeria và nhiều bộ trưởng.

Số phận nào cho vaccine AstraZeneca?

HỒNG VÂN 24/03/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Danh sách các quốc gia ngừng, tạm hoãn tiêm vaccine của AstraZeneca đang tăng lên vì thận trọng. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ buộc phải tiến hành xem xét vaccine này vì Viện Serum của Ấn Độ sản xuất vaccine của AstraZeneca cung cấp cho khoảng 70 nước trên thế giới.

 

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm một liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca ở Ronquieres, Bỉ ngày 15-3-2021. Ảnh: REUTERS

 

Nhiều nước thận trọng

Mấy ngày gần đây, một số nước châu Âu - láng giềng gần của hãng dược AstraZeneca (trụ sở tại Anh như Đức, Pháp, Ý, Cộng hòa Ireland, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Iceland) đã ngừng tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng này. 

Ngay cả khi chương trình tiêm chủng của Liên minh châu Âu (EU) bị chậm tiến độ, nhiều nước muốn có báo cáo về các trường hợp gặp vấn đề đông máu đang khiến dư luận xôn xao trước khi tiếp tục tiêm vaccine này.

Sáng 15-3 (giờ VN), AstraZeneca cho biết đã xem xét tất cả dữ liệu về an toàn hiện có của hơn 17 triệu người được tiêm vaccine của hãng ở EU và Anh mà không phát hiện bằng chứng nào về nguy cơ gây tăng thuyên tắc mạch phổi, huyết khối (đông máu) tĩnh mạch sâu hoặc giảm tiểu cầu ở tất cả nhóm tuổi, giới tính, ở bất kỳ quốc gia nào. 

Hãng dược muốn tái khẳng định vaccine phòng COVID-19 do họ sản xuất là an toàn dựa trên bằng chứng khoa học rõ ràng. Tuy nhiên, dù AstraZeneca cố thuyết phục, danh sách các nước ngừng tiêm vì thận trọng đang dài ra.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết họ đã có báo cáo về sự xuất hiện của cục máu ở tĩnh mạch não, nhưng không nói rõ sự cố xảy ra ở đâu, khi nào. Theo Reuters, Viện Paul Ehrlich ở Đức, cơ quan quốc gia có trách nhiệm giám sát về vaccine, đưa ra khuyến cáo Đức nên dừng sử dụng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. 

Như các quốc gia khác, ông Jens Spahn cho biết quyết định của Đức không có động cơ chính trị. Mặc dù nguy cơ xảy ra đông máu là thấp nhưng điều này không thể bỏ qua. 

Ireland tạm ngừng vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất sau khi có báo cáo của Na Uy về tình trạng đông máu nghiêm trọng ở một số người được tiêm. Ba nhân viên y tế ở Na Uy đã phải nhập viện để điều trị vì xuất huyết, đông máu và giảm tiểu cầu sau khi được tiêm vaccine AstraZeneca.

Trước đó, ngày 8-3, Hàn Quốc cũng cho biết có 8 trường hợp tử vong gần đây sau hơn một tuần triển khai chương trình tiêm chủng ở nước này. Tuy nhiên Hàn Quốc khẳng định không tìm thấy sự liên hệ giữa vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca với sự cố. 

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang xem xét những báo cáo trên và có thể sẽ đưa ra hướng dẫn về việc sử dụng vaccine này, cụ thể là ảnh hưởng của những báo cáo về biến chứng đến quyết định cho phép sử dụng vaccine.

Hiện nay, cả EMA và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều khẳng định các dữ liệu hiện tại không cho thấy vaccine của AstraZeneca gây đông máu. Ngày 15-3, sau khi nhiều nước tạm ngừng triển khai tiêm vaccine của AstraZeneca, chuyên gia của WHO vẫn xác nhận không thấy có sự liên hệ nào giữa vaccine này và tình trạng máu đông phát hiện ở một số bệnh nhân tại châu Âu. 

Phát biểu trong buổi họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), bà Margaret Harris, người phát ngôn của WHO, cho biết hội đồng cố vấn về vaccine của cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ các số liệu an toàn và kêu gọi mọi người đừng hoang mang.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ nhanh chóng sử dụng lại vaccine của AstraZeneca nếu EMA vẫn xác nhận tính an toàn của vaccine.

Trước sự thận trọng của châu Âu với các trường hợp nghi ngờ bị máu đông, Ấn Độ, nơi có Viện Serum, đơn vị được sản xuất vaccine của AstraZeneca xuất khẩu cho khoảng 70 nước, cũng sẽ đánh giá kỹ lưỡng về tác dụng phụ sau tiêm của vaccine này.

Tờ thời báo Hindustan cho biết N. K. Arora, một thành viên của ban chuyên trách COVID-19 của Ấn Độ, khẳng định sẽ xem xét tất cả những sự cố nghiêm trọng, đặc biệt là những trường hợp nặng phải nhập viện hoặc tử vong và công bố thông tin minh bạch nếu phát hiện bất cứ lo ngại nào.

Tại Mỹ, kết quả của thực nghiệm lâm sàng của vaccine AstraZeneca trên 32.000 người Mỹ đang được đánh giá độc lập để xem xét cấp phép khẩn cấp như đối với 3 loại vaccine khác của các hãng Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.

Trước việc cơ quan chức năng các nước châu Âu khác tạm ngừng triển khai tiêm vaccine của AstraZeneca, bác sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ, ngày 15-3 cho biết mặc dù bản thân chưa trực tiếp nhìn bộ số liệu về kết quả thử nghiệm nhưng “khá yên tâm” với kết luận từ cơ quan quản lý phía châu Âu rằng các vấn đề xảy ra có thể do tình cờ và không liên quan đến vaccine. 

Theo ông Collins, do có rất nhiều người được tiêm, khả năng có một số người có tình trạng xuất hiện cục máu đông đúng khoảng thời gian họ được tiêm vaccine. “Không có bằng chứng rõ ràng là những người được tiêm vaccine bị đông máu với tỉ lệ ngày càng tăng. Có thể đã xảy ra phản ứng mạnh với một thứ gì đó không liên quan đến vaccine”, ông thận trọng.

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) vẫn xem xét dựa trên kết quả thực nghiệm lâm sàng để quyết định cấp phép cho AstraZeneca lưu hành. FDA sẽ cần khoảng 3 tuần để phân tích kết quả và sau đó bỏ phiếu chấp thuận.

 
 Một người dân ở Ethiopia được tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca ngày 13-3-2021.  Ảnh: REUTERS

 

Luôn có tỉ lệ phản ứng sau tiêm

Không phải chỉ vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca mà với các loại vaccine và thuốc khác trên thế giới, người được tiêm có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn, thường là nhẹ như sốt nhẹ, sưng, tấy, đỏ, đau sau tiêm nhưng sẽ nhanh chóng biến mất. Trường hợp gặp tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm xảy ra. 

Việc các nước tạm ngừng triển khai tiêm vaccine của AstraZeneca cũng là quy trình thường quy được thực hiện tốt: vaccine thường xuyên được theo dõi để đánh giá về tính hiệu quả và để phát hiện những sự cố hiếm chưa được ghi nhận trong các nghiên cứu lâm sàng trước đó.

Theo hồ sơ về vaccine của AstraZeneca trên EMA, tính an toàn tổng thể của vaccine này dựa trên phân tích từ dữ liệu của các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở Anh, Brazil và Nam Phi. Tại thời điểm phân tích, một số trong 23.745 tình nguyện viên từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ngẫu nhiên ít nhất 1 liều. 

Các phản ứng sau tiêm được ghi nhận nhiều nhất là đau do tiêm (63,7%), vị trí tiêm đau (54,2%), nhức đầu (52,6%), mệt mỏi (53,1%), đau cơ (44,0%), khó chịu (44,2%), sốt (7,9%), ớn lạnh (31,9%), đau khớp (26,4%) và buồn nôn (21,9%). Phần lớn các biểu hiện này biến mất trong vòng vài ngày sau khi tiêm.

Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ khẳng định vaccine phòng COVID-19 giúp bảo vệ chúng ta khỏi căn bệnh. Việc có một số tác dụng phụ là dấu hiệu cho thấy cơ thể chúng ta đang tạo ra sự bảo vệ. Mặc dù mệt mỏi sau tiêm có thể cản trở chúng ta trong công việc hằng ngày, chúng ta vẫn nên tiêm vaccine và cần tiêm đủ liều để có sự bảo vệ tốt nhất.

Theo WHO, với những rủi ro đã biết của vaccine, lợi ích của nó trong ngăn ngừa vượt trội những rủi ro tiềm ẩn. Một số có thể ngăn chặn bằng vaccine như bệnh uốn ván có thể gây đau đớn tột độ, gây co cứng cơ (khớp xương hàm) và đông máu, bệnh sởi có thể gây viêm não và mù lòa. ■

Vaccine là hi vọng giúp thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19 - Ảnh: freepik

 

Một người bạn tôi, là nha sĩ ở Mỹ, tiêm vaccine Moderna (của Mỹ) cũng bị hành trong cả hai lần mà vẫn phải cố gượng đi làm. Mũi 1, chích xong mấy tiếng thì cô bắt đầu bị nhức ở chỗ tiêm. Tối về không quay nổi qua phía chích nhưng nhờ đi làm nên cũng lướt qua.

Đến mũi thứ 2, biết trước sẽ bị hành sốt, tiêm xong vào buổi chiều, cô về ăn tối, uống 1 viên Tylenol để đi ngủ sớm. Đến 2h30, cô thức dậy vì toàn thân lạnh run, đắp mền mà vẫn run cầm cập, phải bật cả máy sưởi mà vẫn không hết run. Đến sáng, người vẫn hơi sốt, lạnh run, nhức đầu, muốn ói, tay nhức. Cô được dặn phải liên tục uống thuốc Ibuprofen và Tylenol luân phiên mỗi 6 tiếng. 3-4 ngày sau cô mới khỏe lại.

Các trường hợp tử vong sau tiêm với các loại vaccine khác (ngoài AstraZeneca) không phải là không có. Với vaccine Moderna, gần đây bà mẹ đơn thân 39 tuổi, là kỹ thuật viên cho các cơ sở thẩm mỹ ở Utah, chết 4 ngày sau khi tiêm mũi thứ 2. Nguyên nhân tử vong của trường hợp này đang được điều tra vì tình trạng của cô hoàn toàn ổn sau khi tiêm mũi 1.

Vaccine Moderna không được hướng dẫn tiêm với những người có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vaccine. Với vaccine Pfizer-BioNTech, tại Na Uy, Tây Ban Nha đều có các trường hợp tử vong ở người lớn tuổi, một số có bệnh lý nền nhưng số liệu toàn cầu tính đến ngày 11-3 cho thấy vaccine có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa COVID-19.

Chích ngừa COVID ở một xó xỉnh Thổ Nhĩ Kỳ

SÁNG ÁNH 23/03/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Ghi chép của một người tương đối cao tuổi không phải dân bản xứ đã được chích ngừa COVID-19 ở một vùng xa xôi chuyên làm du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào mùa này lúc 9h30 sáng thị trấn Thổ Nhĩ Kỳ nơi tôi ở hết sức bình yên. Nó tuy nằm trên một lộ lớn, nhưng ở phía khu dân cư chứ không phải phía du khách ăn chơi mua sắm.

Bệnh xá của thị trấn là một căn nhà hai tầng bé, có ba bác sĩ nhà nước phục vụ. Trước sân, tôi nhận ra một bà ngoại kiều tôi biết mặt và là người Đức đang ngồi hút thuốc. 

Tôi hỏi bà cũng đến chích ngừa COVID-19 hay sao? Bà cười bảo, anh nhìn tôi thế này mà bảo giờ mới đến lượt chích ngừa hay sao? 

Tôi chích lâu rồi! Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chích ngừa là do ưu tiên tuổi tác và bà cho là tôi khéo nịnh đầm vì bà đã ngoài 70 và hơn tôi cả chục tuổi.

Bệnh án trên máy tính

Tôi đi qua đi lại Thổ Nhĩ Kỳ như vậy đã hơn hai năm. Tôi sang mua nhà để ở một thời gian dài liên tục, thường 3 tháng liền, nhưng chưa lần nào có dịp ở lâu như lần này. 

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mở cửa cho du lịch bất chấp COVID-19. Ảnh: The National

 

Thời gian còn lại trong năm, tôi dự tính 3 tháng ở Thái, 3 tháng ở Pháp và 3 tháng ở Mỹ, dù không hẳn phải chia đều. Tôi mang quốc tịch Hoa Kỳ nhưng có quy chế thường trú ở Pháp. 

Tại Thái Lan, nơi tôi cũng hay qua, tôi chỉ có quy chế du khách. Từ khi COVID-19 ập đến vào tháng 3-2020, tôi rời Thái và một năm rồi chưa có dịp trở lại. Trong năm vừa qua, nước Mỹ tôi có hai dịp ngắn ngủi trở về. 

Phần lớn đầu mùa dịch tôi ở Pháp và 6 tháng qua ở liên tục tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi trước giờ tôi chưa hề ở hết 90 ngày phép của du khách. Rồi COVID-19 khiến tôi phải làm giấy tờ thường trú tại đây.

Đó là chuyện thủ tục hành chính nhưng liên quan đến chuyện dịch bệnh và chuyện chích ngừa. Thổ có hệ thống y tế đăng ký tên qua điện thoại di động. Với số CMND hay trong trường hợp tôi, số thường trú của người nước ngoài, bạn có hồ sơ bệnh lý ngay trên máy. 

Vào thời COVID, dùng phương tiện chuyên chở công cộng nội địa, xe lửa, xe đò, máy bay, hay vào khu mua sắm, ngân hàng phải có số đăng ký COVID. Dùng số này, bật di động lên ta thấy được tình trạng lây lan ở đầu ngõ hay cuối đường, bật lên đốm xanh đốm đỏ xem thấy khiếp. 

Việc này dĩ nhiên được miễn áp dụng cho du khách và thực thi cũng tùy lúc tùy nơi, các cửa hàng ăn uống thì lơ là mà chỉ đo thân nhiệt, các trung tâm mua sắm lớn thì kỹ lưỡng - không có, họ không cho vào.

Khi tôi đến đây đầu tháng 9 thì vẫn còn nhiều du khách. Ở vùng này phần lớn là người Nga, Belarus, Ukraine, Gruzia, Azerbaijan, Kazahstan, Trung Á… vì vừa rẻ vừa gần. 

Nhưng lý do đầu tiên là thời tiết dễ chịu, ngay tại Kemer này cũng có mấy resort “oligarch” giá 2.000-3.000 USD/đêm, nhưng giàu nghèo gì thì cũng “da” hay “niet” tất. Số nhiễm tại các nước trên cũng tương đương với Thổ và năm rồi, đây là nơi hiếm hoi họ còn đi nghỉ được.

Thái Lan chẳng hạn thì cấm cửa hẳn. Du khách ở Thổ năm 2019 là 51 triệu người và tạo ra tiền của tương đương 12,7% tổng sản lượng quốc gia, khá tương đồng với Việt Nam (du lịch chiếm 9,2% GDP), cũng đang trên đà tăng trưởng thì bị COVID vật té gãy xương. 

Quý 3-2020, doanh thu du lịch xuống 70%, nhưng Thổ quyết không đóng cửa. Du khách trên 65 tuổi sau 9 giờ tối vẫn được ra đường trong khi người trong nước bị cấm. Tới đầu năm 2021 thì tình hình căng thẳng, giới nghiêm từ 9 giờ tối thứ sáu đến 5 giờ sáng thứ hai. Tất cả hàng ăn đều chỉ được bán mang đi, không cho ăn tại chỗ.

Chuyện này vẫn chừa cho du khách và các khách sạn, sang thứ bảy hay chủ nhật ngoài bãi biển trên 1km tôi gặp như thế vào mỗi bận ra ngoài được 10 người.

Đầu tháng 3, các nhà hàng được mở cửa cho khách ăn tại chỗ, và giới nghiêm hiện là từ 9 giờ tối thứ bảy đến 5 giờ sáng thứ hai thôi. Đây có lẽ phần lớn là lý do kinh tế chứ chẳng phải y tế. 

Mùa xuân sang ở đây, hiện trời và nước biển 20 độ C. Phi trường Antalya từ nước ngoài hôm 13-3 có 37 chuyến bay đến, 30 chuyến là từ khu vực Nga và Trung Á, tương đương mỗi ngày năm bảy ngàn người thôi. Một mùa nghỉ mát bình thường, riêng thị xã Kemer nhận 100.000 du khách.

Đi chích ngừa

Tình thế như vậy, Thổ ào ạt tăng chích ngừa COVID là dễ hiểu, số người được tiêm chủng vượt mức trung bình của EU. Vợ tôi, tuy kém tuổi tôi, lại được gọi đi chích ngừa trước mấy ngày. Có lẽ là vì cô đăng ký y tế và thường trú từ năm ngoái. Tôi thì mới thi hành thủ tục này vào cuối năm, khi tôi hết hạn chiếu khán du lịch.

Ảnh: Our World in Data. Ghi chú: Việt Nam chưa có dữ liệu

 

Giờ, nếu không là công dân hay thường trú ở đây thì chích ngừa bằng cách nào? 

Tôi không biết. Bạn phải hiện diện trong hệ thống y tế của Thổ thì người ta mới biết mà đè bạn ra chích. Tại đây, chỉ có mấy trăm ngàn lượng thuốc Pfizer hàng Đức - Mỹ, còn lại là Sinovac hàng Trung Quốc hết. 

Tôi chích trễ, cùng đợt 55-60 tuổi, và thấy có một nhân viên an ninh mặc đồng phục. Tại Thổ, ưu tiên chích ngừa là cho nhân viên y tế, nhân viên an ninh phải tiếp xúc với quần chúng, theo tuổi và theo bệnh lý. Hẹn của tôi, nhấp nháy leng keng trên di động là 9h30. Tôi đến sớm 10 phút.

Bệnh xá lúc đó khoảng 10 người có mặt. Đây là bệnh xá công cộng, không được sáng sủa bằng hệ thống bệnh viện tư trước đây tôi sử dụng. Chích ngừa là độc quyền hệ thống y tế nhà nước, các bệnh viện tư không đến lượt.

 Công cộng là chích ngừa miễn phí, còn các bác sĩ khám bệnh có lẽ cũng vậy, nên bệnh nhân tôi thấy rất nhiều người mang giỏ cam giỏ chanh tặng bác sĩ và nhân viên. 

Vùng này là vùng trồng cam quýt, rơi vãi khắp nơi và đây là quà lấy thảo vậy thôi, nghĩ cũng khổ, làm bác sĩ bệnh xá, mỗi ngày phải khiêng về nhà mấy ký cam!

Trên 10 con bệnh này có một nửa là đến để chích ngừa. 9h29 là tôi được chích xong, khoảng 2-3 phút sau khi tôi trình diện. Y tá bảo ngồi đó đợi 15 phút xem có phản ứng phụ gì không rồi được đi về. 

Tôi ra ngoài ngồi nhìn cảnh trời mây rồi 15 phút sau trở vô ghé đầu vào cửa ra hiệu cho cô biết là tôi chưa xỉu và còn sống. Chứng nhận chích ngừa đã về đến di động của tôi, cùng với ngày hẹn chích lần thứ nhì là 4 tuần sau.

Thổ Nhĩ Kỳ đến ngày 12-3 có 12% dân số được chích mũi đầu. Con số này ở Mỹ là 29% trong khi Pháp, Đức và các nước EU mới 9-10%. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan được chích ngừa. Ảnh: cgtn.com

 

Tuy nhiên, nếu tính số chích đủ hai mũi thì Thổ hiện là 3,2% dân số, Hoa Kỳ là 10,1%, trong khi Pháp, Đức ở mức 3-3,1%. Ở Đông Á, các con số này hiện rất ít vì tình trạng nhiễm không thể so sánh với bên Tây. 

Thái Lan chẳng hạn, mới chích ngừa mũi đầu được có 0,05% dân số và kỹ nghệ du lịch tại đây chiếm 20-22% GDP nên cũng lăm le mở cửa. 

Giờ nếu muốn sang Thái, phải có thử nghiệm âm tính, đến nơi vào khách sạn cấm túc 15 ngày và thử tiếp 2 lần nữa, sau đó được ra và có chiếu khán dài hạn là 90 ngày. 

Tiền khách sạn cấm túc phải tự trang trải, tùy hạng tùy loại theo khả năng như khi đi du lịch vậy. Nếu không có người yêu địa phương thì chẳng ai lại rảnh đi du lịch kiểu đó. 

Tôi cũng rảnh, nhưng không có người yêu Thái, qua đó làm gì, để nhìn ra cửa sổ và làm thơ COVID trong phòng cách ly: “Hàng cây um khói Sukhumvit / Ta đợi em từ 15 hôm nay” sao?

Theo các chuyên gia, ngành du lịch thế giới, cũng như việc đi lại để trở thành bình thường, chắc phải đợi đến 2022, sau khi một số lớn quốc gia được chích ngừa đầy đủ. Phần tôi, nếu ở Pháp ở Mỹ thì cũng đã được chích ngừa, sớm hay chậm hơn ở Thổ một tuần hay vài ngày.■

Về ca nhiễm thì tới 12-3 Thổ đứng hàng 65/219 trên toàn cầu về mặt tương đối (hơn 33.000 ca/1 triệu dân), so với 1/3 dân số của Hoa Kỳ và khoảng 1/2 của Pháp, tất nhiên là không so với Việt Nam được. 

Dĩ nhiên, số bệnh này không phân phát đồng đều trên khắp nước. Tại nơi tôi ngụ, thị xã Kemer miền biển, 45.000 dân cư thôi, thì rất ít. Nếu tin vào bản đồ trên di động được cập nhật “live” thì xung quanh nhà tôi, hàng quán, chẳng có trường hợp nào. 

Ra ngoài thị xã thì bệnh viện công trên quốc lộ có lốm đốm và một thị xã nhỏ rất ít dân cư cách 4 cây số xui sao lại trúng nhiễm ngay sau công viên giải trí Khủng Long, hiện đã đóng cửa. Toàn thể các ca tại Kemer là 150, về tỉ lệ ở mức 1/10 của toàn quốc.

Thành phố lớn gần nhất Antalya (1 triệu dân) cách đây 30km lại trúng nặng. Các khu bình dân đông đúc bên ở đó đỏ lòm, còn phía biển lồng lộng, gió tạt virus ra ngoài khơi về hướng quốc đảo Cyprus láng giềng chăng.

Bên Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đặt mục tiêu mọi người Mỹ trưởng thành có thể chích vaccine sẽ được chích hết cho tới ngày 1-5. 

Riêng tháng qua, tỉ lệ chích vaccine đã tăng lên khoảng 40 phần trăm, tương đương trung bình 2,3 triệu mũi một ngày tính tới 12-3, so với khoảng 1,7 triệu mũi một ngày vào 12-2, theo cơ sở dữ liệu của báo The New York Times

Quang cảnh ở một khu vực lái xe qua để chích ngừa ở tiểu bang Kentucky, Mỹ. Ảnh: ABC News

 

Ghi nhận thực tế ở Detroit, một sân vận động đã được dùng làm nơi chích vaccine với công suất lên tới 6.000 mũi một ngày. 

Nhà nước cũng kết hợp với chuỗi cửa hàng dược phẩm Walgreens, vốn có mặt ở gần như mọi đô thị lớn nhỏ, để triển khai vaccine đại trà cho người dân đúng nghĩa “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) ghi rõ trên trang chủ của họ ở mục hỏi-đáp: “Chính quyền liên bang cung cấp vaccine miễn phí cho tất cả mọi người sống ở Hoa Kỳ, bất kể quy chế định cư hay tình trạng bảo hiểm y tế của họ có ra sao”.

Phía chính quyền cũng đã quyết liệt đẩy nhanh tiến trình sản xuất và phân phối vaccine, một phần không nhỏ được khởi động từ thời chính quyền Donald Trump.

Các tiểu bang cũng đang ngày càng mở rộng diện được chích vaccine. 

Ước tính từ khi chiến dịch bắt đầu vào tháng 12-2020, 101 triệu liều đã được chích trên cả nước, theo CDC. 

Giới chức y tế Mỹ cũng cảnh báo việc triển khai vaccine là “một cuộc chạy đua với thời gian” khi các biến chủng mới vẫn tiếp tục xuất hiện đó đây và giới lãnh đạo nhiều tiểu bang đang sốt ruột muốn dỡ bỏ các lệnh phong tỏa. 

Tuy nhiên, chính quyền liên bang vẫn nhắc nhở dân chúng thận trọng. 

“Chúng tôi cần mọi người tiếp tục rửa tay, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang theo khuyến cáo của CDC - ông Biden nói hôm 11-3 trong một bài phát biểu phát cho toàn quốc - Vì thậm chí nếu chúng ta dành ra mọi nguồn lực chúng ta có, việc đánh bại con virus này và trở lại cuộc sống bình thường vẫn đòi hỏi sự đoàn kết quốc gia nữa”.

Vaccine COVID-19: Cân đong nguy cơ

TƯỜNG ANH 21/03/2021 23:00 GMT+7

TTCT - Tiêm hay không tiêm vaccine COVID-19 đang là một câu hỏi không dễ trả lời lúc này. Cùng lúc với việc phân bổ và mua bán vaccine các loại trên khắp thế giới, hai luồng ý kiến đồng thời xuất hiện: ủng hộ và không ủng hộ tiêm vaccine. Vì sao?

Ngày 12-3, Reuters đưa tin Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu kiểm tra xem ba loại vaccine đã được EU phê duyệt có thể kích hoạt giảm tiểu cầu miễn dịch, dẫn đến xuất huyết nội hay không. 

Việc này diễn ra do có các báo cáo về những tác dụng phụ được quan sát thấy sau khi tiêm AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna. EMA công bố quyết định này sau khi tại Áo và Đan Mạch có những ca tử vong do hình thành cục máu đông gây thuyên tắc phổi, sau khi các nạn nhân này tiêm AstraZeneca.

Ảnh: The Washington Post

 

Đây không phải là lần đầu vaccine COVID gây lo ngại. Trước đó, thế giới đã một phen giật mình khi Ruud Dobber, giám đốc điều hành cấp cao của hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca, nói thẳng rằng công ty của ông sẽ không chịu trách nhiệm về vaccine COVID-19 đang được phát triển.

Tác dụng phụ sau... 4 năm?

Cụ thể, nguyên văn lời Dobber: “Chúng tôi đơn giản không thể mạo hiểm... nếu sau 4 năm vaccine phát ra tác dụng phụ”. Theo ông, chính quyền một số nước đã sẵn sàng “tự mình gánh vác nguy cơ này, vì nó đáp ứng lợi ích quốc gia của họ”.

Dobber không liệt kê chính xác những quốc gia nào, ngoài Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, đồng ý với các điều khoản của AstraZeneca, một trong những đơn vị đi đầu trong cuộc chạy đua chế tạo vaccine. 

Tổng cộng, hãng này đã cam kết cung cấp hơn 2 tỉ liều, giá cứng. Sau AstraZeneca, những gã khổng lồ dược phẩm toàn cầu khác - Pfizer, Sanofi và Johnson & Johnson - cũng tuyên bố không sẵn sàng chịu trách nhiệm cho vaccine mình chế tạo. 

Liên quan đến đề tài này, Reuters cũng nhắc ở Hoa Kỳ năm 2005 đã thông qua quy định loại trừ các khiếu nại pháp lý chống lại nhà sản xuất thuốc trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, gọi tắt là đạo luật “PREP”, trong khi châu Âu chưa có quy định như vậy.

Tình hình quả là lưỡng nan. Nếu không tiêm vaccine, sẽ không thể nhanh chóng đánh bại đại dịch, và khả năng một cuộc phong tỏa mới các nền kinh tế là rất cao. 

“Việc AstraZeneca và nhiều công ty dược phẩm lớn đang gấp rút đưa vaccine COVID-19 ra thị trường và các chính phủ cấp quyền miễn trách nhiệm tư pháp cho họ nếu vaccine có tác dụng phụ cho thấy các nhà quản lý và chính phủ có rất ít niềm tin vào những loại thuốc này”, nhà phê bình Mỹ Tyler Durden nói trên blog Zerohedge.

Bất chấp các mối lo xuất hiện gần đây, hằng tuần trên trang web của WHO, danh sách các vaccine đang được phát triển liên tục được cập nhật với các ứng viên mới. 

Các công nghệ khác nhau được sử dụng trong quá trình phát triển và WHO có kế hoạch chi 18,1 tỉ đôla mua các loại vaccine khác nhau, “để mọi người đều có thể nhận được liều lượng cần thiết”.

 

Nhưng bất chấp sự phong phú của các ứng viên và nhiều cách tiếp cận, chỉ một số vaccine có khả năng về đích, nhiều loại sẽ bị loại bỏ ở giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng. 

Cùng với các loại thuốc tiêm thông thường, một số loại vaccine dùng trong mũi đang được phát triển (bao gồm ở Viện Y học thực nghiệm St. Petersburg, Nga). 

Đây là các loại vaccine được sử dụng dưới dạng xịt mũi, chủ yếu bảo vệ màng nhầy - “cửa ngõ” của nhiễm trùng, vì ngoài các globulin miễn dịch IgG, chúng còn kích thích sản xuất IgA, đóng vai trò quan trọng chống lại các tác nhân gây các bệnh đường hô hấp và đường ruột.

Trong quá khứ, đã có trường hợp tiêm chủng để lại hậu quả lâu dài, nguy hiểm. Svpressa.ru dẫn lời bác sĩ Thụy Điển Jan Forsberg cho biết một trong những loại vaccine viêm gan B từng gây ra bệnh đa xơ cứng sau đó đã bị cấm. 

Cũng đã có tiền lệ thất bại trong chủng ngừa cúm, gây ra hội chứng Guillain-Barré (suy giảm cảm giác) và chứng ngủ rũ (mất ngủ vào ban đêm và ngủ đột ngột vào ban ngày). 

Ngày nay, các chuyên gia tin rằng do áp lực về thời gian và do đặc điểm di truyền, một số người được tiêm vaccine COVID-19 mới có thể gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng. Nhưng nếu tỉ lệ là 1:100.000 thì việc tiêm chủng được coi là thành công.

Rủi ro của một số vaccine đang lưu hành

Những rủi ro và tác dụng phụ của một số vaccine sau khi tiêm, tổng hợp từ các phương tiện truyền thông như DW (Đức), NY Times (Mỹ) và RIA Novosti (Nga) như sau:

Với BioNTech/Pfizer, trong các thử nghiệm lâm sàng, vaccine BNT162b2 không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở những người tham gia. Một phản ứng điển hình khi tiêm chủng như suy nhược và đau đầu ở bệnh nhân cao tuổi là rất hiếm và hầu hết là nhẹ. 

Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu được đưa vào sử dụng, vaccine có gây dị ứng nghiêm trọng ở một số ít bệnh nhân. Một người Mỹ và hai người Anh bị sốc phản vệ, kèm theo đỏ da và khó thở. Các cơ quan y tế của Anh đã cảnh báo những người bị dị ứng về nguy cơ với việc tiêm vaccine này.

Với Moderna, vaccine mRNA-1273 của hãng về thành phần rất giống với thuốc BioNTech/Pfizer. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, những người tham gia thử nghiệm, theo nhà sản xuất và các cơ quan kiểm soát, dung nạp vaccine tốt. 

Phản ứng sau tiêm chủng nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn. Đồng thời, 9,7% số người được tiêm chủng mRNA-1273 cảm thấy yếu đi trong người.

Một số ít người tham gia nghiên cứu có phản ứng dị ứng với vaccine và trong một số trường hợp cá biệt, bị liệt dây thần kinh mặt. Tuy nhiên, người ta không biết liệu phản ứng này có liên quan trực tiếp đến việc tiêm chủng hay không.

Có một giả thiết cho rằng phản ứng phụ không phải do mRNA gây ra, mà là do một hạt nano lipid, đóng vai trò như chất vận chuyển các sinh vật gây bệnh để phân phối đến các tế bào và sau đó được bài tiết ra khỏi cơ thể.

Với AstraZeneca, trong quá trình thử nghiệm lâm sàng từng xảy ra sự cố: một trong những người tham gia bị viêm tủy sống sau khi được tiêm vaccine. 

Nghiên cứu bị gián đoạn cho đến khi một nhóm chuyên gia độc lập xác định rằng tình trạng viêm không liên quan đến vaccine. Sau đó, việc tiêm phòng bằng vaccine AstraZeneca gây ra các phản ứng điển hình ở bệnh nhân: đau tại chỗ tiêm, nhức đầu và đau cơ. 

Đến ngày 12-3, trên 10 quốc gia đã từ chối tiêm chủng hoặc hoãn tiêm vaccine AstraZeneca bị nghi ngờ gây phản ứng nặng cho bệnh nhân. Nước đình chỉ đầu tiên là Áo, nơi sau khi tiêm vaccine, một phụ nữ đã chết và một người khác bị thuyên tắc phổi - tắc mạch do máu đông. 

Sau đó đến lượt Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Estonia, Lithuania, Luxembourg, Cyprus, Latvia, Ý. Ở châu Á, mới nhất có Thái Lan cũng tạm đình chỉ tiêm một lô hàng vaccine AstraZeneca sau khi nghe những thông tin lo ngại từ châu Âu.

Ảnh: Chemistry World

 

Vaccine Sputnik V được đăng ký tại Nga vào tháng 8-2020, trước giai đoạn thứ ba của thử nghiệm lâm sàng với hàng chục nghìn người. 

Sputnik V sử dụng hai adenovirus đã được sửa đổi, rAd26-S và rAd5-S. Ngày 2-1 vừa rồi, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko thông báo: Với hơn 800.000 người đã được tiêm, chỉ ghi nhận những phản ứng thông thường sau tiêm chủng như đau đầu và sốt. 

Tại Argentina, theo các cơ quan y tế, các phản ứng tương tự với vaccine đã được phát hiện ở 317 trong số 32.000 người được tiêm.

Đến nay, theo DW, không có báo cáo nào về tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine Sputnik V. Tuy nhiên ở Nga, một số lượng đáng kể người dân vẫn nghi ngờ. 

Theo Reuters, một cuộc khảo sát với 3.040 bác sĩ và những người làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho thấy 52% “không muốn tiêm chủng do thiếu thông tin”. 

Tác giả Anna Remish thừa nhận trên RIA Novosti: “Ít nhất 20% dân Nga và 1/5 nhân viên y tế tin rằng “tiêm chủng là không an toàn”. 

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những tuần gần đây, một làn sóng lo sợ lớn đã dấy lên trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông Nga liên quan đến các vaccine đang được phát triển: chúng được gọi là “quả bom hẹn giờ”. 

Trên thực tế, nhân loại đang ở trong một tình huống mà hiệu quả của các loại thuốc khác nhau được thử nghiệm “tại chỗ” (nghĩa là trực tiếp trên bệnh nhân) - bởi không có cách nào khác. Đúng ra là vẫn chưa có cách nào khác!”, tác giả bài báo kết luận.

Phải quyết định ra sao?

Đến giờ, mỗi người phải tự cân nhắc tất cả rủi ro và lợi ích để quyết định cho mình: liệu khả năng bảo vệ bản thân và những người khác, trở lại cuộc sống bình thường có quan trọng hơn những rủi ro liên quan đến các loại vaccine mới và chưa được nghiên cứu đầy đủ?

Tất cả các tác dụng phụ được xác định cho đến nay chỉ là kết quả của những kiến thức thu thập được trong vài tháng. 

Tác dụng phụ lâu dài chỉ có thể hiểu được sau các nghiên cứu dài hạn đi kèm chiến dịch tiêm chủng ở nhiều quốc gia.

Giáo sư Christian Bogdan, giám đốc Viện vi sinh lâm sàng, miễn dịch và vệ sinh tại Bệnh viện Đại học Erlangen (Đức), trong khi thừa nhận vẫn còn rủi ro, cũng nói với DW: “Nếu khả năng tử vong do nhiễm virus corona ở một người cao tuổi là 20% và nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng do tiêm chủng là 1:50.000 hoặc ít hơn thì tôi sẽ chấp nhận rủi ro đó”. 

Tuy nhiên, giáo sư Bogdan không khuyên trẻ em tiêm phòng vì nguy cơ tử vong do COVID-19 đối với chúng gần như bằng 0. Chuyên gia cũng khuyên không nên tiêm vaccine cho phụ nữ có thai và cho con bú. ■

Được biết, đến 5-3, vaccine AstraZeneca đang dẫn đầu thế giới về số nước đồng ý sử dụng (49, hiệu quả còn tranh cãi), tiếp đó là Sputnik V (45 nước ủng hộ, hiệu quả 92%), Pfizer (43 nước, 95%) và Moderna (19 nước, 94,5%). Ba loại vaccine của Trung Quốc là Sinopharm (18), Sinovac (16), CanSino (4). Cuối cùng là Johnson & Johnson được 4 nước chấp thuận. (Nguồn: TVC.ru và RBK.ru)

Vaccine COVID-19 cho trẻ em: Cần thử nghiệm riêng

HỒNG VÂN 12/03/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Phụ huynh ở các nước nơi vaccine COVID-19 đã được triển khai đang sốt ruột không biết đến khi nào con cái họ được tiêm ngừa. Vấn đề là người dưới 16 tuổi cần vaccine ngừa COVID-19 riêng vì hệ miễn dịch của trẻ đang phát triển và không thể đoán trước.

Bé Abhinav, 12 tuổi ở Ohio, Mỹ tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine của Hãng Pfizer-BioNTech. Ảnh: New York Times.

Đến nay, hai công ty dược Pfizer và Moderna là những công ty tiến xa nhất so với các đối thủ như Johnson & Johnson, Novavax và AstraZeneca… trong triển khai thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em. Cả hai công ty này đều đã thông báo tìm tình nguyện viên từ 12 tuổi trở lên tham gia thử nghiệm.

Tìm tình nguyện viên trẻ em

Đầu năm 2021, Megan Egbert, người mẹ ở bang Ohio, Mỹ, tình cờ đọc quảng cáo và biết Moderna đang tìm kiếm trẻ em để tham gia thử nghiệm đánh giá hiệu quả của vaccine phòng COVID-19.

Đại dịch này đã làm hơn 2,4 triệu người trên thế giới tử vong nên chị Megan rất muốn các con có cơ hội được tiêm vaccine thông qua việc tham gia thử nghiệm. Mặc dù biết sẽ có nhóm đối chứng được tiêm giả dược, xác suất để con mình được tiêm vaccine chỉ là 66%, nhưng Megan vẫn thuyết phục hai con gái - 12 và 14 tuổi - tham gia thử vaccine.

Cả hai đồng ý và thậm chí còn thấy vui vì cảm giác “ngầu” khi được là tình nguyện viên thử vaccine. Các bé vốn đã có một năm học kỳ lạ khi phải học trực tuyến tại nhà và không được gặp thầy cô, bạn bè trực tiếp hằng ngày nên cũng nóng lòng muốn đại dịch chấm dứt như bất kỳ ai.

Với các rủi ro có thể xảy ra, như sốc phản vệ, Megan nói với tạp chí National Geographic chị không quá lo vì cả hai cô bé đều phổng phao hơn các bạn cùng trang lứa, trông không khác gì người lớn và không có tiền sử dị ứng.

Hai cô bé còn được đài truyền hình địa phương phỏng vấn. Tin tức lan truyền từ đây và gia đình chị Megan nhận được vô số bình luận trên mạng xã hội về quyết định của họ. Ngoài những lời khen rằng các cô bé thật can đảm còn có ý kiến chỉ trích các bé đang bị mang ra làm chuột thí nghiệm.

Tác giả Sarah Richards của National Geographic cho rằng những bình luận này tái khẳng định một khúc mắc tồn tại từ lâu trong nghiên cứu nhi khoa: Xã hội rất chần chừ, ngán ngại việc cho trẻ em thử nghiệm thuốc/vaccine. Tuy nhiên, nếu không có người thực việc thực, làm sao các nhà khoa học có thể kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vaccine dành cho trẻ?

Giáo sư khoa nhi của Đại học Maryland James Campbell xác nhận đúng là có thể nhiều phụ huynh sẵn sàng nói không với ý tưởng cho con mình tham gia thử thuốc, “chỉ có nghiên cứu mới cho biết hiệu quả thực tế của vaccine”.

Càng nhỏ càng thận trọng

Cũng giống như các loại vaccine khác đang được lưu hành, trẻ em cần vaccine ngừa COVID-19 riêng vì hệ miễn dịch của trẻ đang phát triển và không thể đoán trước. Chúng có thể phản ứng với virus SARS-CoV-2 theo cách khác hoặc gặp những tác dụng phụ không xảy ra ở người lớn. Do đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu các loại vaccine phòng COVID-19 mới phải được nghiên cứu độc lập ở trẻ em.

Từ mùa thu năm 2020, Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Mỹ đã kêu các phụ huynh cho trẻ thử nghiệm vaccine COVID-19. Từ đó, nhiều thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 ở thanh thiếu niên đã được triển khai. Hãng Pfizer-BioNTech đang thử nghiệm với 2.259 trẻ từ 12 đến hết 15 tuổi. Moderna đang tuyển 3.000 thanh thiếu niên từ 12 đến hết 17 tuổi. Công ty Johnson & Johnson cũng sẽ cho tiến hành thử nghiệm tương tự sau khi vaccine của họ được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Thử nghiệm của vaccine Pfizer/BioNTech ở đối tượng nhỏ hơn, trẻ từ 5-11 tuổi có thể sẽ được triển khai trong tháng tới. Các tình nguyện viên sẽ được tiêm với một liều ít hơn so với liều đang được tiêm cho người lớn và nhóm thiếu niên để xem xét các tác dụng phụ và các phản ứng miễn dịch. Sau đó với liều thứ hai, các nhà nghiên cứu có thể thử liều cao hơn.

Giai đoạn sau nữa sẽ là thử nghiệm ở trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi. Tùy thuộc vào kết quả, các nhà sản xuất có thể tiếp tục nghiên cứu để tạo ra vaccine cho trẻ dưới 6 tháng.

Theo tiến độ lần lượt từng bước này, các dữ liệu đầu tiên trong các thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em, cụ thể là nhóm thanh thiếu niên sẽ có sớm nhất là vào mùa hè năm nay. Dữ liệu của nhóm nhỏ tuổi hơn có thể có vào năm sau.

Sự thận trọng bắt buộc này là vì trẻ em không phải là người lớn với cơ thể nhỏ bé. Hệ miễn dịch của trẻ còn đang phát triển nên việc đánh giá vaccine COVID-19 ở trẻ em có thể đòi hỏi sự cần thiết của một công thức hoặc liều lượng khác cho vaccine. Về lý thuyết, đa số trẻ em sẽ đạt đến độ miễn dịch như người lớn vào khoảng 6 tuổi, nhưng thời điểm này khác nhau giữa các trẻ do di truyền và môi trường.

Trong nghiên cứu về thuốc, giảm dần độ tuổi thử nghiệm là một chiến lược phổ biến, càng dễ hiểu hơn khi bệnh có vẻ nghiêm trọng hơn ở người lớn như trong trường hợp đại dịch COVID-19. Một nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm với trẻ em hoặc trẻ nhỏ ngay được các chuyên gia xem là bất thường.

Lợi thế của việc triển khai nghiên cứu ở trẻ em ngay sau khi có kết quả ở người lớn là các nhà nghiên cứu có thể xây dựng hồ sơ theo dõi lâu dài với các tình nguyện viên đến khi họ trưởng thành.

Trên thực tế, việc giảm dần độ tuổi với vaccine phòng COVID-19 còn là hợp lý vì nhóm tuổi thiếu niên có khả năng bị nhiễm COVID-19 cao hơn so với trẻ nhỏ. Trong nghiên cứu đánh giá các trường hợp nhiễm COVID-19 ở trẻ em, trẻ từ 12-17 tuổi chiếm 63% trong khi trẻ từ 5-11 chỉ chiếm 37%.

Thử nghiệm ở trẻ em phải dựa trên kết quả khả quan của vaccine ở người lớn. Cụ thể, cơ quan chức năng đã xác nhận vaccine của Pfizer/BioNTech trên 21.720 tình nguyện viên trưởng thành tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 đạt hiệu quả 94% trong việc ngăn ngừa COVID-19. Với những kết quả này, các nhà khoa học hi vọng nhiều khả năng vaccine này sẽ tạo được miễn dịch ở thanh thiếu niên.

Theo Robert Frenck - giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine ở Bệnh viện Nhi Cincinnati và là thanh tra trưởng giám sát việc triển khai thử nghiệm vaccine của Pfizer/BioNTech tại Ohio, sau khi thử nghiệm ở người lớn trên quy mô lớn, các nhà nghiên cứu chỉ cần vài ngàn trẻ em để so sánh các tác dụng phụ, liều lượng và phản ứng miễn dịch, đánh giá độ an toàn của vaccine và xác nhận khả năng tạo kháng thể đã được chứng minh trong thử nghiệm ở người lớn. Cách làm này gọi là cầu nối miễn dịch.

 

 

Thuyết phục người lớn 

Trước những ý kiến về việc đem trẻ em ra làm chuột bạch, từ những năm 1970 tất cả các nghiên cứu trên người, theo quy định, đều phải thông qua hội đồng đánh giá thể chế của bệnh viện và theo quy định luật pháp.

Các thử nghiệm trên trẻ em đến gần đây mới được tiến hành còn là để tránh cho các em phải gặp những rủi ro không đáng có. Chỉ khi có đủ dữ liệu về độ an toàn của vaccine ở người lớn, nghiên cứu ở trẻ vị thành niên mới được và chỉ được tiến hành khi thử nghiệm có rủi ro thấp và mang lại lợi ích tiềm năng.

Trong các nghiên cứu ở trẻ em, các nhà nghiên cứu thường gặp khó khăn khi thuyết phục các phụ huynh đồng ý cho con thử nghiệm. Trên thực tế, mức độ bệnh tật của trẻ thường là động lực cho bố mẹ; càng là bệnh hiếm, họ càng sẵn lòng tham gia vì loại thuốc được thử nghiệm có thể là hi vọng duy nhất của họ.

Tuy nhiên, câu chuyện sẽ khó khăn hơn nhiều nếu trẻ không gặp vấn đề sức khỏe khẩn cấp nào, hoặc thiết kế nghiên cứu đòi hỏi nhiều cuộc gặp hoặc sự giám sát liên tục vì các phụ huynh bận rộn sẽ không thể làm điều này.

Để thuyết phục và giữ các tình nguyện viên gắn bó với nghiên cứu đến phút cuối, một trong những cách tốt nhất là tạo mối liên hệ cảm xúc với ý nghĩa của thử nghiệm. Nếu các phụ huynh tin rằng họ không chỉ đang giúp con mình mà còn giúp những người khác, họ sẽ thấy vui vì đang góp phần cho một công việc lớn lao.

Trong trường hợp hai con của chị Megan khi tham gia thử vaccine của Moderna, các bé phải cam kết sẽ ghi nhật ký các triệu chứng xảy ra với mình trong một tuần đầu sau khi mỗi mũi tiêm. Các bé phải dự các buổi khám bệnh từ xa, nộp bốn xét nghiệm virus corona và lấy máu 4 lần trong 13 tháng. Mỗi tình nguyện viên được trả 1.600 USD theo thời gian họ ở lại trong nghiên cứu.■

Mặc dù đại dịch COVID-19 là vấn đề y tế khẩn cấp ở nhiều nước, việc phát triển vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em ngược lại, không mang tính khẩn cấp. Nguyên nhân là do trẻ em không thuộc nhóm nguy cơ cao nhất với virus SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu gần đây ở Iceland với 40.000 người tham gia cho thấy nguy cơ nhiễm virus này của trẻ dưới 15 tuổi chỉ bằng một nửa so với người lớn và khả năng lây lan cũng giảm một nửa. Còn theo các dữ liệu từ đầu dịch đến nay ở Mỹ, chỉ khoảng 2,3% trong số hơn 3 triệu trẻ em dương tính với virus SARS-CoV-2 phải nhập viện với ít nhất 241 trẻ tử vong do COVID-19.

Vaccine Covid: Đường dài nghĩ nỗi đoạn trường...

LÊ QUANG 07/03/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Đã có vaccine COVID nhưng cuộc chiến để thực sự đánh bại con virus và trở lại với đời sống thực sự bình thường xem ra còn quá xa vời...

Năm 2020 - hay từ nay nhận cái tên lịch sử “Năm COVID 1” - còn chưa qua đợt lockdown đầu tiên, khi chưa chính phủ nước nào biết loại thuốc tiêm phòng COVID-19 nào công hiệu đến đâu và nên được cấp phép vào thời điểm nào, có một thủ tướng đã nhanh nhạy đàm phán ngay với Tập đoàn dược phẩm Pfizer để mua thuốc.

Một trung tâm tiêm chủng chỉ thưa thớt người chờ ở Potsdam, Đức. Ảnh: DPA

Lực lượng đối lập trong nghị viện phản đối rào rào vì giá cao ngất ngưởng và rủi ro thì chưa ai lường trước được. Song, hôm nay thương vụ nóng rẫy đó quyết định lô hàng sớm nhất giúp Israel sau đêm giao thừa trở thành quốc gia dẫn đầu tốc độ chích ngừa với 1 triệu người, tức hơn 10% dân số, được nhận thuốc sau hai tuần.

Tính đến ngày 25-7, họ chích ngừa cho một nửa nước, và một phần ba được tiêm mũi thứ hai. Phần còn lại của thế giới có nên lấy đó làm gương?

Dù tốt hay xấu, thế giới biết rõ năng khiếu đàm phán của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ông thuyết phục được BioNTech và Pfizer rằng Israel, với dân số vỏn vẹn 9 triệu, tình nguyện làm môi trường thử nghiệm để xác định hiệu lực của thuốc. 

Canh bạc 5 ăn 5 thua đó không nằm trong toan tính chính trị của các nước châu Âu, nhất là Đức, hôm ấy còn là chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Một phần vì quy trình đưa ra quyết định ở Đức khá gập ghềnh, mặt khác các đảng cầm quyền bị chỉ trích là nghĩ đến tranh cử hơn là cứu nguy. Song không chỉ có thế.

Tồn tại hay không tồn tại?

Đó là câu hỏi ở thời điểm các nhà sản xuất thuốc tiêm chủng đầu tiên rình rập viết đơn xin được cấp phép. Trong nỗ lực cuối cùng trước khi bị đánh bật khỏi Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực cả chính trị lẫn tài chính để đặt trọn các lô thuốc đầu tiên cho Hoa Kỳ, bất kể nhà cung cấp tiềm năng là ai.

Trung Quốc và Nga bị nghi là đốt cháy giai đoạn thử nghiệm lâm sàng để giành chiến thắng mang tính biểu tượng trong cuộc đua này. Canada đặt cọc cho lượng thuốc nhiều gấp đôi dân số. Trái đất đe dọa bị phân cực thành người giàu được tiêm và người nghèo phải đợi.

Israel dự kiến sẽ tiêm chủng COVID-19 cho toàn dân. Ảnh: BBC

Thực ra không có gì khó hiểu: khi sắp chết đuối người ta vớ lấy mọi cọng rơm trong tầm tay. Mọi nỗ lực để tiếp tục tồn tại không nên bị chỉ trích, bởi vì đây là lúc bản năng trỗi dậy. 

Nhiều quốc gia vội vã công bố thứ tự ưu tiên tiêm phòng theo tiêu chí y tế hay chính trị. Ở Đức, dịch vụ tang lễ còn định đình công vì không được chen hàng. Ủy ban Thế vận hội quốc tế hối thúc các ủy ban quốc gia đấu tranh cho vận động viên nước mình được nhận thuốc sớm, đặng kịp dự Olympic Tokyo liên tục đe dọa bị hoãn.

Năm nay Đức chờ đợi cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9, mọi động thái của chính phủ hay bên đối lập đều bị nghi là nhằm mục đích giành ghế. 

Báo Bild, với số ấn bản lớn nhất trong các báo tiếng Đức, đăng tin về “Cuộc nổi loạn công khai của các thủ hiến bang chống thủ tướng đương nhiệm” và tiên đoán Bộ trưởng Y tế Jens Spahn sắp mất chức, dù ông thuộc nhóm ứng viên kế nhiệm bà Angela Merkel. 

Tất cả chỉ vì sự lưỡng lự khi quyết định giảm nhẹ phong tỏa và cân nhắc giá mua thuốc tiêm phòng. Nhưng cái ghế có giá trị gì khi mạng sống của tất cả bị đe dọa?

Tin hay không tin

Sau các tin nóng hổi đầy lạc quan từ Israel, dường như cũng ở đây có chuyển biến theo chiều ngược lại. Giãn cách xã hội lại được đôn đáo tái lập. 

Lễ Purim tưởng nhớ Thiên Chúa tránh cho dân Do Thái bị diệt chủng hôm 26-2 lắng xuống bởi lệnh thiết quân luật về đêm của chính quyền, do con số nhiễm mới trong vòng 24 giờ tăng đột biến và đạt đỉnh điểm kể từ tháng 10-2020.

Từ đầu năm, giữa quảng trường Rabin ở Tel Aviv có một cái lều to như lều rạp xiếc. Băng ghi âm đều đặn phát lời kêu gọi dân chúng đi tiêm phòng. 

Trước đây mấy tuần còn thấy người đông đảo xếp hàng, nay chỉ chừng chục người chờ đến lượt, trong lều cũng lèo tèo. Theo kế hoạch của nhà chức trách, mỗi ngày ở Israel tiêm cho 200.000 người, nhưng con số của hai tuần đầu tháng 2 chưa đạt một nửa.

Báo chí đăng tin có những hôm phải tiêu hủy thuốc vào cuối ngày vì không đủ người tiêm và thuốc đã hạ xuống nhiệt độ trong phòng là không được để lâu. 

Thật đáng buồn, nữ bác sĩ Yael Paran ở Bệnh viện Ichilov tâm sự: “Những người làm y tế chúng tôi biết rõ công hiệu của thuốc và hầu như bệnh viện không phải tiếp nhận bệnh nhân nào đã chích ngừa hai đợt. Vì vậy mỗi mũi tiêm mà chúng tôi có đều phải được tận dụng”.

Song người Israel càng trẻ càng nghi ngại, trong khi tất cả trên 16 tuổi đều đã đến lượt. Một cuộc thăm dò dư luận của kênh truyền hình KAN cho thấy 1/3 người được hỏi không sẵn sàng, thậm chí trong nhóm rủi ro cao cũng ngày càng nhiều người tỏ ra ngờ vực.

Tamila Nazarov, cô gái vô thần 24 tuổi, nói trên truyền hình: “Đây là một cuộc thí nghiệm chứ không phải là chích ngừa. Tôi sợ bị tiêm. Không ai biết tác dụng phụ về lâu dài là gì”.

Nazarov hoạt động tích cực trong nhiều nhóm Facebook phản đối tiêm chủng. Ở đây, bên cạnh lý lẽ logic, cũng không hiếm tin đồn thất thiệt. Thậm chí một số nhóm xúi bẩy đặt online lịch hẹn tiêm chủng nhưng không xuất hiện, để thuốc thừa phải vứt đi. 

Chính quyền đã bắt đầu truy tố hành vi này, đồng thời ban hành một thẻ chứng nhận màu xanh lá cho những ai đã tiêm hai mũi hoặc đã khỏi bệnh đủ một tuần. Ai sở hữu thẻ đó sẽ được thoải mái đến nhà hàng, rạp hát..., trong khi những người còn lại bị cấm cửa. Một vài địa phương còn có ý định giảm vài loại thuế cho người có thẻ!

Tiêm hay không tiêm

Người trẻ ở châu Âu còn lâu mới được tiêm phòng rộng rãi như ở Israel, song họ cũng thiếu tin tưởng như vậy. 

Ở phương Tây vẫn có một bộ phận rất đông dân chúng nghi ngờ, thậm chí chống đối việc tiêm vaccine. Ảnh: Getty Images

Ở Đức, sau một hồi kêu ca là thiếu thuốc cũng như thủ tục nhiêu khê, nay sinh ra tình trạng non nửa người dân không muốn tiêm, báo đăng tin hàng triệu liều thuốc nằm ì trong tủ lạnh, ví dụ vì không ai chọn loại thuốc AstraZeneca được chính phủ khuyên không tiêm cho người già.

Một phần họ cũng là nạn nhân của các thuyết âm mưu, cho rằng corona là một trong những vũ khí nhằm thống trị toàn cầu của Do Thái, Tập Cận Bình hay Bill Gates. 

Giáo sư Malte Thiessen, nhà nghiên cứu lịch sử y học, giải thích: Tiêm chủng không chỉ là niềm tin vào thành tựu y học, mà với người Đức còn là vấn đề nhân sinh quan, vì nó thể hiện mối liên quan giữa cơ thể mình với môi trường xã hội và nhà nước. 

Từ 200 năm nay người Đức luôn “dị ứng” với các biện pháp y tế ít nhiều mang tính cưỡng chế. Tổ chức chống tiêm chủng đầu tiên ở Đức tại Leipzig và Stuttgart ra đời năm 1896!

Láng giềng Pháp cũng không khác mấy: thống kê cho thấy chỉ 50% dân số sẵn sàng chấp nhận chương trình phòng chống corona. 

Thái độ đó bắt nguồn từ sự bất tín nhiệm sâu sắc kéo dài hàng mấy chục năm nay của người Pháp với các định chế chính trị, đặc biệt là các biện pháp hành chính dưới thời Emmanuel Macron được coi là có màu sắc độc đoán và “coi dân như con nít”. 

Một quyết định hấp tấp và khá vô nghĩa mới đây - chọn ngẫu nhiên 35 công dân, lập thành hội đồng khuyến cáo chính phủ về chiến dịch tiêm chủng - bị coi như một trò đùa không làm ai cười.

Nói một cách khách quan và không hề thù nghịch với khoa học, vì nghi ngại tiêm chủng (tuy không chỉ vì thế) thế giới còn xa thời điểm chiến thắng corona lắm, nhất là bởi con virus còn nguyên mọi tiềm năng biến chủng và trường tồn. 

Cuối năm 2020, Hoa Kỳ đếm được 35% dân chúng không tin thuốc phòng COVID miễn phí do Cục Thực phẩm và dược phẩm (FDA) cấp phép. 

Điều tra online với hơn 7.000 dân châu Âu ở nhiều nước cũng cho thấy xu hướng từ chối tăng rõ rệt, dẫn đầu là Pháp và Ý. Trong khi theo giới chức y tế, miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi tỉ lệ tiêm chủng tối thiểu ở mức 71-74%!■

Chống vaccine: không chỉ vì thiếu hiểu biết

Sẽ quá nông cạn khi đơn giản tuyên án phong trào của những người chống tiêm chủng là kém hiểu biết hay phản tiến bộ. 

Lượng người có quan điểm xét lại tiêm chủng hôm nay chắc chắn không chỉ là thành phần chống vaccine cực đoan. Họ có những lý lẽ cần được lắng nghe và tranh luận.

Những người chống vaccine thời COVID từ chối tiêm chủng vì họ không biết và không thể biết hết các tác dụng phụ của thuốc. Cho đến nay, mỗi loại thuốc tiêm chủng thường cần 10-15 năm phát triển và thử nghiệm, trong khi BioNTech, Johnson & Johnson hay Oxford chỉ cần vài tuần đến vài tháng. 

Các kết quả ban đầu của thuốc tuy có vẻ sáng sủa, chưa ai rõ công hiệu của thuốc kéo dài bao lâu, người đã miễn dịch có khả năng mang mầm bệnh nguy hiểm (cho người khác) hay không… Nếu đã tin vào khoa học thì khoa học còn đang nợ vài câu trả lời then chốt.

Hiện trạng tù mù này còn có tính văn hóa khu vực. Khảo cứu mới nhất của Quỹ Bertelsmann (Đức) một mặt xác nhận xu hướng quay lưng với chích ngừa, mặt khác chỉ ra sự khác biệt văn hóa dẫn tới khác biệt ứng xử trong mọi chuyện liên quan tới đại dịch. 

Trong khi dân Đông Âu và đặc biệt dân châu Á khá dễ dàng chấp thuận chỉ thị phong tỏa, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, các nước Tây Âu và Bắc Mỹ hiện hình là xã hội tiêu dùng và cá nhân với những người dân “khó bảo” - 45% phản đối quy định hạn chế tự do đi lại và khuyến cáo tiêm chủng.

COVID-19: Vaccine không phải viên đạn bạc

DANH ĐỨC 02/03/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Một năm chống dịch COVID-19 đã qua, nước nào cũng có những bài học cho riêng mình. Nhưng tựu trung bài học lớn nhất vẫn là công tác phòng dịch phải được ưu tiên hàng đầu, ngay cả khi đã có vaccine.

Tiếng Anh có một sáo ngữ quen thuộc là “viên đạn bạc”, dùng để chỉ một giải pháp dễ dàng, toàn năng cho một tình huống phức tạp, nan giản, phát xuất từ câu chuyện cho rằng có thể tiêu diệt ma sói bằng một viên đạn làm bằng bạc.

Vaccine COVID-19 sắp về VN - dự kiến vào tháng 3 - đương nhiên là một tin mừng, nhưng nếu chúng ta có học được gì một năm qua từ cuộc chiến chống đại dịch thì đó là vaccine cũng chỉ nên được coi như một yếu tố góp phần phòng dịch chứ không phải là giải pháp cho mọi vấn đề.

Ảnh: BBC News

Tạm mượn trường hợp một số nước để tự soi và phấn đấu, cũng là để cảnh báo về nguy cơ “trượt vỏ chuối”, nhất là khi Việt Nam ta chưa phải nước giàu…

Hớ hênh thì nhà giàu cũng khóc

Cách đây đúng một năm, nước Pháp bất ngờ vỡ trận đầu ở Mulhouse, một thị trấn nhỏ vùng đông bắc, với hơn 1.000 người nhiễm sau khi dự một chuỗi lễ nhóm tại Hội thánh Cơ đốc Cửa Rộng Mở vào tháng 2-2020, quy tụ đến 5.000 người. 

Vụ tụ tập tôn giáo này tương tự vụ giáo phái Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc cùng khoảng thời gian, sau đó trở thành ổ dịch lớn nhất Hàn Quốc.

Không ai ngờ tai họa sẽ lớn như thế. Ngày 1-2-2020, cả nước Pháp mới có 6 ca nhiễm, tới cuối tháng cũng mới là 100 ca nhiễm và 2 ca tử vong, cho tới sự cố Mulhouse. Hôm 1-3-2020, một phụ nữ và mấy người con của bà này dự chuỗi lễ nói trên có kết quả dương tính. Họ báo tin cho hội thánh. 

Hội thánh đã liên lạc với nhà chức trách y tế, song khi được hỏi có biết những ai đã dự các lễ lạt ở đó thì các chức sắc tôn giáo chịu thua. Mặt khác, phản ứng của y tế địa phương còn rất lơ là. 

Bác sĩ đa khoa Patrick Vogt của Bệnh viện Mulhouse còn tuyên bố trên Đài RTL rằng “đây không phải là chứng bệnh nguy hiểm gây tử vong mà chúng tôi đã được mô tả” và “hiện hầu hết các trường hợp là cảm lạnh hoặc cúm đơn giản, thậm chí không nghiêm trọng bằng cúm”.

Thái độ này dẫu sao cũng hiểu được vào thời điểm đó, khi mãi tới ngày 11-3 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới công bố đây là một đại dịch. Song một năm sau mà vẫn còn thái độ như vậy thì nhất định là không chấp nhận được. 

Phải nói thêm là nước Pháp dư tiền và nhân lực, vật lực để xét nghiệm trên diện rộng: từ 1-3 tới 27-12-2020, ước tính nước này đã thực hiện 33,7 triệu xét nghiệm RT-PCR và 2,8 triệu xét nghiệm kháng nguyên, theo Bộ Y tế và tương trợ Pháp.

Điều đó càng cho thấy với các nước nghèo, nếu tự biết không đủ tiền của, nhân lực, vật lực để có thể xét nghiệm diện rộng thì đừng mạo hiểm “tô hô” trước con virus qua đủ thứ tụ tập đông người, vì bất cứ lý do hay ý nghĩa gì! 

Nói thêm, ngay cả Pháp, nếu so với Đức về năng lực xét nghiệm thì vẫn chỉ là người tí hon: nước Đức từ cuối tháng 3-2020 đã có thể xét nghiệm nửa triệu mẫu mỗi tuần (theo nhật báo Sud-Ouest 26-3-2020). 

Những nước còn thiếu thốn như VN, do đó, đành phải xét nghiệm “ngẫu nhiên” ở các sân bay, bến xe, quán nhậu… đương nhiên là không thể bằng xét nghiệm đại trà.

Sự dư dả của Âu châu còn thể hiện qua số tiền lên đến gần 6 tỉ euro của Pháp để nhập khẩu 30 tỉ khẩu trang, chủ yếu từ Trung Quốc (Les Echos 5-2-2021). 

Có thể thấy, nước Pháp đã làm mọi chuyện theo đúng khuyến cáo của WHO, thậm chí ngay từ 9-3-2020 trên toàn quốc đã cấm mọi sự kiện tụ tập đông người, hạn chế di chuyển…, dù riêng khoản đeo khẩu trang thì mãi tới 20-7-2020 mới chính thức bắt buộc ở những không gian khép kín (đến 7-3-2020, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn tuyên bố: “Không có lý do gì để thay đổi thói quen ra khỏi nhà của chúng ta, ngoại trừ nơi các nhóm dân số dễ tổn thương”). 

Chưa hết, cuộc bầu cử địa phương nhất định tổ chức “cho bằng được” ngày 15-3-2020 trở thành “phát súng ân huệ”. Bài học là gì? Là trong đại dịch, ưu tiên số một phải là phòng chống dịch, đừng vì bất cứ lý do nào khác mà xem phòng chống dịch là không ưu tiên bằng. Pháp đã xem thường nên giờ trả giá, ngóc đầu dậy không được!

Coi chừng phao cứu sinh xì hơi

Phao cứu sinh của nước Pháp và nhiều nước khác giờ là vaccine. Số liệu của Bộ Y tế Pháp ngày 20-2-2021 cho thấy có hơn 2,5 triệu người đã được chích mũi thứ nhất và hơn 1,1 triệu người đã chích đủ hai mũi. Bộ Y tế nêu rõ: “3,82% người dân Pháp đã nhận được ít nhất một liều vaccine, 1,72% đã nhận được hai liều. 

Ảnh: France 24

Còn phải chích ngừa thêm tối thiểu 56,18% dân Pháp trước khi đạt tỉ lệ chủng ngừa 60%. Cần ghi nhớ: tỉ lệ chủng ngừa 60% không nhất thiết đã cho phép đạt mức miễn nhiễm tập thể”.

Cũng theo Bộ Y tế Pháp: “Với tốc độ hiện tại (tính trung bình 7 ngày qua), mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ dân số trưởng thành sẽ đạt được vào ngày 12-8-2023”. 

Đó là một cột mốc khá xa và với tốc độ như vậy, tình hình dịch bệnh chắc chắn còn “diễn biến phức tạp”. Hô lên một tiếng “đã có vaccine” hay “vaccine đã về” là một chuyện, ngồi tính toán lại dựa trên các con số và mốc thời gian cụ thể mới thấy ngày yên bình còn xa lắm và chuyện phòng dịch, xin nhắc lại, vẫn phải là ưu tiên số một.

Do thấy tháng 8-2023 là quá lâu, Bộ Y tế Pháp đã hoạch định mục tiêu tăng tốc: “Để tiêm chủng cho toàn bộ dân số trưởng thành (52 triệu người) vào tháng 8-2021, sẽ phải tiêm 514.990 liều mỗi ngày”. Hiện con số đó là 28.218, tức năng lực triển khai vaccine của Pháp sẽ phải tăng gấp 18 lần!

Nghèo phải biết thân, biết phận

Trong những tin tức xám xịt đó, Israel nổi lên như một “phép lạ” khi mà vừa hôm 27-12-2020 nước này còn phải phong tỏa toàn quốc lần thứ ba sau khi số ca nhiễm tăng lên khoảng 8.000 ca mỗi ngày, cao nhất trước giờ. 

Israel sẽ triển khai vaccine cho toàn dân. Ảnh: Sky News

Israel cũng đã ghi nhận hơn 450.000 trường hợp mắc và 3.512 ca tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch. Chính phủ và ngân hàng trung ương tính ra rằng thắt chặt phong tỏa sẽ khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 4 tỉ shekel (1,3 tỉ USD) mỗi tuần, thành ra đưa đất nước về lại tình trạng ổn định cũ là chuyện sinh tử với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người sẽ phải vượt qua cuộc bầu cử tháng 3 tới. 

Ông loan báo các thỏa thuận với Hãng dược Pfizer rằng tất cả người Israel trên 16 tuổi có thể được tiêm chủng vào cuối tháng 3 hoặc thậm chí sớm hơn. Tất nhiên, không phải ai cũng có tài lực và thế lực như Israel.

Chiến dịch tiêm chủng ở đây bắt đầu vào ngày 19-12-2020. Tiêm chủng là miễn phí và được triển khai tại 300 trung tâm trên cơ sở hẹn giờ bằng tin nhắn. 

Chỉ trong hơn hai tuần, mũi vaccine Pfizer-BioNtech thứ nhất đã được tiêm cho hơn 1,5 triệu người - gần 20% dân số và hơn 70% công dân từ 60 tuổi trở lên. Đó là tỉ lệ tính theo đầu người cao nhất trên thế giới, theo Our World in Data. 

Các nhà khoa học cũng tin rằng Israel sẽ cung cấp một bản sơ kết vô giá về hiệu quả của vaccine. Tính tới 20-2-2021, họ đã bỏ xa thế giới với tỉ lệ “không tưởng” là hơn 80% dân số (dân số khoảng 9 triệu, 2020) đã chích ngừa một mũi.

Israel trở thành bài học kinh nghiệm cho chính quyền tỉnh Ontario của Canada, tỉnh đông dân nhất nước với 14,5 triệu người. Báo cáo của chính quyền Ontario ghi nhận rằng ở đâu cũng vậy, người lớn tuổi chịu gánh nặng tử vong liên quan đến COVID cao nhất. 

Israel đã đề ra một quy trình ưu tiên chích ngừa cực đơn giản với tuổi tác là yếu tố quyết định duy nhất, ngoài giới chăm sóc y tế ở tiền tuyến. 

Báo cáo ghi nhận: “Đã tiêm vaccine cho một tỉ lệ lớn dân số từ 60 tuổi trở lên, Israel nay đang nhận thấy những dấu hiệu ban đầu về việc giảm số người bị bệnh nặng ở nhóm tuổi này”. Còn nay, “Israel đã mở rộng tiêm chủng cho các cá nhân trên 50 tuổi”. 

Không phải chính quyền ưu ái người lớn tuổi, họ đơn giản chấp hành các khuyến cáo của WHO. Trong kịch bản IA của WHO, nguồn cung vaccine rất hạn chế chỉ lo cho được từ 1-10% dân số, thì ngoài nhóm nhân viên y tế, cần ưu tiên cho người cao tuổi, theo Khung giá trị phân bổ và ưu tiên vaccine COVID-19 của SAGE (Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược), WHO.

Chính quyền Ontario cũng đặc biệt ghi nhận việc Israel sử dụng hệ thống công nghệ thông tin được tích hợp toàn diện vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân để triển khai tiêm chủng, bao gồm lên lịch qua tổng đài điện thoại, các trang web sức khỏe và ứng dụng di động. 

Ngay sau khi đặt lịch, người muốn chích vaccine nhận được thông báo nhắc nhở về cuộc hẹn cho liều thứ nhất và thứ hai qua tin nhắn. Những người được tiêm chủng cũng nhận tin nhắn khuyến khích họ báo cáo các tác dụng phụ bất lợi sau khi chích ngừa. 

Phương pháp theo dõi đơn giản và dễ tiếp cận này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập dữ liệu nhanh chóng về vaccine (COVID-19 Advisory for Ontario, 1-2-2021). Ý này thật ra không ngoài tầm tay của hệ thống y tế Việt Nam.■

Không phải nước nào cũng sẵn tiền hay ý chí mua vaccine. Nhiều nước nghèo tới nay vẫn chưa có ý định mua hoặc có mua cũng là do tư nhân thực hiện theo kiểu ăn bánh trả tiền, còn để sử dụng đại trà phần nhiều là hàng viện trợ qua hệ thống COVAX của Liên Hiệp Quốc. 

COVAX, do Liên minh Vaccine (GAVI), WHO, và Liên minh Đổi mới trong sẵn sàng đối phó dịch bệnh (CEPI) đồng lãnh đạo, được thiết kế để bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu với vaccine. 

COVAX hiện gồm 9 loại vaccine ngừa COVID-19 ứng cử viên với mục tiêu bảo đảm cung ứng 2 tỉ liều cho các quốc gia cam kết vào cuối năm 2021, trong đó có 1,8 tỉ liều miễn phí cho các nước có thu nhập thấp. 

Hơn 70 nước giàu đã cam kết tham gia kế hoạch phân bổ vaccine COVID-19 toàn cầu này. Các công ty sản xuất vaccine tham gia vào cơ chế COVAX gồm Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZenca. Việt Nam nằm trong danh sách các nước có thu nhập trung bình thấp nên được hưởng ưu đãi này.

Sinh khí mới từ cơ chế vaccine công bằng

HỒNG VÂN 28/02/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Ngày 19-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo: lãnh đạo các nước G7 đã cam kết ủng hộ thêm 4,3 tỉ USD cho các nỗ lực tiếp cận công bằng trong các phương pháp xét nghiệm, điều trị và vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong năm 2021. Điều này tạo ra sinh khí mới trong việc tiếp cận vaccine, đặc biệt với các nước thu nhập thấp và trung bình.

5.Nhân viên vận chuyển lô vaccine Pfizer-BioNTech phòng COVID-19 đầu tiên tại Malaysia ngày 21-2. Ảnh: REUTERS

Chương trình hợp tác Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT Accelerator), do WHO hậu thuẫn, đang khát tiền bỗng đổi vận. 

Cụ thể, chỉ trong ngày 19-2, 4,3 tỉ USD từ các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada và Ủy ban châu Âu (đại diện cho 27 nước thuộc Liên minh châu Âu) được bổ sung cho quỹ của ACT Accelerator, đánh dấu sự thức tỉnh của thế giới trước tầm quan trọng của việc phân phối vaccine công bằng để cùng nhau thoát khỏi đại dịch.

Hiện tổng số tiền đã vận động đạt 10,3 tỉ USD, chủ yếu đến từ các nước “nhà giàu”, các quỹ nhân đạo lớn và một số ít nước châu Á như Thái Lan, Indonesia, Bangladesh, Bhutan, Philippines.

Còn thiếu gần 23 tỉ USD

Tuy vậy, theo WHO, sau khi cân đối, vẫn còn thiếu 22,9 tỉ USD thì mới đủ tiền để tài trợ cho các hoạt động của chương trình ACT Accelerator trong năm 2021. 

Sau hơn một năm bị đại dịch hoành hành, vaccine đang được hi vọng là công cụ quan trọng giúp thế giới thoát khỏi đại dịch. Anh, Canada, Mỹ và các nước EU đã đảm bảo được số lượng lớn vaccine cho người dân và triển khai tiêm phòng cho những nhóm ưu tiên hàng đầu như người lớn tuổi, nhân viên y tế từ tuần thứ hai của tháng 12-2020 đến nay. 

Mặc dù có những trục trặc trong quá trình phân phối và triển khai ban đầu, các hãng vaccine có lúc không giao hàng đúng hạn, nhưng chương trình tiêm chủng mở rộng của các nước đến nay đã ổn định. 

Theo WHO, đến ngày 18-2, đã có ít nhất 7 loại vaccine khác nhau được triển khai ở các nước.

Một số nước giàu một mặt tham gia cơ chế COVAX nhằm phân phối vaccine công bằng do WHO hậu thuẫn, một mặt tiến hành đàm phán trước song phương với các công ty phát triển các loại vaccine tiềm năng để tìm kiếm sự đảm bảo riêng.

 Hiện nay, dù chỉ chiếm 10% dân số thế giới nhưng nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chiếm tới 45% tổng số mũi tiêm vừa nêu do các thỏa thuận song phương. 

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi, các nước có thu nhập thấp và trung bình, đa số được đảm bảo vaccine qua cơ chế được WHO hậu thuẫn là COVAX.

Thủ tướng Úc Scott Morrison tiêm vaccine phòng COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech và sau đó ngồi lại trò chuyện với cụ Jane Malysiak trong lúc bà này được tiêm vaccine này ngày 21-2. Ảnh: AAP/Joel Carrett

Bình đẳng về vaccine kiểu COVAX

COVAX là trụ cột về vaccine thuộc chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19, một cơ chế hợp tác toàn cầu đột phát nhằm hậu thuẫn việc phát triển và cung ứng vaccine một cách công bằng trên toàn cầu. Chương trình ra đời vào tháng 4-2020, thuộc ACT Accelerator và đến nay có 190 quốc gia ủng hộ.

Trong cơ chế COVAX, các nước giàu sẽ đặt cọc trước để mua vaccine dù chưa biết loại nào sẽ thành công. Đây xem như một dạng đặt “cược” vì lợi ích của chính họ, bởi tiền đặt cọc sẽ giúp cung cấp tài chính cho các nghiên cứu về vaccine, giúp các nghiên cứu sớm về đích và đảm bảo việc sản xuất hàng loạt nếu thành công.

Ngược lại, trong trường hợp một loại vaccine không thành công, họ chỉ mất một khoản tiền chia sẻ rủi ro nhỏ.

Sáng kiến này dựa trên thực tế là các nhà sản xuất sẽ không mạo hiểm đầu tư số tiền lớn để xây dựng hoặc mở rộng quy mô cơ sở sản xuất vaccine cho đến khi vaccine có được sự phê duyệt của cơ quan chức năng. 

Trong bối cảnh đại dịch đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 375 tỉ USD mỗi tháng, sự thận trọng này chắc chắn sẽ dẫn đến sự chậm trễ đáng kể mà đầu tiên sẽ là thiếu vaccine trầm trọng trong giai đoạn đầu khi có bất kỳ loại vaccine nào được cấp phép. 

Khoản tiền cọc qua COVAX sẽ cho phép cơ chế này làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp tài chính để giúp họ xây dựng năng lực sẵn sàng sản xuất vaccine ngay khi được phê duyệt với giá thỏa thuận tốt nhờ mua chung cho nhiều quốc gia.

Các nước giàu hoặc thu nhập trung bình tự trả tiền có thể đặt lượng vaccine đủ cho 10 - 50% quy mô dân số và phải trả một khoản tiền cọc là 1,6 USD/liều hoặc 15% giá tiền của một liều. 

Cộng thêm các chi phí rủi ro, số tiền thực tế phải trả trước cho một liều là 3,1 USD và tiền chia sẻ rủi ro là 0,4 USD trong trường hợp các nước muốn được lựa chọn vaccine theo ý muốn.

Với các nước tự trả tiền, COVAX sẽ đảm bảo cơ hội mua vaccine của họ trong trường hợp các thỏa thuận song phương thất bại. Với 92 nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình, COVAX đảm bảo các nước có quyền tiếp cận bình đẳng với vaccine và nhận được khoảng 20% vaccine cần cho dân số. 

Để đảm bảo không phải cứ có tiền là có tất, COVAX quy định những nước trả tiền mua vaccine cho trên 20% dân số sẽ phải chờ khi tất cả các nước thành viên được cấp lượng vaccine đủ cho 20% dân số thì mới được cấp thêm. 

COVAX đặt mục tiêu phân phối 2 tỉ liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó 50% dành cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Trong quá trình đàm phán, một số nước đã chờ rất lâu mới tham gia COVAX như Trung Quốc (ngày 23-10-2020) hay Mỹ (ngày 21-1-2021). Do chính quyền của cựu tổng thống Trump từ chối tham gia COVAX nên sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược quyết định và gia nhập COVAX.

Với việc nhiều loại vaccine về đích trong những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, nhiều nước giàu trên giấy tờ đã có lượng vaccine nhiều hơn nhu cầu của dân số.

Một lọ vaccine của Pfizer-BioNTech được nhân viên y tế ở Úc lấy ra để chuẩn bị tiêm cho người dân ở Melbourne, Úc vào ngày 22-2-2021. Ảnh: REUTERS

Anh chia sẻ vaccine

Ngày 19-2, Anh đã cam kết sẽ chia sẻ lượng vaccine dư dùng của nước mình cho các nước đang phát triển và Pháp, Canada, Na Uy, EU cũng ủng hộ lời kêu gọi này. 

Đây là một bước tiến mới giúp tăng nguồn cung vaccine sẵn có trên thế giới cho các nước nghèo được WHO hoan nghênh. Vấn đề tế nhị là hiện tại các nhà sản xuất đang chạy “hộc xì dầu” để đáp ứng các đơn hàng theo tuần, theo tháng.

Có vẻ như các nhà lãnh đạo về y tế toàn cầu vẫn là những người thực tế nhất khi khẳng định: nếu không có các cam kết tài chính quan trọng hơn nữa, việc tiếp cận các công cụ phòng chống COVID-19 sẽ bị trì hoãn, có nguy cơ xuất hiện thêm đột biến mới và kéo dài đại dịch ở khắp mọi nơi. 

Quan trọng hơn, cần có sự công bằng trên toàn cầu trong tiếp cận các bộ xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo không nước nào được an toàn cho tới khi mọi quốc gia đều an toàn với COVID-19. 

Độc quyền vaccine cũng không giúp nhiều cho các nước giàu trong mục tiêu thoát khỏi đại dịch. Nền kinh tế toàn cầu đã kết nối chặt chẽ với nhau, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng đến mọi quốc gia có liên hệ với nền kinh tế thế giới nên cùng nhau thoát khỏi đại dịch là giải pháp tốt nhất cho thế giới và cho chính các nước giàu. 

Giờ đây, theo WHO, các nhà lãnh đạo đã công nhận những cảnh báo trên và điều đó lý giải cho số tiền hào phóng đã được công bố mới đây.

Phát biểu của Thủ tướng Anh Boris Johnson khi khai mạc hội nghị G7 rằng “Chúng ta phải đảm bảo để toàn thế giới được tiêm vaccine, vì COVID-19 là một đại dịch toàn cầu và không ích gì khi một nước nào đó tụt hậu so với nước khác” đã được lãnh đạo nhiều nước đồng tình. 

Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết: “Chúng tôi cam kết đảm bảo khả năng tiếp cận phổ biến với vaccine ở mọi nơi trên trái đất, cho tất cả những ai cần chúng. COVAX là nơi tốt nhất để giúp đạt được mục tiêu này”.

Theo WHO, những tuần sắp tới là rất quan trọng trong nỗ lực phản ứng với COVID-19 trên toàn cầu. Cần có những cam kết nữa để tài trợ đầy đủ cho công việc của ACT Accelerator và cho phép cung cấp hơn 2 tỉ liều vaccine, oxy y tế và hàng triệu liều thuốc điều trị và các bộ xét nghiệm. ■

VN cần 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm nay

Phát biểu với đại diện 63 tỉnh thành về phòng chống dịch COVID-19 ngày 19-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết VN đã có 60 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho năm 2021. Trong số này có 30 triệu liều VN đã đặt mua từ Công ty AstraZeneca (Anh). Lô đầu tiên (hơn 117.000 liều) đã về VN. 

Ngoài ra có 30 triệu liều do COVAX viện trợ và sẽ về VN trong 6 tháng cuối năm nay. Tuy nhiên để đủ vaccine tiêm ngừa cho người có chỉ định, VN cần đến 150 triệu liều. Vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với một nhà cung cấp để mua thêm vaccine. Bộ Y tế cũng cho phép đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản vaccine ở nhiệt độ âm sâu (-40 đến -80 độ C).

VN đang nghiên cứu 3 vaccine, trong đó có 2 vaccine ở giai đoạn thử nghiệm trên người (riêng vaccine Nanocovax bắt đầu giai đoạn 2 của đợt thử nghiệm trên người, tiêm 560 người tình nguyện). Vaccine còn lại dự kiến thử nghiệm trên người từ tháng 3-2021. L.ANH

Ngày 21-2, Israel đã quyết định cho mở cửa lại nền kinh tế, đưa nhiều hoạt động trở lại bình thường sau khi đã tiêm chủng phòng bệnh COVID-19 cho gần một nửa dân số. 

Theo Bộ Y tế Israel, hơn 46% dân số (tổng cộng 9 triệu người) của Israel đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Nhờ đó, nguy cơ lây lan của dịch bệnh này đã giảm đến 95,85% trong số những người đã được tiêm 2 mũi vaccine.

Theo Hãng tin AFP, đến chiều 20-2 đã có hơn 201 triệu liều vaccine được tiêm tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Con số trên không bao gồm số liệu mới nhất từ Trung Quốc và Nga, vì hai nước này ngừng công bố kết quả của các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ 10 ngày qua.

Lợi ích của vaccine lớn hơn tác dụng phụ

HỒNG VÂN 20/01/2021 02:01 GMT+7

TTCT - Theo Bloomberg, đến nay đã có 33 ca tử vong sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của Hãng Pfizer-BioNTech, loại vaccine duy nhất được cấp phép ở Na Uy. Điều này làm dấy lên lo ngại mức độ an toàn của việc tiêm vaccine.

Bà Laura Areyuna, 79 tuổi, cư dân sống tại một nhà dưỡng lão tại Chile dược tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech ngày 18-1-2021. Ảnh: REUTERS

Không tiêm cho người từ 75 tuổi

Cơ quan Quản lý dược phẩm Na Uy cho biết: Tất cả các trường hợp tử vong đã và đang được đánh giá cẩn thận. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy các ca tử vong đều liên quan đến người lớn tuổi. 

Sau khi tiêm, đa số các cụ gặp các tác dụng phụ đã được dự đoán trước của vaccine như chóng mặt, buồn nôn, sốt, phản ứng ngay tại chỗ tiêm. 

Một số trường hợp đã được khám nghiệm pháp y và các trường hợp khác đang được kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả ban đầu cho thấy những tác dụng phụ từ vaccine có thể đã gây ra những phản ứng mạnh hơn ở họ.

 Sigurd Hortemo, trưởng bộ phận y khoa của Cơ quan Y tế Na Uy, cho biết các tác dụng phụ như sốt và buồn nôn sau khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech có thể đã góp phần gây ra cái chết của những người già đặc biệt yếu. Chính quyền Na Uy đã cảnh báo những người ở độ tuổi từ 75 trở lên có thể không có nhiều lợi ích khi tiêm vaccine. 

Cơ quan Quản lý dược phẩm Na Uy xác nhận: “Với những người tuổi cao, sức khỏe yếu, ngay cả những tác dụng phụ tương đối nhẹ cũng có thể gây ra những hậu quả nặng nề. Do đó, hiệu quả của vaccine có thể không đáng kể so với việc không tiêm với người từ 75 tuổi trở lên”.

Mặc dù vaccine của Pfizer-BioNTech và cả vaccine của Hãng Moderna, đã được thử nghiệm trên hàng chục ngàn người, trong đó có những tình nguyện viên trên dưới 90 tuổi, nhưng độ tuổi trung bình của các tình nguyện viên trong các thử nghiệm lâm sàng là trên 50.

Trong đợt tiêm chủng đầu tiên, phần lớn các nước đều ưu tiên cho người lớn tuổi, độ tuổi của họ đều cao hơn độ tuổi trung bình khi thử nghiệm.

Sự việc này là một dấu hiệu cảnh báo sớm về những gì nên giám sát trong bối cảnh các nước chuẩn bị công bố báo cáo giám sát về an toàn đối với vaccine được triển khai ở nước họ. 

Cơ quan Y tế công cộng Na Uy đề nghị các bác sĩ đánh giá đầy đủ những rủi ro đối với những bệnh nhân có thời gian sống còn lại rất ngắn và thừa nhận không thể có vaccine hay loại thuốc điều trị nào mà rủi ro bằng không.

Phản ứng dị ứng

Theo Benoît Barbeau, nhà virus học người Canada: “Vaccine là cách đáng tin cậy nhất để chúng ta thoát khỏi đại dịch này. Không có cái gọi là rủi ro bằng không trong cuộc sống. 

Thực tế, những loại vaccine được lưu hành trên thị trường hiện nay có thể là những loại vaccine an toàn nhất từng được bào chế”.

Emer Cooke, lãnh đạo Cơ quan Dược phẩm châu Âu, cho biết việc theo dõi tính an toàn của vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là của những loại vaccine sử dụng công nghệ mới như mRNA, sẽ có thể là một trong những thách thức lớn nhất khi triển khai tiêm vaccine trên diện rộng. 

Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã báo cáo về một số trường hợp có phản ứng dị ứng nghiêm trọng, còn gọi là sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine COVID-19 với vaccine mRNA. Các trường hợp này phải được điều trị bằng epinephrine hoặc EpiPen (thuốc dùng điều trị sốc phản vệ) hoặc nhập viện. 

Các hộp vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNtech được bảo quản trong tủ lạnh âm sâu tại một địa điểm không được công bố ở Nicosia, thuộc Cyprus. Ảnh: REUTERS

Cơ quan này cảnh báo nếu có phản ứng dị ứng nghiêm trọng đối với bất kỳ thành phần nào trong vaccine mRNA COVID-19, người dân không nên tiêm loại vaccine mRNA đang được lưu hành và nếu có phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau mũi tiêm đầu thì không nên tiếp tục tiêm mũi tiêm sau.

Kể cả các trường hợp có phản ứng dị ứng không nghiêm trọng trong vòng 4 giờ sau khi được tiêm vaccine như phát ban, sưng tấy và thở khò khè cũng được CDC khuyến cáo không nên sử dụng các loại vaccine mRNA COVID-19 hiện có trên thị trường và cũng không nên tiếp tục tiêm liều thứ hai.

Hiện tượng tăng nặng bệnh lý phụ thuộc kháng thể

Từng có nhiều vaccine mặc dù đạt được các tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả nhưng khi triển khai trên diện rộng thì thất bại, để lại những hậu quả cho các nạn nhân. 

Mới đây nhất và thất bại đau đớn nhất thuộc về loại vaccine phòng sốt xuất huyết dengue đầu tiên trên thế giới do Công ty Sanofi Pasteur phát triển là Dengvaxia.

Trong bối cảnh chưa có loại thuốc đặc hiệu nào điều trị bệnh sốt xuất huyết dengue, Sanofi sở hữu loại vaccine đầu tiên trên thế giới chống lại căn bệnh này. 

Kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III của vaccine sốt xuất huyết dengue do Sanofi sản xuất ở Mỹ Latin cho thấy với lịch tiêm ba liều, số người bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em và thiếu niên từ 9-16 tuổi giảm được 60,8%. 

Nguy cơ nhập viện vì sốt xuất huyết dengue giảm 80,3% và vaccine có thể cung cấp sự bảo vệ tốt hơn trong trường hợp đã phơi nhiễm với dengue.

Các phân tích về độ an toàn (các phản ứng trong dự kiến, biến cố ngoài dự kiến và biến cố bất lợi nghiêm trọng) trong thời gian nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tương tự nhau giữa nhóm được tiêm vaccine và nhóm đối chứng.

Một số nhà khoa học không liên quan đến thử nghiệm cảnh báo do đặc tính của virus sốt xuất huyết, lần nhiễm bệnh đầu tiên, bệnh nhân hiếm khi tử vong, nhưng từ lần thứ hai trở đi, với chủng huyết thanh khác, bệnh có thể nghiêm trọng hơn nhiều do hiện tượng tăng nặng bệnh lý phụ thuộc kháng thể (ADE), trong đó phản ứng miễn dịch với virus sẽ khuếch đại tác dụng của chủng huyết thanh thứ hai, làm bệnh nặng hơn.

Một trong số các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo là Scott Halstead, chuyên gia về sốt xuất huyết đã nghỉ hưu của ĐH Uniformed Services ở Maryland (Mỹ): không nên tiêm Dengvaxia cho trẻ em chưa từng bị nhiễm sốt xuất huyết. 

Tuy nhiên, một hội đồng về vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận vào năm 2016 rằng Dengvaxia an toàn cho trẻ từ 9 tuổi trở lên.

Tháng 4-2016, Chính phủ Philippines khởi động chương trình tiêm chủng trị giá 67 triệu USD với Dengvaxia cho học sinh tại các trường công. Khoảng 83.000 trẻ em đã được tiêm vaccine trong vòng 6 tháng, trước khi Sanofi thông báo vaccine chỉ được dùng cho người đã từng mắc sốt xuất huyết dengue. 

Sanofi cho biết các bằng chứng mới cho thấy những người chưa từng bị sốt xuất huyết có thể dễ bị bệnh nặng hơn nếu được tiêm vaccine. 

Đến tháng 9-2018, Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Enrique Domingo xác nhận có 130 trẻ em đã chết sau khi tiêm vaccine ngừa sốt xuất huyết. 19 trẻ trong số đó mắc bệnh sốt xuất huyết, nghĩa là ADE có thể có vai trò làm bệnh sốt xuất huyết của các em nặng hơn.

Rủi ro về ADE cũng xảy ra ở nhiều liệu pháp khác, như liệu pháp huyết tương trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bộ Y tế Philippines đã cấm việc bán và sử dụng vaccine Dengvaxia trên lãnh thổ nước này. Nhưng tại các nơi khác trên thế giới, Sanofi vẫn tiếp tục tìm cách xin cấp phép cho vaccine Dengvaxia để tiêm cho những người đã từng mắc bệnh.

Tháng 12-2019, Ủy ban châu Âu đã cấp phép tiếp thị cho vaccine này cho những người từng bị nhiễm sốt xuất huyết denge từ 9-45 tuổi và sống ở các vùng lưu hành bệnh sốt xuất huyết. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cũng cấp phép cho loại vaccine này.

1. Các phụ huynh có con chết sau tiêm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết dengue đòi công lý. Ảnh: GETTY IMAGE

Tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm

Tiêm vaccine là an toàn, các tác dụng phụ như đau tại chỗ tiêm hay sốt nhẹ thường nhỏ và tạm thời. Những tác dụng phụ nghiêm trọng có xảy ra nhưng rất hiếm. Bất kỳ loại vaccine nào được cấp phép đều được kiểm tra nghiêm ngặt qua nhiều giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trước khi được chấp thuận sử dụng và thường xuyên được đánh giá lại. 

Các nhà khoa học cũng liên tục theo dõi thông tin từ nhiều nguồn để tìm các dấu hiệu cho thấy vaccine có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe.

Theo WHO, lợi ích của việc chủng ngừa lớn hơn rất nhiều so với rủi ro. Vaccine huấn luyện và chuẩn bị cho hệ miễn dịch của cơ thể nhận ra và chống lại virus và vi khuẩn xâm nhập. 

Do đó, nếu cơ thể chúng ta đã nhận biết được các mầm bệnh này, cơ thể sẽ sẵn sàng tiêu diệt chúng nhanh chóng, ngăn ngừa và không cho bệnh trở nặng. Khi được tiêm vaccine, nguy cơ nhiễm bệnh của người được tiêm vaccine giảm xuống, họ cũng ít có nguy cơ truyền virus hay vi khuẩn gây bệnh cho người khác.

 Càng có nhiều người trong cộng đồng được tiêm vaccine, càng ít có người có khả năng lây truyền mầm bệnh, nhờ đó, nguy cơ bị lây bệnh với những người có bệnh lý (như dị ứng) không thể tiêm vaccine giảm đi.

WHO ủng hộ các nước đạt đến miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng diện rộng, không phải bằng cách để dịch bệnh lây lan tràn lan trong dân số, vì nó sẽ gây ra nhiều tổn thất về nhân mạng cũng như tăng số ca bệnh không cần thiết.■

Hiện Na Uy đã hoàn thành tiêm chủng tại các nhà dưỡng lão. Tính đến ngày 18-1, đã có 48.000 người được tiêm vaccine phòng COVID-19. Báo cáo cho thấy tỉ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 1/1.000 trường hợp được tiêm vaccine. 

Camilla Stoltenberg, giám đốc Viện sức khỏe cộng đồng Na Uy, cho biết: Nếu không có tiêm chủng thì mỗi ngày, tại Na Uy có khoảng 45 người tử vong ở các nhà dưỡng lão. Do đó, tỉ lệ tử vong được báo cáo không vượt qua tỉ lệ tử vong trung bình. Rõ ràng COVID-19 nguy hiểm hơn nhiều với đa số các bệnh nhân hơn là vaccine.

Cuộc chiến chống COVID-19: Ít vaccine nhưng quá nhiều người cần

HỒNG VÂN 25/11/2020 02:11 GMT+7

TTCT - Những ngày gần đây, các tin vui liên quan tới vaccine ồ ạt đến với công chúng.

Mới đây nhất, ngày 23-11, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy loại vaccine chỉ một liều dùng do Công ty AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) kết hợp phát triển có thể cho hiệu quả lên tới 90% và an toàn cho người sử dụng.

Đây là vũ khí mới nhất mà nhân loại có trong cuộc chiến chống COVID-19. So với các loại vaccine khác được công bố hiệu quả gần đây, vaccine của AstraZeneca và Đại học Oxford có giá rẻ hơn, dễ phân phối và sản xuất với số lượng lớn hơn. 

Vaccine này có tính ổn định với nhiệt độ và có thể bảo quản đơn giản bằng tủ lạnh (từ 2-8 độ C), nên nếu thành công, đây sẽ là tin vui cho người dân ở các nước nghèo và cả thế giới nói chung.

Phía Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết họ mong đợi xác thực cả về tính hiệu quả và an toàn của vaccine mới, vì dù hiệu quả đến 90% trong thử nghiệm với các tình nguyện viên là đáng khích lệ, số lượng người tham gia thử nghiệm vẫn còn khá nhỏ - chỉ 24.000 người.

Trước đó, Công ty dược Pfizer và đối tác BioNTech thông báo kết quả nghiên cứu vaccine COVID-19 giai đoạn 3 hiệu quả hơn 90%. Vaccine của Pfizer và BioNTech gồm 2 mũi tiêm, cách nhau 3 tuần. 

Các thử nghiệm trên khoảng 44.000 tình nguyện viên dùng vaccine hoặc giả dược ở Mỹ, Đức, Brazil, Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine đạt tới 90% một tuần sau liều thứ 2.

Tuy nhiên, loại vaccine này đòi hỏi những điều kiện bảo quản đặc biệt, cụ thể là trong tủ âm sâu, dưới -80 độ C, nên sẽ là thách thức trong khâu hậu cần.

Với các nước giàu, việc sở hữu và đưa vaccine đến người dân giờ có thể trong tầm tay. Mỹ và Đức đang hi vọng triển khai tiêm vaccine trên diện rộng từ tháng 12.

 Anh cũng tràn trề hi vọng sẽ cung ứng vaccine rộng rãi vào mùa xuân tới. Ở Trung Đông, Saudi Arabia hứa sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho tất cả mọi người sống ở vương quốc này khi có vaccine hiệu quả và an toàn.

Câu hỏi là những người nghèo hơn sẽ ra sao? Lãnh đạo G20 - nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - ngày 22-11 cam kết sẽ bảo đảm phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hai ngày nhóm họp, G20 khẳng định: “Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực để giải quyết nhu cầu tài chính lúc này mà nền y tế toàn cầu cần để hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối an toàn cũng như hiệu quả các phương pháp điều trị, công cụ chẩn đoán và vaccine ngừa COVID-19. Chúng tôi sẽ dốc sức để bảo đảm quá trình tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người”.

Ngày 23-11, tại Geneva, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo nguy cơ người nghèo và người dễ bị tổn thương sẽ phải đứng nhìn khi thế giới có quá ít vaccine mà có quá nhiều người cần. Ông kêu gọi số tiền cần thiết và khẩn cấp 4,3 tỉ USD cho cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu có tên COVAX. 

Rất nhiều nước phát triển và đang phát triển trên thế giới đã cam kết tham COVAX để đảm bảo cung ứng vaccine cho những nước và những người không đủ khả năng tài chính. Cho đến nay, sáng kiến này đã huy động được 5 tỉ USD.■

Nguồn: WHO

Mới là bóng hình hi vọng

Những ai mòn mỏi chờ đợi ngày hậu COVID-19, để mọi chuyện ít nhiều bình thường trở lại hẳn thấy cuộc tìm kiếm vaccine kéo dài và những kết quả đầu tiên được công bố là đầy bối rối. 

Tuy nhiên, lịch sử dịch tễ học cho thấy giới khoa học đã thực sự lập được kỳ công với những loại vaccine hiệu quả sau một thời gian ngắn đến vậy, dù rất nhiều khó khăn còn chờ đợi phía trước.

Phải mất 9 năm sau khi cô lập được virus gây bệnh sởi vào năm 1954, giới khoa học mới có thể chế ra vaccine. Với bệnh bại liệt còn lâu hơn nữa, 20 năm từ những thử nghiệm đầu tiên tới khi vaccine được cấp phép ở Mỹ vào năm 1955.

 Cho nên, việc các nhà nghiên cứu tìm ra được vaccine hiệu quả chống lại virus SARS-Cov-2 gây bệnh COVID-19 chỉ một năm sau khi dịch bệnh bùng phát thực sự là phép màu của thời đại khoa học tiến bộ này. 

Và không chỉ một loại: BBC cho biết có ít nhất 4 loại vaccine đã được phát triển của Anh, Mỹ, Đức-Mỹ, và Nga, với mức độ hiệu quả và đặc điểm khác nhau.

Tuy nhiên, dù đã có tin tốt, vẫn còn hai câu hỏi lớn phải đặt ra, về đặc tính của vaccine và năng lực phân phối chúng.

Về đặc tính, đây mới là những kết quả ban đầu. Ví dụ, vaccine của Pfizer/BioNTech dựa trên 94 trường hợp nhiễm COVID-19 có triệu chứng từ khoảng 44.000 tình nguyện viên. 

Còn cần thêm thời gian để cuộc thử nghiệm có dữ liệu đầy đủ hơn. Chẳng hạn người ta vẫn chưa rõ vaccine có bảo vệ được người già không, hay liệu người đã tiêm vaccine - dù không phát bệnh - còn có thể lây nhiễm cho người chưa tiêm hay không.

Trong lúc chờ đợi dữ liệu, vấn đề thứ hai là phân phối. Vaccine, dù cho loại nào hiệu quả, dự kiến sẽ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung trong phần lớn năm 2021, nhất là với những loại nhiều hơn một liều như của Pfizer. 

Doanh nghiệp dược phẩm khổng lồ này nói họ đủ sức sản xuất tới 50 triệu liều cho tới hết năm 2020 và 1,3 tỉ liều nữa vào năm tới. Nghe thì lớn, nhưng riêng nước Mỹ thôi lúc này cần phải tiêm khẩn cấp cho 20 triệu người thuộc diện đối phó thường trực với dịch, bao gồm nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế, nhân viên nhà dưỡng lão và quân đội. 

The Economist dự tính có thể 1/5 dân số thế giới - hiện là 7,8 tỉ người - bao gồm 2/3 là những người trên 70 tuổi, có nguy cơ mắc COVID-19 các thể nặng. Trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một nỗ lực tiêm chủng cho cả hành tinh cùng một lúc. Vaccine là một chuyện, kim tiêm, và cả nguồn nhân lực y tế, lại là một chuyện hoàn toàn khác nữa.

“Chừng nào mà vaccine còn là hiếm hoi”, tờ báo viết. “Các chính phủ phải hiểu ưu tiên của mình là gì. Họ phải quyết định đúng đắn với điều kiện nước mình”. 

Các mô hình vi tính hóa cho thấy nếu 50 nước giàu nhất sử dụng 2 tỉ liều vaccine ở mức hiệu quả 80%, nhân loại sẽ ngăn chặn được 1/3 số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu; nhưng nếu vaccine được sử dụng với mức độ tương tự cả ở nước giàu và nước nghèo, số sinh mạng cứu được sẽ còn tăng gấp đôi.

Với từng quốc gia, câu trả lời là một bài toán tối ưu hóa đòi hỏi sự cam kết cộng đồng lớn lao. Vài tháng tới sẽ là giai đoạn quyết định, khi tỉ lệ tử vong toàn cầu hiện đã vượt mức đỉnh vào tháng 4 vừa rồi. Các chính phủ cũng sẽ phải vật lộn với công tác hậu cần cho việc tiêm vaccine.

“Lại để mất mát thêm sinh mạng khi đã có vaccine trong tay sẽ là điều rất bất nhẫn”, The Economist kết luận. “Khoa học đã làm phần của mình trong việc ngăn chặn con virus. Giờ là thử thách cho các xã hội”.

H. MINH

Việt Nam đang đàm phán để mua vaccine sớm nhất có thể

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 23-11, ngay sau khi một số quốc gia như Anh, Đức, Mỹ thông báo về thời gian bắt đầu tiêm ngừa vaccine COVID-19 mới, phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang cho biết Bộ Y tế Việt Nam đang tích cực đàm phán “để có thể tiếp cận vaccine sớm nhất có thể trong điều kiện phù hợp”.

Tuy nhiên giai đoạn ban đầu, theo thông tin của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, khi đàm phán thành công, số lượng vaccine mua được chỉ đủ để tiêm cho người có nguy cơ cao như người có bệnh lý nền, y bác sĩ ở bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm…

Trả lời câu hỏi về quy trình nhập khẩu vaccine liệu có phải áp dụng quy trình thông thường, tức phải trải qua thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam mới đủ điều kiện lưu hành, một chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng trong điều kiện đại dịch có thể rút gọn các khâu về thủ tục hành chính và thời gian nhưng vẫn nên thử nghiệm ít nhất là độ an toàn để đảm bảo về chất lượng vaccine.

Bộ Y tế cũng cho biết trong các nhà cung cấp mà Việt Nam đã đề nghị và đàm phán, có cả vaccine của Nga, Anh và một số nhà cung cấp tiềm năng khác. Việt Nam cũng đã tham gia liên minh 92 quốc gia để nhận được quyền ưu tiên về tiếp cận vaccine.

Tại Việt Nam hiện còn có 4 đơn vị tham gia phát triển vaccine ngừa COVID-19. Trong số này có vaccine của Công ty Nanogen đang ở giai đoạn “test thử thách” trên chuột lang, là giai đoạn cuối cùng của thử nghiệm tiền lâm sàng trước khi tiêm thử nghiệm trên người tình nguyện khỏe mạnh (thử nghiệm lâm sàng). 

Dự kiến vaccine này sẽ được đưa ra thử nghiệm lâm sàng vào tháng 12 tới, trong đó giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng sẽ tiến hành tiêm trên 20 người tình nguyện, giai đoạn 2 - sau giai đoạn 1 khoảng 3 tháng - là tiêm thử nghiệm trên 400 người.

Ông Quang cho biết nếu thuận lợi, cuối 2021 vaccine COVID-19 “made in Việt Nam” có thể hoàn tất các khâu nghiên cứu, thử nghiệm để đăng ký lưu hành. Ngoài vaccine của Nanogen, vaccine của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang cũng có triển vọng thử nghiệm lâm sàng vào 2021 tới đây.

Đây là lần đầu tiên các nghiên cứu, sản xuất vaccine ở Việt Nam thực hiện theo cách làm mới của thế giới, rút ngắn thời gian nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất. 

Trước đây thông thường thời gian nghiên cứu và hoàn thiện 1 vaccine kéo dài tới 5-10 năm, khi đó có thể dịch bệnh đó đã không còn hoặc số mắc không đáng kể để cần tiêm vaccine (như vaccine ngừa cúm A/H5N1 trên người).

Với COVID-19 và tình hình dịch như hiện nay, các chuyên gia cho rằng phải tiêm được 80% cộng đồng mới đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, hi vọng khi có vaccine “made in Việt Nam”, giá cả sẽ phù hợp để tiến hành tiêm ngừa rộng rãi. 

Chỉ khi đã có vaccine hiệu lực và đạt đủ số người tiêm để miễn dịch cộng đồng, khi đó mới có thể tự do đi lại, kinh doanh, học tập như trước đại dịch.

LAN ANH

Bạn đang đọc trong chuyên đề "VACCINE COVID-19: CÂN ĐONG NGUY CƠ"