TTCT - Phủ tổng thống Philippines loan báo rằng chuyến công du Trung Quốc lần thứ 5 của ông Rodrigo Duterte thành công tốt đẹp. Những thành công đó là gì, mang lại lợi ích cho ai, và ngược lại bất lợi với ai? Ông Duterte (trái) và ông Tập Cận Bình. Ảnh: scmp.com Thông cáo báo chí từ Phủ tổng thống Philippines viết: “Tổng thống Rodrigo Roa Duterte đã có chuyến thăm chính thức kéo dài năm ngày tới Trung Quốc đầy thành công, tái khẳng định mối quan hệ lâu dài của đất nước với người khổng lồ kinh tế châu Á trong các cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh”. Nhưng đó mới là góc nhìn “chọn sẵn” cho chuyến đi về hợp tác và quan hệ kinh tế. Trên thực tế, các phát biểu chính thức của ông Duterte ở Trung Quốc, như đã được công khai, cho thấy góc độ tiếp xúc không chỉ là quan hệ kinh tế. Từ ưu tiên hợp tác kinh tế Bằng cách sử dụng từ ngữ mang tính báo chí là “người khổng lồ kinh tế châu Á” hơn là từ ngữ ngoại giao chính thức để gọi Trung Quốc, bản tin của Phủ tổng thống Philippines muốn khẳng định trọng tâm của chuyến đi là tăng tốc phát triển quan hệ kinh tế-đầu tư-thương mại. Lần này, ông Duterte có ý mở ra một hướng hợp tác thích hợp với tình hình mới, và ông đã tránh không nhắc tới cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ. Trong diễn văn ứng khẩu đọc trước Diễn đàn Kinh doanh Phi-Trung ở khách sạn Grand Hyatt tại Bắc Kinh hôm 30-8, ông Duterte đã đưa ra một đề nghị hấp dẫn hợp với thời cuộc. Ông nói đi cùng mình là một phái bộ của ngành xây dựng Philippines do kỹ sư Sid Consunji dẫn đầu, đại diện cho một số công ty xây dựng đáng tin cậy và có uy tín nhất ở nước ông. Ông cũng quảng cáo rằng ngành xây dựng Philippines “có thể mang tới cho quý vị [giới doanh nhân Trung Quốc] những lợi ích từ các thỏa thuận giao dịch ưu đãi của chúng tôi với các nền kinh tế khác nhau, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU)”. Dù không nhắc tới thương chiến và những trục trặc trong quan hệ thương mại của Trung Quốc với phương Tây hiện giờ, đề nghị đó có thể hiểu là qua việc liên kết với các công ty xây dựng Philippines, phía Trung Quốc sẽ có cơ hội khai thác, tận dụng các chính sách ưu đãi mà Mỹ và EU đang dành cho Philippines để tiếp tục làm ăn ở các thị trường béo bở này, lách qua các biện pháp trừng phạt và thuế má của Mỹ chẳng hạn. Ông Duterte quả quyết: “Chúng ta có ở đây một tình huống hai bên cùng thắng, và tôi mời tất cả quý vị hưởng lợi trọn vẹn từ điều đó”. Đối với những ai từng nhìn và thấy quy mô của thủ phủ tài chính Makati chi chít những tòa nhà cao tầng từ thập niên 1990 trong vùng đô thành (Metro) Manila của Philippines, so với chưa đầy nửa tá nhà chục tầng chỉ có duy nhất trên đại lộ Nguyễn Huệ ở Sài Gòn lúc bấy giờ, có thể tin rằng ít nhất về mặt thâm niên xây dựng cao ốc kiểu phương Tây, giới xây dựng Philippines có “tay nghề” nhất định. Thành ra, việc giới xây dựng Philippines rủ nhau sang Bắc Kinh mời chào hợp tác để tiến vào các thị trường Mỹ và EU là ý tưởng khả thi. Cũng phải nói thêm là đôi bên vốn từng “cùng có lợi” trong các công trình liên doanh ở Philippines, mà gần nhất là dự án xây dựng sân bay quốc tế mới Sangley Point để chia sẻ với sân bay Nino Aquino quá tải và kẹt xe kinh hoàng suốt mấy chục năm qua. Tất nhiên, làm ăn kinh tế với Trung Quốc cũng có những khó khăn của nó, bởi những “đặc sắc Trung Quốc” vốn là bất hủ! Ông Duterte đã thẳng thắn khi không chỉ mời chào hợp tác mà cả lên tiếng về những gì cần lên tiếng tại diễn đàn. Đó là chuyện các băng đảng Trung Quốc đang làm đủ thứ nghề “xã hội đen” ở Philippines, từ vận hành cờ bạc trực tuyến, bắt cóc đòi tiền chuộc, băng đảng ma túy, cho đến đòi nợ thuê, thậm chí là sát thủ. Ông Duterte cảnh cáo: “Tôi đã yêu cầu chính phủ quý vị giúp chúng tôi... Những kẻ đó đang phá hoại đất nước tôi, phá hoại đời sống kinh tế và cuối cùng là khiến người dân chúng tôi mất tất cả, chúng tôi rất khổ sở. Vì vậy, đối với dân ma túy, tội phạm, tôi chỉ có một yêu cầu: Làm ơn tránh Philippines ra, vì nếu các người phá hoại đất nước tôi bằng ma túy, cocaine và đủ thứ khác, tôi sẽ giết các người”. Ông không quên cam kết rất kiểu “giang hồ” như bản tính của ông: “Nhưng nếu quý vị là những công dân tuân thủ pháp luật, là doanh nhân đứng đắn, có tiền đầu tư thì không có gì phải lo lắng. Chúng tôi sẽ bảo vệ quý vị. Chúng tôi sẽ bảo vệ tiền bạc của quý vị. Chừng nào quý vị muốn đi khỏi Philippines, quý vị có thể mang theo tất cả tiền bạc của mình. Đó là sự đảm bảo của tôi, bằng danh dự của tôi”. Ngoài vấn đề kinh tế Gợi ý của ông Duterte về việc để doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng các ưu đãi mà Hoa Kỳ và EU dành cho Philippines là nhất quán so với những hứa hẹn của ông khi gặp ông Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 30-8, và cũng phản ánh đúng “đặc sắc Duterte”. Mở đầu cuộc họp song phương với ông Lý là một phát biểu ngắn gọn nhưng rất lý thú của ông Duterte: “Là quốc gia điều phối ASEAN-Trung Quốc, tôi đã nhận được nhiều yêu cầu liên quan đến tiến trình của Bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC) mà Trung Quốc đang chuẩn bị từ các nước ASEAN. Và tôi muốn nói với quý vị bây giờ, ở đây, trước giới truyền thông và tất cả mọi người là việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử bên phía Trung Quốc và các bên khác là điều mà Mỹ ít quan tâm nhất”. Ở chỗ này ông Duterte có nói nhịu, hay gọi là lỡ lời cũng được: nguyên văn đoạn “việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử bên phía Trung Quốc” là “the passing of - or the passage of the Code of Conduct by China”. Trong khi “the passage of” quả là “việc thông qua”, thì “the passing of”, dù rất gần về tự dạng và ý nghĩa, còn một nghĩa nữa là “sự qua đời”, “cái chết”. Tức là ông Duterte suýt nữa thì đã nói thành “cái chết của Bộ quy tắc ứng xử”. Hơi giật mình và nhận ra nhầm lẫn có thể bị giới báo chí lắm điều suy diễn bậy bạ, ông đã kịp sửa lại, nhưng nếu Sigmund Freud còn sống, ca nói nhịu đó của ngài tổng thống đương nhiên là một ca phân tâm học “tiềm thức nói lên những gì ý thức muốn” thật điển hình. Dẫu thế nào, phát biểu của ông Duterte về đàm phán COC buộc phải đặt nhiều dấu hỏi: Tiến trình đàm phán hiện đã tới đâu? Có đúng là Hoa Kỳ “không màng tới COC” hay Hoa Kỳ không màng tới một COC theo định dạng của Trung Quốc? Những phản ứng trong nước Tối chủ nhật 1-9, tờ Manila Bulletin đón ông Duterte kết thúc chuyến công du về nước bằng một trích dẫn phát biểu vào cuối tuần của cựu ngoại trưởng Albert Del Rosario: “Sẽ là phản bội niềm tin nếu chính phủ gạt sang một bên phán quyết trọng tài về Nam Hải (tức Biển Đông)”. Những phản ứng tương tự còn có thể thấy trên một số tờ báo khác, phản ánh những ý kiến bất đồng vẫn còn rất lớn ở trong nước. Đến thứ ba 3-9, tờ Manila Standard tổng kết chuyến công du của ông Duterte: “Không có gì bất ngờ, chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 5 của Tổng thống Rodrigo Duterte tuần trước đã không đạt được những gì mà người Philippines mong muốn: làm cho người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình công nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực ủng hộ Philippines trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”. Báo này tóm tắt tình hình: “Ông Duterte đã nêu vấn đề khi gặp Chủ tịch Tập tuần trước như ông đã hứa trước chuyến đi. Nhưng ông Tập kiên quyết với lập trường của mình và nhắc lại rằng Trung Quốc đã đứng ra tuyên bố quyền sở hữu đối với gần như toàn bộ Biển Đông thông qua đường chín đoạn, đường mà họ nói là dựa trên các tiền đề lịch sử”. Manila Standard cũng cho biết: hai bên cam kết sẽ kiềm chế hoặc tránh thực hiện các hành động hung hăng hoặc khiêu khích gây ra các sự cố không đáng có trong các tuyến hàng hải đang tranh chấp; đồng ý tiếp tục đối thoại hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực; mặc dù có thể có lập trường khác nhau về Biển Đông, sự khác biệt này không nhất thiết phải gây rắc rối cho hay làm giảm tình hữu nghị giữa hai nước; đồng ý hợp tác, trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau và thiện chí, để quản lý vấn đề Biển Đông và tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại hòa bình để giải quyết xung đột. Có thể rút ra điều gì từ những lời lẽ đó?. Tờ Manila Standard đưa ra một kết luận mang tính thước đo cho mọi lời lẽ ngoại giao: “Điều này liệu có nghĩa cụ thể là sẽ không còn sự xâm nhập của tàu chiến Trung Quốc vào lãnh hải Philippines hay việc tàu Trung Quốc đánh chìm tàu cá Philippines trong tương lai?”. Phải nhắc rằng những chuyện như tàu Trung Quốc bao vây đảo Thị Tứ, đâm tàu cá Philippines chìm rồi bỏ mặc, tàu quân sự Trung Quốc đi vào lãnh hải Phillpines mà không thèm xin phép hoặc trả lời những truy hỏi đều diễn ra ngay sau chuyến thăm thành công Trung Quốc lần thứ tư cuối tháng 4 vừa rồi, với các hứa hẹn và tuyên bố hay ho tương tự như... lần thứ năm này. Chẳng qua là sau ba năm nhún nhường, ông Duterte chịu “hết xiết” sức ép quá lớn trong nước nên phải thực thi chức trách của một tổng thống là lên tiếng bảo vệ chủ quyền quốc gia, sang nhà hàng xóm “nói chuyện cho ra lẽ”. Ông đã đi, đã nói chuyện, còn có ra lẽ hay không đâu phải tại ông!■ Tags: PhilippinesTổng thống DuterteChuyến đi thứ 5Công du Trung QuốcPhản ứng trong nước
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.