TTCT - Khi các cao ốc văn phòng không còn thấy hàng hàng lớp lớp dân cổ cồn trắng túa ra ngoài tìm quán xá vào giờ trưa, người buồn không chỉ có chủ tiệm bún bò hay quán cơm tấm, mà còn là cả nền kinh tế. Ảnh: The Washington PostDân văn phòng không ra ngoài ăn trưa vì đã có cơm nhà mang theo, vất vả muôn phần nhưng phù hợp với thời khó khăn (và nghe đâu cuộc chiến thuế quan đã tới sát kia kìa). Tờ Wall Street Journal nói đại ý: một chỉ dấu không tốt cho nền kinh tế đang nằm trong tủ lạnh các văn phòng - số người mang bữa trưa đựng trong hộp tupperware và túi giấy ở Mỹ đã tăng so với một năm trước, vì ăn ngoài ngày càng tốn kém.Quán xá chuyên trị dân công sở chưa kịp vui vì hết thời làm việc từ xa đã phải méo mặt vì lượng khách bắt đầu teo tóp. Bethany Kennedy, một luật sư ở New York, từng thoải mái chi 500 đô la mỗi tháng các bữa trưa ngoài giờ làm việc, nhưng giờ mỗi tuần chỉ dám ra tiệm một lần, khi thật sự thèm. Còn thì cô mang theo salad hay bánh trái từ nhà. Mang theo bữa trưa cũng vui vì tiết kiệm được tiền, "nhưng riết cũng thấy chán, nhớ thời xông xênh", nữ luật sư tâm tư.Khách hàng chán một thì chủ tiệm ăn chán mười. Hết cơn bĩ cực COVID-19, hàng quán nào còn xoay xở trụ được thì bắt đầu vất vả tìm cách để khách quay lại, song mãi vẫn chưa thể trở về những ngày xưa thân ái. Chẳng hạn, ở San Francisco - nơi tỉ lệ lấp đầy văn phòng chưa đầy 43% - các nhà hàng chuyên phục vụ dân công sở vẫn đang "trong tình trạng rất mong manh" sau đại dịch, theo lời một chuyên gia thị trường. Lượng khách ăn trưa tại các nhà hàng bình dân (fast casual) ở Mỹ đã giảm trung bình 7,9% so với năm trước trong quý đầu tiên, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Black Box Intelligence. Mức giảm trung bình tại các chuỗi thức ăn nhanh là 4,2%.Khó trách thực khách quay lưng, khi vật giá ngày càng leo thang. Những người làm việc hybrid (xen kẽ giữa ở nhà và tới công ty) chi trung bình 21,06 đô la cho bữa trưa năm 2024, so với chỉ 16 đô la năm 2023, theo khảo sát hơn 2.000 người làm việc toàn thời gian ở Mỹ của hãng công nghệ họp trực tuyến Owl Labs. Trong một khảo sát gần đây trên LinkedIn, 71% trong số khoảng 4.250 người tham gia cho biết họ đã quyết tâm mang cơm trưa đi làm thường xuyên hơn.Nói không với ăn tiệm là một chuyện, tập quen với mang cơm đi làm là chuyện khác. Tối nấu dư một chút, sáng mang đi là tiện nhất, nhưng chẳng lẽ dỡ theo một vài món - tự túc ăn trưa cũng phải đa dạng thực đơn chứ? Dễ thôi, nhưng để xem dậy sớm lục tục chuẩn bị được bao lâu. Lại có người sướng mà không biết hưởng, như Robert Johnsen, một kỹ sư ở Nam California. Anh này được vợ chuẩn bị sẵn, sáng ra chỉ việc mở tủ lạnh mang đi, thế mà lắm bữa lại quên. Vừa đau khổ xuất tiền ăn trưa ngoài tiệm, vừa đắc tội với người vợ tào khang.Những ai không quên mang cơm trưa theo thì còn gặp nhiều thử thách khác. "[Tủ lạnh công ty tôi] lấp đầy mọi loại đồ uống mà bạn có thể nghĩ ra, chưa kể trái cây, sữa chua, phô mai và các món ăn vặt khác" - Danielle Nathan, làm việc trong lĩnh vực giáo dục, than với Wall Street Journal. Mấy tuần trước dân mạng Việt Nam lan truyền một bức ảnh thay lời muốn nói của bao người: một dãy hộp thủy tinh xếp hàng chờ đến lượt "vào lò" (vi sóng). Cứ cho mỗi người hâm nhẹ một phút rưỡi, người xếp thứ 10 khi chờ tới lượt sẽ phải chịu đói thêm gần 15 phút giữa cơ man mùi thức ăn, còn hành hạ hơn đợi ăn mầm đá. Nhân nói chuyện mùi, cái này cũng là quy tắc ứng xử. "Nếu mang thứ gì nồng nồng, như bông cải xanh nướng, tôi sẽ không hâm nóng để tránh mùi lan tỏa khắp văn phòng" - Nathan nêu gương sáng.Ảnh: tuoicolen/ThreadsỞ Anh, như The Guardian đưa tin hồi tháng 7-2023, khủng hoảng chi phí sinh hoạt được cho là nguyên nhân khiến dân văn phòng mang thêm 108 triệu hộp cơm đi làm, tăng 7% so với một năm trước. Điều đáng chú ý là những người có thu nhập cao là nhóm dẫn đầu xu hướng này. Tác giả Anita Chaudhuri cho rằng dân văn phòng sẽ kiệt sức, về cả tinh thần, nếu cứ phải tự mang cơm theo rồi ăn trưa tại chỗ. Theo khảo sát từ trang HR News, 19% người sợ bị đánh giá món ăn tự làm của mình (Chaudhuri không tin tưởng lắm - "con số phải cao hơn chứ?"). Nỗ lực tiết kiệm 50.000 tiền cơm trưa của ta có thể bị hạ gục chỉ bằng một câu hỏi: "Hôm nay đem theo gì vậy?", và chẳng thể nào gượng dậy nổi dẫu những người đồng nghiệp đáng mến có đãi bôi thêm, "thật là một sự kết hợp thú vị", để nói về hộp thịt kho và vài lát chuối của ta.Dù sợ bị đánh giá, Chaudhuri cho biết vấn đề thực sự với việc ăn tại bàn làm việc là nó "khuyến khích mọi người ăn một mình trong khi xem video cú mèo và giả vờ bận rộn". Nghĩ vậy cũng hơi cực đoan. Cảnh thường thấy ở ta là ăn cùng nhau, rôm rả chuyện trò, thậm chí trao đổi món ăn. Hay là ở châu Á có khác với xứ Ăng lê? Tags: Cơm văn phòngDân công sởDân văn phòngKinh tế
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
Phá đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả, thu giữ lô hàng rất lớn HÀ ĐỒNG 16/04/2025 Tối 16-4, Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với quy mô lớn, bắt giữ 14 nghi phạm về tội 'sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh'.
Phân công nhiệm vụ chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP.HCM THẢO LÊ 16/04/2025 UBND TP.HCM vừa có quyết định phân công công tác chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP.HCM và các ủy viên UBND TP.HCM.
Đại tướng Phan Văn Giang: Không để các thế lực thù địch chia rẽ quan hệ Việt Nam - Trung Quốc NAM TRẦN 16/04/2025 Chiều 16-4, Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Lạng Sơn.
Mỹ dọa đánh thuế Trung Quốc 245% TRẦN PHƯƠNG 16/04/2025 Mỹ nói Trung Quốc hiện phải đối mặt với mức thuế mới lên tới 245%, do các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.