TTCT - Nền kinh tế toàn cầu trị giá 115.000 tỉ USD đang đối mặt cú sốc va đập kép từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau những sắc thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cảng Oakland ở Mỹ, một trong những thương cảng nhộn nhịp nhất thế giới. Ảnh: ReutersClip trên mạng của Nhà Trắng có nhạc hào hùng như phim hành động. Ông Trump xuất hiện như cứu tinh, nhanh chóng áp thuế "Ngày giải phóng" để hạ gục "bọn ăn xác chết nước ngoài" đang tàn phá giấc mơ Mỹ. Xung quanh là tiếng reo hò của những người ủng hộ mặc đồ lao động cùng thông điệp rất rõ: Mỹ sẽ phá tan những luật lệ cũ.Sản phẩm tương tự từ Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh thì có nhạc trang nghiêm và liệt kê một loạt tội lỗi của Washington từ chủ nghĩa bá quyền, lòng tham, bóc lột, thuế quan và các sai trái khác. Giữa đoạn clip là bài Imagine (Hãy tưởng tượng) của John Lennon trỗi lên với hình ảnh thanh bình của thế giới do Trung Quốc dẫn dắt: có an ninh, bình đẳng, công lý và "những rào cản biến thành cầu nối". "Bạn muốn sống trong thế giới nào?", đoạn clip đặt câu hỏi.Cú sốc kép Nền kinh tế toàn cầu trị giá 115.000 tỉ USD đối mặt cú sốc va đập kép từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cú sốc Trump nằm ở việc xóa bỏ hoàn toàn trật tự cũ của thương mại toàn cầu, để thiết lập trật tự mới có lợi hơn cho Mỹ. Nhưng nghịch lý là trật tự này chính do Washington xây dựng từ hậu chiến tranh lạnh và giúp Mỹ thịnh vượng hơn rất nhiều so với phần còn lại của thế giới.Nếu vẫn giữ các phương án thuế công bố hôm 2-4 của ông Trump thì một loạt chuỗi cung ứng sẽ đổ vỡ, những bản kế hoạch đầu tư sẽ bị xé bỏ, làm lại, chi phí nhập khẩu tăng, quan hệ thương mại, an ninh với các đồng minh và đối thủ của Mỹ sẽ phải định hình lại. Canh bạc của Trump về "kỷ nguyên vàng" dựa trên phương án thuế này.Cuộc khủng hoảng giao tuyến với một cú sốc khác diễn ra chậm, nhưng tác động lớn không kém: kinh tế Trung Quốc thay đổi mạnh mẽ kinh tế toàn cầu suốt 30 năm qua. Bắc Kinh giờ thành công xưởng của thế giới và mở rộng thương mại ra một loạt thị trường mới và chi phối nhiều ngành công nghiệp tương lai như xe điện. Nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm ông Tập Cận Bình bây giờ, đã xây dựng hình ảnh Trung Quốc là nơi gìn giữ hệ thống thương mại dựa trên luật lệ và kêu gọi thế giới đoàn kết trước "chủ nghĩa thụt lùi" của các hàng rào thương mại.Cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang khi hôm 7-4, ông Trump đe dọa sẽ áp thuế thêm 50% với hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu Bắc Kinh không rút lại khoản thuế trả đũa 34% với hàng hóa Mỹ. Một số mặt hàng của Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế tới 104%. Bắc Kinh hôm 8-4 đã tuyên bố sẽ "chiến đấu tới cùng".Phân tích của Bloomberg về các dòng thương mại đánh giá Trung Quốc sẽ lái phần lớn hàng xuất khẩu qua thị trường khác để thay thế thị trường mất ở Mỹ - giống như thương chiến nhiệm kỳ đầu của Trump. Thách thức giờ là các nền kinh tế khác cũng đối mặt với thuế quan và mất thị phần xuất khẩu. Chính sách của Trump cũng được dự báo sẽ đẩy nhanh cuộc chuyển hóa của Trung Quốc với kinh tế toàn cầu và đẩy thế giới vào kỷ nguyên bảo hộ mới.Tuân thủ hay phản kháng"Cú sốc Mỹ dẫn tới cú sốc Trung Quốc nặng nề hơn, điều có thể khiến các nền kinh tế khác dựng hàng rào thuế với hàng Trung Quốc. Đó là kịch bản chắc chắn", Bloomberg trích nhà kinh tế Richard Baldwin nhân hội nghị IMF về "Tình hình toàn cầu hóa" ở Tokyo hôm 5-4. "Mọi người đều lắc đầu", ông nói về tâm trạng hội nghị.Hy vọng cho kinh tế toàn cầu lúc này là Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% thương mại toàn cầu (theo ustr.gov) và các nước chiếm 90% còn lại (bao gồm Trung Quốc) đều muốn giữ hệ thống hiện tại. Phần còn lại này, với sự dẫn dắt của Trung Quốc và EU, có thể tiếp tục các động thái mở cửa kinh tế kể cả khi các nước đang chia thành hai phe trước chính sách thuế quan của Trump: "Phe tuân thủ" và "Phe phản kháng".Các tập đoàn như Apple và Nike đã xây dựng chuỗi cung ứng rất phức tạp trong nhiều thập kỷ. Thuế quan mới là mối đe dọa trực tiếp với hệ thống này. Họ có thể phải tăng giá sản phẩm như iPhone hay giày Nike. Cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu từ lúc ông Trump công bố lệnh áp thuế vẫn tiếp tục tới những ngày đầu tuần này. Với thị trường Mỹ, nhiều người đã so sánh với các vụ sụp đổ năm 1987 hay 1929. Với châu Á, các cột mốc của khủng hoảng 1997 đã được nhắc tới.Ai sẽ chịu đau tốt hơn?Biểu thuế của ông Trump có duy trì được không phụ thuộc rất nhiều vào tổn thất thị trường trong nước thế nào, nhất là nguy cơ suy thoái đang tăng nhanh mấy ngày vừa qua. Các nhà kinh tế của JPMorrgan dự đoán kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay và 92% các nhà kinh tế được thăm dò bởi Bloomberg nói thuế của ông Trump làm tăng khả năng này. Theo kịch bản thuế của ông Trump giữ nguyên và các nước đáp trả bằng cách áp một nửa thuế tương ứng lên hàng nhập từ Mỹ, thì xuất khẩu của Mỹ sẽ giảm khoảng 30% tới năm 2030, so với kịch bản không thuế. Trung Quốc bị tác động lớn nhất khi hàng xuất vào Mỹ sẽ giảm tới 85%.Nhập khẩu của Mỹ từ các đối tác lớn khác như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giảm hơn 50%, trong khi giá trị hàng từ EU và Ấn Độ sẽ giảm tới gần 40%. Theo tính toán của Bloomberg thì Việt Nam sẽ là nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn với khối lượng hàng xuất vào Mỹ giảm khoảng 75% nếu mức thuế 46% được duy trì. Cùng khoảng thời gian này, hầu hết các nước ngoài Mỹ sẽ có nhập khẩu từ Trung Quốc tăng thêm khoảng 5%.Trong khi phạm vi và quy mô lệnh thuế của Trump tạo ra rủi ro lớn với kinh tế toàn cầu hơn là tình trạng hàng hóa thừa từ Trung Quốc, kết hợp một loạt yếu tố này sẽ tác động mạnh lên các nền kinh tế ở giữa, theo Albert Park, kinh tế trưởng của ADB. "Sẽ khó cho các nước khác tiếp nhận khối lượng lớn hàng nhập từ Trung Quốc khi rất nhiều nước đó cũng chịu lệnh thuế cao từ Mỹ", theo ông Park.Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới kể từ khi mở cửa cuối những năm 1970 và giờ chiếm khoảng 1/3 sản lượng sản xuất toàn cầu và có thặng dư thương mại với hơn 160 quốc gia. Các công ty như Foxconn của Đài Loan vẫn đang sản xuất phần lớn iPhone ở Trung Quốc, các tập đoàn đại lục hiện đang tìm kiếm thị trường mới cho các mặt hàng như xe điện, tuốc bin điện gió, pin và các sản phẩm công nghệ cao khác. Đại dịch đẩy mạnh xu thế này khi nhiều nước khác gặp khó trong phát triển sản xuất vì thiếu nguồn lực và quy mô chuỗi cung ứng như Trung Quốc.Trung Quốc có lợi nhất?Châu Âu khả năng sẽ bị áp lực nhiều, theo ông Blanchette, khi phải đối phó giữa hai cú sốc này và đang trở thành thị trường chính mà Trung Quốc nhắm tới sau khi mất thị phần ở Mỹ. Hôm đầu tuần, các lãnh đạo thương mại EU đã nhóm họp để bàn một loạt vấn đề từ đàm phán tới triển khai biện pháp đối phó với Mỹ.Các sắc thuế Mỹ nhắm vào Trung Quốc - đã lên tới hơn 100% sau tuyên bố leo thang của ông Trump - sẽ buộc doanh nghiệp đại lục tìm kiếm thị trường ở Đông Nam Á và các nơi khác, như họ đã từng làm trong thương chiến lần một hồi 2018-2019. Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên trở thành nhà xuất khẩu ô tô số 1 thế giới mấy năm qua với tổng giá trị xe xuất khẩu năm ngoái đạt 117 tỉ USD, tăng hơn 600% trong 5 năm. Báo động vì tình trạng này, năm ngoái EU đã áp thuế lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng các loại thuế này vẫn không cản được việc hãng xe số 1 Trung Quốc BYD đạt doanh số toàn cầu 100 tỉ USD và vượt qua Tesla, thâm nhập mạnh vào các thị trường châu Âu, châu Á và Úc, dù bị cấm ở Mỹ.Một hướng ra cho kinh tế toàn cầu lúc này trước việc thị trường Mỹ thu hẹp sẽ là Trung Quốc, nơi đang có thặng dư thương mại 1.000 tỉ USD với thế giới và cần tăng chi tiêu nội địa. Trung Quốc có thể lấp dần khoảng trống từ nhu cầu thị trường Mỹ, nhưng đó là giải pháp dài hạn, và thực ra sau khi tăng nhẹ năm ngoái, đầu năm nay nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm tới 8%. Bắc Kinh đã tung một loạt gói kích cầu cuối năm ngoái nhằm đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 5%.Tăng tiêu dùng một cách có ý nghĩa "đòi hỏi thay đổi lớn mô hình tăng trưởng - nhiệm vụ rất đồ sộ cả về kinh tế, chính trị và ý thức hệ - nhưng đó sẽ là cơ hội đặc biệt giúp hệ thống kinh tế tự do tiếp tục duy trì và nắm vai trò lãnh đạo về kinh tế toàn cầu", theo Frederic Neumann, kinh tế trưởng về châu Á của HSBC.Lệnh thuế từ ông Trump cũng mở cửa để Trung Quốc xây dựng hình ảnh đối tác kinh tế đáng tin cậy. "Trung Quốc sẽ là người thắng lớn trong vụ này vì các nước sẽ nhìn và hỏi: Giờ chúng ta có thể giao thương với ai? Người Mỹ đã không còn đáng tin nữa - theo Edward Alden, chuyên gia về thương mại toàn cầu của Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR) - Điều trớ trêu là chính Trung Quốc giờ dường như mới là công dân toàn cầu tốt".■ Một số chuyên gia cũng cho rằng làn sóng tăng xuất khẩu của Trung Quốc không thể kéo dài mãi. Tương tự, quy mô thuế của ông Trump vẫn là ẩn số khi mức thuế có thể giảm hoặc các bên có thể đạt được những thỏa thuận tương nhượng. "Cú sốc Trump hiện giờ là khó đoán về phạm vi - theo Jude Blanchette, giám đốc trung tâm nghiên cứu Rand về Trung Quốc ở Washington - Vẫn có thể 2-3 tuần nữa thì thuế với Trung Quốc vẫn giữ nguyên nhưng với Việt Nam, Đài Loan và một số nước sẽ lại giảm. Và nếu mọi thứ như vậy thì dù cú sốc Trump là có thật, nó cũng không tạo ra đau thương thật sự lớn lâu dài nếu mọi người chịu ngậm đắng nuốt cay trong khoảng 6 tháng". Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Mỹ áp thuế các nước Tiếp theo Tags: Ông TrumpThương mạiKinh tế toàn cầuThị trườngCú sốc
Sắp xếp lại đơn vị hành chính: để Mỹ Tho, Đà Lạt không trở thành phường, xã cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 10/04/2025 1816 từ
Chủ tịch nước Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nội Bài DUY LINH 14/04/2025 Trưa 14-4, chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam trong hai ngày 14 và 15-4.
Công khai tên gọi, nơi đặt 'thủ phủ' tỉnh thành sau sáp nhập là phương pháp lấy ý kiến nhân dân THÀNH CHUNG 14/04/2025 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay việc báo chí công khai tên gọi và nơi đặt 'thủ phủ' các tỉnh, thành sau sáp nhập là phương pháp lấy ý kiến nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội: Lượng công việc quá lớn, có thể phải làm cả đêm THÀNH CHUNG 14/04/2025 Chủ tịch Quốc hội cho hay Trung ương Đảng đồng ý sáp nhập đơn vị cấp xã đảm bảo cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị so với hiện nay.
Bộ Nội vụ đề xuất nguyên tắc đặt tên tỉnh, xã sau sáp nhập THÀNH CHUNG 14/04/2025 Bộ Nội vụ đề xuất tên đơn vị cấp tỉnh sau sáp nhập được đặt theo tên của một trong các đơn vị trước sắp xếp phù hợp định hướng được cấp thẩm quyền phê duyệt.