Có học được bài học quá khứ?

DANH ĐỨC 10/03/2018 17:03 GMT+7

TTCT - Tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng hầu như cùng thời điểm với việc Việt Nam và Ấn Độ “tái khẳng định quyết tâm và nỗ lực hợp tác trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (trích điều 27, Tuyên bố chung ngày 4-3-2018).

Các chuỗi đảo Thái Bình Dương trong học thuyết quốc phòng về chuỗi đảo của Trung Quốc. Ảnh: wordpress.com
Các chuỗi đảo Thái Bình Dương trong học thuyết quốc phòng về chuỗi đảo của Trung Quốc. Ảnh: wordpress.com

 

Trước đó nữa là tin tức về việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng lên tới 175 tỉ USD... Tương lai cả khu vực này sẽ hung hay cát?

Muốn hay không muốn, tất cả những sự kiện trên đều liên quan tới cục diện Ấn Độ - Thái Bình Dương từ nay cho tới... cuối thế kỷ. Cục diện đó sẽ như thế nào, hay hoặc dở, đều là những gì ta sẽ gặt với hạt gieo ngày hôm nay.

Nếu như đầu thế kỷ 20, Thái Bình Dương đã là không gian sinh tồn và cạnh tranh sống mái của hai siêu cường ở hai đầu đại dương trong thời gian ấy: Nhật Bản và Hoa Kỳ, thì đầu thế kỷ 21 này bổn cũ đã được soạn lại trong một không gian mở rộng hơn Ấn Độ - Thái Bình Dương, và lần này Trung Quốc đã thế vai Nhật Bản. Trong cả hai trường hợp, trật tự có sẵn bị biến thành trật tự cũ và bị cái gọi là trật tự mới thách thức, có khi bằng chiến tranh như lịch sử giai đoạn đầu thế kỷ 20 cho thấy.

Nhu cầu tự do đi lại

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, trong phát biểu tại Bảo tàng Tưởng niệm Nehru sáng chủ nhật 4-3, nêu rõ quan ngại: “Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương cũng là trọng điểm cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn. Nhiều “điểm nóng” trong khu vực, xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, tranh chấp tài nguyên...

Mâu thuẫn giữa hợp tác và cạnh tranh, giữa ôn hòa và cực đoan, giữa mở cửa và biệt lập, giữa tự do và bảo hộ, giữa phát triển và tụt hậu, giữa độc lập và lệ thuộc, giữa đoàn kết và chia rẽ vẫn còn gay gắt”.

Không phải vô cớ mà ông nhấn mạnh hiện trạng và nêu ra điều kiện cho hòa bình toàn khu vực: “Khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa trở thành hiện thực. Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do, thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại, không để Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương bị chia cắt thành các khu vực ảnh hưởng, bị thao túng bởi chính trị cường quyền, bị ngăn cản bởi chủ nghĩa bảo hộ hay chia rẽ vì chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi”.

Mệnh đề “chủ nghĩa bảo hộ” trùng hợp thời gian với điều báo chí quốc tế cũng hôm chủ nhật gọi là “cuộc chiến tranh thương mại của ông Trump”, còn các mệnh đề “chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi” hay “chính trị cường quyền”... thì đã có địa chỉ xuất xứ quen thuộc từ lâu trong khu vực. Làm sao thoát nạn? Câu trả lời là đảm bảo “tự do hàng hải, hàng không” mà tuyên bố chung đã nhiều lần nêu bật.

Trong bối cảnh băn khoăn chung đó, phát biểu của phó đô đốc Philip Sayer, tư lệnh nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson viếng thăm Đà Nẵng, trong họp báo qua điện thoại sáng thứ ba 6-3-2018, đã cho thấy hải quân Mỹ cũng quan ngại tương tự:

“Việc bồi đắp đất đai và quân sự hóa gây ra sự phiền toái trong khu vực, và sự lo lắng gây ra thực sự là do thiếu minh bạch; không rõ ràng những gì sẽ xảy ra ở đó. Và tôi nghĩ rằng nỗi lo âu và sự thiếu minh bạch này có thể gây phương hại đến an ninh và ổn định của khu vực. Và điều đó gây ra lo ngại”.

Ông Sayer cũng nói thêm rằng “việc có thể tự do giao thương qua khu vực này là tối quan trọng và bất cứ điều gì có vẻ mâu thuẫn với điều đó là mối quan tâm cho tất cả trong khu vực”. Ông trấn an: “Xung đột không phải là không thể tránh khỏi, nhưng an ninh cũng không tự nhiên mà đến. Và đó là lý do tại sao chúng tôi, hải quân Hoa Kỳ, đặc biệt là hạm đội 7, đã có mặt ở đây trong 75 năm qua... và chúng tôi sẽ có mặt ở đây cho tương lai” (nguồn: USNI News).

Có thể hiểu lập trường của Mỹ qua phát biểu trên: (1) 75 năm qua chúng tôi đã có mặt ở đây; (2) nay cũng thế; (3) bằng không, sẽ như cách nói của người Pháp: kẻ vắng mặt luôn... sai lầm, luôn chịu thiệt!

Nhu cầu minh bạch

Chính vào lúc mà ở đây, ở kia nổi lên sự quan ngại, Tân Hoa xã 5-3-2018 loan tin Trung Quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng 8,1% vào năm 2018 (năm ngoái đã tăng 7%). Ngân sách quốc phòng 2018 sẽ tương đương 175 tỉ USD.

Tân Hoa xã trích lời một học giả giải thích rằng mức tăng năm nay là do trước đây ngân sách quốc phòng còn thấp, chủ yếu là để nâng cấp thiết bị và cải thiện phúc lợi cho binh sĩ, phụ nữ, sinh hoạt và điều kiện huấn luyện của binh sĩ cơ sở.

Giải thích năm nay tăng do trước đây... thấp coi như khỏi giải thích! Cũng thế, chỉ nói chi chung chung chứ không liệt kê từng hạng mục như các nước khác, đặc biệt là nước lớn vẫn công khai (thậm chí Bộ Quốc phòng Mỹ hằng ngày còn công bố hãng nào trúng thầu món gì, bao nhiêu) đúng yêu cầu minh bạch quốc phòng. Đây là một yêu cầu đặt ra từ năm 1980, dẫn đến việc Liên Hiệp Quốc thiết lập bộ “Công cụ báo cáo chi tiêu quân sự của Liên Hiệp Quốc”, và cơ chế Đăng ký vũ khí quy ước năm 1991.

Chẳng qua do “khác biệt văn hóa”, do vẫn trung thành với binh pháp Tôn Tử, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” (cùng ngụ ý của nó: “ta biết địch, không cho địch biết ta”) nên Trung Quốc chưa thấy cần minh bạch quân sự như các nước lớn khác, bởi thế mới nói giàu chưa chắc đã sang, quá trình “học làm lớn” có lẽ cũng phải mấy đời!

Bài học cũ cho cục diện mới

Tình hình mù mờ không minh bạch đó, rồi cái sự nói một đằng làm một nẻo khiến thiên hạ không khỏi bất an. Giở lại quân sử thế giới, đã có ít nhất ba cuộc thư hùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ trước mà tàu sân bay đóng vai trò then chốt.

Đầu tiên giữa một Nhật Bản trong tay giới quân nhân đang trỗi dậy muốn bành trướng ở châu Á và một Hoa Kỳ cạnh tranh quyền bá chủ ở đấy. Sau đó, đến hai cuộc chiến tranh mang tính ý thức hệ trên bán đảo Triều Tiên và bán đảo Đông Dương.

Ngay từ năm 1912, Nhật Bản đã đặt mua của Mỹ và Pháp thủy phi cơ, đồng thời cử người sang học lái. Qua năm sau, Nhật Bản biến cải tàu vận tải Wakamiya Maru thành một tàu chở thủy phi cơ. Cuối tháng 8-1914, Nhật giao chiến với Đức tại khu vực Kiaochow (Giao Châu) thuộc bán đảo Sơn Đông, lúc đó còn là tô giới của Đức.

Bốn thủy phi cơ chiến đấu của tàu Wakamiya Maru ngày ngày tham gia ném bom, thám thính, cho tới khi quân Đức đầu hàng ngày 7-11-1918. Đây chính là những cuộc xuất kích trên không đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, và tàu này được xem là tàu sân bay đầu tiên của hải quân Nhật Bản.

Nhật Bản tiếp tục cải tiến kỹ thuật và tự sản xuất hàng loạt thủy phi cơ nội địa Ro-Go Ko-gata, được đánh giá là hữu hiệu hơn lớp máy bay nhập từ Đức, Pháp. Đến tháng 12-1919, tàu sân bay thực sự Hōshō, trọng tải 7.470 tấn, được hạ thủy tại Yokohama, mở đầu cho chuỗi tàu sân bay lên đến 25 chiếc trong Thế chiến thứ hai.

Từ đây, Hãng Mitsubishi sản xuất hàng loạt máy bay ném bom G3M và G4M cùng máy bay chiến đấu Zero cho không lực thuộc hải quân Nhật Bản. Lực lượng này được tung vào cuộc chiến tranh Trung - Nhật năm 1937, kéo dài sang Thế chiến thứ hai. Ngày nay, hãng này đang sản xuất máy bay chiến đấu F-2 (tương đương F-16 của Mỹ) và đang thử nghiệm máy bay tàng hình X-2 Shinshin.

Tình hình hiện nay hao hao tình hình cuộc thư hùng Nhật - Mỹ nửa đầu thế kỷ trước. Sự trỗi dậy của Trung Quốc có những nét tương đồng với sự trỗi dậy của Nhật Bản sau cuộc canh tân Minh Trị với ước vọng biến nước Nhật thành một “itto koku” (quốc gia hạng nhất). Trung Quốc, lúc này mới chỉ có trong tay một, hai cái gọi là tàu sân bay cổ lỗ, sao chép, nhưng có lẽ cũng sẽ sớm sản xuất hàng loạt như Nhật Bản trước kia.

Sự trỗi dậy các cường quốc thường cùng một kịch bản: phát triển kinh tế rồi phát triển binh bị, và khi binh bị đã lớn mạnh thì... giở chuyện binh đao.

Tướng quân Yamagata Aritomo (1838-1922) đã chủ xướng cuộc cách tân và trỗi dậy binh bị này. Ông đã đề ra chủ thuyết quốc phòng mà theo đó Nhật Bản không chỉ bảo vệ tuyến chủ quyền (shukensen) mà còn phải hướng tới tuyến lợi thế (riekisen), có nghĩa là Nhật Bản nên mở rộng tầm ảnh hưởng và kiểm soát bên ngoài biên giới quốc gia nhằm đảm bảo an ninh (Bill Gordon, “Hành trình dẫn tới chủ nghĩa quân phiệt”).

Chủ thuyết an ninh đó có thể coi là một phiên bản thô của “học thuyết các chuỗi đảo” hiện giờ. Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm đảo Kuril, quần đảo Nhật Bản, đảo Ryukyu, Đài Loan, Bắc Philippines và Borneo. Chuỗi đảo này được quân đội Trung Quốc xem là khu vực nhất thiết phải (1) đảm bảo an ninh và chấm dứt sự kiểm soát tuyệt đối hiện nay của các căn cứ quân sự, máy bay cùng các nhóm tàu sân bay Mỹ; (2) và từ đó tạo năng lực tấn công răn đe.

Mục tiêu của chủ thuyết chuỗi đảo bao gồm khóa chặt Hoàng Hải, Nam Hải (tức Biển Đông của Việt Nam) và Đông Hải trong một vòng cung kéo dài từ quần đảo Aleut ở phía bắc xuống tới Borneo phía nam. Cũng theo tờ báo này, các tổ chức nghiên cứu CSBA và Rand dự báo đến năm 2020, Trung Quốc sẽ hội đủ phương tiện để hoàn thành mục tiêu với “chuỗi đảo thứ nhất”.

Nhìn lên bản đồ sẽ thấy đường “chín đoạn”, vốn đã “ngoài sức tưởng tượng” rồi, vẫn chỉ là một phần của các dãy đảo thứ nhất và thứ nhì này. Từ đó, dễ hiểu việc lấp biển, san bờ, xây dựng căn cứ, đường băng và sân bay, bến cảng, kho tàng, huy động đủ loại phương tiện, khí tài, vũ khí ra các đảo lấn chiếm trên Hoàng Sa và Trường Sa là không chỉ nhắm vào Biển Đông!■

Tàu sân bay USS Carl Vinson: Tò mò và thực chất

Chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson có ý nghĩa thế nào, phó đô đốc Philip Sayer đã nói rõ. Sự tò mò nhiều hơn là bởi tính lịch sử của chuyến thăm: lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ ghé thăm “kẻ thù cũ”.

Tuy nhiên, có một chi tiết thực tế đáng để ý: trang Facebook của tàu khi loan tin “Carl Vinson đến Việt Nam” đã đưa một chi tiết nền quan trọng: “Việc triển khai nhóm hàng không mẫu hạm đánh dấu lần thứ hai nhóm này hoạt động tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dưới sự chỉ huy và kiểm soát của hạm đội 3 Hoa Kỳ.

Hạm đội 3 kiểm soát các tàu và máy bay của Hoa Kỳ trên khắp khu vực Tây Thái Bình Dương, bên ngoài kinh tuyến đổi giờ quốc tế (kinh tuyến 180) về phía Ấn Độ, điều cho phép hạm đội 3 và hạm đội 7 của Hoa Kỳ hoạt động cùng nhau trong một loạt sứ mệnh hàng hải trong khu vực”.

Có vẻ như một mình hạm đội 7 đã không đương nổi công việc ngày càng phức tạp và ngổn ngang ở vùng biển tiếp giáp giờ trở nên cực kỳ phức tạp và nhạy cảm!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận