Cổ tích từ đồng cỏ lác

TRẦN VĂN THƯỞNG 27/04/2011 00:04 GMT+7

TTCT - Đó là một làng quê nhỏ bé, yên bình nằm về phía hạ lưu sông Đà Rằng, con sông dài và rộng nhất Phú Yên. Sau hành trình quanh co khởi nguồn từ đỉnh núi Ngọc Rô - Kon Tum trên Tây nguyên, nó miên man chảy qua ba tỉnh miền Trung, lướt qua bất tận những cánh đồng, rồi cuối cùng dừng chân tại Phú Tân trước khi đổ ra biển lớn Sông Cầu.

Phóng to
Thôn nữ Phú Tân dệt thảm cỏ lác - Ảnh: T.V.T.

Chắc hẳn xưa kia nơi này trù phú lắm thế nên mới có tên là Phú Tân. Cái tên gợi lại một thuở những xóm làng trù phú ven sông cùng với giả thiết về sự tồn tại của một thương cảng sầm uất ở cửa sông Đà Rằng cách đây 400 năm, lúc những lưu dân người Việt đầu tiên đặt chân lên đất Phú Yên như địa chí tỉnh này ghi lại.

Oái oăm thay, thực tế giờ đây làng quê nhỏ nằm gần thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan lại là một trong những thôn nghèo nhất tỉnh. Không năm nào là không bị lũ. Nặng nhất là trận lũ lịch sử năm 2009 cách đây chưa lâu. Phú Tân là hình ảnh điển hình cho những làng quê gắn liền với nông nghiệp ở dải đất hẹp “khúc ruột miền Trung”: mùa nắng thì khô hạn, mùa mưa thì lũ lụt. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã làm vang lên bài ca muôn thuở về nỗi nghèo “quê em hai mùa mưa nắng...”.

Thôn nghèo Phú Tân nằm bên quốc lộ 1 vắt qua tuyến đường sắt Bắc - Nam, quang cảnh tĩnh mịch lâu lâu lại bị khuấy động bởi âm thanh rộn rã của những đoàn tàu chạy ngang qua. Trong cái tĩnh mịch xốn xang đó, tôi phát hiện câu chuyện cổ tích được thêu dệt nên từ đôi bàn tay thô mộc của những người phụ nữ vùng lũ Phú Yên.

Nơi hàng hiên trước nhà hay trên khoảnh sân nhỏ, các bà các cô thôn nữ cần cù ngồi đan những tấm thảm chùi chân từ sợi cói mà họ quen gọi là cỏ lác. Nhịp tay đan của họ đã làm sống dậy truyền thống nghề dệt thảm, chiếu cói gần trăm năm nay ở vùng quê Phú Tân, nơi cũng nổi tiếng sản sinh loại cói bền mượt bên cạnh “thương hiệu” cói Tam Quan của người láng giềng Bình Định.

Người dẫn dắt tôi bước vào thế giới cổ tích này là một người đàn ông không sinh ra từ đất này nhưng yêu Phú Tân như quê hương thứ hai của mình. Anh đến đây, bén duyên với đất Phú Tân, chân bám vào đồng cỏ lác hoang sơ, đầu nghĩ suy nghĩ hồn nhiên của người nông dân xứ này.

Lúc đầu, số hộ làm chiếu Phú Tân hãy còn thưa thớt lắm, chủ yếu để bán lẻ ngoài chợ địa phương. Lang thang vào các gia đình nghèo, anh thấy có những mẫu thảm cói rất đẹp bám đầy bụi gác trên chái bếp. Đó là “dấu tích” của những chương trình dạy nghề của hội này, hội kia nhưng tất cả đều không tồn tại lâu vì không có đầu ra cho sản phẩm.

Mân mê một tấm thảm hàng mẫu còn sót lại, anh ngỡ ngàng trước nét sắc sảo trong từng đường đan và như nhìn thấy cả trong đó những thớ gân sần sùi hằn trên đôi tay thô mộc nhưng khéo léo của người thợ - nông dân Phú Tân. Trong tấm thảm đó ẩn chứa cả câu chuyện của những phụ nữ nghèo khó vùng lũ Phú Yên được viết nên bởi đôi tay cần cù, bền bỉ và giàu tính sáng tạo.

Như tìm ra điều gì quý giá nhưng vì lý do nào đó bị lãng quên, anh đứng ra giúp họ khôi phục nghề truyền thống lâu đời bằng cách trợ vốn đầu vào, chạy hàng đầu ra. Số tiền công họ nhận được sau cả ngày làm việc thật ít ỏi nhưng đó lại là chiếc phao cứu sinh giúp bà con đứng được trong biển lũ hằng năm nước ngập trắng đồng mà trước đây họ chỉ ngồi bó gối nhìn trời trông mây hay vào những ngày nông nhàn, giáp hạt...

Đi về cuối thôn là con đường dẫn ra cánh đồng cỏ lác. Vào độ tháng 3, tháng 4 âm lịch, trước mênh mông xanh của đồng cỏ, người nông dân nghèo Phú Tân thu hoạch những ôm cỏ lác để ươm mầm lên một dòng chảy cuộc sống khác - thầm lặng, bền bỉ và đẹp như hiện thân cho ước mơ nhỏ nhoi đời họ muốn giữ lại nghề thủ công đã lưu truyền qua bao đời.

Đợt thu hoạch cỏ lác hằng năm sẽ khép lại vào khoảng tháng 6 âm lịch trước khi lũ tràn về. Để rồi, những người phụ nữ chân chất đồng quê lại thả hồn vào những tấm thảm cói dệt nên cổ tích.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận