Con đường nào cho em?

HẠ VŨ 18/08/2016 22:08 GMT+7

TTCT- Những nỗ lực phi thường của bác sĩ, y tá ở phòng cấp cứu chỉ mới cứu được phần xác, sau mỗi ca tự vẫn của trẻ vị thành niên là một chuỗi những ngày “cấp cứu” khác...

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn


L trải qua những giờ khắc nặng nề khi hàng xóm .và cha mẹ đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ đếm được tới 20 viên thuốc ngủ em đã uống. Rõ ràng em đã quẫn trí lắm mới uống một lượng thuốc lớn như vậy. Em mua ở đâu và khi nào không ai biết.

Khi cha mẹ... bận và bạn bè cô lập

L. là một cô bé 17 tuổi, đang học một trường ở quận 8, TP.HCM, trong một khu vực người nhập cư nghèo. Cha mẹ em làm nghề mua bán cá bè trên hồ Trị An. 3g sáng, cha mẹ L. đã đi thu mua cá, sau đó họ chở cá về và bán ngoài chợ. Tối mịt cha mẹ L. mới về nhà.

Mọi việc nhà, kể cả chăm sóc đứa em trai 8 tuổi, đều một tay L. chu toàn. Vì cha mẹ L. về khá khuya nên bữa cơm gia đình hằng ngày không có. Mỗi khi L. hỏi cha mẹ về một chuyện gì đó, thứ em nhận được là gắt gỏng, xua đuổi hay quát tháo: “Mày tự làm lấy, lớn hết rồi”.

Khi L. bệnh, hàng xóm đưa đi bệnh viện vì cha mẹ không ai có thể bỏ công việc để lo cho em. L. luôn cảm thấy cha mẹ và bản thân em dần xa lạ với nhau. Mối liên kết gia đình hầu như không có. Bốn người trong gia đình là bốn người cùng trọ trong một ngôi nhà. Một ngôi nhà lạnh lẽo, ngột ngạt, hoang vắng... Đứa em trai là người thân thiết nhất của L..

Thành phần gia đình của những học sinh trường L. rất phức tạp: khu lao động nghèo, đông người nhập cư, các em học sinh trong trường nhiều em không có đủ cha mẹ với vô số nguyên nhân khác nhau: cha hay mẹ mất sớm, cha mẹ ly hôn, cha hoặc mẹ bị bắt vì buôn bán ma túy, trộm cắp, mại dâm...

Những học sinh trong hoàn cảnh bi đát đó thường thiếu hẳn ý thức học tập, nhiều hành vi không kiểm soát... Trớ trêu thay, L. khác hết tất cả bạn bè, em như một bông hoa hiếm hoi, rực rỡ mà khiêm nhường. Em học giỏi hầu hết các môn, chăm chỉ, chuyên cần, chịu khó học hỏi và biết cách lắng nghe, lại rất hiền lành và ít nói.

Thầy cô, dù vô ý hay cố tình, đều thương mến và ưu ái với em. Em bỗng nhiên là một đối tượng hứng chịu sự ganh ghét, tị hiềm của bạn bè trong trường, trong lớp. Giá như em lanh lợi hơn, hoạt bát hơn, em có thể có vài bạn bè và bớt cô độc. Nhưng em rụt rè và ít nói nên em khó có bạn.

Với lòng ganh tị, các bạn nữ trong lớp thường lấy em ra làm trò đùa, một cái túi cát cho mọi người “đấm bốc” khi cần giải trí. Các bạn nữ gọi em là “hoa cứt lợn”, họ hay giấu mất cặp em, ném nón hay bút viết em ra đường, vẽ bậy lên bàn hay ghế chỗ em ngồi.

Phe tóc dài trong lớp có một “đại tỉ”, họ nghe lời “đại tỉ” đoàn kết lại để loại bỏ L., không chơi với em, có người nào chơi với em thì người đó bị đe dọa, bị cô lập giống em nên người bạn nhân ái ấy đành âm thầm rời xa em vì e dè, sợ hãi...

Tuổi 15-17, với sự rung động giới tính bắt đầu thì các bạn nam ngưỡng mộ và vây quanh em. Lòng đố kỵ của các bạn nữ càng tăng lên nhanh chóng khi phát hiện điều này. L. phải sống trong thứ không khí đầy sự lạnh lẽo và đố kỵ ấy.

Gặp nguy hiểm trên Mạng xã hội

L. là người giao tiếp trên Facebook nhiều hơn ngoài đời. Hầu hết thời gian rảnh rỗi L. đều lên mạng. Cha mẹ em không có thời gian kiểm soát em nên không biết điều này. Thói quen đó khiến em dần dần như con nghiện đối với Facebook.

Em xem mạng xã hội là thế giới thật, cuộc đời thật của mình. Chính vì thế, những cú tấn công từ mạng xã hội chính là những cú đánh trí mạng vào tâm hồn em. Trong trường, người sáng giá nhất trong mắt các cô gái là H.: giỏi toán, chơi đàn hay và hát cũng rất hay.

Anh ta ẵm rất nhiều giải về đơn ca trong phong trào văn nghệ của trường. Lúc này cô bạn tương đối gần gũi L. là C. đã “thầm yêu trộm nhớ” H., hai đứa từng hẹn nhau đi chơi vài lần. Không hiểu lý do gì sau đó H. không còn tha thiết với C. nữa mà nhiều lần lẽo đẽo sau lưng L. khi tan trường.

Cả phe kẹp tóc lớp L. liền lấy sự kiện đó tung lên Facebook để “ném đá” L. là “giật bồ” bạn. Giữa L. và anh chàng H. chưa hề có hẹn hò riêng tư nhưng lời đồn thổi cứ nhân lên. Tính ẩn danh của mạng xã hội phát huy tác dụng ở mức độ độc ác tăng dần. Cả lớp nhìn L. như... quái vật.

Những lời chửi bới, xúc phạm L. trên Facebook ngày một nặng nề và nghiêm trọng hơn. Mỗi khi mở Facebook cá nhân là L. nhận lấy hàng “thúng đá” ném ra từ bạn bè trong lớp và trong trường. L. suy sụp hoàn toàn, đêm ngủ toàn gặp ác mộng.

Rồi những tiếng xì xầm sau lưng, lời bóng gió trước mặt... Quả là một đòn tra tấn tinh thần đau đớn cho L.. Em rơi vào trầm cảm, tâm trạng u uất, buồn bã triền miên, không tìm thấy niềm vui sống. Một tối, L. lên mạng viết một status: “Cuộc đời này sao lạnh lẽo quá vậy?

Ai cũng quay lưng với tôi là sao? Sao các người ác với tôi quá vậy? Chào nhé, tôi đi đây”. Viết xong những lời bi thảm ấy, em âm thầm uống 20 viên thuốc ngủ để rời xa cuộc đời. May sao, đứa em trai khá thông minh, đã âm thầm dò xét theo dõi chị. Nó phát hiện L. ngủ với một chai thuốc lăn lóc bên cạnh liền gọi hàng xóm chở chị nó đi cấp cứu, rồi còn gọi cho cha mẹ mình về.

L. được cứu sống nhưng suốt năm học đó L. không còn học được, phải điều trị, sau đó đổi sang trường khác để học.

Và những cuộc “cấp cứu” khác...

Khi tôi nhận tư vấn, L. đang được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Tôi và em đã phải gặp nhau rất thường xuyên. Em thường trò chuyện với tôi bằng tất cả sự tin cậy và tôi lắng nghe em, cho em những lời khuyên khi em thấy cần.

Được nói, được bộc bạch và cảm nhận được có người hiểu mình, L. dần vui vẻ và cởi mở hơn thấy rõ. Liều lượng thuốc bác sĩ kê cho em cũng giảm dần và rồi nửa năm sau em ngưng thuốc hẳn. Tôi khuyến khích em tham gia vài lớp học về giao tiếp tại Nhà văn hóa Phụ nữ, em nghe theo và nhờ môi trường này em thấy tự tin, cởi mở hơn so với trước.

Thế giới dường như rộng mở, ấm áp hơn. Em học cách làm quen, tiếp cận và duy trì một mối quan hệ bạn bè. Một thời gian sau em không còn sống khép kín nữa. Em bảo tôi: “Bây giờ em có thể chủ động làm quen một bạn mới hay chủ động đề nghị giúp đỡ một ai đó mà không thấy ngại ngùng, và còn rủ vài bạn đi ăn kem, uống trà sữa, nói chuyện tâm sự với nhau… ”.

Cha mẹ của L. cũng được “uống” một liều thuốc tâm lý. Tôi xây dựng giáo án riêng cho những buổi nói chuyện về vấn đề tâm lý trẻ vị thành niên để cả hai hiểu hơn về con mình. Không trách họ được vì lối suy nghĩ đơn giản về cuộc sống và đặc thù công việc.

Ngọn lửa gia đình, việc cần thiết để có những bữa cơm tối bên các con hay một ngày chủ nhật để nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa cùng nhau... tưởng chừng đơn giản nhưng với họ, “chưa bao giờ nghĩ nó lại quan trọng như vậy”.

Cha mẹ của L. đã chấp nhận thay đổi, bắt đầu từ việc nói chuyện nhẹ nhàng, không gắt gỏng với con, giảm bớt chuyện đi sớm về khuya, tạo điều kiện cho L. và em trai có nhiều thời gian tham gia hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa trong trường lớp... Thật may cho L. là cả cha và mẹ em sau khi gặp cú sốc đã thức tỉnh, sớm nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống gia đình.

Trẻ vị thành niên tâm lý vốn bất ổn, tinh thần “mong manh”, dễ tổn thương. Cha mẹ nào cũng bận rộn với cuộc mưu sinh nhưng không thể vì lý do ấy mà để một mình con trẻ chống chọi với cuộc sống. Bất cứ trục trặc nào trong cuộc sống mà có người thân bên cạnh, bầu bạn, chia sẻ, chỉ cách cho các em vượt qua thì những chuyện đau lòng như thế này không có cơ hội xảy ra, để rồi chúng ta lại tiếp tục chạy tìm phương thuốc giải cứu mà thực tế không phải lúc nào giải cứu cũng thành công.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận