Con đường trăm năm của Trung Quốc

DANH ĐỨC 13/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Ra đời sau Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 5-1917) 4 năm, song Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 7-1921) lại “thọ” hơn và “vẻ vang” hơn, thậm chí đã trở thành “một khuôn mẫu mới cho sự phát triển con người” - theo như lời Tổng bí thư Tập Cận Bình hãnh diện đánh giá.

Con đường trăm năm đã qua này có gì khác với thiên hạ? Và con đường trăm năm tới ra sao? Trong số các từ khóa của diễn văn kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa rồi, có một vài từ gây ấn tượng hơn cả.

Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã không ngừng đưa đất nước đi lên. Ảnh: ft.com

 

Nói ví dụ, “hãnh diện/tự hào” là từ được nhắc khá nhiều trong bài diễn văn chính của ông Tập hôm 1-7, phản ánh một tâm thế mới: “Là một quốc gia, chúng ta có cảm giác tự hào và tự tin mạnh mẽ”, do lẽ “một thế kỷ trước, Trung Quốc đang suy vong và héo hắt trong mắt thế giới”, còn “ngày nay, hình ảnh của quốc gia với thế giới là một trong những đất nước thịnh vượng đang phát triển với động lực không thể ngăn cản theo hướng phục hưng”. 

Ông Tập cũng tự hào vì “nay, với hơn 95 triệu đảng viên ở một đất nước hơn 1,4 tỉ dân, là đảng cầm quyền lớn nhất thế giới với ảnh hưởng quốc tế to lớn”.

Mục tiêu trăm năm đầu

Nhưng những thành tựu cụ thể là gì? Trước hết, theo lời ông Tập, “chúng ta đã thực hiện mục tiêu trăm năm đầu tiên là... đưa ra giải pháp lịch sử cho vấn đề nghèo đói cùng cực ở Trung Quốc”.

Nếu đứng từ vị trí dư đủ, khó có thể cảm nhận thế nào là thoát nghèo. 

Sách trắng “Xóa đói giảm nghèo: Kinh nghiệm và đóng góp của Trung Quốc”, công bố tháng 4-2021 nêu bật tính ngàn năm cùng quy mô của cái nghèo vừa bị xóa bỏ đó: “Lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh không ngừng nghỉ chống lại đói nghèo. 

Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới, với dân số 1,4 tỉ người... Quốc gia này từ lâu đã phải chịu cảnh đói nghèo ở quy mô và mức độ nghiêm trọng hiếm thấy so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”. Một tình trạng đói nghèo mà, theo ông Tập, là một “thách thức với trí tưởng tượng”.

Thật ra, ngay từ ngày 25-2 vừa rồi, ông Tập đã lần đầu tiên long trọng loan báo Trung Quốc xóa sổ được tình trạng đói nghèo, trước hạn kỳ đăng ký với Liên Hiệp Quốc những 10 năm. 

Từ chỗ có số người nghèo chiếm hơn 70% tổng số người nghèo trên toàn cầu tính theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới, nay Trung Quốc đã gần như không còn người nghèo! 

Ông Tập cũng phân định rạch ròi công trạng: cuộc chiến xóa nghèo đó, đặc biệt nơi 770 triệu dân nông thôn, chỉ bắt đầu từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa hơn 40 năm trước (Tân Hoa xã 25-2).

Câu chuyện xóa nghèo này cần được nhìn lại trong cả chiều dài lịch sử Trung Quốc và Đảng Cộng sản. 

“Với việc thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 1-10-1949, cải cách ruộng đất đã được tiến hành trên phạm vi cả nước, xóa bỏ chế độ ruộng đất phong kiến tồn tại hơn 2.000 năm... Một hệ thống an sinh xã hội sơ bộ đã hình thành, với kinh tế tập thể ở cơ sở, và “5 bảo đảm” [Chương trình phát triển nông nghiệp quốc gia 1956 - 1967]”, Sách trắng ghi chép vắn tắt. 

Tất nhiên, phần nạn đói trong Cách mạng văn hóa hầu như không được đề cập.

Đặc sắc Trung Quốc

Một mệnh đề quen thuộc trong bài diễn văn của ông Tập là “chúng ta phải” (đếm được 39 lần mệnh lệnh này cả thảy). 

Diễn văn cũng nói rõ: “Đảng được lịch sử và nhân dân lựa chọn”, với bằng chứng: “Lịch sử hiện đại hơn 180 năm của đất nước Trung Quốc, 100 năm lịch sử của Đảng và hơn 70 năm lịch sử Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy không có Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ không có nước Trung Quốc ngày nay và không có chấn hưng quốc gia”.

Trong một so sánh bằng chức năng “đếm từ" trên văn bản tiếng Anh của bài phát biểu, do truyền thông chính thống Trung Quốc cung cấp, ta cũng thấy 2 lần danh từ “dân chủ” (democracy) và 3 lần tính từ “dân chủ” (democratic) xuất hiện. 

Cái bắt tay lịch sử giữa Richard Nixon và Mao Trạch Đông. -Ảnh: scmp.com

 

Có thể liệt kê cả hai lần danh từ đó xuất hiện ở đây mà không sợ bài viết quá dài: “Chúng ta phát triển dân chủ toàn dân, bảo vệ công lý và công bằng xã hội”, và “các giá trị mà nhân loại cùng chia sẻ là hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do”.

Thực tế, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã giúp đất nước này chuyển mình từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tràn đầy sức sống, và từ một quốc gia từng bị cô lập thành một nước mở cửa với thế giới bên ngoài. 

“Đặc sắc Trung Quốc” cũng đã giúp Trung Quốc đạt bước nhảy vọt lịch sử từ một quốc gia có lực lượng sản xuất tương đối lạc hậu trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, “tạo ra bước chuyển biến lịch sử trong việc nâng cao mức sống người dân từ thiếu thốn lên khá giả trong mọi lĩnh vực”.

Đặc sắc đó cũng đã tạo ra sự khác biệt cho Đảng Cộng sản Trung Quốc khi so với, nói ví dụ, các đảng cộng sản Đông Âu, hay những cuộc cải tổ nửa vời glasnot và perestroika ở Liên Xô. 

Người Trung Quốc luôn biết rút ra bài học từ lịch sử, như chính ông Tập tự nhận xét: “Bằng cách học hỏi từ lịch sử, chúng ta có thể hiểu tại sao các cường quốc lại thăng trầm. Thông qua tấm gương phản ánh lịch sử, chúng ta có thể tìm thấy vị trí hiện tại của mình và có được tầm nhìn xa trong tương lai”.

Ôn cố tri tân

Có lẽ trên thế giới này ở ngoài Trung Quốc, ít ai hiểu và yêu quý Trung Quốc cho bằng nhân vật đã “mở cửa” nước Mỹ và thế giới cho Trung Quốc, vốn cô độc tận cho tới đầu thập niên 1970: Henry Kissinger. 

Cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ, người mà trong cuộc gặp ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân hôm 22-11-2019, đã mở đầu phát biểu bằng một câu không ai khác có thể nói theo được: “Tôi đã đến thăm Trung Quốc gần 100 lần trong 50 năm qua và chứng kiến những thay đổi to lớn diễn ra ở Trung Quốc, điều mà tôi thấy rất vinh dự”. 

Phải nói là ngay cả những Hoa kiều yêu nước nhất có lẽ cũng khó mà về thăm cố hương 100 lần trong đời. Càng đáng nể khi năm đó, Kissinger đã 96 tuổi. Tới giờ, ở tuổi 98, ông vẫn một tấm lòng chung thủy với những người bạn 50 năm qua.

Hôm 22-4-2021, Hội Liên hiệp hữu nghị với các nước, Tổng cục Thể thao và Hội Hữu nghị Trung Quốc đã ăn mừng 50 năm nền ngoại giao bóng bàn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ do công lao thu xếp của Kissinger. 

China Daily nhân dịp này cho biết: “Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, trong một thông điệp video được ghi âm trước, đã phát biểu rằng tầm quan trọng của sự kiện 50 năm trước...”. 

Sáng 6-7 vừa rồi, lễ kỷ niệm 50 năm chuyến thăm bí mật với mật danh “Marco Polo” của Kissinger tới Trung Quốc được tổ chức tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh.

Tất cả cho thấy Bắc Kinh trân quý Kissinger đến đâu. Truyền hình đối ngoại CGTN của Trung Quốc, nhân dịp này, đăng lại bản cập nhật một bài viết cách đây hai năm: “Quan hệ Trung - Mỹ 40 năm qua: Chuyến đi bí mật của Kissinger tới Trung Quốc”. 

Bài báo thuật lại rằng Kissinger đã gặp thủ tướng Trung Quốc lúc đó Chu Ân Lai, và kết bằng câu đầy ý nghĩa: “Cùng nhau, hai bộ óc chính trị vào loại vĩ đại nhất của thế kỷ trước sẽ không chỉ chấm dứt mối thù kéo dài hàng thập niên, mà còn thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Kissinger, trong cuộc hội kiến Richard Nixon - Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai ngày 21-2-1972 lịch sử đó, khi được Mao hỏi, với tư cách tiến sĩ triết học, rằng ông nghĩ gì về Trung Quốc, đã dự báo tương lai: “Chúng tôi nghĩ rằng tất cả các quốc gia xã hội chủ nghĩa đều là hiện tượng giống nhau. Chúng tôi không hiểu cho đến khi chủ tịch bước vô, rằng bản chất của cách mạng ở Trung Quốc và các quốc gia xã hội chủ nghĩa khác là khác nhau”.

50 năm sau, câu hỏi “Nixon có sai lầm không [khi mở cửa với Trung Quốc]?” nêu ra ở Mỹ đã nhận được nhiều câu trả lời “có”, bao gồm câu trả lời của Thomas Joscelyn, chuyên gia phân tích cấp cao của FDD (Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ): “Đầu tiên, không phải Nixon và Kissinger đã mở cửa cho Trung Quốc mà là Mao đã cho họ vào... Lịch sử quan hệ bình thường hóa Trung - Mỹ đã bắt đầu bằng một ngộ nhận”.

Cựu ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cho rằng Nixon sai lầm khi hô hào: “Chúng ta không thể cứ để Trung Quốc mãi đứng ngoài gia đình các quốc gia”, và đề ra mục tiêu “dẫn dụ Trung Quốc thay đổi”. 

Ông Pompeo chua chát nhận xét: “Cách giao thiệp mà chúng ta đeo đuổi sau này đã không dẫn đến sự thay đổi mà tổng thống Nixon mong muốn” (The Dispatch 29-7-2020).

Tác giả Jamie Dettmer thì cho rằng nay các nước phương Tây lại thấy Trung Quốc không đáng tin cậy, là bởi hệ quả của một loạt động thái gây hấn của Bắc Kinh, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á, và những vấn đề như Hong Kong hay Tân Cương.

Thừa rõ các phản ứng bất lợi, những người soạn ra bài diễn văn của ông Tập đã có sẵn câu trả lời đanh thép: “Người Trung Quốc chúng tôi đề cao công lý và không để bị đe dọa bởi những lời đe dọa vũ lực... Chúng tôi chưa bao giờ bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục bất kỳ quốc gia nào, và chúng tôi sẽ không bao giờ như vậy. Đồng thời, chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục chúng tôi”.

Nhưng tất nhiên, tuyên ngôn và hành động không phải lúc nào cũng ăn khớp với nhau. Lịch sử và sự tồn tại hay biến mất của các nước hay một phần lãnh thổ các nước lân cận Trung Quốc trong suốt lịch sử sẽ là lời xác thực thuyết phục hơn. 

Trong thời hiện đại, các biến cố liên quan đến các nước chung quanh Trung Quốc vào các năm 1949, 1959, 1962, 1974, 1979, 1988, 2012... cũng như ngay lúc này trên Biển Đông hình như đang kể một phiên bản khác của câu chuyện ai đe dọa và ai bị đe dọa này.■

Thật ra, có thể xét xem Nixon có lầm không qua bài diễn văn ngày 6-7-1971 của chính ông, đọc trước giới lãnh đạo báo chí miền Trung Tây Hoa Kỳ ở Kansas City. 

Trong bài diễn văn về tình hình thế giới này, Nixon hai lần đưa ra những đánh giá và dự báo về Trung Quốc. 

Đầu tiên là về mặt kinh tế: “800 triệu người Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành một cường quốc kinh tế khổng lồ, trong mọi ý nghĩa, và họ có thể trở thành như thế trong các lĩnh vực khác, nếu họ đi theo hướng đó”. 

Dự báo thứ nhì là về hậu vận: “Trung Quốc Đại lục, ở bên ngoài cộng đồng thế giới, hoàn toàn bị cô lập, với các nhà lãnh đạo của họ không giao tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới, sẽ là một mối nguy hiểm cho toàn thế giới khó thể chấp nhận, với chúng ta và cả với nhiều nước khác”.

Đó là lý do mà, theo lời Nixon, Hoa Kỳ phải mở ra với Trung Quốc. Trên thực tế, dự báo thứ nhất của Nixon đã chính xác: Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế, nay là nhất nhì. 

Dự báo thứ nhì lại không chính xác: Chính vì kinh tế phát triển, mà Trung Quốc ngày càng muốn “tự thể hiện”, chớ không phải do bị cô lập.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận