Con không là con rối...

VÕ VĂN DŨNG 07/08/2014 22:08 GMT+7

TTCT - LTS: Kết lại loạt “Cuộc chiến của con” (xem TTCT từ số ra ngày 15-6), TTCT giới thiệu bài viết của một nghiên cứu sinh Việt từ Liên bang Đức, người kể lại những câu chuyện của anh với hi vọng là tham khảo phù hợp cho những người đang hay sẽ là người trong cuộc.

Tôi sợ hãi và lạc lối...
Tôi đã phí hoài 7 năm tuổi trẻ
Tôi “dọn đường” sẵn cho con mình

Minh họa: Hiếu Vũ

Những câu chuyện và chia sẻ của các bạn trẻ trong nước quanh “Cuộc chiến của con” khiến tôi nhớ lại những cuộc trò chuyện với các bạn trẻ nước ngoài đang cùng học tập tại Đức.

Vì con muốn “hạnh phúc toàn phần”

Natália Cançado (25 tuổi, Brazil) từng có trải nghiệm vừa vui vừa buồn khi chọn trường đại học. Vì còn quá trẻ và còn mông lung về ngành học mình thật sự mong muốn nên cô rất quan tâm những lời khuyên của cha mẹ. Natália kể: “Mẹ thích tôi học ngành gì đó hứa hẹn tìm được công việc thu nhập cao, và bố bảo hãy học ngành kiến trúc. Vì muốn thể hiện mình là con ngoan nên tôi đã chọn ngành ấy”.

Theo học ngành kiến trúc được 1,5 năm tại Brazil thì Natália cảm thấy không thể chịu đựng sự chán nản, mệt mỏi khi đối diện với những bản vẽ, con số... Một ngày nọ, thu hết can đảm, cô đến trước mặt bố và thông báo sẽ nghỉ học. Sau giây phút ngạc nhiên, ông bố kịp trấn tĩnh, có vẻ suy tư rồi chậm rãi nói: “Có lẽ con đã trưởng thành thật rồi. Con hãy suy nghĩ thật kỹ ngành học con mong muốn để chắc chắn không hối hận thêm lần nào nữa. Còn bây giờ hãy đến ôm bố nào!”.

Ký ức về “sự kiện” đó vẫn luôn rõ ràng trong Natália bởi: “Đó là những phút thật sự căng thẳng với tôi và thật hạnh phúc khi bố đã ủng hộ lựa chọn của tôi. Sau đó tôi chuyển sang học ngành truyền thông. Tôi không nghĩ đó là xuất phát lại trên con đường đại học bởi những kỹ năng, kiến thức nền tôi có được khi học ngành kiến trúc đã giúp tôi tự tin học tập hơn ở ngành mới”.

Năm 2014, Natália rời thành phố quê nhà Belo Horizonte, Brazil đến Đức học thạc sĩ ngành truyền thông. Cô chia sẻ: “Mơ ước nghề nghiệp thật sự của riêng tôi ngay lúc này là làm việc trong lĩnh vực từ thiện hoặc tiếp thị. Tôi thấy mình thật may mắn khi tìm được điều tôi thật sự thích và đang ở đúng trên con đường muốn đi”.

Cũng có định hướng nghề nghiệp khác với mong muốn của người thân, song Petra Fabiamová - cô gái 26 tuổi đến từ thủ đô Prague của Cộng hòa Czech - không mất thời gian đi vòng trên con đường học tập bởi cha mẹ cô tôn trọng những quyết định của con.

Petra nói: “Trong những lần trò chuyện thân mật, mẹ tôi nhẹ nhàng nói rằng bà mong tôi trở thành bác sĩ. Tôi hiểu rằng đó là cách bà chọn để định hướng nghề nghiệp cho tôi. Khi biết tôi muốn làm việc trong ngành truyền thông, bà chỉ nhẹ nhàng nói rằng hãy làm tất cả những gì con muốn. Tôi yêu bố mẹ mình vì sự cởi mở ấy.

Từ khi tôi còn bé, cha mẹ đã rèn cho tôi những thói quen tốt, dạy tôi cách cư xử với người khác, tự chịu trách nhiệm với bản thân. Họ cũng trao cho tôi niềm tin rằng tôi sẽ không làm điều gì dại dột, sai lầm. Khi tôi học, họ không quan trọng tôi thi rớt bao nhiêu lần mà chỉ quan tâm tôi đã thật sự cố gắng hết mình chưa.

Sẽ hơi bất công nếu cha mẹ ngày trước từng thi rớt nhiều lần nhưng cứ nhất mực ép con phải luôn thi đậu hay luôn đứng đầu lớp”.

Tương tự, khi chia sẻ với cha mẹ về ước mơ trở thành giáo viên trung học hoặc giảng viên đại học, Salomé Morales (23 tuổi, ở thành phố Málaga, Tây Ban Nha) đã nói: “Con không cần công việc kiếm được nhiều tiền. Con chỉ cần có đủ tiền để không chết đói. Điều quan trọng nhất với con là mỗi sáng thức dậy, con cảm thấy vui khi nghĩ đến công việc mình sắp làm. Con muốn sống cả một đời hạnh phúc chứ không phải chỉ hạnh phúc vài phần”.

Làm tay vịn thay vì dây trói

“Thất bại, sai sót nào cũng có giá trị của nó. Ngày nhỏ, cha mẹ cứ để tôi leo lên bàn rồi té ngã vì họ biết chắc chắn tôi sẽ không bị chấn thương nặng. Sau lần ngã đó, tôi hiểu rõ rằng tại sao nên cẩn thận khi trèo cao, và khi ở trên cao thì nên chú ý điều gì để không bị ngã. Nếu tôi mãi mãi không leo lên thì liệu tôi có học được những điều ấy?” - Salomé Morales (Tây Ban Nha).

Lý thuyết xã hội hóa cá nhân chỉ ra rằng mỗi cá nhân cần trải qua bốn giai đoạn xã hội hóa, gồm: giai đoạn trước khi đến trường, giai đoạn đi học, giai đoạn lao động và giai đoạn sau lao động.

Vai trò của gia đình cực kỳ quan trọng trong giai đoạn đầu tiên bởi gia đình là môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ trực tiếp, giúp trẻ hình thành và phát triển những năng lực, phẩm chất, kỹ năng cần thiết. Ở giai đoạn đi học, các thầy cô và nhóm bạn bè ảnh hưởng nhiều đến quá trình xã hội hóa của cá nhân.

Khi trẻ chuẩn bị bắt đầu thay đổi môi trường học tập từ bậc phổ thông lên các bậc học cao hơn và có những định hướng nghề nghiệp đầu tiên thì thầy cô, nhóm bạn bè, xã hội, phim ảnh, sách báo, Internet... và những mong muốn của bản thân trẻ bắt đầu tác động mạnh đến lựa chọn của trẻ hơn là gia đình.

Có nhiều nguyên nhân tạo nên mâu thuẫn trong mối quan hệ cha mẹ - con cái trong việc định hướng ngành học, nghề nghiệp cho con, như: nguồn gốc tiếp nhận văn hóa, chênh lệch tuổi tác, môi trường sống cùng những khác biệt về tâm sinh lý... Đây cũng chính là những yếu tố khiến luôn có một khoảng cách nhất định nào đó giữa cha mẹ - con cái. Để có thể thu hẹp khoảng cách này thì cha mẹ lẫn con cái cần thấu hiểu những nguyên nhân tạo nên khoảng cách và cùng kiên nhẫn nỗ lực thấu hiểu - cảm thông nhau.

Không ít cha mẹ phóng chiếu những mong ước của bản thân lên con cái, đó có thể là những điều họ từng âm thầm khao khát hay đã bắt tay thực hiện nhưng chưa hoàn thành. Hình ảnh những người cha, người mẹ như thế không hiếm trong đời thực, nhất là khi cuộc sống còn quá nhiều thách thức đối với những mơ ước về cuộc sống ổn định - thành đạt - viên mãn.

Thậm chí đâu đó, những định hướng học hành - nghề nghiệp cho con gắn với những triển vọng về tương lai xán lạn - là biểu hiện của việc mẹ cha vẫn còn là nô lệ của những ký ức gian khó của bản thân, hay bởi những lần chứng kiến thất bại của người khác, những gian trá - lọc lừa để thăng tiến, những áp lực phải thành đạt từ chính cộng đồng...

Phân tích theo góc độ kinh tế, cách thức nhiều cha mẹ đầu tư cho việc học hành của con cái tương tự cách thức các nhà doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh: luôn tính toán và phân tích chi phí đầu tư, lợi ích trong hiện tại và kỳ vọng ở tương lai.

Nhiều phụ huynh có xu hướng đầu tư vào giáo dục cho con vì nhận thấy từ thực tế rằng đầu tư vào giáo dục đem lại lợi ích lớn hơn nhiều so với đầu tư vào các danh mục khác, đặc biệt là tạo ra nguồn vốn rất quan trọng cho con cái trong tương lai.

Hiển nhiên, cha mẹ nào cũng mong chứng kiến con cái thành đạt, hạnh phúc, song liệu trẻ có thật sự hạnh phúc khi những mong ước của bản thân chìm lấp trong những “lập trình” của đấng sinh thành? Làm sao có thể kê xếp những điểm lệch trong khái niệm “hạnh phúc” của cha mẹ và con?

Nhà xã hội học Erving Goffman (*) cho rằng người trẻ là những thực thể tích cực, có tư duy và có xu hướng thể hiện cái tôi, duy trì và bảo vệ cái tôi của mình chứ không thụ động chấp nhận đóng những vai mà thiết chế xã hội quy định hay ai đó gán cho. Trong trường hợp phải tự vệ trước những thách thức, người trẻ thường có xu hướng tìm kiếm giải pháp để không đánh mất cái tôi.

Trong câu chuyện hướng học, hướng nghiệp, đã có những bạn trẻ thấy ngột ngạt khi cha mẹ tìm trường, chọn ngành, quyết định nghề thay, nếu vướng khâu nào thì cha mẹ sẽ gỡ khâu đó, từ chạy trường, xin điểm đến mua việc... Từ chỗ thấy ngột ngạt, thấy mình như con rối, người trẻ hoặc sẽ cố bứt dây, hoặc sẽ lãng quên những mong ước xưa cũ và cố gắng diễn tròn vai trong kịch bản cuộc đời mà mẹ cha đều đặn viết cho.

Vậy nên một ngày nọ, việc họ vùng lên bảo vệ ước mơ, muốn cha mẹ tôn trọng những mong ước cá nhân... thường khiến cha mẹ khó “nuốt trôi” và có xu hướng “dập” trẻ bằng suy nghĩ “trứng chẳng thể khôn hơn vịt”. Có những mâu thuẫn sẽ chẳng bao giờ tháo gỡ được nếu một trong hai bên không dũng cảm lùi một bước.

Thử trò chuyện với những người trẻ đang tuổi mười tám, đôi mươi, mẫu số chung ở họ là khao khát được ba mẹ lắng nghe - chia sẻ những ước mơ nghề nghiệp, dẫu ước mơ ấy trong mắt người khác có thể là nhỏ nhặt, vu vơ hay thậm chí rồ dại, hoang đường.

Không phải ngẫu nhiên mà câu nói “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” của “phù thủy” công nghệ Steve Jobs được nhiều người trẻ trích dẫn và lấy làm tiêu chí cho hành động, thậm chí lối sống của bản thân, nhiều đến vậy.

Song, trong câu chuyện tìm kiếm sự đồng vọng giữa cha mẹ - con cái, người trẻ vốn chưa nhiều kinh nghiệm cũng cần có thái độ lắng nghe tích cực đối với những lời khuyên của cha mẹ trong chuyện học hành, hướng nghiệp.

Khoảng cách thế hệ luôn tồn tại, song điều quan trọng không phải là dùng điều ấy để thổi bùng những xung đột mà là nỗ lực thu hẹp khoảng cách để đạt đến những quyết định phù hợp.

Trong vô số điều trẻ cần học để vững vàng bước đi trong cuộc đời có việc học tự chịu trách nhiệm với những lựa chọn, hành động của bản thân. Song đôi khi với những lý do như quá đỗi yêu thương, đau gấp nhiều lần con nếu chẳng may con vấp ngã... nên nhiều cha mẹ không nỡ buông tay con, dù thực tế chẳng thể bên con suốt cuộc đời.

Cho con được thử, cho con được sai, được sửa và được học hỏi, được tự lớn lên từ hành trình ấy đôi khi cũng là một cách yêu thương con. Có lẽ cha mẹ làm tay vịn cho con khi con thật sự cần một điểm tựa trong hành trình “thử - sai - học - lớn” sẽ tốt hơn là mãi làm dây để giật con hay dắt con đi.

(*): Nhà xã hội học Erving Goffman sinh năm 1922 tại Canada, mất năm 1982 tại Mỹ, từng giảng dạy tại các trường ĐH của Mỹ như ĐH Chicago, ĐH California, ĐH Pennsylvania...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận