Đại dịch COVID-19 đang làm hiển lộ rõ hơn khoảng cách giàu nghèo và sự bất bình đẳng trên thế giới, khi những người lao động không có lưới an sinh xã hội bảo vệ kịp thời đối mặt với rất nhiều rủi ro trong cuộc sống. Ảnh: iadb.orgNghiên cứu của Đại học Liên Hiệp Quốc vừa công bố hôm 9-4 cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể khiến nửa tỉ người trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo. Ngay cả nếu dựa trên giả định thu nhập của người dân thế giới chỉ giảm 5%, khủng hoảng lần này có thể dẫn tới lần đầu tiên từ năm 1990, tình trạng đói nghèo toàn cầu tăng lên, tương đương với 135 triệu người, hay gần 2% dân số thế giới. Các nhà nghiên cứu cảnh báo loại virus mới có thể là thách thức thực sự cho Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc: chấm dứt đói nghèo vào năm 2030.Cơn sóng thần nghèo đóiCNBC cho biết các đồng tác giả báo cáo, Christopher Hoy (Đại học Quốc gia Úc) và Andy Sumner (giáo sư Đại học King’s College London, Anh) nhận định khủng hoảng kinh tế do virus corona chủng mới gây ra “có thể sẽ nghiêm trọng hơn khủng hoảng y tế”. Báo cáo cho rằng tình trạng khủng hoảng hiện nay rất khó đảo ngược, và mức độ nghiêm trọng tùy thuộc vào sự ứng phó khẩn cấp của các chính quyền.Cụ thể, hơn 4/5 người sẽ rơi vào đói nghèo nếu virus xuất hiện ở châu Phi hạ Sahara và Nam Á, với giả thiết thu nhập hay năng lực tiêu dùng toàn cầu giảm 10%. Bên cạnh đó, 420-580 triệu người, hay 8% dân số thế giới, sẽ rơi vào đói nghèo.Với kịch bản cực đoan nhất là thu nhập và năng lực tiêu dùng trên thế giới giảm 20%, số người rơi xuống dưới ba mức đói nghèo theo chuẩn quốc tế, tức là sống với thu nhập ít hơn 1,90 - 3,20 và 5,50 đôla mỗi ngày, sẽ tăng mạnh.Một nửa trong 7,8 tỉ người trên thế giới sẽ phải sống trong đói nghèo trong kịch bản này, đồng nghĩa nỗ lực giảm nghèo của thế giới coi như thụt lùi 10 năm, cá biệt có những khu vực tới 30 năm. Giáo sư Sumner cho biết ông lấy làm sửng sốt về quy mô của “cơn sóng thần” nghèo đói có thể diễn ra ngay sau COVID-19 ở các nước đang phát triển.Trong một báo cáo khác, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận xét COVID-19 đã khiến người lao động tổn thất tổng cộng từ 860 tỉ đến 3,4 ngàn tỉ đôla vì thất nghiệp. Thu nhập giảm tác động rất lớn tới người lao động ở mức cận hoặc dưới ngưỡng nghèo. Guy Ryder, tổng giám đốc ILO, cho biết đại dịch hiện nay không chỉ là khủng hoảng y tế toàn cầu mà còn là khủng hoảng lớn về kinh tế và thị trường lao động.Nhắc lại thời điểm năm 2008 khi thế giới đã đồng lòng xử lý khủng hoảng tài chính toàn cầu, tình cảnh tồi tệ nhất đã không diễn ra, ông cho rằng “chúng ta cần phong cách lãnh đạo giống như thời điểm đó để giải quyết tình hình hiện nay”. ILO khuyến nghị cần có những chính sách bảo vệ người lao động, như khuyến khích các môi trường làm việc linh hoạt phù hợp, như làm việc từ xa.“Không chỉ là công ăn việc làm”Tại Mỹ, nơi có hơn 1/3 tổng số ca nhiễm toàn cầu và số người thiệt mạng đã lên tới hơn 20.000, trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới hiện nay, hàng triệu người lao động phải đối mặt với tình hình tài chính bấp bênh ngay cả trước khi đại dịch ập tới.Nhiều năm qua, Mary P làm công việc dọn dẹp ở một công ty quy mô lớn tại Kansas City. Theo thời gian, chị nhận thấy mức thu nhập thực của mình giảm đi, chăm sóc y tế kém đi, và công việc tưởng chừng như chắc chắn hóa ra lại bấp bênh với rất ít quyền lợi và sự bảo vệ. Rồi COVID-19 làm mọi thứ hiển hiện.“Họ nói tôi về nhà đi, sẽ gọi cho tôi nếu cần. Tôi không được trả lương. Bảo hiểm y tế chỉ có hiệu lực đến cuối tháng” - chị P, giấu danh tính vì vẫn hi vọng được trở lại làm việc, cho biết. Nếu COVID-19 xuất hiện 15 năm trước, chắc chị sẽ được ở nhà, nhận lương, có bảo hiểm nếu đau bệnh.Nhưng giờ cuộc sống của chị vô cùng bấp bênh. “Tôi có thể xin trợ cấp thực phẩm và nộp đơn trợ cấp thất nghiệp, nhưng còn tiền thuê nhà? Tôi rất lo nếu ốm. Tôi chắc sẽ chỉ dám ở nhà thôi, vì không thể có tiền trả cho bác sĩ”.Đến nay đã có gần 20 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tạm thời, và đại dịch đã làm hiển lộ sự bất bình đẳng tăng nhanh chóng ở Mỹ giữa người siêu giàu và phần còn lại của đất nước, không chỉ về tài sản, mà cả chất lượng công việc và lưới an sinh xã hội.“Vấn đề không chỉ là việc làm - tờ Guardian (Anh) dẫn lời Elise Gould, kinh tế gia trưởng tại Viện Chính sách kinh tế ở Washington, nhận xét - Đại dịch khiến chúng ta nhìn rõ hơn những chênh lệch không chỉ là về việc làm hay lương, mà còn là sức khỏe, điều kiện làm việc và khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế. Tất cả những điều này cho thấy đang tồn tại hai xã hội khác nhau ở Mỹ. Vì sự bất bình đẳng đang tăng, ngày càng có nhiều người dễ bị tổn thương hơn”.Dĩ nhiên Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có tình trạng thất nghiệp gia tăng. ILO cho biết dự kiến đại dịch sẽ khiến 195 triệu việc làm biến mất. Hơn 4/5 người lao động toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa một phần hay toàn bộ.Lao động ở lĩnh vực phi chính thức, chiếm 61% lực lượng lao động thế giới, tương đương 2 tỉ người, sẽ cần hỗ trợ thu nhập chỉ để tồn tại và nuôi sống gia đình nếu mất việc. Những người này bình thường không có những sự bảo vệ an sinh xã hội chính thức. (Trong gói giải cứu 2.000 tỉ đôla của Mỹ, người lao động mất việc sẽ được trợ cấp thất nghiệp, và thêm 600 đôla mỗi tuần trong 4 tháng đầu).Nhiều nước như Đan Mạch hay Anh đang hỗ trợ người lao động thu nhập khi họ không đi làm, và điều đó góp phần vào một kế hoạch cách ly xã hội thành công. Dù giải pháp này không hoàn hảo nhưng nó đã thay đổi nguyên lý phải đi làm thì mới có thu nhập, và hướng về lý tưởng là con người xứng đáng được sống ngay cả khi họ không làm việc.Nhưng trong số các nền kinh tế mạnh thì người lao động Mỹ đặc biệt dễ tổn thương vì họ không có lưới an sinh như ở Pháp hay Đức, hoặc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế công như ở Anh hay Canada.Sự nổi lên của xu hướng việc làm thời vụ, hợp đồng ngắn hạn, thuê gia công ngoài… cho thấy số người lao động phải hứng chịu cú sốc kinh tế bất ngờ đang lớn dần. Nó cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ còn nhiều người lao động thiếu nguồn lực để có thể chống chọi một quãng thời gian mất việc ngắn hạn. Khảo sát của Cục Dự trữ liên bang năm 2019 cho thấy 4/10 người lao động sẽ rất khó có được dù chỉ 400 đôla Mỹ tiền mặt phòng thân trong trường hợp khẩn cấp.Ông Gould cho rằng cuộc khủng hoảng này càng trầm trọng do các công ty đã gạt bỏ trách nhiệm của mình. “Một phần lý do là những doanh nghiệp không nhận trách nhiệm với người lao động mà đáng lý họ thực sự cần quan tâm, dù đó là lao động thời vụ, hợp đồng hay tự do.Những người này về bản chất vẫn là người lao động và họ cần được đối xử như vậy”. Ông cho biết hơn 1/4 người lao động ở khối tư nhân tại Mỹ không thể đòi được trả lương cho thời gian nghỉ ốm. Tức là nhiều người sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục đi làm, dù họ có triệu chứng, và như vậy khả năng lây nhiễm virus lại tăng lên.Bất bình đẳng trực tiếp cướp đi sinh mạng“Con virus đã làm hiển lộ sự bất bình đẳng khổng lồ giữa khối lao động chuyên môn cao, cổ trắng, có thể vượt qua được khủng hoảng, hiện ở nhà, với rủi ro ít hơn, đau bệnh vẫn được nhận lương và có bảo hiểm y tế - Gould phân tích - Và một tầng lớp lao động khá dễ bị nhiễm bệnh hơn vì bản chất công việc của họ, dễ hứng chịu hậu quả hơn nếu mắc bệnh vì sự bất bình đẳng tăng cao, do họ không có lương nghỉ ốm hay bảo hiểm y tế”.Nhiều người như vậy làm các công việc tiếp xúc nhiều với cộng đồng như trong lĩnh vực vận tải, bán hàng, chăm sóc người khác. Một ví dụ điển hình là cái chết của Jason Hargrove, tài xế xe buýt ở Detroit. Hargrove đã đăng lên Facebook một video cho biết ông rất tức giận khi bị hành khách ho vào mặt. Người đàn ông 51 tuổi, cha của 6 đứa con, nhiễm virus và thiệt mạng 11 ngày sau đó.Virus cũng làm nghiêm trọng hơn tình trạng phân biệt chủng tộc. Nhiều thống kê cho thấy cộng đồng người Mỹ gốc Phi bị virus tấn công dữ dội hơn. Người Mỹ da màu thiệt mạng nhiều hơn so với những chủng tộc khác.Ở hạt Milwaukee, Wisconsin, người da màu thiệt mạng chiếm 81% tổng số ca, nhưng họ chỉ là 26% dân số, theo ProPublica. Ngay cả ở những thành phố chưa bị tấn công mạnh như Kansas City, tỉ lệ tập trung cao nhất các ca dương tính là ở các quận với tỉ lệ dân cư da màu lớn nhất.Chênh lệch đặc biệt lớn ở các thành phố như New Orleans, Chicago và Detroit. Louisiana có số lượng ca lớn nhất cả nước, và đa phần ca thiệt mạng là ở New Orleans, nơi người da màu chiếm 60% dân số.Nhiều lao động da màu rất khó giãn cách xã hội, trong khi các cộng đồng thiểu số như họ lại có mức độ bệnh tật cao hơn, từ béo phì tới tiểu đường, huyết áp cao, khiến càng dễ lây và dễ tổn thương trước virus. Họ cũng không có điều kiện để được nhận chăm sóc y tế tốt.Thống đốc J. B. Pritkzer của Illinois thừa nhận rằng sự phân biệt chủng tộc có tác động tới cách đối phó của tiểu bang với nạn dịch, nhưng ông cũng cho rằng điều này không thể giải quyết một sớm một chiều. Trong khi đó, virus lại không biết phân biệt người nào thuộc chủng tộc nào. ■Một trong nhiều đề xuất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên kinh tế của COVID-19 là cần nhanh chóng mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Những gia đình dễ tổn thương nhất là người bị tác động kinh tế mạnh nhất. Tags: Bất bình đẳngĐại học Liên Hiệp QuốcĐại dịch Covid-19Sống trong nghèo đói
Cận cảnh điện Thái Hòa dát 300 lạng vàng sau 3 năm đại trùng tu, mở cửa đón khách NHẬT LINH 23/11/2024 Điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng cung Huế - đã mở cửa trở lại đón khách sau 3 năm đại trùng tu.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Thêm một vụ đất ông bà để lại ở hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng TRƯỜNG TRUNG 23/11/2024 Thêm một vụ giành quyền sử dụng đường chung tại chính hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng.
Cứu 7 người kẹt trong căn nhà bốc cháy, cảnh sát nhường mặt nạ dưỡng khí cho cô gái mang bầu HỒNG QUANG 23/11/2024 Căn nhà bốc cháy trên phố Trúc Bạch (Hà Nội). Cảnh sát đã đưa 7 người mắc kẹt trên tầng cao ra ngoài.